Hi vọng gì vào tân chính quyền Đức cho tương lai EU?
Chính phủ mới của Đức hiện đang coi việc cải cách EU, cũng như nền kinh tế và xã hội của chính họ là ưu tiên hàng đầu. Năm 2022 sẽ ghi nhận liên minh cầm quyền Đức muốn tiến nhanh như thế nào và sẽ phối hợp tốt như thế nào với đồng minh quan trọng là Pháp trên con đường này.
Việc quan tâm tới con đường phát triển EU đã trở nên rõ ràng trong thỏa thuận liên minh giữa Đảng Dân chủ Xã hội, Đảng Xanh và FDP tự do trong chính trường Đức. Châu Âu được đề cập rất nhiều trong hầu hết nội dung các chương của thỏa thuận này.
Trong khi Pháp đang hoạt động hiệu quả ở vị trí Chủ tịch Hội đồng EU, thì Đức cũng đang muốn thúc đẩy một EU có chủ quyền hơn - một khái niệm gần gũi với mong muốn của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron - và muốn tìm ra những con đường mới để cải tổ khối, cùng với Pháp.
"Sự thành công của châu Âu là mối quan tâm quốc gia quan trọng nhất của chúng tôi", Thủ tướng Đức Olaf Scholz cho biết trong tuyên bố đầu tiên của chính phủ mới vào giữa tháng 12/2021. Ông nói thêm: "Chính sách châu Âu đã trở thành một phần chính trong chính sách đối nội của chúng tôi".
Tuy nhiên, có những thách thức lớn phía trước ở cấp độ châu lục, đặc biệt là liên quan đến việc cải cách các quy tắc ngân sách của EU và các vấn đề pháp quyền với Ba Lan và Hungary.
Còn tại nội bộ đất nước, Đức sẽ đặc biệt tập trung vào quá trình chuyển đổi xanh và kỹ thuật số "để thiết lập hướng đi phù hợp cho tương lai," ông Scholz nói và cho biết thêm rằng "Đức sẽ thực hiện quá trình chuyển đổi sang một xã hội số hóa và dung hòa với các mục tiêu khí hậu vào những năm 2020".
Một châu Âu có chủ quyền
Berlin đặc biệt quan tâm đến việc thúc đẩy chủ quyền chiến lược của châu Âu bằng cách tăng cường khả năng hành động trong bối cảnh toàn cầu và ít phụ thuộc hơn vào các bên khác trong các lĩnh vực như cung cấp năng lượng hoặc công nghệ kỹ thuật số.
Tham vọng của Đức tương đồng chặt chẽ với Pháp, nước đặc biệt chú trọng đến chủ quyền chiến lược của EU trong nhiệm kỳ chủ tịch của nước này.
"Đó là về cách chúng ta có thể làm cho châu Âu trở nên mạnh mẽ, nâng cao chủ quyền của châu Âu theo tất cả các khía cạnh đi kèm với nó," ông Scholz nói trong chuyến thăm cấp nhà nước của ông tới Pháp và gặp ông Macron vào giữa tháng 12 năm ngoái.
Liên minh mới cầm quyền tại Đức muốn thúc đẩy hợp tác với các quốc gia dân chủ có chí hướng cùng chia sẻ các giá trị dân chủ của Liên minh Châu Âu và giúp Liên minh Châu Âu cạnh tranh với các quốc gia chuyên quyền khác.
Một trong những công cụ chính để nâng cao quyền tự chủ chiến lược của khối là 'La bàn Chiến lược', nhằm mục đích phát triển khả năng chiến lược và quân sự của châu Âu để nâng cao năng lực hành động của EU trên thế giới.
Khái niệm 'La bàn chiến lược' này đã được đưa ra trong nhiệm kỳ chủ tịch EU của Đức vào năm 2020 và dự kiến sẽ được hoàn thiện trong nhiệm kỳ chủ tịch khối của Pháp vào tháng 3 năm nay.
Một thay đổi khác mà chính phủ Đức sẽ thúc đẩy là tận dụng nhiều hơn việc bỏ phiếu đa số đủ điều kiện đối với các mối quan hệ đối ngoại của EU. "Chúng tôi muốn sử dụng các khả năng của Hiệp ước Lisbon cho việc này," ông Scholz nhấn mạnh vào tháng 12/2021.
"Điều đó (việc bỏ phiếu-pv) phải trở thành quy tắc mà chúng tôi ở châu Âu có thể sử dụng để đưa ra quyết định theo đa số đủ điều kiện, ngay cả đối với những vấn đề mà hiện nay chưa từng được áp dụng", ông nói thêm.
Cải cách EU và sự hợp tác song song Pháp-Đức
Đức đã đặt ra cho mình những mục tiêu đầy tham vọng để khởi động một quá trình cải cách của EU.
Thỏa thuận liên minh của chính phủ mới chỉ rõ rằng họ muốn sử dụng Hội nghị đang diễn ra về Tương lai của Châu Âu như một điểm khởi đầu cho cải cách EU mà cuối cùng sẽ dẫn đến "sự phát triển của một nhà nước châu Âu liên bang".
Ông Macron hoan nghênh cách tiếp cận đầy tham vọng của Berlin và kêu gọi nỗ lực "tạo lại động lực nền tảng" vào tháng 12.
"Động lực này có lẽ sẽ dẫn đến việc định hình lại các hiệp ước của chúng tôi và tôi hoan nghênh việc liên minh cầm quyền mới ở Đức đã đặt ra tham vọng như vậy," ông nói thêm.
Trong khi cuộc cải cách lớn đối với EU hiện vẫn nằm ngoài tầm với do yêu cầu về sự nhất trí trên diện rộng đi kèm với nó, ông Scholz đang vận động cho một châu Âu đa tốc độ.
Ông nói: "Chúng ta phải luôn chuẩn bị sẵn sàng để thử các giải pháp đối với nhiều nhóm quốc gia dù chưa phải tất cả họ đều sẵn sàng, như chúng ta đã làm với Schengen, với đồng euro hoặc trong chính sách an ninh và quốc phòng".
Ông Scholz cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải liên kết chặt chẽ với Pháp về các chủ đề châu Âu, vì "sự hiểu biết chung giữa Pháp và Đức là điều kiện tiên quyết cho sự tiến bộ ở châu Âu."
Các vấn đề cọ sát
Nhưng vẫn có một số điểm mâu thuẫn trong quan hệ của bộ đôi Pháp-Đức, đáng chú ý nhất là việc cải cách các quy tắc tài chính của EU.
Pháp, Italy và một số quốc gia thành viên khác đang thúc đẩy các quy tắc tài chính và nợ linh hoạt hơn của EU. "Chúng ta sẽ không thành công… nếu chúng ta quay trở lại khuôn khổ ngân sách được tạo ra vào đầu những năm 1990", ông Macron nêu trong cuộc họp báo về nhiệm kỳ chủ tịch EU của Pháp.
Tuy nhiên, khi lãnh đạo đảng FDP bảo thủ về mặt tài chính phụ trách bộ tài chính của Đức, Berlin có thể sẽ do dự trong việc nới lỏng các quy tắc ngân sách nghiêm ngặt quá nhiều và quá sớm.
Mặc dù Bộ trưởng Tài chính Đức Christian Lindner đã thể hiện sự sẵn sàng thỏa hiệp với Pháp và Italy, vấn đề này sẽ vẫn còn gây tranh cãi.
Một nguồn cơn gây xích mích khác có thể đến từ cách tiếp cận mới của Đức đối với các quốc gia thành viên bị cáo buộc vi phạm nguyên tắc pháp quyền.
Tân chính phủ Đức muốn có đường lối cứng rắn hơn đối với các quốc gia vi phạm pháp quyền và muốn sử dụng các công cụ pháp quyền hiện hành "một cách nghiêm khắc và kịp thời hơn". Điều này cũng sẽ áp dụng cho việc giải ngân quỹ khắc phục hậu quả đại dịch, trong đó liên minh cầm quyền đèn giao thông của Đức muốn thực hiện các khoản thanh toán có điều kiện dựa trên sự tuân thủ quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, Đức cũng có ý muốn đề nghị hợp tác chặt chẽ hơn với Ba Lan - được coi là quốc gia vi phạm pháp quyền lớn, cùng với Hungary - trong các lĩnh vực khác.
Chính phủ khí hậu
Bắt kịp các nỗ lực về khí hậu là một ưu tiên quan trọng khác. "Sự chuyển đổi lớn nhất của ngành công nghiệp và nền kinh tế của chúng tôi trong ít nhất 100 năm đang nằm phía trước của chúng tôi," ông Scholz nói vào tháng 12.
Theo Bộ trưởng Kinh tế đến từ đảng Xanh Robert Habeck, Đức đã bị tụt lại phía sau và sẽ không đạt được các mục tiêu về khí hậu cho năm 2022.
"Chúng tôi đang khởi đầu với một lượng công việc tồn đọng nghiêm trọng," Habeck thông tin với tờ Die Zeit vào cuối tháng 12 năm ngoái.
Để đảo ngược xu hướng này, chính phủ của ông Scholz có kế hoạch khởi động một chương trình lập pháp toàn diện, bao gồm đối với hệ thống giao thông, điện, công nghiệp và nông nghiệp, trong năm tới để tăng cường nỗ lực giảm lượng khí thải carbon.
Gói EU Fit For 55 cũng nằm trong chương trình nghị sự này.
Gói tài khóa của EU, với mục tiêu giảm 55% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính vào năm 2030, đang được lên kế hoạch trở thành luật vào năm 2022.
Chính phủ Đức đã cam kết "hỗ trợ tích cực cho Ủy ban Châu Âu trong việc thực hiện gói khí hậu Fit For 55," ông Scholz nói, nhưng vẫn còn phải xem chính phủ nước này sẽ đặt ra những ưu tiên nào liên quan đến gói Fit For 55.