Hết tiền tích lũy, số người rút BHXH một lần tăng từng năm
Nhiều cảnh ngộ phải lựa chọn rút BHXH một lần như cứu cánh để trang trải cuộc sống. Đáng lo hơn, trong giai đoạn 2016 - 2021, bình quân mỗi năm có khoảng 700.000 người hưởng BHXH một lần, số lượng năm sau luôn cao hơn năm trước.
Lời tòa soạn:
Số người lao động rút BHXH một lần năm sau cao hơn năm trước cho thấy thực tế đáng lo, rất nhiều người về già sẽ không có lương hưu. Việc rút BHXH một lần rồi đóng trở lại cũng có những hệ lụy với cả người lao động, doanh nghiệp và Nhà nước.
Những bất cập thấy rõ là vấn đề chế độ đóng hưởng lương hưu còn thấp, người lao động chân tay đối mặt với thực trạng "tuổi nghề ngắn, tuổi hưu quá dài", hết tuổi được tuyển dụng phải rút BHXH để tiêu.
Báo VietNamNet phản ánh thực trạng trên, góp phần nhận diện rõ hơn và mong muốn sớm có những thay đổi phù hợp khi dự thảo Luật BHXH sửa đổi với những đề xuất mới đang được đưa ra lấy ý kiến rộng rãi.
Rút bảo hiểm xã hội để chi tiêu
Anh Huỳnh Tấn Sang (quê Tiền Giang) sau 1 năm nghỉ việc tại Công ty Phong Phú ở TP Thủ Đức (TP.HCM) đã quyết định làm thủ tục xin rút BHXH một lần.
Anh Sang chia sẻ, sau khi nghỉ việc, do chưa tìm được việc làm mới nên cuộc sống gia đình rất khó khăn. Vì vậy anh không còn lựa chọn nào khác là rút BHXH.
“Bao nhiêu tiền tích lũy của gia đình đều đã chi tiêu hết trong thời gian dịch bệnh Covid-19, bây giờ chỉ biết trông chờ vào tiền rút bảo hiểm. Vẫn biết rút hết một cục thì mọi quyền lợi về BHXH không còn nữa, nhưng “cái khó bó cái khôn” nên tôi đành làm vậy”, anh Sang ngậm ngùi.
Trong khi đó, chị Lê Thị Hằng, công nhân của một công ty sản xuất giấy ở Khu công nghiệp Đồng An (Bình Dương) chia sẻ, thời gian qua, tình trạng người lao động rút BHXH một lần tại khu công nghiệp này diễn ra khá nhiều.
Đa số người chọn rút BHXH một lần rơi vào tình cảnh mất việc khi tuổi khoảng 35 - 40, khó tìm việc làm mới. Do vậy, họ quyết định rút một lần để lo cho cuộc sống trước mắt.
“Kinh tế khó khăn, các đơn hàng suy giảm nên nhiều doanh nghiệp sa thải người lao động. Những người lao động ở quãng tuổi trên sau khi mất việc thường khó tìm được việc làm mới nên họ lựa chọn rút tiền bảo hiểm về thay vì chờ tìm việc, tiếp tục tham gia BHXH để hưởng lương hưu”, chị Hằng nói.
Nói về tình trạng rút BHXH một lần, bà Lê Minh Lý, Giám đốc BHXH tỉnh Bình Dương cho biết, từ đầu năm tới nay đơn vị nhận nhiều hồ sơ giải quyết nhu cầu rút BHXH một lần cho đối tượng là công nhân, người lao động theo quy định. Theo bà Lý, đây chủ yếu là người có hoàn cảnh khó khăn. Số người rút BHXH một lần trên địa bàn tỉnh đã tăng gần 10% so với năm 2022.
Tương tự, tại TP.HCM, chỉ riêng trong quý I vừa qua có tới 25.914 người hưởng BHXH một lần, tăng 6,12% so với quý 4/2022 (24.420 người).
Theo ông Nguyễn Văn Lâm, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP.HCM, đối với công nhân lao động, BHXH như là một tài sản cần thiết trong điều kiện không có nguồn tiền khác để xử lý, do vậy họ chọn phương án rút một lần cũng là điều dễ hiểu.
Thống kê của BHXH Việt Nam cho thấy, trong giai đoạn 2016 - 2021, cả nước có hơn 4,05 triệu người lao động đề nghị và được giải quyết hưởng BHXH một lần, bình quân mỗi năm khoảng 700.000 người hưởng BHXH một lần, số lượng năm sau luôn cao hơn năm trước với tốc độ tăng trung bình mỗi năm khoảng 11,6%.
Cần tạo việc làm, thu nhập ổn định
Nguyên Thứ trưởng LĐ-TB&XH Phạm Minh Huân nhận định, tình trạng người lao động rút BHXH một lần tăng cao khiến mạng lưới an sinh bị suy giảm. Nếu người lao động rút một cục xong chi tiêu hết sạch, sau này hết tuổi lao động sẽ không có tài sản tích lũy, lúc này Nhà nước lại phải trợ cấp, tạo gánh nặng không nhỏ lên ngân sách.
Để hạn chế người rút BHXH một lần, nguyên Thứ trưởng Phạm Minh Huân cho rằng, về mặt chính sách, cần phải hướng tới việc khuyến khích, tạo điều kiện cho người lao động khi không làm việc tại doanh nghiệp vẫn có thể tiếp tục tham gia đóng BHXH tự nguyện để về già có lương hưu.
Đồng thời, phải tạo điều kiện cho người lao động mất việc được nhận mức trợ cấp thất nghiệp cao hơn để có đủ điều kiện duy trì cuộc sống, tìm việc làm mới đem lại thu nhập ổn định.
Theo ông Lê Đình Quảng, Phó trưởng Ban Chính sách - Pháp luật, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, cần có nhiều giải pháp để hạn chế tình trạng người lao động rút BHXH một lần, trong đó giải pháp tổng thể, căn cơ nhất vẫn là phải đảm bảo việc làm, thu nhập bền vững cho người lao động.
Thực tế, qua theo dõi những người rút BHXH một lần, đa số họ đều có nơi làm việc không tốt, thu nhập không thực sự ổn định, không có tích lũy nên khi gặp khó khăn là phải rút BHXH một lần. Do vậy, giải pháp tạo việc làm, thu nhập ổn định là giải pháp quan trọng nhất để ngăn chặn tình trạng rút BHXH một lần.
Cầm cố sổ BHXH vì thời gian chờ rút một lần kéo dài
Bộ LĐ-TB&XH cho biết, hiện nay có tình trạng thu gom mua bán, cầm cố sổ BHXH với giá thấp hơn rất nhiều so với giá trị được thanh toán BHXH một lần, dưới hình thức ủy quyền làm thủ tục đề nghị giải quyết hưởng BHXH một lần, dẫn đến quyền lợi của người lao động bị ảnh hưởng, đã phát sinh tranh chấp dân sự, khiếu nại, tố cáo trong việc cho vay, cầm cố…
Tại nhiều địa phương có khu công nghiệp lớn, tập trung đông lao động như: TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai… công nhân rao bán sổ bảo hiểm dưới hình thức ủy quyền, cam kết không đi làm và nếu hủy kèo rút lại sổ sẽ phải đền tiền gấp đôi. Giá thu gom, mua bán, cầm cố sổ BHXH chỉ bằng 30-50% so với giá trị được thanh toán BHXH một lần.
Tình trạng này kéo dài khiến lao động mất quyền lợi, dễ sa vào tín dụng đen và nảy sinh tranh chấp gây mất trật tự xã hội.
Trung tâm Truyền thông (BHXH Việt Nam) đã có công văn gửi Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an) đề nghị đơn vị này vào cuộc, hỗ trợ xử lý nghiêm các hoạt động nói trên trên môi trường internet.
Để hạn chế tình trạng người lao động cầm cố sổ BHXH, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam đề xuất nên giảm điều kiện về thời gian được rút sổ BHXH sau nghỉ việc từ 1 năm xuống mức khoảng 3 tháng là phù hợp.
Cũng nói về tình trạng thời gian chờ rút BHXH dài, mới đây trong phiên thảo luận tại Quốc hội, đại biểu Lê Thị Thanh Lam (Hậu Giang) đề nghị Chính phủ quy định cho người lao động rút BHXH một lần sớm hơn thay vì phải sau 12 tháng như quy định hiện hành; nên quy định sau 3 - 6 tháng nghỉ việc là có thể được rút ngay.
Kỳ tới: Hệ lụy tiêu cực khi người lao động rút BHXH một lần rồi đóng lại