Hiểm họa bán hàng đa cấp lừa đảo

Lợi dụng sự cả tin và ham muốn kiếm tiền nhanh chóng của một số người dân, không ít công ty kinh doanh đa cấp sử dụng những chiêu trò hết sức tinh vi nhằm lừa đảo, chiếm đoạt tiền trái phép của các thành viên, khách hàng.

Nếu các cơ quan quản lý không khẩn trương vào cuộc kiểm tra, xử lý vi phạm, số người bị “sập bẫy” loại hình kinh doanh này sẽ tiếp tục kéo dài.

“Thổi phồng” công dụng sản phẩm
Theo Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương), thời gian vừa qua, tình trạng đưa thông tin theo hướng “thổi phồng” công dụng sản phẩm, đặc biệt đối với loại sản phẩm là thực phẩm trong hoạt động bán hàng đa cấp diễn ra khá phổ biến. Hoạt động này càng diễn ra trong bối cảnh xã hội thực hiện giãn cách để phòng chống dịch Covid-19, thông qua các phương tiện internet như mạng xã hội, ứng dụng di động, ứng dụng cuộc họp trực tuyến... Các tổ chức, cá nhân này thành lập các nhóm kín trực tuyến như “tư vấn sức khỏe”, “chăm sóc sức khỏe chủ động” hay “nhân chứng dùng sản phẩm”, tập hợp hàng trăm, thậm chí hàng nghìn người tham gia.

Các bị cáo trong đường dây bán hàng đa cấp tại Công ty Nhượng quyền Thăng Long.

Các bị cáo trong đường dây bán hàng đa cấp tại Công ty Nhượng quyền Thăng Long.

Trong đó, các đối tượng này chia sẻ, trao đổi những thông tin, video clip có sử dụng hình ảnh bác sĩ, dược sĩ, nhân viên y tế để mô tả, tư vấn và hướng dẫn sử dụng các thực phẩm, hoặc mô tả công dụng thực phẩm như là một “kinh nghiệm thực tế” hay “nhân chứng sống” của người đã từng bị bệnh. Cách thức đưa thông tin này được lạm dụng và củng cố bởi các bình luận phía dưới, càng tạo thêm niềm tin cho người bệnh, người tiêu dùng dễ hiểu theo hướng là các loại sản phẩm này có công dụng để phòng bệnh, chữa bệnh, chẩn đoán bệnh, giảm nhẹ bệnh, điều trị bệnh. Hành vi dạng này sẽ gây tác động tới số lượng người tham gia lớn vì thông tin lan truyền trên môi trường mạng diễn ra rất nhanh và gây hậu quả nghiêm trọng bởi ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người.
Trong đó, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng đã đưa ra cảnh báo thực phẩm chức năng có thương hiệu là APLGO có dấu hiệu kinh doanh theo phương thức đa cấp trái phép, người dân không nên tham gia đầu tư. Trên mạng internet, một số tổ chức, cá nhân đã tổ chức giới thiệu, kêu gọi người dân tham gia đầu tư, xây dựng hệ thống và tiêu thụ các sản phẩm “viên ngậm tế bào gốc” mang tên APLGO với cam kết thu về số tiền lớn từ nguồn thu nhập thụ động. Qua xem xét các nội dung trên, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng cho rằng, mặc dù hoạt động kêu gọi người tham gia và chính sách trả thưởng khi tham gia vào mạng lưới của các tổ chức, cá nhân này có dấu hiệu là kinh doanh theo phương thức đa cấp nhưng đến nay, Cục chưa cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp cho DN, tổ chức nào mang tên là APLGO.
Vi phạm pháp luật biến tướng
Trao đổi với báo Kinh tế & Đô thị, luật sư Nguyễn Ngọc Hùng - Trưởng Văn phòng Luật sư Kết Nối cho rằng, hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp là hoạt động kinh doanh có điều kiện được quy định tại Nghị định 40/2018/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp. Kinh doanh theo phương thức đa cấp vốn dĩ là một hình thức kinh doanh tốt nhưng vì một số người lợi dụng hình thức này để lừa đảo chiếm đoạt tài sản hay thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật khác nên nó bị biến tướng. Từ đó, nói đến kinh doanh đa cấp, người ta thường nghĩ đến những điều tiêu cực.
Thực tế đã cho thấy nhiều vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản từ hoạt động kinh doanh đa cấp bị phát hiện xử lý. Thậm chí có vụ án có đến hàng chục nghìn bị hại, tức là hàng chục nghìn người bị lừa đảo. Thủ đoạn lừa đảo của các đối tượng lợi dụng bán hàng đa cấp là đưa ra lời kêu gọi tham gia mạng lưới với cam kết lợi nhuận khủng. Sau đó yêu cầu họ nộp tiền để được nhận hàng hóa để bán nhưng hàng hóa nhận lại là hàng kém chất lượng, không thể bán. Để được hưởng hoa hồng, những người tham gia hệ thống phải lôi kéo những người khác tham gia.
Có thể nói lợi nhuận từ hệ thống kinh doanh đa cấp biến tướng không phải nằm ở việc kinh doanh mua bán mà nằm ở việc tuyển thành viên. Mỗi người vào đều phải đóng một khoản tiền, số tiền này lại được rút một phần và trả cho người người đã lôi kéo họ trước đó. Cứ như vậy hệ thống kinh doanh đa cấp biến tướng càng ngày càng mở rộng đến một lúc nào đó những người tổ chức ra hệ thống sẽ biến mất và mang theo số tiền của tất cả thành viên. Tóm lại, các mạng lưới kinh doanh đa cấp thường có một thủ đoạn chung là hứa hẹn lợi nhuận cao để lôi kéo người tham gia, yêu cầu nộp tiền sau đó lấy tiền người vào sau trả cho người vào trước. Đến một thời điểm nào đó người tổ chức sẽ chiếm đoạt tiền của người tham gia mạng lưới và bỏ trốn.
“Các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản lợi dụng hình thức kinh doanh đa cấp đã đẩy rất nhiều người vào tình cảnh mất hết tài sản. Chúng đánh vào tâm lý muốn làm giàu nhanh, sự thiếu hiểu biết và lòng tham của nhiều người. Các đối tượng này khi bị phát hiện có thể bị xử lý về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo Điều 174 Bộ luật Hình sự năm 2015. Hình phạt nặng nhất đối với người phạm tội này là tù chung thân nếu chiếm đoạt tài sản giá trị từ 500 triệu đồng trở lên” - luật sư Nguyễn Ngọc Hùng nêu quan điểm.

Để tránh rủi ro về mặt vật chất và pháp lý, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng cảnh báo người dân không tham gia đầu tư, phát triển hệ thống kinh doanh của các tổ chức, cá nhân có các dấu hiệu lừa đảo. Đến nay, trên thị trường Việt Nam chỉ có 22 DN được cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp theo quy định, được cập nhật tại trang web bhdc.vcca.gov.vn.

Thái San

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/hiem-hoa-ban-hang-da-cap-lua-dao-444017.html