Heo đất nghĩa tình
Mỗi người chỉ cần tiết kiệm vài ngàn đồng/ngày là đã có thể góp sức mang đến những phần quà, suất học bổng giúp đỡ người có hoàn cảnh khó khăn, học sinh nghèo.
Đó là ý nghĩa nhân văn, thiết thực mà mô hình Nuôi heo đất mang lại ở nhiều cơ quan, đơn vị, địa phương thời gian qua.
Góp yêu thương, thiết thực sẻ chia
Phó trưởng ban Tuyên giáo Đảng ủy xã Long Đức (huyện Long Thành) Phạm Đức Nhân chia sẻ, nuôi heo đất khuyến học là một trong những mô hình tiêu biểu trong học tập và làm theo Bác trên địa bàn xã. Từ một vài đơn vị, đến nay mô hình này được triển khai ở khắp các chi bộ, đoàn thể toàn xã, trở thành một phong trào ý nghĩa thúc đẩy công tác khuyến học tại địa phương.
Bí thư Đoàn xã Long Đức Huỳnh Kim Phượng cho biết, những năm qua, mô hình Nuôi heo đất đã được Đoàn xã phát động sôi nổi trong các chi đoàn trực thuộc. Vào mỗi buổi sinh hoạt định kỳ, các đoàn viên sẽ tiết kiệm một số tiền nhỏ đóng góp kinh phí nuôi heo.
“Ngoài ra, sau mỗi buổi sinh hoạt và vào định kỳ hàng tuần, Đoàn xã còn tổ chức cho các đoàn viên đi thu gom phế liệu để bán lấy tiền bỏ vào heo đất. Đoàn xã cũng mạnh dạn vận động thêm các mạnh thường quân cùng chung sức đóng góp để lan tỏa những giá trị tốt đẹp từ mô hình này. Số tiền thu được từ mô hình, Đoàn sẽ chia thành nhiều suất học bổng mang đến tận trường hoặc tận nhà để trao tặng cho học sinh nghèo. Mỗi suất trị giá 300-500 ngàn đồng” - chị Phượng cho hay.
Phó chủ tịch HĐND kiêm Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) xã Gia Tân 3 (huyện Thống Nhất) Đặng Thị Diễm Anh chia sẻ, Nuôi heo đất tiết kiệm khuyến học, Nuôi heo đất vì phụ nữ nghèo là 2 trong những mô hình được Hội LHPN xã duy trì triển khai thời gian qua, góp phần thiết thực chăm lo cho chị em có hoàn cảnh khó khăn và học sinh nghèo.
Từ ý nghĩa mà mô hình Nuôi heo đất mang lại, các đơn vị, địa phương cho biết, thời gian tới sẽ tiếp tục triển khai sâu rộng hơn nữa mô hình nhằm lan tỏa những điều tốt đẹp trong cộng đồng, nhất là góp sức chắp cánh ước mơ cho học trò nghèo.
Toàn xã hiện có 35 con heo đất đến từ cán bộ, hội viên, phụ nữ trên địa bàn. Vào buổi sinh hoạt định kỳ của các chi, tổ, hội, mỗi chị em sẽ tự nguyện đóng góp tiền bỏ vào heo đất. Có những chị em dù có việc đột xuất không thể đi họp vẫn thông qua hội viên khác tham gia đóng góp. Số tiền có thể là 5 ngàn, 10 ngàn hay 20 ngàn đồng… trên tinh thần “của ít lòng nhiều”, nhưng luôn được các chị em sẵn lòng đóng góp đều đặn.
Ngoài ra, Hội LHPN xã còn gắn kết chặt chẽ và nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của các hội đoàn tại các giáo xứ trên địa bàn. Nhờ đó, từ các mô hình nuôi heo đất, hàng năm đều có hàng trăm suất quà được gửi đến các phụ nữ nghèo, học sinh có hoàn cảnh khó khăn.
Trung bình mỗi năm, số tiền thu được từ mỗi con heo đất trong mô hình Nuôi heo đất vì phụ nữ nghèo sẽ mua được hơn 100 suất quà, mỗi suất trị giá khoảng 130 ngàn đồng, tặng cho chị em có hoàn cảnh khó khăn. Trong khi đó, mô hình Nuôi heo đất tiết kiệm khuyến học mỗi năm góp sức trao tặng được ít nhất 5-10 suất học bổng, mỗi suất trị giá từ 300-500 ngàn đồng cho học sinh nghèo trên địa bàn.
Trở thành phong trào sôi nổi, ý nghĩa
Với cách thức thực hiện đơn giản nhưng ý nghĩa nhân văn, thiết thực, tại nhiều địa phương, đơn vị cấp huyện, mô hình Nuôi heo đất còn được triển khai sâu rộng trong toàn hệ thống các đơn vị trực thuộc, tạo thành một phong trào sôi nổi.
Đơn cử như tại Huyện đoàn Tân Phú, mô hình Nuôi heo đất gây quỹ tiếp sức đến trường đã được triển khai sâu rộng trong tất cả các cơ sở Đoàn trên địa bàn huyện nhiều năm qua.
Thực hiện mô hình, mỗi đoàn viên khối hành chính sự nghiệp, lực lượng vũ trang, chi đoàn giáo viên thuộc khối trường học trực thuộc huyện và xã, thị trấn sẽ nuôi một con heo đất và mỗi ngày tiết kiệm bỏ heo ít nhất 1 ngàn đồng. Cùng với đó, Huyện đoàn phát động mỗi chi đoàn học sinh của Đoàn khối trường học nuôi heo đất và vận động mỗi tuần một đoàn viên, học sinh bỏ heo ít nhất 1 ngàn đồng.
Theo Huyện đoàn Tân Phú, số tiền thu được sẽ được ban chấp hành Đoàn các đơn vị, ủy ban hội, liên đội các trường trao tặng trực tiếp bằng quà, hiện vật hoặc tiền mặt cho các đối tượng chính sách, hộ nghèo, thanh thiếu nhi có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn huyện.
Bắt đầu phát động triển khai từ năm 2011 đến nay, số tiền thu được từ mô hình Nuôi heo đất đã lên tới gần 2,7 tỷ đồng. Từ đó, đã tiếp sức cho 875 học sinh có hoàn cảnh khó khăn, trao gần 5 ngàn phần quà, gần 1,4 ngàn bộ sách giáo khoa, hơn 15 ngàn cuốn tập, 150 xe đạp và nhiều bộ dụng cụ học tập cho học sinh nghèo trên địa bàn huyện.
Ở một số cơ quan, đơn vị có những mô hình tuy có tên gọi khác, nhưng cũng có cùng cách thức thực hiện và mang lại ý nghĩa nhân văn tương tự như mô hình Nuôi heo đất.
Có thể kể đến như mô hình Một ngàn đồng học phí cho em tại Ban Chỉ huy quân sự huyện Long Thành. Theo đó, mỗi cán bộ, chiến sĩ trong toàn lực lượng vũ trang huyện hàng ngày tiết kiệm và đóng góp 1 ngàn đồng. Hàng quý, các đơn vị sẽ kiểm tiền đóng góp được và phối hợp với các trường học trên địa bàn xã, thị trấn để hỗ trợ kinh phí cho các em học sinh nghèo.
Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/chinh-tri/202406/heo-dat-nghia-tinh-4c45d65/