Hermès thu lợi nhuận 'khủng', phải mở thêm nhà máy để sản xuất túi hiệu
Nhu cầu sở hữu những túi hiệu đắt tiền không chỉ giúp các thương hiệu thời trang xa xỉ như Hermès thu lợi khổng lồ, mà đây còn là động lực để đại gia túi hiệu Pháp mở thêm nhà máy để đẩy mạnh sản xuất.
Hermès, nhà sản xuất túi xách Birkin và Kelly trị giá hơn 5.000 bảng Anh, đã báo cáo doanh số bán hàng tăng 23% trong ba tháng đầu năm, trở thành công ty hàng xa xỉ mới nhất được hưởng lợi từ việc những người mua sắm giàu có chi tiêu lớn bất chấp khủng hoảng chi phí sinh hoạt.
Eric du Halgouët, Giám đốc tài chính của Hermès, cho biết công ty Pháp được hưởng lợi từ “lưu lượng khách hàng mua sắm rất năng động” tại chuỗi cửa hàng, đặc biệt là ở châu Á, Italy và Vương quốc Anh nơi “tăng trong dòng khách du lịch” đã giúp nâng tổng doanh thu hàng quý lên 3,4 tỷ euro (3 tỷ bảng Anh).
Những chiếc túi Hermès đã trở thành món đồ sưu tầm không thể thiếu của giới siêu giàu và người nổi tiếng, bao gồm Victoria Beckham, Katie Holmes, Rita Ora và Kelly Brook. Bộ sưu tập hơn 100 chiếc Birkin của Beckham, bao gồm cả phiên bản màu hồng gây sốc trị giá 100.000 bảng, được cho là trị giá hơn 1,5 triệu bảng.
Không đơn thuần là những chiếc túi hiệu - phụ kiện xa xỉ để các đại gia "khoe khéo" tài sản, độ giàu có, những túi hiệu Hermès còn được ví như nơi trú ẩn tài sản an toàn. Theo nhiều người, những chiếc túi hiệu càng lâu đời, khi bán đấu giá sẽ thu được nhiều lợi nhuận hơn.
Thậm chí, theo công ty thời trang xa xỉ Pháp, nhu cầu của người tiêu dùng đối với những chiếc túi xách da đắt tiền mạnh đến mức khiến hãng phải mở một chuỗi các nhà máy “thủ công” để đẩy mạnh sản xuất.
Tuần trước, hãng đã khai trương một cơ sở mới ở Louviers, Normandy (Pháp), với trên dưới 140 công nhân làm đồ da làm túi Kelly 25cm và có kế hoạch tăng gấp đôi quy mô lực lượng lao động trong vòng 4 năm tới.
Mỗi chiếc túi Kelly, được đặt theo tên của huyền thoại Hollywood Grace Kelly vào những năm 1950. Theo Guardian, phải mất từ 14 đến 20 giờ để một thợ da chuyên dụng làm với đôi tay thoăn thoắt, tỉ mỉ.
Công ty cũng đang xây dựng các nhà máy mới tại Sormonne, phía Đông Bắc và Riom, miền Trung nước Pháp, dự kiến sẽ khai trương vào năm tới với mục tiêu tăng sản lượng hàng da lên 7%.
Giám đốc điều hành của Hermès, Axel Dumas chia sẻ các nhà máy mới cần có thời gian để đi vào hoạt động vì những công nhân thuộc da giỏi nhất của họ đã được đưa đi để giúp đào tạo nhân viên mới.
Hermès đã sử dụng hơn 4.000 công nhân thuộc da và đang thuê hơn 200 người mỗi năm.
Công ty cũng đã mở một trường dạy làm đồ da chuyên dụng để đào tạo nhiều thợ thủ công hơn trong nghệ thuật làm túi xách. Trường dạy nghề thủ công của Hermès, đã được chứng nhận bởi bộ giáo dục Pháp, hiện có hơn 450 người theo học các chương trình học nghề hàng da tại các xưởng trên khắp nước Pháp.
Công ty được thành lập vào năm 1837 bởi nhà sản xuất yên ngựa Thierry Hermès. Trong năm 2023, công ty đã ghi nhận giá cổ phiếu tăng hơn 50%, lên 1.963 euro, mang lại cho công ty giá trị thị trường hơn 200 tỷ euro. Đầu năm nay, hãng thời trang xa xỉ đã thưởng cho tất cả 19.700 nhân viên của mình khoản tiền thưởng 4.000 euro để ghi nhận thành công này.
Hermès vẫn thuộc sở hữu đa số của con cháu Thierry Hermès, bao gồm Axel Dumas, thành viên thế hệ thứ sáu của gia đình. Tài sản của gia đình Dumas ước tính vào khoảng 96 tỷ USD (77 tỷ bảng Anh), khiến họ trở thành gia đình giàu thứ năm trên thế giới, theo chỉ số tỷ phú Bloomberg. Em họ của ông, Pierre-Alexis Dumas, là Giám đốc nghệ thuật của công ty.
Luca Solca, một nhà phân tích tại Bernstein, cho biết hiệu suất “khẳng định khả năng vượt trội của Hermes trong việc vượt qua các xu hướng nhu cầu bất lợi, tận dụng mức độ mong muốn thương hiệu cao và danh sách chờ đợi các sản phẩm mang tính biểu tượng”.
Không chỉ Hermes, nhiều hãng thời trang xa xỉ toàn cầu khác cũng gặt hái được nhiều thành tựu lớn, vượt ngoài mong đợi. Đầu tuần này LVMH, đế chế hàng xa xỉ của người giàu nhất thế giới, Bernard Arnault, đã báo cáo doanh thu quý đầu tiên tăng 17% lên 21 tỷ euro.
Sự kiện này đã giúp cổ phiếu của tập đoàn sở hữu rượu sâm panh Louis Vuitton, Christian Dior và Moët & Chandon tăng lên mức cao kỷ lục 890 euro - định giá công ty ở mức 447 tỷ euro. Điều đó làm cho nó trở thành công ty có giá trị nhất ở châu Âu và có giá trị thứ 10 trên thế giới.
Lê Na (Theo Guardian)