Hezbollah phản ứng trước cáo buộc nhận tài chính từ Iran
Hezbollah ngày 13/2 đã lên tiếng bác bỏ cáo buộc từ phía Israel rằng tổ chức này nhận tiền từ Iran.
![Binh sĩ Israel. Ảnh: THX/TTXVN](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_13_294_51467710/086265a354edbdb3e4fc.jpg)
Binh sĩ Israel. Ảnh: THX/TTXVN
Phong trào Hezbollah đã lên tiếng bác bỏ cáo buộc của quân đội Israel (IDF) rằng một đơn vị tinh nhuệ của Iran đã sử dụng các chuyến bay dân sự tại sân bay quốc tế Rafic Hariri ở Beirut, Liban để chuyển tiền cho nhóm này trong bối cảnh lệnh ngừng bắn đang có hiệu lực.
Israel cáo buộc Iran sử dụng sân bay Beirut để hỗ trợ Hezbollah
Cáo buộc trên được đưa ra vào ngày 12/2 bởi Đại tá Avichay Adraee, phát ngôn viên của IDF. Ông này cho rằng Lực lượng Quds thuộc Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) và Hezbollah đã lợi dụng sân bay Beirut cùng các chuyến bay dân sự để tuồn tiền, nhằm củng cố tổ chức khủng bố và hỗ trợ các hoạt động khủng bố chống lại Nhà nước Israel.
Ông Adraee khẳng định: "IDF đang liên lạc với cơ chế giám sát thỏa thuận ngừng bắn và thường xuyên cung cấp thông tin liên quan để ngăn chặn hoạt động vận chuyển tài chính này. Bất chấp các nỗ lực của chúng tôi, đánh giá của IDF cho thấy một số khoản tiền đã được chuyển thành công".
Đáp lại, một người phát ngôn của Hezbollah tuyên bố với tờ Newsweek rằng sân bay Beirut do chính phủ Liban quản lý, không phải Hezbollah và cáo buộc từ phía Israel là vô căn cứ.
"Nhà nước Liban chịu trách nhiệm về những cơ sở này và Hezbollah không kiểm soát bất kỳ cơ sở nào của chính phủ", người phát ngôn Hezbollah nói. Những cáo buộc này luôn sai sự thật vì chúng hoàn toàn vô căn cứ. Trong chiến tranh, họ từng đe dọa rằng vũ khí và các trang thiết bị khác được cất giấu tại một số cơ sở hạ tầng của nhà nước.
Người phát ngôn của tổ chức này cũng nhắc lại rằng Bộ trưởng Giao thông và Công chính Liban từng kiểm tra sân bay cũng như cảng biển và bác bỏ những cáo buộc tương tự trước đây. Ông này tuyên bố: “Cho đến nay, người Israel vẫn đang nói dối, trì hoãn và không thực hiện các thỏa thuận. Các quốc gia bảo trợ thỏa thuận cần làm tròn trách nhiệm của mình, thay vì đứng ngoài cuộc".
Hiện Newsweek đã liên hệ với IDF, phái đoàn Iran tại Liên hợp quốc và Bộ Giao thông Liban để yêu cầu cung cấp thêm thông tin về vấn đề này.
Sau khi Hamas bất ngờ tấn công Israel từ Dải Gaza vào ngày 7/10/2023, Hezbollah bắt đầu phóng thiết bị bay không người lái và tên lửa từ miền Nam Liban vào Israel. Xung đột lan rộng trên nhiều mặt trận trong khu vực, với sự tham gia của các lực lượng thuộc "Trục kháng chiến" do Iran hậu thuẫn từ Iraq, Syria và Yemen.
Khi IDF đẩy mạnh chiến dịch quân sự tại Gaza, quân đội Israel cũng gia tăng các cuộc tấn công tại Liban, tiêu diệt nhiều chỉ huy cấp cao của Hezbollah, bao gồm cả Thủ lĩnh lâu năm Hassan Nasrallah và thiết lập một vùng đệm hiệu quả ở miền Nam Liban.
Với sự trung gian của Pháp và Mỹ, hai bên đã đạt được thỏa thuận ngừng bắn kéo dài 60 ngày vào ngày 27/11/2024, sau đó được gia hạn đến ngày 18/2/2025.
Theo thỏa thuận này, IDF sẽ rút khỏi Liban, trong khi Hezbollah di chuyển lực lượng và trang thiết bị về phía Bắc sông Litani. Tuy nhiên, cả hai bên đều cáo buộc nhau vi phạm thỏa thuận, và Israel vẫn tiến hành một số cuộc tấn công nhắm vào các vị trí nghi của Hezbollah trong thời gian ngừng bắn.
Phát biểu ngày 12/2, ông Adraee cảnh báo rằng quân đội Israel sẽ không để Hezbollah tái xây dựng lực lượng. Ông nhấn mạnh: "IDF sẽ không cho phép tổ chức khủng bố này củng cố sức mạnh và sẽ sử dụng mọi biện pháp cần thiết để thực thi các điều khoản của thỏa thuận ngừng bắn, cũng như đảm bảo an ninh cho công dân Israel".
Theo Bộ Y tế Liban, kể từ tháng 10/2023, hơn 4.000 người đã thiệt mạng do các cuộc tấn công của Israel tại Liban, bao gồm cả dân thường và chiến binh. Trong khi đó, IDF ước tính đã tiêu diệt khoảng 3.800 tay súng Hezbollah trong thời gian này, theo truyền thông Israel. Hàng chục binh sĩ và dân thường Israel cũng thiệt mạng trong các cuộc giao tranh qua biên giới giữa IDF và Hezbollah.
Những nghi vấn xung quanh việc Iran viện trợ Hezbollah
![Các tay súng Hezbollah. Ảnh: Getty Images/NBC](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_13_294_51467710/01bc727d4333aa6df322.jpg)
Các tay súng Hezbollah. Ảnh: Getty Images/NBC
Iran từng bị cáo buộc sử dụng các chuyến bay dân sự để hỗ trợ Hezbollah. Vào tháng 10/2023, tổ chức đối lập Mojahedin-e-Khalq (MeK) đã cung cấp cho Newsweek một báo cáo cáo buộc Tehran bí mật vận chuyển vũ khí hạng nhẹ, nhu yếu phẩm và đưa chiến binh Hezbollah đi huấn luyện thông qua sân bay Beirut.
Khi đó, phái đoàn Iran tại Liên hợp quốc đã bác bỏ cáo buộc này, tuyên bố rằng Iran chỉ cung cấp "hỗ trợ nhân đạo cho Liban thông qua nhiều kênh khác nhau" và sẵn sàng viện trợ y tế cũng như tiếp nhận người bị thương, một đề nghị đã được chính phủ Liban chấp nhận.
"Hezbollah có đủ trang thiết bị và nhân lực để chống lại sự xâm lược. Chúng tôi không cần bất kỳ sự hỗ trợ quân sự nào", nhóm này tuyên bố với Newsweek vào thời điểm đó.
Trước cáo buộc mới của Israel, tờ Asharq Al-Awsat (có trụ sở tại London, do Saudi Arabia sở hữu) dẫn nguồn tin an ninh từ sân bay Beirut hôm 12/2 cho biết các biện pháp an ninh đã được tăng cường để ngăn chặn nguy cơ tuồn tiền cho Hezbollah từ Iraq. Tờ báo Liban L'Orient-Le Jour sau đó cũng xác nhận thông tin này qua hai nguồn tin giấu tên.
Tuy nhiên, Giám đốc sân bay quốc tế Rafic Hariri, ông Fadi al-Hassan, đã bác bỏ những lo ngại này. Ông khẳng định với Asharq Al-Awsat rằng "việc kiểm tra các máy bay dân sự, dù đến từ Iraq hay Iran, vẫn diễn ra theo quy trình bình thường, tương tự như các chuyến bay từ mọi nơi trên thế giới".
Tương lai của Hezbollah tại Liban
Hezbollah có ảnh hưởng lớn tại Liban và từ lâu được coi là lực lượng mạnh hơn cả quân đội chính quy của nước này. Nhóm này được cho là nhận được sự hậu thuẫn của Iran từ những năm 1980 và từng đóng vai trò quan trọng trong cuộc chiến chống lại Israel, từ nội chiến Liban kéo dài 15 năm cho đến cuộc xung đột kéo dài một tháng vào năm 2006.
Tuy nhiên, tình hình chính trị Liban đang có những thay đổi đáng kể. Tháng trước, cựu Tư lệnh Quân đội Liban Joseph Aoun được bầu làm Tổng thống, còn ông Nawaf Salam, cựu Chánh án Tòa án Công lý Quốc tế, trở thành Thủ tướng. Cả hai nhân vật này đều không nhận được sự ủng hộ của Hezbollah, làm dấy lên câu hỏi về tương lai quan hệ giữa nhóm này với chính quyền Liban.
Mỹ và Israel được cho là đang tìm cách lôi kéo Tổng thống Aoun nhằm làm suy yếu vị thế của Hezbollah. Tuy nhiên, văn phòng của ông đã lên tiếng bác bỏ tuyên bố của nhà ngoại giao Mỹ Morgan Ortagus rằng Hezbollah tham gia chính phủ Liban sẽ là "lằn ranh đỏ" đối với Washington.
Hôm 12/2, văn phòng Tổng thống Aoun cũng bác bỏ thông tin của kênh Al-Hadath (Saudi Arabia) rằng ông đã đồng ý gia hạn thời hạn rút quân của Israel đến ngày 29/3. "Tổng thống Aoun luôn nhấn mạnh rằng Liban kiên quyết yêu cầu Israel rút quân hoàn toàn trước thời hạn ngày 18/2", tuyên bố nêu rõ.