Hết lòng với nghệ thuật, tận tình phục vụ công chúng
Mỗi người một hoàn cảnh, đằng sau nụ cười, lời ca tiếng hát trên sân khấu là cuộc sống đời thường với gánh nặng cơm áo, nhưng tình yêu mãnh liệt với sân khấu đã níu giữ và nâng đỡ họ gắn bó với nghề.
Hơn 100 suất diễn mỗi năm, mang những thông tin hữu ích và giai điệu cuộc sống đến với đồng bào các dân tộc từ nội thị đến vùng biên giới xa xôi, các chiến sĩ trên mặt trận văn hóa thuộc Đội Tuyên truyền - Chiếu phim lưu động Trung tâm Văn hóa (TTVH) tỉnh không ngừng cống hiến, hết lòng với nghệ thuật, phục vụ đời sống tinh thần người dân.
Những cánh chim không mỏi
Làm công tác văn hóa, văn nghệ đòi hỏi mỗi người phải có lòng nhiệt huyết, yêu nghệ thuật mới có thể bám trụ. Mỗi chương trình thành công đều là sự đóng góp của những nhân tố đầy nhiệt huyết, trong đó, phải kể đến công sức của những người thầm lặng như: đội ngũ phụ trách âm thanh, hay các anh tài xế. Họ không chỉ làm tốt công việc của mình mà còn phải đảm trách đủ thứ việc, tất cả cũng chỉ chung mục đích làm sao cho chương trình diễn ra suôn sẻ, phục vụ bà con thật tốt.
Có thời gian hơn 3 năm TTVH tỉnh không tìm được người cho vị trí kỹ thuật viên âm thanh, do yêu cầu chức danh nghề nghiệp này phải có bằng đại học (kỹ sư) nên rất khó tìm người. Các tài xế của đơn vị phải tích cực học hỏi thêm về kỹ thuật âm thanh để hỗ trợ cho đội. Làm thì hai việc mà lãnh lương có một, vậy mà không ai than vãn, có lịch là đi, lại còn phải đi từ rất sớm để kiểm tra nguồn điện, khuân vác âm thanh, thu dọn trang thiết bị…
Không đủ bằng cấp vào biên chế, các chú, các anh hậu đài chấp nhận mức bồi dưỡng theo chế độ khoán việc. Là những người đi sớm nhất và về muộn nhất sau các buổi biểu diễn, công việc thầm lặng nhưng ai cũng hết lòng.
Nói đến các nghệ sĩ kỳ cựu của TTVH tỉnh, mọi người đều nhớ đến những cái tên: Trung Tính, Kim Tuyến, Khắc Tư, Thanh Nhàn, Quốc Thái… Người thâm niên nhất gần 30 năm, người ít nhất cũng hơn 15 năm. Họ dành trọn thanh xuân và tình yêu nghệ thuật để cống hiến cho nghề, tận tình phục vụ người dân.
Đội trưởng Lê Trung Tính- người được cả đội gọi thân thương là “bố” tuổi đã ngoài 50; có hơn 30 năm gắn bó với nghệ thuật từ Đoàn Cải lương ngày trước đến TTVH và cũng là người có thâm niên nhất gắn bó với đội. Anh thuộc từng địa danh, am tường từng điểm diễn, hiểu tính tình, hoàn cảnh từng diễn viên. Gần cả cuộc đời gắn bó với sân khấu, anh cũng là người phát hiện, góp công đào tạo bao thế hệ trưởng thành từ phong trào văn nghệ quần chúng.
Trải qua từng giai đoạn thăng trầm của lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn, nghệ sĩ Trung Tính luôn động viên anh chị em ca sĩ, diễn viên cố gắng vượt mọi khó khăn hoàn thành nhiệm vụ. Với người đội trưởng đáng kính này, có lẽ sân khấu còn hơn cả tình yêu.
Nói đến thành viên của Đội Tuyên truyền - Chiếu phim lưu động, khán giả còn ấn tượng với Kim Tuyến- một diễn viên đa năng của đội. Kim Tuyến vừa hát truyền cảm các ca khúc truyền thống cách mạng, lại vừa ngọt ngào “vô” vọng cổ và hóa thân xuất sắc vào các vai diễn từ bi đến hài trong các tiểu phẩm tuyên truyền.
Giọng ca chủ lực còn có Triệu Khắc Tư gắn bó với đội trong suốt 19 năm qua. Anh sở hữu thành tích với hàng loạt những huy chương vàng, bạc qua các kỳ hội diễn. Chàng trai quê gốc Vĩnh Phúc tình cờ vào Tây Ninh thăm bạn, tham gia cuộc thi hát rồi bén duyên với mảnh đất này. Hiện tại, ngoài vai trò ca sĩ, anh còn hỗ trợ công tác biên tập, dạy hát truyền nghề cho các ca sĩ trẻ.
Bên cạnh những giọng ca lão làng, những nghệ sĩ trẻ mới bước vào nghề như: Nguyễn Nhàn, Thanh Tâm, Hoài An luôn nỗ lực trau dồi để xây dựng lực lượng của đội ngày một hùng hậu. Bên cạnh đó, còn có các cộng tác viên tâm huyết với nghề diễn, như: cô giáo trẻ Thanh Xuân- ngày đi dạy, tối về đi diễn cùng đội; Hải Đoàn, ban ngày phụ bán cơm với mẹ, trưa rảnh rỗi là vào TTVH tập múa…
Mỗi người một hoàn cảnh, đằng sau nụ cười, lời ca tiếng hát trên sân khấu là cuộc sống đời thường với gánh nặng cơm áo, nhưng tình yêu mãnh liệt với sân khấu đã níu giữ và nâng đỡ họ gắn bó với nghề.
Những đêm diễn khó quên
Sân khấu sáng đèn là thời khắc hạnh phúc của các nghệ sĩ khi được ca diễn, cống hiến cho nghệ thuật, từ đó góp phần tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Những tháng ngày đi khắp nơi biểu diễn đọng lại trong các anh chị em nghệ sĩ nhiều kỷ niệm. Đáng nhớ nhất có lẽ vẫn là ký ức đặc biệt bên chiếc xe lưu động- “người bạn” đồng hành cùng cả đội hơn chục năm và trở thành một phần ký ức không thể thiếu.
Anh Lê Công Danh- tài xế TTVH nhớ lại: “Tôi được cơ quan cử ra Hà Nội lái xe về. Lúc đó mừng lắm, chạy từ Bắc về Nam trong niềm vui phơi phới”.
Ngày xưa, mỗi khi lưu diễn, cả đội phải tốn công dựng sân khấu, căng phông chữ, khó khăn đủ bề… Từ hồi có chiếc xe chuyên dụng thuận tiện hơn rất nhiều, các anh em nghệ sĩ có thêm thời gian chăm chút cho từng tiết mục trước khi lên sân khấu. Lần đầu thao tác để hai bên hông xe hạ xuống thành sàn sân khấu, bà con đều trầm trồ, thích thú. Hình ảnh chiếc xe biểu diễn lưu động có thể biến thành sân khấu trong chớp nhoáng đã trở thành biểu tượng của Đội Tuyên truyền - Chiếu phim lưu động TTVH.
Ca sĩ Triệu Khắc Tư bày tỏ: “Bà con ở những khu vực vùng sâu vùng xa, vùng biên giới mê văn nghệ lắm, nhất là các em nhỏ. Các em mừng rỡ, reo hò khi thấy xe của chúng tôi đến. Mọi người đều chăm chú dõi theo từng tiết mục, nán lại cho đến cuối chương trình”. Nhớ có đợt cả đội về huyện biên giới Tân Biên trong đợt biểu diễn 10 đêm phục vụ công tác dân vận.
Bộ phim tài liệu kể về hành trình đi tìm hài cốt đồng đội sau chiến tranh đã làm cho các chiến sĩ Đại đội 105, Ban Chỉ huy Quân sự huyện Tân Biên bùi ngùi xúc động. Mắt đỏ hoe, một chiến sĩ trẻ tâm sự sau buổi diễn: “Ở nhà ít khi xem tivi nên chưa từng biết có những câu chuyện đời rất thật và xúc động như vậy. Vào bộ đội, em thêm cảm phục tình đồng chí, đồng đội thân thương”.
Hay câu chuyện về các đêm diễn tuyên truyền, vận động người dân chung tay thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới để lại nhiều ấn tượng. Tiết mục chặp cải lương trên sân khấu ca ngợi hình ảnh người nông dân hiến đất làm đường giao thông nông thôn đã chạm đến đời thực. Các cô chú ở địa phương xem không khỏi tấm tắc khen ngợi.
Còn nhiều nữa các hoạt động được Đội Tuyên truyền - Chiếu phim lưu động triển khai có hiệu quả với nhiều chủ đề như: an toàn giao thông, bảo vệ môi trường, phòng chống các tệ nạn xã hội… Nội dung tuyên truyền được chuyển tải sinh động hấp dẫn, dễ đi vào lòng người thông qua ngôn ngữ nghệ thuật, với hình thức tiểu phẩm hay chương trình ca nhạc.
Dù còn đó những khó khăn nhưng tiếng hát của những chiến sĩ trên mặt trận văn hóa vẫn luôn hừng hực khí thế. Họ hứa hẹn sẽ tiếp tục chặng đường cống hiến sắp tới bằng những câu chuyện từ tình yêu nghệ thuật cháy bỏng.