Hết lòng vì nạn nhân chất độc da cam

Đồng cảm và thấu hiểu với những người lính đã từng chiến đấu trong các chiến trường bị nhiễm chất độc da cam (CĐDC), Đại tá Phạm Anh Thi, Chủ tịch Hội Nạn nhân CĐDC/dioxin huyện Tân Lạc cùng lãnh đạo Hội thường xuyên quan tâm chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng, hợp pháp cho các hội viên trên địa bàn.

Ông Phạm Anh Thi, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin huyện Tân Lạc với những tấm huân, huy chương, bằng khen, giấy khen được Đảng, Nhà nước và các cấp trao tặng.

Ông Phạm Anh Thi, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin huyện Tân Lạc với những tấm huân, huy chương, bằng khen, giấy khen được Đảng, Nhà nước và các cấp trao tặng.

Nâng niu và cho chúng tôi xem những tấm bằng khen, huân, huy chương được Đảng, Nhà nước trao tặng, Đại tá Phạm Anh Thi, thị trấn Mãn Đức (Tân Lạc) chia sẻ: Đây là Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng ba; Huân chương Chiến công hạng nhì; Huân chương Khánh chiến hạng ba; Huân chương Chiến sĩ Giải phóng hạng nhất, nhì, ba; Huân chương Chiến sĩ Vẻ vang hạng nhất, nhì, ba; Huy chương Quân kỳ Quyết thắng… Những tấm huân huy chương tôi luôn trân trọng, nâng niu, gìn giữ và lấy đó là tấm gương soi để bản thân luôn phấn đấu hoàn thiện mình, xứng đáng là Bộ đội Cụ Hồ và sự tin tưởng của Đảng, Nhà nước.

Năm 1965, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, chàng thanh niên Phạm Anh Thi, quê Lý Nhân (Hà Nam) lên đường nhập ngũ, đóng quân tại Tiểu đoàn Thông tin 813 - Quân khu Trị Thiên Huế. Hơn 36 năm gắn bó với binh nghiệp (từ năm 1965 - 2001) thì có hơn 10 năm trực tiếp tham gia phục vụ chiến đấu tại các chiến trường B, trong đó chủ yếu tham gia chiến đấu tại A Sầu, A Lưới và Đường 9 Khe Sanh. Sau thống nhất đất nước, năm 1979, ông được điều ra Bắc công tác tại Cục Quân khí - Tổng cục Kỹ thuật đến năm 2001 thì nghỉ theo chế độ. Nghỉ hưu về địa phương, ông Phạm Anh Thi tích cực tham gia hoạt động xã hội, được tín nhiệm bầu giữ các chức vụ Chủ tịch UBMTTQ thị trấn, Bí thư Chi bộ khu dân cư, Chủ tịch Hội Nạn nhân CĐDC/dioxin huyện. Ông có 4 người con, trong đó người con thứ 3 trí tuệ chậm phát triển hơn bình thường, đến năm 14 tuổi bị những cơn động kinh hành hạ, có ngày những cơn động kinh, co giật liên tục 7 - 8 lần. Thương con, ông bà đưa con đi chạy chữa khắp nơi nhưng bệnh không thuyên giảm. Năm 2010, ông được xác nhận là nạn nhân CĐDC và con gái là nạn nhân giám tiếp bị ảnh hưởng CĐDC.

Vừa là thương binh, vừa là nạn nhân da cam, hơn ai hết ông thấu hiểu, đồng cảm và sẻ chia với những đồng đội không may nhiễm chất độc hóa học. Trong số 253 người bị nhiễm CĐDC trên địa bàn huyện đang hưởng chế độ, chính sách của Nhà nước, có 198 người là nạn nhân trực tiếp và 55 người là nạn nhân giám tiếp bị nhiễm độc hóa học, nhiều nạn nhân mắc bệnh hiểm nghèo, nhiều nạn nhân bị dị dạng, dị tật. Với cương vị Chủ tịch Hội Nạn nhân CĐDC/dioxin huyện, ông không quản sớm tối, ngày đêm gắn bó, sâu sát với nạn nhân CĐDC, nắm chắc hoàn cảnh của gia đình và từng nạn nhân. BCH Hội phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành, đoàn thể, tổ chức, doanh nghiệp, nhà hảo tâm trong và ngoài huyện để vận động chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân, làm cầu nối gắn kết những tấm lòng nhân ái đến với nạn nhân và gia đình họ trong cuộc sống hàng ngày. Triển khai giải quyết chế độ cho người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ được hưởng chế độ người có công, tạo mọi điều kiện để họ được hưởng các chế độ, chính sách của Nhà nước theo quy định.

Dù ở cương vị nào, ông Phạm Anh Thi luôn tích cực đi đầu, gương mẫu trong công tác, năng nổ trong các hoạt động và là tấm gương sáng để cán bộ, Nhân dân và nạn nhân CĐDC noi theo. Ông đã được Đảng, Nhà nước và tổ chức đoàn thể các cấp tặng thưởng nhiều huân, huy chương, bằng khen, giấy khen.

Đỗ Hà

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/274/168448/het-long-vi-nan-nhan-chat-doc-da-cam.htm