Hà Nội: Chủ động ứng phó với ngập úng, bảo đảm an toàn cho người dân

Đêm 9-9 và sáng 10-9, Hà Nội xảy ra mưa lớn gây úng ngập cục bộ tại một số quận, huyện. Mưa từ thượng nguồn đổ về khiến mực nước sông Hồng, sông Đà, sông Bùi... tiếp tục dâng cao. Các lực lượng chức năng đang nỗ lực ứng phó với mưa lớn, úng ngập để bảo đảm an toàn cho người dân.

* Thanh Oai: Vận hành 25 trạm bơm với 93 máy bơm các loại tiêu úng

Theo thông tin từ huyện Thanh Oai, trên địa bàn ghi nhận cung sạt tại xã Thanh Cao ở vị trí K31+680 đến K31+760 ổn định, cung sạt tại vị trí K29+500 đến K29+590 phát sinh thêm. Huyện đang phối hợp Hạt Quản lý đê số 14 xử lý điểm sạt.

Cung sạt trên đê tại xã Thanh Cao, huyện Thanh Oai. Ảnh: Minh Lý

Cung sạt trên đê tại xã Thanh Cao, huyện Thanh Oai. Ảnh: Minh Lý

Đặc biệt, sông Nhuệ trên địa bàn huyện đã lên báo động II; mực nước sông Đáy, kênh Yên Cốc, kênh Vân Đình tiếp tục dâng cao. Hiện, kênh Yên Cốc có một số đoạn mấp mé mặt bờ kênh, huyện đang theo dõi sát sao, sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống có thể xảy ra.

Ngay trong đêm 9-9, các xã có nước tràn vào khu dân cư đã huy động lực lượng, vật tư tại chỗ, đắp chống tràn. Xí nghiệp La Khê đã huy động 1.500 bao tải, 500 cọc tre phối hợp với địa phương gia cố kênh Yên Cốc, các điểm xung yếu tại xã Tam Hưng.

Hiện, Xí nghiệp La Khê đang vận hành 25 trạm bơm với 93 máy bơm các loại, các trạm bơm tiêu do huyện quản lý đang vận hành hết công suất, tiếp tục bơm tiêu để ứng phó với mưa lớn, bảo đảm tiêu nước nhanh nhất, phục vụ sản xuất và dân sinh.

Khu vực sông Đáy qua xã Kim Thư nước dâng cao. Ảnh: Minh Đỗ

Khu vực sông Đáy qua xã Kim Thư nước dâng cao. Ảnh: Minh Đỗ

Huyện cũng ghi nhận một số điểm úng ngập, như: Tại xã Cự Khê, đêm qua, nước sông Nhuệ dâng cao gây tràn vào khu dân cư thôn Khúc Thủy, Cự Đà.

Tại xã Mỹ Hưng, nước sông Nhuệ tràn nhẹ vào đường giao thông và đầu ngõ thôn Đan Thầm, Quảng Minh, khu vực gần trạm bơm Đan Thầm.

Tại xã Thanh Thùy, một số đường giao thông tại các thôn: Rùa Hạ, Rùa Thượng bị ngập nước, một số hộ dân bị nước tràn vào nhà.

Tại xã Cao Dương, do nước sông Đáy dâng cao nên đường dân sinh và cầu dân sinh đi sang huyện Chương Mỹ hiện bị ngập, xã cấm phương tiện lưu thông qua cầu để bảo đảm an toàn cho nhân dân.

Ngập úng tại khu vực sông Đáy, xã Cao Dương. Ảnh: Minh Đỗ

Ngập úng tại khu vực sông Đáy, xã Cao Dương. Ảnh: Minh Đỗ

Cũng trong ngày 10-9, Đoàn Thanh niên, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện đã hỗ trợ nhân dân vùng ngập buộc dựng diện tích lúa có thể khôi phục.

Các tổ chức, đoàn thể hỗ trợ người dân buộc dựng lúa đối với diện tích có thể khôi phục. Ảnh: Minh Đỗ

Các tổ chức, đoàn thể hỗ trợ người dân buộc dựng lúa đối với diện tích có thể khôi phục. Ảnh: Minh Đỗ

* Mỹ Đức: Hơn 700 người bảo vệ công trình đê điều, thủy lợi, phòng chống lũ lụt

Ngày 10-9, huyện Mỹ Đức đã huy động hơn 700 người và phương tiện, vật tư, xử lý sự cố đê điều, thủy lợi, bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản của người dân khi lũ các sông: Bùi, Đáy, Mỹ Hà dâng cao.

Xã Bột Xuyên (huyện Mỹ Đức) huy động lực lượng xử lý sự cố sụt lún mang cống Trạm bơm tiêu Tảo Khê. Ảnh: Bảo Châu

Xã Bột Xuyên (huyện Mỹ Đức) huy động lực lượng xử lý sự cố sụt lún mang cống Trạm bơm tiêu Tảo Khê. Ảnh: Bảo Châu

Dù trời mưa to, nhưng sáng và chiều nay, hơn 100 người thuộc lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai xã Bột Xuyên đã được huy động để xử lý 5 vị trí sụt lún kè bảo vệ đê hữu Đáy, sự cố sụt lún mang cống Trạm bơm tiêu Tảo Khê; hỗ trợ 11 hộ dân sinh sống ven sông di chuyển người và tài sản ra khỏi khu vực có nguy cơ ngập lụt sâu, sạt lở đất…

Chủ tịch UBND xã Bột Xuyên Trần Xuân Hải cho biết, để bảo đảm an toàn tính mạng của người dân trước thiên tai, xã đề nghị Công ty Điện lực Mỹ Đức tạm ngừng cấp điện sinh hoạt tại 11 hộ dân này trong thời gian mực nước sông Đáy dâng cao.

Xã Bột Xuyên (huyện Mỹ Đức) huy động lực lượng xử lý sự cố sụt lún kè tuyến đê hữu Đáy. Ảnh: Bảo Châu

Xã Bột Xuyên (huyện Mỹ Đức) huy động lực lượng xử lý sự cố sụt lún kè tuyến đê hữu Đáy. Ảnh: Bảo Châu

Tương tự, các xã Hợp Thanh, Hợp Tiến, An Phú đã huy động lực lượng, phương tiện vật tư đắp bờ bao tải cát chống tràn các tuyến đê trên địa bàn với tổng chiều dài hơn 1km. Xã Phúc Lâm phối hợp Xí nghiệp Đầu tư phát triển thủy lợi Mỹ Đức chống tràn nước sông vào Trạm bơm Cầu Đổ - Chân Chim.

Xã An Phú huy động lực lượng hỗ trợ nhân dân thu hoạch thủy sản, lúa, hoa màu tại các thôn Nam Hưng, Thanh Hà. Xã Hương Sơn huy động lực lượng hoàn thành xử lý sự cố mái thượng lưu đê Mỹ Hà. Thị trấn Đại Nghĩa huy động các lực lượng xử lý sự cố vỡ cánh cống Trạm bơm tiêu Đại Nghĩa.

Lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai xã Bột Xuyên (huyện Mỹ Đức) hỗ trợ người dân sơ tán tài sản. Ảnh: Bảo Châu

Lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai xã Bột Xuyên (huyện Mỹ Đức) hỗ trợ người dân sơ tán tài sản. Ảnh: Bảo Châu

Trưởng phòng Kinh tế, Phó Trưởng ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện Mỹ Đức Trương Anh Tuấn cho biết, do mưa lũ lớn, nên một số công trình phòng, chống thiên tai trên địa bàn đã xảy ra sự cố. Để bảo đảm an toàn những công trình này, các xã, thị trấn trên địa bàn huyện đã huy động hơn 700 người và các phương tiện, vật tư để xử lý sự cố đê điều, thủy lợi. Đồng thời, hỗ trợ người dân sơ tán người già, trẻ nhỏ, kê cao, bảo vệ tài sản của Nhà nước và nhân dân ở vùng ven sông, trũng thấp có khả năng ngập úng, vùng có nguy cơ sạt lở đất, các nhà xuống cấp, nguy hiểm đến nơi an toàn…

Ngày 10-9, quận Tây Hồ đã huy động lực lượng, phương tiện hỗ trợ di chuyển người dân phường Ngọc Thụy (quận Long Biên) cùng tài sản đang sinh sống tại bãi giữa sông Hồng vào bờ an toàn.

Phó Chủ tịch UBND quận Tây Hồ Nguyễn Thanh Tịnh cho biết, khu vực bãi giữa sông Hồng (phường Ngọc Thụy) có 2 tuyến đường ra, vào. Trong đó, một đường là khu vực cầu Long Biên và một đường cuối ngõ 76 An Dương thuộc địa bàn phường Yên Phụ (quận Tây Hồ).

Khu vực bãi giữa sông Hồng ngập sâu trong nước. Ảnh: Vân Nhi

Khu vực bãi giữa sông Hồng ngập sâu trong nước. Ảnh: Vân Nhi

“Hiện nay, tuyến đường vào khu vực bãi giữa cầu Long Biên đã bị ngập sâu, không bảo đảm việc đi lại của người dân. Với phương châm “tính mạng của con người là trên hết”, quận Tây Hồ đã chỉ đạo các lực lượng tham gia hỗ trợ di chuyển người dân và tài sản ra khỏi bãi giữa sông Hồng” - Phó Chủ tịch UBND quận Tây Hồ Nguyễn Thanh Tịnh nhấn mạnh.

Lực lượng chức năng quận Tây Hồ di chuyển người, tài sản, nông sản của người dân ra khỏi bãi giữa sông Hồng. Ảnh: Vân Nhi

Lực lượng chức năng quận Tây Hồ di chuyển người, tài sản, nông sản của người dân ra khỏi bãi giữa sông Hồng. Ảnh: Vân Nhi

Cùng với đó, các lực lượng chức năng quận đã tiến hành rà soát, vận động, di chuyển người và tài sản của các hộ làm nghề thuyền chài lên bờ an toàn.

Bí thư Quận ủy Tây Hồ Lê Thị Thu Hằng đề nghị Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn quận và các lực lượng chức năng phường Yên Phụ xây dựng phương án, chuẩn bị trang thiết bị, vật tư, lương thực, thực phẩm, nước uống, nơi ở tạm để di chuyển người dân khu vực bãi sông Hồng trong trường hợp diễn biến xấu xảy ra.

Thanh niên xung kích quận Ba Đình hỗ trợ người dân phường Phúc Xá

Chiều 10-9, Quận đoàn Ba Đình đã huy động lực lượng thanh niên xung kích đến hỗ trợ người dân tại phường Phúc Xá.

Quận đoàn Ba Đình tặng quà phường Phúc Xá. Ảnh: T.P

Quận đoàn Ba Đình tặng quà phường Phúc Xá. Ảnh: T.P

Với tinh thần sẵn sàng ứng cứu, các đoàn viên, thanh niên quận Ba Đình đã tham gia tổ chức đưa người dân từ vùng nguy hiểm đến các điểm tạm trú an toàn trong phường và quận. Bên cạnh đó, đại diện Quận đoàn Ba Đình đã tới thăm hỏi, tặng quà và động viên người dân tại Nhà sinh hoạt cộng đồng Phúc Xá và Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên số 67 phố Phó Đức Chính (phường Trúc Bạch).

Trước đó, UBND phường Phúc Xá thông báo, các hộ dân đang sinh sống xung quanh khu vực bờ vở sông Hồng thuộc địa bàn dân cư số 1, 2, 3, 4, 5, 8 chủ động kê dọn đồ đạc, thu xếp, di chuyển vật dụng có giá trị đến nơi an toàn; mang theo đồ thiết yếu để di dời khỏi khu vực ngập lụt. Các hộ tạm di dời đến nhà người thân hoặc di chuyển tới Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên.

Thạch Thất tập trung ứng phó lũ lớn trên sông Tích

Ngày 10-9, UBND huyện Thạch Thất đã có Công điện số 04/CĐ-UBND về việc tập trung ứng phó lũ lớn trên sông Tích và các tuyến sông.

Xã Đồng Trúc huy động các lực lượng, nhân dân và quân đội tham gia chống tràn đập gò Sui Bồ Nành. Ảnh: Thu Hương

Xã Đồng Trúc huy động các lực lượng, nhân dân và quân đội tham gia chống tràn đập gò Sui Bồ Nành. Ảnh: Thu Hương

UBND huyện yêu cầu các xã, thị trấn thường xuyên theo dõi, nắm bắt thông tin về mực nước lũ trên sông Tích, lũ lớn trên các tuyến sông và thông tin xả lũ hồ thủy điện Hòa Bình (ở thượng nguồn), kịp thời thông báo cho nhân dân ở các vùng trũng, thấp có khả năng bị ngập hoặc có nguy cơ bị sạt lở biết để chủ động phòng tránh, không để người dân đến những khu vực bị ngập, nguy cơ sạt lở; chủ động rà soát, sẵn sàng phương án sơ tán người dân, di chuyển tài sản đến nơi an toàn khi cần thiết, xác định các khu vực nguy hiểm, khu vực có địa hình trũng, thấp dễ xảy ra ngập sâu, khu vực sát sông, nguy cơ sạt lở cao, lập danh sách các hộ dân cần sơ tán, chuẩn bị các điểm sơ tán an toàn, bảo đảm đủ chỗ ở, lương thực, nước uống, thuốc men cho người dân; hướng dẫn người dân nắm rõ quy trình, thao tác khi có lệnh sơ tán, kiên quyết triển khai phương án sơ tán, bảo đảm an toàn đối với người dân, phân công cán bộ phụ trách từng khu vực, hộ gia đình cần sơ tán...

Tại đình thôn Phú Đa, xã Cần Kiệm, huyện Thạch Thất, các lực lượng chức năng và người dân tham gia chống tràn. Video: An Cường

Đan Phượng: 29 gia đình sống ngoài đê thuộc xã Trung Châu di chuyển đến nơi an toàn

Hiện, chính quyền cùng các cơ quan, đoàn thể huyện Đan Phượng đang tích cực, khẩn trương hỗ trợ sơ tán người và tài sản khỏi khu vực ngập úng.

Nước ngập nhiều khu vực ven sông trên địa bàn huyện Đan Phượng. Ảnh: Bảy Nguyễn

Nước ngập nhiều khu vực ven sông trên địa bàn huyện Đan Phượng. Ảnh: Bảy Nguyễn

Ông Nguyễn Mạnh Hảo, một hộ dân sống ngoài đê sông Hồng thuộc làng Bá Dương Nội, xã Hồng Hà cho biết: Huyện Đan Phượng có nhiều xã nằm ven sông Hồng, như: Liên Trung, Liên Hà, Liên Hồng, Hồng Hà, Trung Châu, Thọ An… với số hộ sống ngoài đê rất lớn. Bên cạnh đó, người dân còn trồng trọt, chăn nuôi khu vực ngoài bãi sông.

Người dân xã Trung Châu thu hoạch chuối "chạy nước". Ảnh: Phượng Đan

Người dân xã Trung Châu thu hoạch chuối "chạy nước". Ảnh: Phượng Đan

Các hội, đoàn thể trên địa bàn huyện Đan Phượng hỗ trợ người dân các xã ven sông di dời tài sản tới nơi an toàn. Ảnh: Phượng Đan

Các hội, đoàn thể trên địa bàn huyện Đan Phượng hỗ trợ người dân các xã ven sông di dời tài sản tới nơi an toàn. Ảnh: Phượng Đan

Người dân khu vực vùng thấp ven sông huyện Đan Phượng di chuyển vật nuôi tới nơi an toàn. Ảnh: Bảy Nguyễn

Người dân khu vực vùng thấp ven sông huyện Đan Phượng di chuyển vật nuôi tới nơi an toàn. Ảnh: Bảy Nguyễn

Còn theo ông Nguyễn Mạnh Hà, Chủ tịch UBND xã Hồng Hà, xã đã xây dựng phương án dự phòng 10 nhà văn hóa và các trường học, trong trường hợp nước lũ dâng cao lên mức báo động 2, có thể di dời người dân đến trú.

Theo Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng Nguyễn Văn Đức, hiện công tác hỗ trợ người dân di dời tài sản, thu hoạch hoa màu và nông sản vẫn được các lực lượng chức năng các địa phương trên địa bàn huyện Đan Phượng khẩn trương triển khai.

Ngày 10-9, Ban Chỉ huy quân sự huyện Đan Phượng đã huy động hàng trăm cán bộ, chiến sĩ, dân quân thường trực và dân quân các xã di chuyển tài sản của nhân dân sinh sống ở ngoài đê sông Hồng đến nơi an toàn trong tình hình nước lũ tiếp tục dâng cao.

Lực lượng vũ trang huyện Đan Phượng chuyển vật nuôi đến nơi an toàn giúp nhân dân. Ảnh CTV

Lực lượng vũ trang huyện Đan Phượng chuyển vật nuôi đến nơi an toàn giúp nhân dân. Ảnh CTV

Nhờ đó, 29 gia đình đang sinh sống ngoài đê sông Hồng thuộc xã Trung Châu đã được di chuyển. Ngoài ra, lực lượng vũ trang huyện còn vận chuyển các vật dụng sinh hoạt hằng ngày, gần 2.000 con lợn, 7.740 con gà, vịt, 45 con chó, 41 con trâu và 10 kho lạnh của nhân dân... đến nơi an toàn.

Cũng trong ngày 10-9, Ban Chỉ huy quân sự huyện Đan Phượng đã tặng quà 5 gia đình bị thiệt hại nặng nề trong cơn bão số 3, mỗi gia đình 2 triệu đồng.

Mê Linh tổ chức di dời người, tài sản đến nơi an toàn

Do mực nước sông Hồng, sông Cà Lồ tiếp tục lên cao, huyện Mê Linh đề nghị các xã tăng cường kiểm tra, bám sát địa bàn, thông tin đầy đủ diễn biến thời tiết, mưa, lũ… để các hộ dân biết, chủ động có phương án di dời người và tài sản đến các khu vực an toàn.

Dưới đây là một số hình ảnh do phóng viên Báo Hànôịmới ghi lại công tác di dời người dân và tài sản trên địa bàn huyện Mê Linh:

Lực lượng chức năng hỗ trợ người dân di dời tới nơi an toàn. Ảnh: Hoàng Sơn

Lực lượng chức năng hỗ trợ người dân di dời tới nơi an toàn. Ảnh: Hoàng Sơn

Chở người và phương tiện đến nơi an toàn vào sáng ngày 10-9. Ảnh: Hoàng Sơn

Chở người và phương tiện đến nơi an toàn vào sáng ngày 10-9. Ảnh: Hoàng Sơn

Di chuyển người và tài sản, cung cấp nhu yếu phẩm cho người dân đến nơi ở an toàn. Ảnh: Hoàng Sơn

Di chuyển người và tài sản, cung cấp nhu yếu phẩm cho người dân đến nơi ở an toàn. Ảnh: Hoàng Sơn

182 đội cơ động sẵn sàng xử lý các vấn đề y tế

Sở Y tế Hà Nội đã kiện toàn các đội cấp cứu, phòng, chống dịch cơ động với đầy đủ thuốc và trang thiết bị, sẵn sàng đáp ứng các tình huống có thể xảy ra.

Cụ thể, tuyến thành phố có 5 đội phòng, chống dịch cơ động tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, 5 đội điều tra xử lý ngộ độc thực phẩm tại Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội. Ngoài ra, 30 Trung tâm Y tế đã kiện toàn 92 đội phòng, chống dịch cơ động và 80 đội cấp cứu cơ động.

Sở Y tế Hà Nội cũng chỉ đạo các đơn vị tiến hành điều tra, nắm số điểm có nguy cơ ngập lụt để xây dựng phương án phòng, chống dịch bệnh, bảo đảm nước sạch, vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm. Bên cạnh đó, chuẩn bị cơ số thuốc điều trị các bệnh thường gặp sau mưa lũ và các hóa chất (Cloramin B, phèn chua…) để xử lý nguồn nước, môi trường.

Đoàn viên, thanh niên hỗ trợ đắp đê

Đêm 9-9 và sáng nay, 10-9, đoàn viên, thanh niên thành phố Hà Nội đã và đang tích cực, khẩn trương phối hợp lực lượng chức năng hỗ trợ đắp đê ngăn tràn bờ, di chuyển tài sản cho các hộ gia đình bị ngập lụt. Một số hình ảnh của đoàn viên, thanh niên quận Nam Từ Liêm, huyện Chương Mỹ, Thanh Trì, Ba Vì, Mê Linh (Ảnh: Các cơ sở cung cấp)...

Cảnh sát giao thông Hà Nội hỗ trợ bà con ven sông áo phao, nhu yếu phẩm

Ngày 10-9, Phòng Cảnh sát giao thông (Công an thành phố Hà Nội) cho biết, đã giao Đội Cảnh sát giao thông đường thủy số 1 và số 2 tuần tra, kiểm soát dọc các tuyến sông Đà, sông Hồng, sông Đuống hỗ trợ áo phao, nhu yếu phẩm cho bà con vạn đò. Đồng thời với việc tuần tra, kiểm soát nắm tình hình, các tổ công tác cũng tổ chức tuyên truyền, sẵn sàng hỗ trợ người dân trong trường hợp phải sơ tán khẩn cấp.

Cảnh sát giao thông tặng áo phao và nhu yếu phẩm cho bà con sinh sống ven sông Hồng. Ảnh: Chu Dũng

Cảnh sát giao thông tặng áo phao và nhu yếu phẩm cho bà con sinh sống ven sông Hồng. Ảnh: Chu Dũng

Trước đó, khoảng 7h00 ngày 10-9, tuần tra nắm tình hình trên tuyến sông Hồng, cán bộ, chiến sĩ phát hiện 2 nhà nổi cùng bè cá của dân do ảnh hưởng bão số 3 và nước lũ lên cao bị đứt dây trôi tự do trên sông Hồng, đoạn từ thượng nguồn cầu Vĩnh Thịnh xuôi đến Sơn Tây. Đội Cảnh sát giao thông đường thủy số 1 đã tiếp cận, lai dắt 2 nhà nổi và người dân cùng lồng nuôi cá vào nơi cố định an toàn.

Neo đậu nhà thuyền trôi trên sông Hồng. Ảnh: Chu Dũng

Neo đậu nhà thuyền trôi trên sông Hồng. Ảnh: Chu Dũng

Hiện tại, Đội Cảnh sát giao thông đường thủy số 2 cũng tổ chức tuyên truyền người dân 3 làng vạn chài sinh sống ven sông Hồng, chủ bến thủy nội địa, chủ phương tiện tàu thủy, các bến khách ngang sông trên địa bàn đơn vị quản lý ngừng hoạt động, cố định phương tiện an toàn khi mực nước sông Hồng đang lên cao.

Lực lượng chức năng cùng người dân gia cố nhà ở trên sông. Ảnh: Chu Dũng

Lực lượng chức năng cùng người dân gia cố nhà ở trên sông. Ảnh: Chu Dũng

Cùng với đó, Cảnh sát giao thông đường thủy đã hỗ trợ bà con làng vạn chài Văn Đức thuộc xã Văn Đức, huyện Gia Lâm khắc phục hậu quả của bão và tuyên truyền đảm bảo tuyệt đối không cho phương tiện hoạt động trong thời tiết mưa to, gió lớn, nước chảy xiết.

Toàn cảnh cứu hộ nhà nổi bị tuột neo sáng 10-9. Video: Chu Dũng

Đối với người dân sinh sống tại khu vực ven sông, địa bàn thuộc quận Tây Hồ, Ba Đình, Hai Bà Trưng, huyện Thanh Trì…, Cảnh sát giao thông đường thủy đang cùng công an địa phường sẵn sàng ứng cứu, sơ tán người dân khi cần thiết.

Cảnh sát giao thông Hà Nội hỗ trợ áo phao cho người dân. Ảnh: Chu Dũng

Cảnh sát giao thông Hà Nội hỗ trợ áo phao cho người dân. Ảnh: Chu Dũng

Vào 11h cùng ngày (10-9), khi tiếp nhận thông tin có tàu thuyền lật úp ở khu vực cầu Long Biên, Đội Cảnh sát giao thông đường thủy số 1 cùng Phòng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (Công an thành phố Hà Nội) đã cử phương tiện và cán bộ kiểm tra giải quyết sự cố.

Thanh Trì: Nước có thể tràn bờ kè ở 2 xã vùng bãi

Nhiều diện tích hoa màu ở các xã ven sông huyện Thanh Trì bị ngập, đổ. Ảnh: Thanh Hồng

Nhiều diện tích hoa màu ở các xã ven sông huyện Thanh Trì bị ngập, đổ. Ảnh: Thanh Hồng

Sáng 10-9, ghi nhận tại 2 xã vùng bãi Duyên Hà và Yên Mỹ cho thấy, mực nước ngập có khả năng tràn bờ kè, hầu hết các khu sản xuất nông nghiệp đều bị ngập sâu, ảnh hưởng đến sản xuất và sinh hoạt của người dân nơi đây.

Theo đó, từ 17h30 ngày 9-9, trên địa bàn huyện có mưa to và rất to, tổng lượng mưa trung bình tính đến 6h ngày 10-9 là 235,7mm.

Bí thư Huyện ủy Thanh Trì Nguyễn Tiến Cường kiểm tra công tác phòng chống úng ngập tại các xã ven sông Yên Mỹ, Duyên Hà. Ảnh: Thanh Hồng

Bí thư Huyện ủy Thanh Trì Nguyễn Tiến Cường kiểm tra công tác phòng chống úng ngập tại các xã ven sông Yên Mỹ, Duyên Hà. Ảnh: Thanh Hồng

Mực nước sông Nhuệ tại đập Thanh Liệt là 4,57/5,65m, tại cống Sáu Cửa là 5,3/3,6m; mực nước sông Om tại trạm bơm Đông Mỹ 4,6m.

Đặc biệt, do mưa lớn tập trung gây ngập úng tại một số khu vực Bệnh viện K, Triều Khúc, Yên Xá, đường 25m (Triều Khúc - Tân Triều); đường Vũ Lăng; đường 1A (khu vực kho 6)... gây tràn bể xả một số trạm bơm (Hòa Bình, Đại Thanh…).

Các xã: Ngũ Hiệp, Tân Triều, Thanh Liệt đã phối hợp với Xí nghiệp Thủy lợi Thanh Trì đắp chống tràn, bảo đảm trạm bơm vận hành tiêu úng.

Xí nghiệp thoát nước số 7 vận hành hết công suất 5 tổ máy tại trạm bơm Cầu Bươu; Xí nghiệp Thủy lợi Thanh Trì đã vận hành 8 trạm bơm tiêu với 37 máy bơm.

Nhân dân xã Hữu Hạ chặn bao tải cát phòng chống úng ngập trong đêm 9-9. Ảnh: Thanh Hồng

Nhân dân xã Hữu Hạ chặn bao tải cát phòng chống úng ngập trong đêm 9-9. Ảnh: Thanh Hồng

Hiện, các lực lượng liên quan tập trung thực hiện trục vớt cây đổ để khơi thông dòng chảy trên các tuyến kênh tiêu, tăng khả năng tiêu úng nhanh nhất.

UBND huyện đề nghị các xã trấn tích cực kiểm tra, rà soát hệ thống đê điều, kè, cống, trạm bơm, các công trình phòng chống lũ khác bảo đảm an toàn, hiệu quả; đánh giá các vị trí xung yếu, hư hỏng; bảo dưỡng các trạm bơm... bảo đảm vận hành tốt khi cần thiết; chuẩn bị sẵn sàng vật tư, thiết bị, nhân lực để xử lý sự cố đê điều.

Sẵn sàng xe téc cung cấp nước sạch vùng ngập úng

Thông tin với Báo Hànôịmới về công tác vận hành đảm bảo cung cấp nước sạch cho các vùng bị ngập úng, lãnh đạo Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, các công ty nước sạch đã sẵn sàng phương án cấp nước bằng xe téc. Với những khu vực xe không vào được, sẽ cấp bình.

Hiện từ 500 - 1.000 bình loại 20 lít được dự phòng để cấp cho những khu vực bị chia cắt và mất nước.

Riêng Công ty TNHH một thành viên Nước sạch Hà Nội đã dự phòng 5 xe téc sẵn sàng cung ứng nước sạch, phục vụ cho những khu vực ngập úng.

Thường Tín đang tập trung xử lý 4 điểm sạt lở

Vào hồi 6h ngày 10-9, mực nước Sông Nhuệ đo được tại cống Đồng Quan là +4,32m, trên báo động I khoảng 32cm, mực nước sông Hồng tại trạm thủy văn An Cảnh là +7.04m (dưới mức báo động I khoảng 16cm). Dự báo mực nước sông Hồng, sông Nhuệ trên địa bàn huyện sẽ lên nhanh, tiềm ẩn nhiều nguy cơ, rủi ro lớn. Hiện 4 điểm sạt lở đang được huyện xử lý.

Điểm sạt lở tại xã Hiền Giang, huyện Thường Tín đang được xử lý. Ảnh: Minh Phong

Điểm sạt lở tại xã Hiền Giang, huyện Thường Tín đang được xử lý. Ảnh: Minh Phong

Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện Thường Tín yêu cầu: Các xã, thị trấn, các phòng, ban chuyên môn, Xí nghiệp thủy lợi Hồng Vân, Hạt quản lý đê số 6, Công ty Điện lực Thường Tín theo dõi chặt chẽ các diễn biến tiếp theo của thời tiết, rà soát, kiểm tra các điểm xung yếu, các công trình đang thi công, chuẩn bị đầy đủ lực lượng, vật tư, trang thiết bị, phương tiện theo phương châm “4 tại chỗ”; chủ động chỉ đạo bảo đảm an toàn công trình, tính mạng, tài sản của nhà nước và nhân dân; hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do mưa bão gây ra.

UBND các xã ven sông Hồng, ven sông Nhuệ thường xuyên cập nhật thông tin, diễn biến của mưa, bão và mực nước trên các sông, tổ chức tuyên truyền, thông báo cho nhân dân ở những vùng thấp, vùng trũng có khả năng bị úng, ngập biết để di dời tài sản, phương tiện...

Nước ngày một dâng cao, xã Hồng Vân (huyện Thường Tín) đã xây dựng phương án di dời các hộ ven sông. Ảnh: Minh Phong

Nước ngày một dâng cao, xã Hồng Vân (huyện Thường Tín) đã xây dựng phương án di dời các hộ ven sông. Ảnh: Minh Phong

Đối với những địa phương đang có hiện tượng sụt sạt bờ sông Nhuệ như các xã: Nghiêm Xuyên, Dũng Tiến, Tiền Phong, Tân Minh, khẩn trương bố trí lực lượng theo dõi, ứng trực tại các vị trí xung yếu; sẵn sàng ứng phó khi có tình huống thiên tai xảy ra trên địa bàn.

Đặc biệt, Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện Thường Tín đã huy động lực lượng tuần tra, canh gác bảo vệ tuyến đê hữu Hồng. Thời gian huy động bắt đầu từ 8h ngày 10-9-2024.

Hòang Mai: Mở các cửa điều tiết và vận hành 20/20 tổ bơm để tiêu thoát nước

Tính đến 6h sáng 10-9, lượng mưa tại phường Yên Sở là 335,5mm, tại phường Trần Phú là 170,5mm... Dự báo đợt mưa này có khả năng gây ngập úng nhiều tuyến phố. Một số tuyến phố có khả năng ngập sâu 25-30cm, gồm: Thịnh Liệt, Đền Lừ, Hoàng Mai, Vĩnh Hưng, Trương Định, Lĩnh Nam, Định Công… Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do ngập lụt: Cấp I.

Ngõ 147B Tân Mai ngập nước do mưa lớn. Ảnh: PV

Ngõ 147B Tân Mai ngập nước do mưa lớn. Ảnh: PV

Do ảnh hưởng của cơn bão số 3 làm nhiều cây xanh đổ xuống bờ mái lòng sông, mương và các vị trí ghi thu, mặc dù đã tích cực thu dọn cây đổ, tua vớt rác miệng thu, công tác tiêu thoát nước bị ảnh hưởng. Trên địa bàn quận xuất hiện nhiều điểm úng ngập nặng. Xí nghiệp thoát nước số 3 đã triển khai lực lượng kiểm soát tình hình úng ngập trên địa bàn. Trạm bơm Yên Sở đã mở các cửa điều tiết và vận hành 20/20 tổ bơm để tiêu thoát nước.

Sáng 10-9, trên địa bàn còn một số điểm úng ngập đọng nước: Đường 2,5 Đền Lừ, phố Đặng Trần Đức, ngõ 48 Hoàng Liệt, ngõ 230 Định Công Thượng. Các lực lượng chức năng đang tập trung cao độ khắc phục úng ngập, giải tỏa cây xanh gãy, đổ, sửa chữa nhà cửa, hệ thống điện, cấp nước; triển khai khẩn trương tổng vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh sau bão, ổn định đời sống người dân.

Mê Linh: Di dời người dân khu vực bãi sông

Theo Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện Mê Linh, đến 6h ngày 10-9, mực nước sông Hồng dâng khá nhanh. Tại trạm Thanh Điềm (xã Chu Phan), mực nước sông Hồng chỉ cách báo động 1 hơn 2m. Trước đó, thành phố Hà Nội đã ban hành Lệnh báo động 2 tại sông Cà Lồ (xã Kim Hoa).

Trên địa bàn huyện Mê Linh hiện tại vẫn có mưa nhỏ, dự báo nước sông tiếp tục lên cao.

Nước sông Hồng dâng cao ở khu vực huyện Mê Linh sáng 10-9. Ảnh: Vũ Cường

Nước sông Hồng dâng cao ở khu vực huyện Mê Linh sáng 10-9. Ảnh: Vũ Cường

Để bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân, đêm 9-9, huyện đã chỉ đạo công tác ứng phó với nước sông dâng nhanh, đến 23h30 ngày 9-9 đã hoàn thành công tác di dời người và tài sản tại các bãi sông, ven lạch sông đến nơi an toàn.

Huyện chỉ đạo các địa phương chuẩn bị vật tư, nhân lực, phương tiện, hậu cần, sẵn sàng ứng phó di dời người dân tại các vùng trũng ngập nước, bị cô lập.

Dự báo đến trưa 10-9, mực nước sông Hồng có thể lên báo động I, các sông Cà Lồ nước tiếp tục lên cao báo động 3 (trên +8m), kết hợp diễn biến mưa to bất thường có thể gây ngập úng cục bộ các hộ dân đang sống ven sông, ven lạch, sạt lở đất ven sông, các sự cố đổ gãy cây, chập điện tại khu vực bãi sông, ven sông, tai nạn đuối nước… Mê Linh đề nghị các xã tăng cường kiểm tra, bám sát địa bàn, đẩy mạnh thông tin đầy đủ chính xác về diễn biến thời tiết, mưa, lũ trên sông, công tác chỉ đạo của thành phố, huyện… để các hộ dân chủ động phương án di dời người và tài sản đến khu vực an toàn, nhà kiên cố.

Bên cạnh đó, các địa phương cần tăng cường kiểm tra, rà soát người dân còn ở bãi sông, kiên quyết di dời đến nơi an toàn như trụ sở UBND xã, trường học, nhà văn hóa, trạm y tế…

Hà Đông: Nhiều khu dân cư ngập sâu

Tại quận Hà Đông, sáng nay (10-9) nước đã tràn vào nhà một số hộ dân các phường. Hiện tại, lực lượng chức năng của các phường, quận và người dân đã di dời người dân đến nơi an toàn, kê cao tài sản…

Nước ngập vào nhà dân phương Phú Lương. Ảnh: Tuấn Việt

Nước ngập vào nhà dân phương Phú Lương. Ảnh: Tuấn Việt

Ghi nhận tại phường Mộ Lao, có 15 hộ dân khu bờ sông (54 người tại tổ dân phố 10 và 11) bị nước tràn vào nhà, ngập 30-50cm. Ngõ 4 Ao Sen bị ngập 40-50cm; đã có 1 gia đình (4 người) di chuyển đến nhà họp dân, các gia đình bị ngập còn lại đã kê cao đồ đạc, chưa phải di dời.

Địa bàn phường Phúc La một số điểm ngập 40-80cm do mực nước sông Nhuệ dâng cao. Đường Phùng Hưng ngập 30-40cm, phố Bạch Thái Bưởi ngập 20-30cm; khu tập thể Tỉnh Đội thuộc tổ dân phố 12 ngập 40-50cm; ngõ Bến phà ngập 50-80 cm; sân trụ sở UBND phường Phúc La ngập 30-40cm; đã có 24 hộ gia đình và phòng trọ, 65 người, khu vực Miếu Yên Phúc, ngõ Xây lắp điện máy, đã di dời đến nơi an toàn. Các khu vực tổ dân phố sát bờ sông nhân dân chủ động kê cao tài.

Các lực lượng hỗ trợ người dân phường Đồng Mai di dời. Ảnh: Tuấn Việt

Các lực lượng hỗ trợ người dân phường Đồng Mai di dời. Ảnh: Tuấn Việt

Tại phường Phú Lương, đầu đường 18,5m khu đấu giá Phú Lương 2, đoạn tiếp giáp đường 21B (ngập 30-40cm) dài 40m. Cổng làng Trinh Lương đoạn đi chùa Trinh Lương và đi đường 21B (ngập sâu 20-50cm) dài 200m. Đường Phú Lương đoạn qua Trường Tiểu học Phú Lương 2 ngập sâu 40-50cm, dài 50m, Trường Tiểu học Phú Lương 2 ngập sâu 50-60cm. Đường Phú Lương đoạn qua ngõ vào nhà thờ Văn Nội ngập sâu 30-40cm dài 100m. Cổng làng Động Lãm đoạn đi ngã ba Cửa Sâu và đi đường 21B ngập sâu 40-60cm, dài 200m.

Nhóm PV

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/ha-noi-chu-dong-ung-pho-voi-ngap-ung-bao-dam-an-toan-cho-nguoi-dan-677424.html