Hết thời trốn thuế thương mại điện tử
Việc cơ quan thuế triển khai các giải pháp quyết liệt nhằm chống thất thu thuế ở lĩnh vực thương mại điện tử được đánh giá sẽ góp phần ngăn chặn các hành vi gian lận, trốn thuế hiệu quả.
Tâm lý tối ưu hóa lợi nhuận
Theo thông báo của Cục Thuế thành phố Huế mới đây, “trên mạng xã hội xuất hiện mẫu thông báo có nội dung, từ ngày 1/1/2025, cơ quan thuế có quyền truy cập vào mọi tài khoản cá nhân để truy thu giao dịch TMĐT. Tất cả các giao dịch có ghi nội dung mua - bán sẽ bị thu thuế 10% trên số tiền chuyển khoản. Người bán hàng cũng khuyến cáo người mua hàng online khi chuyển khoản thì chỉ ghi tên để xác nhận, chứ không nên ghi rõ là mua bán gì để không phải nộp thuế”.
Dù Cục Thuế thành phố khẳng định, đây là thông tin không chính xác, có dấu hiệu lừa đảo và có hành vi giúp cho người bán hàng online trốn thuế, vi phạm pháp luật một cách nghiêm trọng, song câu chuyện này phần nào cho thấy, tâm lý của một bộ phận người dân kinh doanh vẫn muốn tối ưu hóa lợi nhuận và chưa chú trọng đến trách nhiệm nộp thuế và tuân thủ pháp luật về thuế.
Cơ quan thuế cũng khẳng định “người dân khi nhận được thông báo, đề nghị từ các chủ shop online theo các nội dung như trên thì báo ngay cho cơ quan thuế để tiến hành các biện pháp thanh tra, kiểm tra”. Như vậy, người kinh doanh sẽ đứng trước nhiều rủi ro pháp lý và tác động tiêu cực lâu dài nếu cố tình trốn tránh nghĩa vụ thuế. Việc này sẽ không chỉ ảnh hưởng đến uy tín và sự phát triển bền vững của hoạt động kinh doanh, mà còn gây ra sự bất bình đẳng giữa những doanh nghiệp (DN)/cá nhân thực hiện nghĩa vụ thuế đầy đủ và những người trốn thuế.
Phối hợp ngăn chặn hành vi trốn thuế
Các giải pháp chống thất thu thuế lĩnh vực TMĐT thực sự đã và đang tạo được những chuyển biến lớn trong hoạt động quản lý thuế. Ngoài các hoạt động tăng cường thanh tra, kiểm tra, trước đó, Tổng cục Thuế đã đưa vào vận hành Cổng thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài tại Việt Nam. Mới đây, Tổng cục Thuế còn đưa vào vận hành Cổng thông tin điện tử dành cho hộ, cá nhân hoạt động kinh doanh TMĐT nhằm hỗ trợ cho hộ, cá nhân kinh doanh trên nền tảng số trong nước thực hiện các thủ tục về thuế, đáp ứng yêu cầu quản lý thuế hiện đại, minh bạch.
Thủ tướng Chính phủ cũng đã có công điện về tăng cường công tác quản lý, sử dụng hóa đơn điện tử, nâng cao hiệu quả công tác quản lý thuế đối với lĩnh vực TMĐT, nâng cao hiệu quả công tác thu thuế đối với TMĐT. Phó Chủ tịch UBND thành phố Phan Quý Phương cũng yêu cầu Cục Thuế thành phố chủ trì phối hợp với các sở, ban ngành, thành phố, các quận, huyện, thị xã và các đơn vị liên quan trong quá trình thực hiện việc sử dụng hóa đơn điện tử. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về lợi ích của việc sử dụng hóa đơn điện tử và các quy định pháp lý, thông tin liên quan về hóa đơn điện tử, giúp người dân, DN hiểu rõ về lợi ích, trách nhiệm và hiệu quả của việc sử dụng hóa đơn điện tử; nâng cao ý thức tuân thủ của người nộp thuế về nghĩa vụ chấp hành pháp luật thuế. Đồng thời, rà soát hỗ trợ, yêu cầu các cơ sở kinh doanh áp dụng hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền, tập trung vào các lĩnh vực bán lẻ trực tiếp tới người tiêu dùng đảm bảo điều kiện thuận lợi cho việc xuất hóa đơn. Phối hợp với cơ quan chức năng để quản lý thuế hiệu quả, đặc biệt là đối với hoạt động TMĐT, xăng dầu, kinh doanh trên nền tảng số, đảm bảo thu đúng, thu đủ, thu kịp thời; kiên quyết xử lý theo pháp luật đối với người cố tình không thực hiện hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Phan Quý Phương cũng yêu cầu các địa phương, các ngành phối hợp với cơ quan thuế trong việc tăng cường quản lý, tuyên truyền thực hiện các nghĩa vụ thuế. Riêng với lực lượng công an, thường xuyên phối hợp với cơ quan thuế để trao đổi thông tin về các đối tượng có hành vi mua bán, sử dụng hóa đơn bất hợp pháp nhằm trốn thuế, thu lợi bất chính hoặc gây thất thu cho ngân sách nhà nước để tiến hành kiểm tra, thanh tra thuế hoặc xác minh điều tra xử lý theo quy định của pháp luật nếu có dấu hiệu tội phạm. Tiếp tục thúc đẩy tiến độ kết nối cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với cơ sở dữ liệu hệ thống thông tin trên địa bàn thành phố để định danh và xác thực điện tử; đồng bộ dữ liệu hộ tịch, thuế, ngân hàng... phục vụ định danh, xác thực cá nhân, tổ chức phòng ngừa các hành vi gian lận, trốn thuế trong hoạt động TMĐT.
Kết quả chống thất thu thuế lĩnh vực này trong năm qua của thành phố Huế cũng phần nào cho thấy những chuyển biến tích cực trong hoạt động thu thuế TMĐT. Chỉ tính trong năm 2024, trên địa bàn tỉnh có 120 DN, cá nhân có hoạt động kinh doanh TMĐT thực hiện nghĩa vụ kê khai thuế với doanh thu kê khai là 364 tỷ đồng, số thuế phải nộp hơn 13,4 tỷ đồng. Trong đó, 31 DN với doanh thu kê khai 149 tỷ đồng, số thuế phải nộp 10 tỷ đồng; 89 cá nhân với doanh thu kê khai 215 tỷ đồng, số thuế phải nộp 3,4 tỷ đồng.
Cục trưởng Cục Thuế thành phố Hà Văn Khoa nhấn mạnh, công tác quản lý thuế đối với hoạt động TMĐT, kinh doanh trên nền tảng số luôn được Cục Thuế thành phố xác định là nhiệm vụ trọng tâm để chống thất thu, bảo vệ sản xuất trong nước, cũng như thúc đẩy sự phát triển của kinh tế số. Để tăng cường hơn công tác chống thất thu lĩnh vực này, Cục Thuế tiếp tục thực hiện hiệu quả công tác quản lý thuế đối với hoạt động TMĐT, kinh doanh trên nền tảng số; thúc đẩy thực hiện đề án “Quản lý thuế đối với hoạt TMĐT tại tỉnh Thừa Thiên Huế” (nay là thành phố Huế). Đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền, hỗ trợ người nộp thuế nhằm nâng cao tính tự giác của người nộp thuế trong việc chấp hành pháp luật thuế; đẩy mạnh việc kiểm soát, kiểm tra đối với các tổ chức, cá nhân có phát sinh thu nhập từ hoạt động kinh doanh TMĐT...