'Hết sức bình tĩnh' trong xuất khẩu gạo
Đại biểu Quốc hội chất vấn Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về giải pháp vừa đảm bảo an ninh lương thực, vừa sản xuất, xuất khẩu gạo bền vững.
Nhận định một số nước cấm xuất khẩu gạo đem lại cho Việt Nam cơ hội, nhưng Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho rằng, cần hết sức bình tĩnh, vì mọi vấn đề đều có mặt trái.
Chiều 15/8, trong phiên họp thứ 25 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan trả lời chất vấn về nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực nông nghiệp.
Nêu chất vấn, đại biểu Tạ Minh Tâm (Tiền Giang) đặt vấn đề về tính dự báo xuất khẩu nông sản chưa chính xác; hiệu quả gắn kết giữa dự báo, quy hoạch, sản xuất đảm bảo tiêu chuẩn, quy chuẩn nước xuất khẩu chưa cao.
“Trách nhiệm của Bộ trưởng thế nào để nâng cao giá trị xuất khẩu nông sản Việt?”, đại biểu chất vấn.
Đại biểu Lê Thị Song An (Long An) nói, sau lệnh cấm xuất khẩu gạo của một số nước, hiện giá lúa tăng, xuất hiện mua gom ồ ạt, đẩy giá mặt hàng này tăng cao bất hợp lý. “Bộ trưởng có giải pháp gì để vừa đảm bảo an ninh lương thực, vừa sản xuất, xuất khẩu gạo bền vững?”, bà An chất vấn.
Hồi âm, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói, nông nghiệp đang đứng trước 3 “biến”, là biến đổi khí hậu, biến động thị trường và biến chuyển xu hướng tiêu dùng. Trong điều kiện thế giới thay đổi hàng ngày, hàng giờ, chính sách các nước thay đổi liên tục thì dự báo “cũng khó cầu toàn trước xu hướng biến động”. Bởi, trong ngắn hạn không ai biết xung đột địa chính trị trên thế giới sẽ kéo dài bao lâu, hay khi nào Ấn Độ bỏ lệnh cấm xuất khẩu gạo.
Về an ninh lương thực, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhìn nhận, một số nước cấm xuất khẩu gạo đem lại cho Việt Nam cơ hội, nhưng cần hết sức bình tĩnh, vì mọi vấn đề đều có mặt trái, nếu không quản lý tốt mà chỉ nói một phía sẽ không toàn diện.
Vị trưởng ngành nông nghiệp dẫn nội dung công điện của Thủ tướng, nêu trong bối cảnh hiện nay phải đảm bảo an ninh lương thực quốc gia và đẩy mạnh xuất khẩu gạo như là cam kết của Việt Nam, có trách nhiệm với thế giới trong đảm bảo an ninh lương thực.
Bên cạnh đó, cũng cần tránh những cú sốc giá trên thị trường nội địa, bởi giá tiêu dùng trong nước tăng sẽ ảnh hưởng tới một số nhóm đối tượng người dân, nhất là người có thu nhập thấp. Bộ Công Thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang quán triệt để thực hiện tốt công điện này, ông Hoan cho hay.
Riêng về Đồng bằng sông Cửu Long, Bộ trưởng nói, có đến khoảng 300 ngày trong năm thực hiện xuống giống, do đặc thù xuống theo con nước, nước rút tới đâu xuống giống tới đó, nên không có mùa vụ rõ rệt như ở miền Bắc, mà thực hiện xuống giống liên tục. Vì thế, chỉ cần 95 ngày đã có lúa, nên cân đối sản lượng thu hoạch theo từng mùa vụ.
Do vậy, vấn đề gối vụ, tính toán vụ hè thu, thu đông đối với Đồng bằng sông Cửu Long chỉ mang giá trị thống kê.
Ở thời điểm này, nếu không có thiên tai, biến đổi khí hậu không bất thường như vài năm qua, thì đảm bảo tiêu dùng trong nước và 7-8 triệu tấn gạo để xuất khẩu. Năm ngoái xuất khẩu 7,1 triệu tấn gạo, năm nay vẫn còn dư địa cho xuất khẩu, Bộ trưởng hồi âm đại biểu.
Trước đó, tại báo cáo phục vụ phiên chất vấn, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, dự tính cân đối nhu cầu tiêu dùng trong nước năm 2023 là khoảng 29,5 triệu tấn thóc có hệ số an toàn rất cao. Lượng gạo xuất khẩu năm 2023 ước trên 7 triệu tấn (tương đương khoảng 14 triệu tấn thóc).
Hồi âm đại biểu về giá, Bộ trưởng Lê Minh Hoan phân tích, giá nông sản, trong đó có giá lúa, gạo được quyết định bởi cung - cầu. Cầu tăng, cung không tăng thì giá sẽ tăng, đó là quy luật thị trường. Ở chiều ngược lại, những tác động ngoài bài toán cung cầu, là cố tình đẩy giá sẽ gây ảnh hưởng lớn.
Bộ trưởng mong, bà con nông dân, doanh nghiệp lúc này phải tôn trọng nhau, chia sẻ thời cơ và phải hướng tới hợp tác lâu dài. “Mua bán không chỉ là được lợi, mà phải nghĩ tới chuyện mùa sau còn mua bán với nhau, nếu ép nhau thì khó hợp tác lâu dài”, Bộ trưởng nêu quan điểm.
Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/het-suc-binh-tinh-trong-xuat-khau-gao-d196410.html