Hết 'ngặt' liền xin thoát nghèo
Ân Nghĩa là xã đặc biệt khó khăn của huyện trung du Hoài Ân, tỉnh Bình Định. Dù vậy, ở địa phương này, người dân có truyền thống xin thoát nghèo để nhường suất cho những gia đình có hoàn cảnh khó khăn hơn
Trong nhiều năm qua, huyện Hoài Ân luôn dẫn đầu chỉ số giảm nghèo và số hộ thoát nghèo của tỉnh Bình Định. Trong đó, xã Ân Nghĩa là một điển hình.
Nhường suất cho hộ khác
Cách đây khoảng 5 năm, khi đang có cuộc sống ổn định thì tai họa bất ngờ ập đến với gia đình ông Nguyễn Văn Tình (70 tuổi; ngụ thôn Kim Sơn, xã Ân Nghĩa). Thời điểm này, sau khi phát hiện vợ bị bệnh nan y, ông Tình cũng bị tai nạn khiến đôi chân bị thương khá nặng, phải điều trị ở bệnh viện suốt 2 năm trời.
Vợ chồng cùng bị bệnh nặng, con gái 40 tuổi lại bị thiểu năng bẩm sinh, cuộc sống gia đình ông Tình rơi vào khó khăn cùng cực. Chính quyền địa phương đã đưa gia đình ông vào danh sách hộ nghèo.
Mới đây, sau khi vợ qua đời, bệnh tình đã thuyên giảm, ông Tình quyết định xin ra khỏi diện hộ nghèo dù cuộc sống vẫn còn không ít khó khăn. Ông nêu lý do tự nguyện xin ra khỏi hộ nghèo: "Trước đây, vợ tôi bị bệnh nan y, còn tôi bị tai nạn nên phải tốn kém nhiều tiền cho việc điều trị bệnh. Giờ vợ đã mất, tôi cũng đã đi lại và làm việc được, không còn tốn kém tiền bạc gì nhiều nên xin thoát nghèo để nhường suất cho những hộ khác khó khăn hơn".
Cách đây khoảng 6 năm, gia đình ông Đặng Thành Công (57 tuổi; ngụ thôn Bình Sơn, xã Ân Nghĩa) cũng rơi vào bế tắc sau khi ông mắc nhiều chứng bệnh. Để có tiền điều trị bệnh cho chồng và nuôi 7 người con ăn học, vợ ông phải bán những vật dụng có giá trị trong nhà.
Thấy hoàn cảnh khó khăn của vợ chồng ông Công, năm 2015, chính quyền địa phương đưa gia đình ông vào diện hộ nghèo để được hưởng chính sách. Từ đó, ông Công không còn tốn nhiều tiền khám chữa bệnh, các con được hỗ trợ học phí nên vợ ông cũng nhẹ gánh lo. Vợ ông cũng giỏi xoay xở, dành dụm, nuôi thêm gà, heo để cải thiện cuộc sống.
Năm 2019, ông Công được chính quyền địa phương tạo điều kiện giám định y khoa, xác định mất sức lao động 71%. Vì thế, ông được hưởng trợ cấp mất sức lao động.
"Vì chồng tôi thuộc đối tượng bảo trợ xã hội, có phụ cấp hằng tháng và được chăm lo BHYT nên "dư" một suất BHYT dành cho người nghèo. Bởi vậy, trong đợt xét hộ nghèo cuối năm 2020, vợ chồng tôi xin ra khỏi diện hộ nghèo. Lúc trước, vì bệnh tật triền miên, phải nuôi 7 đứa con ăn học, cực chẳng đã mới xin vào diện hộ nghèo. Khi được ra khỏi hộ nghèo, tôi thấy rất thoải mái hơn..." - ông Công bộc bạch.
Không muốn "nghèo bền vững"
Theo quy định, hộ nghèo sẽ được hưởng các chính sách hỗ trợ về khám chữa bệnh, miễn giảm học phí, hỗ trợ vay vốn ưu đãi xây dựng nhà ở, hỗ trợ tiền điện sinh hoạt... Để được hưởng chế độ, chính sách, nhiều gia đình dù thật sự thoát nghèo nhưng vẫn muốn "nghèo bền vững". Tuy nhiên, đối với người dân xã Ân Nghĩa, ngoài tinh thần tự lực vươn lên thoát nghèo, còn là lòng tự trọng, sự sẻ chia khó khăn đối với người khác.
Ông Võ Xuân Quang, Trưởng thôn Bình Sơn, cho biết phần lớn các hộ xin ra khỏi diện hộ nghèo ở xã Ân Nghĩa trong những năm gần đây đều có điều kiện kinh tế ở mức trung bình. Trong đó, cá biệt vẫn có hộ còn khó khăn, như gia đình có người khuyết tật, di chứng tai nạn, đau ốm làm mất khả năng lao động... "Ở vào những hoàn cảnh đó, có thể có người đấu tranh xin vào danh sách hộ nghèo hoặc "ở lì" không chịu ra nhưng nhiều hộ dân ở xã Â Nghĩa đã chủ động, tự nguyện dừng thụ hưởng ưu đãi" - ông Quang nhận xét.
Ông Nguyễn Văn Liên, Chủ tịch UBND xã Ân Nghĩa, nói rằng năm 2020, dù dịch Covid-19 kèm theo bão lũ triền miên nhưng tỉ lệ hộ nghèo của địa phương tiếp tục giảm hơn một nửa so với năm 2019. Tính chung trong 2 năm 2019-2020, xã Ân Nghĩa có 17 hộ dân tự nguyện xin thoát nghèo, trong đó tập trung chủ yếu ở 2 thôn Kim Sơn và Bình Sơn. Có nhiều thôn, xóm vốn xưa kia nghèo khó thì nay nhờ ý chí tự lập, vươn lên của người dân, diện mạo nông thôn đã khởi sắc, số người xin ra khỏi diện hộ nghèo tăng liên tục, tất cả đều đủ điều kiện để thoát nghèo bền vững.
"Trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, địa phương tập trung trồng cây lâm nghiệp, chăn nuôi và tạo điều kiện cho con em đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài để xóa đói giảm nghèo. Bên cạnh đó, địa phương cũng phát triển các mô hình như trồng cây ăn quả, hỗ trợ bò sinh sản. Nhờ đó, các hộ từng bước vươn lên thoát nghèo" - ông Liên khẳng định.
Xin thoát nghèo cũng phải xét kỹ
Ông Nguyễn Hữu Khúc, Chủ tịch UBND huyện Hoài Ân, cho biết khi người dân có đơn xin thoát nghèo, chính quyền địa phương sẽ thành lập tổ công tác để xem xét. Nếu thấy họ đầy đủ tiêu chuẩn, điều kiện thoát nghèo theo quy định thì mới chấp nhận chứ không chỉ căn cứ theo đơn của họ. Việc thoát nghèo được xem xét kỹ nhằm giúp người tự nguyện khỏi hộ nghèo có điều kiện tiếp tục vươn lên. Điều đáng quý nhất của người dân xã Ân Nghĩa đó tính tự giác, ý chí vươn lên trong cuộc sống. Gia đình nào cảm thấy đủ điều kiện là tự nguyện xin thoát nghèo ngay.