Hết lòng vì người dân vùng lũ Mường Pồn
Đã hơn 5 ngày kể từ khi trận lũ dữ quét qua xã Mường Pồn, huyện Điện Biên (tỉnh Điện Biên), ngày nào chúng tôi cũng chứng kiến cán bộ, chiến sĩ Quân đội, Công an và dân quân trong trang phục lấm lem bùn đất nỗ lực tìm kiếm người mất tích, giúp nhân dân khắc phục hậu quả thiên tai, vệ sinh môi trường...
Ngày 29-7, chúng tôi cùng các lực lượng đi bộ hàng chục ki-lô-mét vào các khu vực bị cô lập để khám, chữa bệnh, làm công tác vệ sinh phòng dịch và “cõng” lương thực, nước uống hỗ trợ bà con vùng lũ...
Từ khám bệnh, cấp thuốc...
Chiều và đêm 28-7, trời tiếp tục mưa nên các con đường trên địa bàn xã Mường Pồn vẫn ngập ngụa bùn đất. Hành quân bộ trong điều kiện đường trơn trượt, hơn 8 giờ ngày 29-7, đoàn cán bộ, nhân viên y tế mới đến được bản Lĩnh. Cây cầu treo vào bản đã bị lũ cuốn trôi, đoàn công tác phải vừa lội nước vừa dò đường.
Đến nơi, Thượng úy Nguyễn Văn Hùng, Trưởng ban Quân y, kiêm phụ trách Bệnh xá 40 (Bộ CHQS tỉnh Điện Biên) nhanh chóng trao đổi, phối hợp với lực lượng y tế địa phương gấp rút triển khai công tác khám bệnh cho người dân.
Trong lúc các thầy thuốc khám bệnh, cấp thuốc miễn phí cho những người dân ốm đau, bệnh tật, bị thương sau trận lũ thì Bác sĩ chuyên khoa I Vũ Thị Kim Ngân, Phó giám đốc Trung tâm Y tế huyện Điện Biên thăm hỏi, tận tình tư vấn sức khỏe, hướng dẫn người dân cách phòng, chống dịch bệnh sau lũ.
Cầm túi thuốc trên tay, bà Lò Thị Nơi (sinh năm 1960, ở bản Lĩnh) xúc động nói: “Tôi bị chấn thương phần mềm, nhưng các bác sĩ kiểm tra, sơ cứu kỹ lắm. Trong lúc hoạn nạn này, một viên thuốc, một hạt muối còn quý hơn vàng. Người dân chúng tôi biết ơn các bác sĩ nhiều lắm”.
Khi các y sĩ, bác sĩ khám bệnh cho người dân thì Đại úy Lò Văn Dũng, nhân viên điều dưỡng của Bệnh xá 40 cùng chiến sĩ pha chế hóa chất, phun khử khuẩn các khu vực xung quanh. Lau vội những giọt mồ hôi lẫn nước mưa chảy dài trên mặt, anh Dũng bảo: “Lũ lụt thường mang theo mầm bệnh. Vì thế, cần phải phun khử khuẩn và hướng dẫn người dân cách phòng tránh, không để dịch bệnh phát sinh”.
Đến mở đường, “cõng” lương thực
Huổi Ké là một trong những điểm dân cư thuộc bản Lĩnh bị ảnh hưởng nặng nề sau trận lũ quét vừa qua. Do ở biệt lập cách trung tâm xã gần 10km nên khi bị lũ dữ tàn phá, cuộc sống của người dân nơi đây càng gặp nhiều khó khăn. Để đến được điểm dân cư này, các lực lượng phải vượt qua gần 4km đường mòn, đi qua nương và các khu sản xuất của người dân. Hằng ngày, người dân ở Huổi Ké vẫn sử dụng xe máy để đi lại, nhưng trận lũ đêm 24-7 vừa qua đã xóa sạch lối mòn. Cán bộ, chiến sĩ trong tổ công tác vào hỗ trợ bà con phải sử dụng dao phát, cuốc, xẻng làm đường tạm phục vụ việc vận chuyển lương thực, nước uống, nhu yếu phẩm qua các mỏm núi, dốc cheo leo...
Bùn đất và mồ hôi thấm đẫm lưng áo, nhưng Đại úy Lò Văn Thân, Đội trưởng vũ trang Đồn Biên phòng Mường Pồn (Bộ đội Biên phòng tỉnh Điện Biên) vẫn nói bằng giọng phấn chấn: “Nghĩ đến việc bà con bị cô lập trong bản xa, chúng tôi động viên nhau làm việc cật lực. Có đường vận chuyển lương thực vào thì bà con sẽ không bị đói, các lực lượng cũng vào giúp đỡ người dân khắc phục hậu quả thiên tai”.
Chân tay lấm lem bùn đất và khuôn mặt hốc hác, nhưng ánh mắt ông Chá A Dy, Trưởng điểm dân cư Huổi Ké, toát lên niềm vui sướng. Ông xúc động nói: “Bị lũ dữ tàn phá, cô lập nên chúng tôi phải san sẻ cho nhau từng bát gạo. Thấy các chú bộ đội đến đây là chúng tôi biết mình đã được cứu rồi”.
Khi chia tay người dân điểm dân cư Huổi Ké để về trung tâm bản Lĩnh, vừa trèo qua một mỏm núi xuống dưới khe, tôi gặp một tốp dân quân gồng gánh hoặc đeo ba lô nặng trĩu. Anh dân quân có dáng người chắc đậm và nước da rám nắng, cất giọng thân thiện: “Từ đây ra, nhiều đoạn đường trơn và lầy lội lắm. Ít nhất cũng phải hơn một giờ đồng hồ nữa thì anh mới ra đến trung tâm bản”. Hỏi chuyện, tôi được biết, anh dân quân tên là Lò Văn Khánh, ở xã Thanh Hưng, huyện Điện Biên, đi tiếp sức bà con xã lân cận bị lũ gây thiệt hại. “Không còn đường, chúng tôi cứ thế lội trong bùn đất. Nghĩ đến đồng bào đang thiếu lương thực, nước uống nên chúng tôi hỗ trợ mì ăn liền và nước uống, đi bộ hơn 7km đường mòn, đường rừng. Nhiều đoạn dốc cao, trơn trượt, anh em tôi phải “tăng bo”, kéo đỡ nhau vượt qua".
Theo ghi nhận của chúng tôi, ngay từ sáng sớm 29-7, các lực lượng Quân đội, Công an, dân quân... vẫn tiếp tục tìm kiếm người mất tích, giúp nhân dân khắc phục hậu quả lũ quét, vận chuyển lương thực, hỗ trợ người dân xã Mường Pồn.