Hết ngập, các huyện ngoại thành Hà Nội nhanh chóng khôi phục sản xuất

Sau hơn nửa tháng chìm trong ngập lụt, các thôn, xóm thuộc vùng 'rốn lũ' của huyện Chương Mỹ, Quốc Oai (Hà Nội) đã cơ bản hết ngập. Hiện, công tác khắc phục ô nhiễm môi trường sau lũ lụt, bảo đảm đời sống người dân, khôi phục sản xuất... đang được các cấp chính quyền và người dân triển khai, sớm trở lại trạng thái bình thường.

Cuộc sống người dân vùng lũ xóm Bến Vôi, xã Cấn Hữu đã dần ổn định. Ảnh: Nguyễn Cúc/TTXVN

Cuộc sống người dân vùng lũ xóm Bến Vôi, xã Cấn Hữu đã dần ổn định. Ảnh: Nguyễn Cúc/TTXVN

“Đón” gà về nhà, mở hàng buôn bán

Chiều 9/8, mặc dù vẫn còn một số đoạn ngõ, xóm bị đọng nước nhưng cuộc sống của người dân các vùng ngập lụt đã dần trở lại bình thường. Chính quyền địa phương và các lực lượng đã huy động nhân lực tập trung khắc phục hậu quả lũ lụt, quét dọn, thu gom rác thải, phun thuốc, rắc vôi khử khuẩn tại các nhà văn hóa, các trường học, trục đường giao thông.

Thấy nước rút dần, bà Đinh Thị Thịnh (thôn Hạnh Bồ, xã Nam Phương Tiến, huyện Chương Mỹ) tất tả dọn nhà, dọn chuồng gà thật sạch, rồi cùng các con đi “đón” gà về sau gần nửa tháng đem gửi tránh ngập. Nhà bà ở vùng ngập sâu nhất của xã nên cũng là điểm rút nước chậm nhất. Ngay khi nước dâng, vợ chồng bà vội vàng “chạy” đồ lên cao. Các con bà sống gần đó cũng vội về nhà, cùng sơ tán đồ đạc và đem gửi hơn 40 con gà sang nhà hàng xóm ở nơi cao hơn.

“Gần nửa tháng bị ngập, cuộc sống của gia đình tôi bị ảnh hưởng nhưng không đáng kể. Thực phẩm và thuốc men vẫn được cấp phát đảm bảo nên chúng tôi khá yên tâm. Giờ cuộc sống trở lại bình thường nên mọi người cùng bảo nhau cố gắng chăn nuôi, trồng trọt trở lại để có thêm thu nhập”, bà Đinh Thị Thịnh chia sẻ.

Nhiều điểm trũng ngập sâu ở xã Cấn Hữu, huyện Quốc Oai trong những ngày qua cũng đã rút hết nước. Ảnh: Nguyễn Cúc/TTXVN

Nhiều điểm trũng ngập sâu ở xã Cấn Hữu, huyện Quốc Oai trong những ngày qua cũng đã rút hết nước. Ảnh: Nguyễn Cúc/TTXVN

Phải tạm dừng bán hàng hơn 10 ngày do nước ngập, đến nay, cửa hàng tạp hóa của chị Nguyễn Thị Lâm (thôn Nam Hài, xã Nam Phương Tiến, huyện Chương Mỹ) đã mở cửa trở lại. Các mặt hàng trong cửa hàng cũng được giao đầy đủ, sẵn sàng phục vụ việc mua sắm của người dân trong xã.

“Nước rút là chúng tôi bảo nhau dọn dẹp ngay, cả trong nhà, ngoài ngõ để sớm trở lại cuộc sống bình thường. Huyện, xã và các cơ quan, đoàn thể cũng triển khai rất nhanh, nước rút tới đâu cho phun khử khuẩn, rắc vôi bột tới đó. Lúc ngập có nhân viên y tế đến tận nhà đưa thuốc phòng bệnh, đến nay, chưa thấy ai trong thôn bị đau ốm, bệnh tật vì dịch bệnh”, chị Nguyễn Thị Lâm cho biết.

Điểm ngập sâu ở nhà văn hóa thôn Cấn Hạ, xã Cấn Hữu những ngày trước giờ đã rút hết nước. Ảnh: Nguyễn Cúc/TTXVN

Điểm ngập sâu ở nhà văn hóa thôn Cấn Hạ, xã Cấn Hữu những ngày trước giờ đã rút hết nước. Ảnh: Nguyễn Cúc/TTXVN

Theo ghi nhận của phóng viên TTXVN chiều 9/8, tại xóm Bến Vôi, xã Cấn Hữu, huyện Quốc Oai (điểm bị ngập sâu trong những ngày vừa qua), cuộc sống của người dân nơi đây đã trở lại bình thường. Tại những ngõ nhỏ phía ruộng, nước đã rút hoàn toàn, người dân đi lại không còn bị khó khăn, hoạt động giao thương trở lại như trước.

“Đường lớn, đường nhỏ đã “hở” hết nên không còn khó khăn gì, nhưng tường chưa khô, cộng với nắng to nên cả xóm vẫn thoang thoảng mùi hôi. Cũng may năm nay ngập không lâu nên chúng tôi dọn dẹp, vệ sinh rất nhanh, đồ đạc cũng không bị thiệt hại nhiều như đợt ngập năm 2018”, bà Nguyễn Thị Từ, người dân xóm Bến Vôi cho biết.

Khôi phục sản xuất, chống dịch bệnh

Sau nước rút, giáo viên trường Mần non Nam Phương Tiến A dọn dẹp vệ sinh chuẩn bị đón năm học mới. Ảnh: Nguyễn Thắng, Nguyễn Cúc/TTXVN

Sau nước rút, giáo viên trường Mần non Nam Phương Tiến A dọn dẹp vệ sinh chuẩn bị đón năm học mới. Ảnh: Nguyễn Thắng, Nguyễn Cúc/TTXVN

Cô giáo Đỗ Thị Thanh Tâm, Hiệu trưởng Trường Mầm non Nam Phương Tiến (xã Nam Phương Tiến) cho biết, nhận được thông tin lũ rút, nhà trường đã huy động toàn bộ cán bộ, giáo viên, nhân viên tới trường khẩn trương dọn dẹp, vệ sinh. Với sự hỗ trợ tích cực của cán bộ, chiến sĩ Trường Sĩ quan đặc công, lực lượng phòng cháy, chữa cháy, đến ngày 9/8, toàn bộ khuôn viên của nhà trường đã sạch bùn đất.

“Sau khi dọn sạch rác, bùn, khuôn viên nhà trường đã được phun khử khuẩn để phòng, chống dịch bệnh. Do là trường mầm non nên chúng tôi đặc biệt coi trọng việc vệ sinh phòng bệnh. Các giáo viên, nhân viên không chỉ làm sạch nền nhà, tường, cột, tủ đựng đồ mà toàn bộ các trang thiết bị nhà bếp, đồ chơi, học liệu dùng để dạy học cũng được mang ra khử khuẩn, sau đó lau rửa, phơi nắng. Tất cả phải được sạch sẽ, an toàn để ngày 12/8 tới, nhà trường đón học sinh, chuẩn bị cho năm học mới”, cô giáo Đỗ Thị Thanh Tâm nói.

Giáo viên trường Mần non Nam Phương Tiến A lau dọn đồ dùng học tập của học sinh sau khi nước rút. Ảnh: Nguyễn Thắng/TTXVN

Giáo viên trường Mần non Nam Phương Tiến A lau dọn đồ dùng học tập của học sinh sau khi nước rút. Ảnh: Nguyễn Thắng/TTXVN

Theo Chủ tịch UBND xã Nam Phương Tiến Nguyễn Chiến Thắng, trong suốt đợt ngập vừa qua, toàn bộ người dân trong xã không ai bị “đứt bữa”, nước sạch được cung cấp đầy đủ. Hiện nay, công tác hỗ trợ vẫn được các tổ chức, cá nhân quan tâm triển khai để người dân sớm ổn định cuộc sống. Trước đó, ngay từ ngày 24/7, xã đã chủ động thông báo tới người dân về tình hình nước lũ nên tài sản, hoa màu và con người đã được các lực lượng hỗ trợ người dân tập trung di chuyển, tránh thiệt hại.

Bên cạnh đó, công tác đảm bảo y tế cũng được địa phương triển khai sớm, liên tục. Xã đã di chuyển trạm y tế về trụ sở bưu điện để tránh ngập lụt, bố trí mỗi thôn có 1 nhân viên y tế. Đối chiếu danh sách lưu tại trạm y tế, những người dân có bệnh nền sẽ được nhân viên y tế mang thuốc tới tận nhà thay vì phải lội nước đi lấy. Cùng với đó, các loại thuốc thông thường cũng được nhân viên y tế cấp phát tới tay người dân để phòng, chống dịch bệnh.

Người dân vùng "rốn lũ" xã Nam Phương Tiến đưa gia súc đi chăn thả, để sớm ổn định sản xuất. Ảnh: Nguyễn Thắng/TTXVN

Người dân vùng "rốn lũ" xã Nam Phương Tiến đưa gia súc đi chăn thả, để sớm ổn định sản xuất. Ảnh: Nguyễn Thắng/TTXVN

Về công tác khôi phục sản xuất nông nghiệp sau ngập, ông Nguyễn Chiến Thắng cho biết, trước mắt, người dân chưa thể trồng trọt. Dự kiến, nếu tình hình thuận lợi, ngày 15/8 sẽ có khoảng 20 ha diện tích nông nghiệp ở những nơi cao có thể sản xuất được. Tuy nhiên, việc tái sản xuất còn phụ thuộc vào thời vụ. "Vụ Đông chưa đến mà vụ Mùa thì đã qua nên người dân chỉ có thể trồng các loại cây rau như dưa chuột, rau ăn lá và các loại rau ngắn ngày. Chúng tôi cũng động viên người dân tái đàn gia súc, gia cầm. Xã đã đề xuất huyện hỗ trợ 90 ha ngô, 90 ha thủy sản, 30 ha rau cho người dân sớm quay trở lại sản xuất ngay khi thời tiết ổn định”, ông Nguyễn Chiến Thắng nói.

Để khắc phục những khó khăn, giảm thiệt hại do lũ lụt gây ra, ổn định đời sống dân sinh, tạo điều kiện cho sự phát triển kinh tế - xã hội, UBND huyện Chương Mỹ đã đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố phối hợp với Ban Quản lý dự án Hạ tầng Nông nghiệp Hà Nội và UBND huyện rà soát các công trình đê điều, thủy lợi do thành phố quản lý để có phương án đầu tư xây dựng, nâng cấp; Ban Quản lý dự án Hạ tầng Nông nghiệp Hà Nội đẩy nhanh tiến độ thi công xây dựng các dự án trên địa bàn huyện.

Người dân xã Nam Phương Tiến trở lại cuộc sống bình yên sau cơn lũ. Ảnh: Nguyễn Thắng/TTXVN

Người dân xã Nam Phương Tiến trở lại cuộc sống bình yên sau cơn lũ. Ảnh: Nguyễn Thắng/TTXVN

Công tác khắc phục hậu quả, khôi phục sản xuất cũng được huyện Quốc Oai triển khai khẩn trương. Theo Trưởng phòng Kinh tế huyện Nguyễn Thị Thu Trang, từ ngày 1/8 đến nay, các lực lượng của huyện, xã đã tập trung dọn dẹp, vệ sinh, khử khuẩn theo tiến độ nước rút. Tổng lượng rác thu gom được sau ngập là gần 110 tấn; lực lượng y tế phun khử trùng, tiêu độc được hơn 3.000m2 đường làng, ngõ xóm, trường học, nhà văn hóa…

“Chúng tôi đang phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện, UBND các xã, thị trấn có vùng bị ngập lụt để thống kê thiệt hại, sau đó tham mưu UBND huyện chỉ đạo về chính sách hỗ trợ người dân khôi phục sản xuất sau lũ”, bà Nguyễn Thị Thu Trang cho biết.

Nguyễn Cúc - Nguyễn Thắng

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/van-de-quan-tam/het-ngap-cac-huyen-ngoai-thanh-ha-noi-nhanh-chong-khoi-phuc-san-xuat-20240809180110727.htm