Hết lễ, có hết khách?

Sau kỳ nghỉ lễ 30/4 - 1/5 với hơn 60.000 lượt khách, du lịch Điện Biên chuẩn bị bước vào mùa thấp điểm. Ngành du lịch địa phương đang đưa ra các giải pháp để duy trì sức hút và giữ chân du khách, không để dòng khách 'đứt gãy' theo mùa.

Dịp lễ vừa qua, nhiều tuyến phố trung tâm TP. Điện Biên Phủ tấp nập xe cộ, các điểm di tích lịch sử không lúc nào ngớt khách. Từ Tượng đài Chiến thắng, Đồi A1, Hầm Đờ Cát đến Bảo tàng Chiến thắng hay Sở chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ... đều đông kín người đến tham quan, chụp ảnh, tìm hiểu lịch sử. Không khí sôi động gợi nhớ phần nào cao trào của năm 2024 - năm đánh dấu mốc 70 năm chiến thắng "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu".

Theo Phòng Quản lý Du lịch (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch), trong 5 ngày nghỉ lễ, Điện Biên đón trên 60.000 lượt khách, trong đó có hơn 13.000 lượt khách lưu trú. Tổng doanh thu từ du lịch đạt 182 tỷ đồng. Đây là những con số khả quan trong bối cảnh không còn “hiệu ứng kỷ niệm lớn” như năm ngoái. Hệ thống lưu trú vận hành ổn định, dịch vụ vận tải, ăn uống không xảy ra phản ánh tiêu cực, kỳ nghỉ lễ được đánh giá suôn sẻ.

Dịp lễ 30/4 - 1/5 vừa qua, Điện Biên đón hơn 60.000 lượt khách

Dịp lễ 30/4 - 1/5 vừa qua, Điện Biên đón hơn 60.000 lượt khách

Nhưng ngay sau những ngày rộn ràng ấy, du lịch Điện Biên lại bước vào thời điểm trùng xuống. Từ tháng 6 đến tháng 9 là mùa mưa - mùa mà không ít cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch buộc phải “nghỉ ngơi”.“Muốn du lịch phát triển bền vững, chúng ta buộc phải chủ động thích ứng, từ sản phẩm, truyền thông đến chính sách hỗ trợ” - ông Phạm Văn Thăng, Trưởng phòng Quản lý du lịch chia sẻ.

Trong bức tranh tái cấu trúc du lịch Điện Biên hậu cao điểm, Trung tâm Xúc tiến du lịch tỉnh được xem là một trong những đơn vị đi đầu trong chuyển đổi tư duy truyền thông. Không chỉ nâng cao quảng bá điểm đến theo thời điểm, Trung tâm đã bắt đầu kể những bước đi dài hơi hơn về trải nghiệm, về hành trình, về cảm xúc của người đi và người ở lại.

“Trước đây, chúng ta thường làm truyền thông theo sự kiện. Nhưng nay, câu hỏi đặt ra là: Du khách đến Điện Biên có gì ngoài chiến trường xưa? Từ đó, chúng tôi bắt đầu quảng bá theo sản phẩm, theo mùa, theo nhóm khách hàng mục tiêu cụ thể” - ông Đặng Minh Phương, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến du lịch tỉnh cho biết.

Mỗi dịp lễ hội là điểm nhấn để thu hút khách du lịch. Trong ảnh: Lãnh đạo tỉnh tham gia quảng bá du lịch Điện Biên

Mỗi dịp lễ hội là điểm nhấn để thu hút khách du lịch. Trong ảnh: Lãnh đạo tỉnh tham gia quảng bá du lịch Điện Biên

Không ồn ào, không hình thức, cách làm truyền thông hiện nay của Trung tâm đi vào chiều sâu như: Tổ chức các đoàn khảo sát (farmtrip), phối hợp với các KOLs, blogger, tiktoker… để mang hình ảnh Điện Biên đến với người trẻ - nhóm khách hàng có sức lan tỏa lớn nhưng cũng khó chiều nhất.Song hành với truyền thông là định hướng sản phẩm mới. Những tuyến du lịch đến vùng biên như A Pa Chải, tour khám phá Tủa Chùa, hay du lịch cộng đồng ở Nà Sự, Mường Phăng, Him Lam… đang được xây dựng theo hướng đặc sắc và khác biệt. Điểm chung của các sản phẩm này là tính nguyên bản, không trùng lặp với các địa phương khác. Đây là yếu tố then chốt để “giữ chân” du khách.

Trong phát triển du lịch bền vững, không thể thiếu vai trò của cộng đồng - nơi trực tiếp tạo ra trải nghiệm du lịch. Nhiều địa phương ở Điện Biên đang dần hiểu rằng, giữ được văn hóa, giữ được lối sống bản địa chính là giữ được du khách. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh đã và đang đề xuất ban hành các chính sách hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng và sản phẩm du lịch mới. Nếu được thông qua, đây sẽ là đòn bẩy cần thiết để các vùng như Mường Nhé, Tủa Chùa, Nậm Pồ - nơi còn thiếu cơ sở vật chất có thể tham gia sâu hơn vào thị trường du lịch.

Cột mốc ngã 3 biên giới cùng Cột cờ A Pa Chải sẽ là sản phẩm du lịch mới

Cột mốc ngã 3 biên giới cùng Cột cờ A Pa Chải sẽ là sản phẩm du lịch mới

Bên cạnh truyền thông nội tỉnh, Điện Biên cũng đang mở rộng thị trường bằng các chương trình liên kết vùng. Tháng 6 tới, tỉnh dự kiến tổ chức “Những ngày Điện Biên tại thành phố Huế”, đây là sự kiện quảng bá văn hóa, ẩm thực và du lịch đến thị trường miền Trung. Bên cạnh đó, Festival Tinh hoa Tây Bắc cuối tháng 8 cũng là một cú hích lớn, giúp Điện Biên kết nối sâu hơn với doanh nghiệp, du khách và các tỉnh bạn.Chuyển động ấy cho thấy, ngành du lịch tỉnh không còn ngồi đợi khách đến. Thay vào đó, họ đang tự đi tìm khách bằng trải nghiệm thực chất, bằng sản phẩm bản địa, và bằng những cách kể chuyện chạm cảm xúc.

Những điểm đến giàu giá trị lịch sử như Điện Biên với chiến thắng vang dội năm xưa có thể hút hàng trăm nghìn du khách đến tìm hiểu. Nhưng để khiến họ quay lại lần thứ hai, thứ ba… thì chỉ có thể bằng chiều sâu văn hóa, bằng chất lượng dịch vụ và sự thân thiện thường nhật.Và trong nỗ lực đó, có thể thấy ngành du lịch Điện Biên đang từng bước đi đúng hướng.

Sau những sự kiện lễ hội nổi bật, ngành du lịch không chỉ “dọn dẹp” sân khấu, mà đang tiếp tục “dựng phông” cho những màn trình diễn dài hơi hơn.

Thu Thảo

Nguồn Điện Biên Phủ: https://baodienbienphu.vn/bai-thuong/du-lich/het-le-co-het-khach