Hiểm họa khi cho trẻ uống aspirin 'chữa' đau tăng trưởng
Theo thống kê, có khoảng 40% trẻ em trong quá trình phát triển đều mắc phải chứng đau tăng trưởng.
Tình trạng này thường bắt đầu từ khi trẻ 3 tuổi và có thể kéo dài đến hết tuổi dậy thì. Hiện tượng đau trở nên rõ nhất trong giai đoạn trẻ từ 3 - 5 tuổi và 8 - 12 tuổi.
Hiện tượng không rõ nguyên nhân
Không ít cha mẹ lo lắng khi trẻ kêu đau nhức chân vào ban đêm. Trong khi đó, con vẫn chạy nhảy, hoạt động bình thường vào ban ngày.
Mới đây, bác sĩ Hoàng Quốc Tưởng - Giảng viên bộ môn Nhi khoa, Trường Đại học Y dược TPHCM chia sẻ về trường hợp bé gái 8,5 tuổi bị đau do tăng trưởng.
Cụ thể, bé gái phát triển thể chất bình thường. Tuy nhiên, đôi khi, trẻ gặp tình trạng đau bắp chân vào buổi tối. Trẻ hết đau sau khi được xoa bóp và hoàn toàn không có triệu chứng gì khác. Sau khi làm xét nghiệm máu và chụp X-quang cho bệnh nhi, các bác sĩ đã loại trừ nguy cơ trẻ mắc các bệnh lý nguy hiểm.
Sau khi chẩn đoán trẻ đau do tăng trưởng, bác sĩ Tưởng không kê đơn thuốc và chỉ tư vấn, dặn dò. Tuy nhiên, mẹ bệnh nhi hoàn toàn bất ngờ trước chẩn đoán này và bày tỏ sự không đồng tình.
Chia sẻ về vấn đề này, bác sĩ Tưởng nhấn mạnh, các phụ huynh không nên quá lo lắng, nếu con được chẩn đoán đau do tăng trưởng.
“Đau do tăng trưởng - tên tiếng anh là “Growing pains”, có liên quan đến tiền sử gia đình. Tình trạng này bắt đầu xảy ra ở trẻ trong độ tuổi từ 3 - 12, chủ yếu thấy ở trẻ trong độ tuổi đi học. Vị trí đau thường đối xứng ở hai bên cơ thể, giới hạn ở chi trên và chi dưới như cẳng tay, bắp chân, đùi và vùng khoeo”, bác sĩ Tưởng giải thích.
Theo chuyên gia, tình trạng này liên quan đến việc gia tăng hoạt động thể lực trong ngày của trẻ. Tuy nhiên, trẻ thường không đau lúc đang vận động. Tình trạng đau chỉ xảy ra khi trẻ nghỉ ngơi. Hiện tượng này thường xảy ra vào buổi chiều, tối trước khi đi ngủ, thậm chí ban đêm, gây gián đoạn giấc ngủ của trẻ.
Tới nay, nguyên nhân của những cơn đau do tăng trưởng vẫn chưa được làm rõ. “Người ta cho rằng, những cơn đau này có thể liên quan đến hội chứng chân không yên. Cơn đau cơ vào ban đêm do hoạt động quá mức vào ban ngày được cho là nguyên nhân gây đau do tăng trưởng”, bác sĩ Tưởng cho biết.
Cụ thể, việc hoạt động quá mức như chạy, leo trèo và nhảy có thể gây tác động cho hệ cơ xương của trẻ và gây đau. Do đó, chính những hoạt động này là yếu tố nguy cơ xảy ra những cơn đau.
Chuyên gia này nhấn mạnh, khi khai thác đủ tính chất và khám lâm sàng nghĩ đến “đau do tăng trưởng”, trẻ thường không cần làm thêm bất kỳ xét nghiệm nào để chẩn đoán.
Khắc phục cơn đau
Để giúp trẻ bớt đau, bác sĩ Tưởng gợi ý, cha mẹ có thể khắc phục tại nhà.
“Phụ huynh có thể xoa bóp chân cho trẻ. Trẻ thường đáp ứng với việc xoa bóp nhẹ nhàng. Trong khi đó, những trẻ khác cảm thấy tốt hơn lúc được ôm ấp”, chuyên gia cho hay.
Bên cạnh đó, cha mẹ có thể cho con sử dụng đệm sưởi. Bởi, nhiệt có thể giúp làm dịu các cơ bị đau. Phụ huynh nên cho con sử dụng đệm sưởi ở nhiệt độ thấp trước khi đi ngủ hoặc khi trẻ đau chân.
Sau khi con ngủ, cha mẹ có thể tháo đệm sưởi. Việc cho trẻ ngâm chân bằng nước ấm trước khi đi ngủ cũng là một giải pháp hữu hiệu, xoa dịu cơn đau do tăng trưởng.
“Cho trẻ uống acetaminophen hoặc ibuprofen. Tránh dùng aspirin, do nguy cơ mắc hội chứng Reye. Đây là một tình trạng hiếm gặp nhưng nghiêm trọng liên quan đến việc cho trẻ dùng aspirin”, bác sĩ Tưởng cảnh báo.
Ngoài ra, chuyên gia này gợi ý, việc cho trẻ tập các động tác kéo giãn cơ vào ban ngày có thể ngăn ngừa cơn đau vào ban đêm. Một số động tác có thể là duỗi thẳng đầu gối, cẳng chân, gập cổ chân - bàn chân khi nằm ngửa. Hoặc, gập đầu gối một góc 90 độ khi trẻ nằm sấp. Thực hiện mỗi lần từ 10 - 20 giây và lặp lại từ 10 - 20 lần mỗi bên.
Cơn đau không do tăng trưởng
Mặc dù các bác sĩ cho biết, đau do tăng trưởng không nguy hiểm. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, cha mẹ cần nhanh chóng đưa con đi khám, khi: Cơn đau tiếp tục xảy ra vào buổi sáng; Đau dữ dội ảnh hưởng đến các hoạt động bình thường của trẻ; Cơn đau chủ yếu nằm ở các khớp; Cơn đau có liên quan đến chấn thương; Đau kèm theo các dấu hiệu hoặc triệu chứng khác như sưng, đỏ, đau, sốt, đi khập khiễng, phát ban, chán ăn, suy nhược hoặc mệt mỏi.
Nhiều cha mẹ băn khoăn về việc, có nên bổ sung thuốc canxi trong trường hợp con đau do tăng trưởng hay không. Chia sẻ về vấn đề này, bác sĩ Tưởng cho biết, phụ huynh nên bổ sung canxi theo nhu cầu của trẻ từ thức ăn.
“Dù tên nghe có vẻ liên quan đến tăng trưởng, nhưng nhiều nghiên cứu cho thấy, không liên quan đến giai đoạn xương phát triển nhiều hay ít. Do đó, việc cho trẻ uống canxi là không cần thiết trong trường hợp này”, chuyên gia chia sẻ.