Hết lòng vì biển, đảo quê hương

Quen thân từ lâu nên chúng tôi không ngại khi hỏi nhà thơ, nhà báo Lữ Mai (Báo Nhân Dân) là lấy kinh phí ở đâu để cùng kỹ sư Trần Vũ Thành in sách và tổ chức triển lãm ảnh 'Nơi đầu sóng'? Lữ Mai chân thành chia sẻ: Anh Thành là chủ doanh nghiệp nhưng không có nhiều tiền, kinh phí chủ yếu từ nguồn xã hội hóa. Nhiều người chưa từng gặp vẫn tin tưởng, ủng hộ anh Thành vì anh ấy là chủ nhiệm Câu lạc bộ (CLB) 'Tuổi trẻ vì biển, đảo quê hương'...

Đến với Trường Sa với tất cả tấm lòng

Nhắc đến CLB “Tuổi trẻ vì biển, đảo quê hương” trực thuộc Trung tâm Tình nguyện Quốc gia (Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh), bao kỷ niệm lại ùa về với chúng tôi. Cuối năm 2016, Tàu 936 (Lữ đoàn 146, Vùng 4 Hải quân) chở Đoàn công tác số 2 ra tuyến giữa Quần đảo Trường Sa tặng quà, chúc mừng năm mới cán bộ, chiến sĩ. Đồng hành cùng nhóm nhà báo có hai tình nguyện viên CLB “Tuổi trẻ vì biển, đảo quê hương” là anh Lê Văn Hồng (Bệnh viện Trung ương Quân đội 108) và anh Đỗ Văn Dệ (Trung tâm Tình nguyện Quốc gia). Anh Lê Văn Hồng sau này còn cùng chúng tôi tham gia nhiều chương trình “Chung sức vì sức khỏe cộng đồng” của Hội Bác sĩ tình nguyện về những vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn ở miền Bắc và Bắc Trung bộ. Trong hải trình, hai anh đã mang quà, mang thư của các em học sinh tận tâm gửi tới các chiến sĩ, chụp ảnh và in ảnh tại chỗ tặng cán bộ, chiến sĩ trên các đảo… Sức hút tinh thần tình nguyện của tuổi trẻ đã lôi cuốn nhiều nhà báo sau chuyến đi gia nhập CLB. Điển hình như chị Phạm Thị Ánh Hồng (Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh Bình Định) đã rất tích cực quyên góp quà tặng, nhất là tặng cây lá giang để trồng trên đảo, dùng lá nấu canh chua…

Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết kỹ sư Trần Vũ Thành là người thành lập CLB “Tuổi trẻ vì biển, đảo quê hương”, thủ lĩnh của những hoạt động tình nguyện nhiệt huyết hướng tới nơi đảo xa. Anh Thành đã có 8 lần ra Trường Sa và luôn mang trong mình bầu nhiệt huyết để tổ chức nhiều hoạt động thiết thực hướng về biển, đảo thân yêu.

 Kỹ sư Trần Vũ Thành (bên trái) nhận quả bóng có chữ ký của Đội tuyển quốc gia Việt Nam gửi tới Trường Sa từ đội trưởng Quế Ngọc Hải. Ảnh do nhân vật cung cấp.

Kỹ sư Trần Vũ Thành (bên trái) nhận quả bóng có chữ ký của Đội tuyển quốc gia Việt Nam gửi tới Trường Sa từ đội trưởng Quế Ngọc Hải. Ảnh do nhân vật cung cấp.

Trò chuyện với kỹ sư Trần Vũ Thành, chúng tôi được biết chuyến đi đầu tiên ra Trường Sa cách đây 5 năm, đúng vào cao điểm mùa khô năm 2014, khi cán bộ, chiến sĩ trên các đảo chia nhau từng can nước ngọt. Khó khăn giữa thời bình nơi tiền tiêu Tổ quốc khiến kỹ sư Trần Vũ Thành vô cùng xúc động, muốn làm một điều gì đó để những người lính nơi đảo xa bớt phần gian khổ. Anh Thành và các cộng sự liền bắt tay nghiên cứu trong 6 tháng để cho ra đời máy lọc nước biển thành nước ngọt công nghệ màng lọc RO. Sau bao lần trình lên các cơ quan chức năng phê duyệt và cho phép triển khai sản xuất thí điểm, đến năm 2015, chiếc máy lọc đầu tiên NT-30 với công suất 50 lít/giờ đã được lắp đặt trên đảo Trường Sa Đông. Chuyện biến nước biển thành nước ngọt ở nước ngoài đã có từ đâu, nhưng ở nước ta lại rất mới. Chính vì thế, nhiều người vẫn không tin thành phẩm là nước ngọt. Thế mới có chuyện, có người thử lấy nước từ máy lọc đem nấu cơm xem cơm chín không rồi lại để cơm nguội xem cơm có còn mềm không mới đích thị là nước ngọt.

Kỹ sư Trần Vũ Thành kể: “Nồi cơm nấu thử nghiệm hôm ấy để từ trưa đến chiều vẫn mềm. Mọi người vỡ òa sung sướng. Chúng tôi, những người sáng tạo ra sản phẩm, cảm thấy như phần nào trả được “món nợ” ân tình với Trường Sa”. Sau thời gian sử dụng nhiều năm, thành phẩm nước ngọt từ máy lọc nước luôn đạt quy chuẩn QCVN 01:2009/BYT. Kết quả thử nghiệm cho thấy máy lọc hoàn toàn phù hợp, đáp ứng nhu cầu của quân và dân trên các vùng biển, đảo. Công nghệ lọc nước biển thành nước ngọt đã được Bộ Khoa học và Công nghệ trao tặng Giải thưởng Sáng tạo khoa học Việt Nam năm 2017 và được vinh danh trong Sách vàng sáng tạo Khoa học- Công nghệ năm 2018.

Tiếp đà thành công, kỹ sư Trần Vũ Thành và các cộng sự tiếp tục triển khai công nghệ vi sinh xử lý môi trường biển đảo. Ở giữa biển khơi, quá trình phân hủy các chất hữu cơ diễn ra rất chậm, gây mùi hôi thối cho các khu vực chăn nuôi và khu sinh hoạt trên đảo. Kỹ sư Trần Vũ Thành đã triển khai thành công hai chế phẩm vi sinh xử lý môi trường là AT-YTB và Mediapag-20, giúp chất thải hữu cơ không còn mùi hôi thối, diệt khuẩn và ủ thành mùn đất phục vụ việc trồng trọt trên đảo. Gần đây nhất, vào tháng 4-2019, nhóm kỹ sư của Công ty Công nghệ môi trường 3T Việt Nam do kỹ sư Trần Vũ Thành làm Chủ tịch Hội đồng quản trị đã lắp đặt thành công máy ép rác C-Sea tại đảo Song Tử Tây. Xuất phát từ thực tế rác thải từ thuyền đánh cá, trên các đảo không có chỗ chôn lấp, bất đắc dĩ phải xả xuống biển gây ô nhiễm môi trường, kỹ sư Trần Vũ Thành nảy ra sáng kiến nghiên cứu chế tạo máy ép rác vô cơ. Các máy ép rác có lực ép tối đã 8-10 tấn sẽ thu nhỏ thể tích các rác thải nhựa, kim loại sau đó vận chuyển vào bờ tái chế, thiết thực làm xanh, sạch, đẹp môi trường biển, đảo.

Đem thắc mắc vì sao kỹ sư Trần Vũ Thành và các cộng sự lại có thể sáng chế các sản phẩm công nghệ nhanh chóng, với chất lượng không kém gì hàng ngoại nhập ra hỏi, chúng tôi nhận được nụ cười hiền từ người kỹ sư: “Xuất phát điểm của mình là dân xây dựng, chuyên thi công hầm. Khi xây dựng hầm xảy ra rất nhiều vấn đề đòi hỏi người kỹ sư phải nhanh chóng sáng chế ra các giải pháp kỹ thuật đảm bảo an toàn cho người và công trình hoàn thành đúng tiến độ. Chẳng hạn như phải lọc nước trong hầm có chứa thuốc nổ rồi mới xả ra môi trường. Cho nên so với những giải pháp kỹ thuật trong ngành xây dựng thì những sản phẩm công nghệ dành cho biển, đảo không quá phức tạp”.

Có những chuyện anh Thành không chia sẻ, nhưng chúng tôi cũng đoán biết được. Đã có không ít người nghi ngờ những việc làm của anh thưở ban đầu. Nhưng với tình cảm chân thành với Trường Sa, đến với Trường Sa với tất cả tấm lòng, anh Thành và các cộng sự đã âm thầm sáng chế, kiên trì thuyết trình để đưa sản phẩm tới với quân và dân trên các vùng biển, đảo.

Lan tỏa tình yêu biển, đảo đến mọi người

Làm trong ngành xây dựng, kỹ sư Trần Vũ Thành đã đi nhiều nơi vùng sâu vùng xa. Vẻ đẹp nơi núi cao, rừng sâu đã được anh ghi lại trong nhiều bức ảnh ấn tượng. Thế nhưng khi đến với Trường Sa, anh ngỡ ngàng với vẻ đẹp nguyên thủy của những rạn san hô, bãi cát trắng mịn, nước biển xanh trong nhìn rõ cá tung tăng bơi lội…

 Kỹ sư Trần Vũ Thành (bên phải) tặng quà thầy giáo và học sinh trên đảo Sinh Tồn. Ảnh do nhân vật cung cấp.

Kỹ sư Trần Vũ Thành (bên phải) tặng quà thầy giáo và học sinh trên đảo Sinh Tồn. Ảnh do nhân vật cung cấp.

Ham học hành, chịu khó tìm hiểu về nhiếp ảnh nên hàng ngàn bức ảnh về Trường Sa của kỹ sư Trần Vũ Thành qua nhiều lần tổ chức khắp mọi miền đất nước đã chinh phục được những người xem khó tính nhất. Tháng 8-2019, kỹ sư Trần Vũ Thành và nhà thơ, nhà báo Lữ Mai tổ chức ra mắt sách, triển lãm ảnh với chủ đề “Nơi đầu sóng”. Cuốn sách “Nơi đầu sóng” do NXB Văn học phát hành gồm 21 câu chuyện do Lữ Mai chấp bút được minh họa bởi những bức ảnh sống động của Trần Vũ Thành. Hai tác giả mong muốn hướng đến một dự án dài hơn, với quy mô lớn hơn và hình thức cũng đa dạng hơn; chẳng hạn, sẽ có sách cho tất cả các điểm đảo ở Trường Sa và Nhà giàn DK1... Tất cả sẽ là nền tảng để hình thành nên tủ sách “Biển, đảo quê hương” và có thể chuyển thành sách điện tử để phát hành tới cộng đồng người Việt ở nước ngoài, đáp ứng tốt hơn nhu cầu đọc sách mới của giới trẻ.

Với kỹ sư Trần Vũ Thành, chuyện làm sách, mở nhiều triển lãm ảnh lưu động và các hoạt động khác do CLB “Tuổi trẻ vì biển, đảo quê hương” tổ chức trong nhiều năm qua là cách để lan tỏa tình yêu biển, đảo đến với mọi người. Biển, đảo không chỉ chứa tài nguyên mà còn là chủ quyền thiêng liêng nên đã là người Việt Nam ai cũng trân trọng, yêu quý. Để tình yêu biển, đảo được khơi gợi, lan tỏa rộng khắp, cách làm thiết thực nhất là tổ chức nhiều hoạt động, việc làm lôi cuốn, gần gũi, thu hút người dân, nhất là giới trẻ tham gia. Qua nhiều năm là Ủy viên Ban chấp hành Thành Đoàn Hà Nội, Chủ nhiệm CLB Trí thức trẻ Hà Nội (Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Hà Nội), tham gia công tác Đoàn tích cực, anh Thành nhận ra nhiều hoạt động ở các tỉnh, thành bị bó hẹp trong địa bàn. Từ thực tế những tỉnh miền núi, không giáp biển trước đây ít có hoạt động hướng về biển, đảo, CLB “Tuổi trẻ vì biển, đảo quê hương” phát động phong trào học sinh, sinh viên viết thư gửi các cán bộ, chiến sĩ ở Trường Sa. Có địa phương, chỉ sau một thời gian ngắn phát động đã nhận được hàng trăm nghìn bức thư, trở thành những món quà tinh thần vô giá, giúp các cán bộ, chiến sĩ ấm lòng giữa muôn trùng sóng gió.

Đường hướng của CLB “Tuổi trẻ vì biển, đảo quê hương” đã được kỹ sư Trần Vũ Thành xác định ngay từ đầu là trở thành nơi tập hợp những người yêu Trường Sa, yêu biển, đảo quê hương với tinh thần tự nguyện trong sáng cùng nhau làm nhiều việc ý nghĩa và thiết thực. Từ suy nghĩ rằng những vấn đề vĩ mô, lớn lao liên quan đến biển, đảo đã có Đảng, Nhà nước, Quân đội và nguồn lực xã hội hóa quan tâm, chăm lo, CLB “Tuổi trẻ vì biển, đảo quê hương” với thực lực của các hội viên sẽ hướng đến các hoạt động thiện nguyện để khỏa lấp sự thiếu thốn đời sống tinh thần cho cán bộ, chiến sĩ và hậu phương. Những lá thư, những cuốn sách hay, thẻ điện thoại, đào quất ngày Tết… tuy nhỏ nhưng cũng góp phần để cán bộ, chiến sĩ trên đảo thấy rằng Trường Sa không xa và đất liền luôn đặt tin yêu vào các chiến sĩ nơi đầu sóng.

Chứng kiến những câu chuyện cụ thể của những người chiến sĩ thời bình như con thơ lên hai vẫn chưa biết mặt bố, kỹ sư Trần Vũ Thành và các hội viên CLB “Tuổi trẻ vì biển, đảo quê hương” đã tổ chức nhiều chương trình ý nghĩa như: “Bố ở đảo xa - Con ở nhà có bạn”, “Chăm lo hậu phương - Vững lòng biển đảo”… Hàng trăm suất học bổng, hàng ngàn phần quà được CLB “Tuổi trẻ vì biển, đảo quê hương” huy động quyên góp hàng năm đều dành tặng cho con em cán bộ, chiến sĩ đang làm nhiệm vụ trên biển, đảo. Anh Thành kể, có cán bộ đang làm nhiệm vụ trên đảo mong muốn anh thay mặt người cha xa nhà đến tận gia đình tặng quà Trung thu cho con nhỏ. Trước lời đề nghị đó, anh Thành nhiệt tình đến tận nơi, mang tiền túi để mua quà giúp hậu phương vững lòng.

Thường thì sau mỗi lần trò chuyện, chúng tôi sẽ hỏi những dự định tương lai của nhân vật. Nhưng thiết nghĩ với một người nặng lòng với Trường Sa, với biển, đảo Tổ quốc như kỹ sư Trần Vũ Thành, anh sẽ tiếp tục “sáng chế” thêm những hoạt động, chương trình nhân văn, ý nghĩa. Anh Thành cười nói với chúng tôi: “Hoạt động thiện nguyện đâu có vất vả gì, thậm chí rất có lợi nhé. Nhìn mình ai nghĩ ở tuổi U50 đâu”. Đúng là trông ngoại hình, phong thái kỹ sư Trần Vũ Thành như người mới ngoài tuổi 30 vậy.

Mong cho tấm lòng nhiệt huyết của anh Thành sẽ được lan truyền rộng khắp để khích lệ mọi người thực hiện những việc làm thiết thực hướng về biển, đảo thân yêu...

HỮU DƯƠNG - HOÀNG HOÀNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/ho-so-su-kien/cuoc-thi-viet-noi-theo-guong-sang-bac-ho/het-long-vi-bien-dao-que-huong-598532