Hiểm họa khi vừa lái xe vừa sử dụng điện thoại

Sử dụng điện thoại di động khi đang điều khiển phương tiện giao thông là thói quen của rất nhiều người. Hành vi này không những gây nguy hiểm cho tính mạng của người lái xe, mà còn trực tiếp đe dọa sự an toàn của những phương tiện khác cùng lưu thông trên đường.

Nhiều người còn sử dụng điện thoại khi đi giữa đường vào giờ cao điểm.

Nhiều người còn sử dụng điện thoại khi đi giữa đường vào giờ cao điểm.

Mắt nhìn đường nhưng không tập trung

Cuộc sống hiện đại khiến thói quen sử dụng điện thoại ở mọi lúc mọi nơi trở nên phổ biến. Nhiều người vì mải mê với những cuộc gọi, tin nhắn hay lướt mạng xã hội mà không để ý đến những rủi ro có thể xảy đến với mình khi tham gia giao thông. Thực tế, đã có không ít vụ tai nạn giao thông xảy ra chỉ vì người lái xe mải miết nhìn vào màn hình điện thoại dẫn đến thiếu quan sát.

Theo một báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới về tình hình an toàn đường bộ năm 2023, hành vi vừa điều khiển phương tiện giao thông vừa sử dụng điện thoại làm tăng tỉ lệ xảy ra va chạm giao thông lên gấp 4 - 5 lần tại một số quốc gia.

Tại Việt Nam, theo quan sát của phóng viên trên đường Lê Thanh Nghị, Hà Nội trong một ngày gần đây, chỉ trong khoảng 10 phút đã thấy 20 trường hợp vừa lái xe vừa sử dụng điện thoại di động, có những người nhìn vào màn hình điện thoại khá lâu (khoảng 5 giây) mới ngẩng đầu lên quan sát đường.

Ông Khương Kim Tạo, chuyên gia về giao thông cho biết: “Khi vừa lái xe vừa xem điện thoại, mắt dành sự tập trung vào điện thoại nhiều hơn và giảm đi sự quan sát các chướng ngại vật trên đường cũng như các phương tiện giao thông đang lưu thông. Dẫu chúng ta có thỉnh thoảng liếc mắt nhìn các phía nhưng trong suy nghĩ chúng ta chỉ đang nghĩ về nội dung trong điện thoại, tất cả điều đó đều gây ảnh hưởng rất lớn đến an toàn giao thông”.

Ngoài ra, việc vừa lái xe vừa sử dụng điện thoại còn kéo theo các lỗi vi phạm khác như chuyển hướng không báo hiệu, qua đường thiếu quan sát, không chấp hành hiệu lệnh đèn giao thông hoặc lực lượng cảnh sát giao thông. Đặc biệt, khi bị cảnh sát giao thông dừng xe, rất nhiều người còn mơ hồ không biết về lỗi vi phạm, thậm chí có hành vi chống đối. Nhiều người vội cất điện thoại đi để đối phó với lực lượng chức năng, tuy nhiên, tất cả những hình ảnh vi phạm đã được lưu lại làm căn cứ xử phạt.

Một lái xe công nghệ chăm chú xem điện thoại khi đang lái xe.

Một lái xe công nghệ chăm chú xem điện thoại khi đang lái xe.

Cần xử phạt nghiêm minh

Vừa lái xe vừa sử dụng điện thoại là hành vi vi phạm pháp luật, điều này được quy định rõ trong Luật Giao thông đường bộ. Tuy nhiên, vì nhiều lý do khác nhau mà việc xử phạt chưa đủ tính răn đe, làm gương khiến tình trạng này vẫn diễn ra khá phổ biến.

Luật sư, TS Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội) cho biết: "Pháp luật Việt Nam nghiêm cấm sử dụng điện thoại, thiết bị điện tử khi lái xe. Nếu như chưa gây ra hậu quả nghiêm trọng thì người vi phạm sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính. Trong trường hợp gây hậu quả nghiêm trọng như chết người hoặc thương tích đến 61%, gây thiệt hại về tài sản từ 100 triệu đồng trở lên thì sẽ bị xử lý hình sự với tội danh vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ, chế tài cao nhất của tội danh này là 15 năm tù.

Theo đó, Nghị định 123/2021/NĐ-CP sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định 100/2019/NĐ-CP đã quy định rõ mức phạt đối với hành vi vừa lái xe vừa sử dụng điện thoại, các thiết bị âm thanh (trừ thiết bị trợ thính).

Cụ thể, đối với các trường hợp điều khiển ô tô và các phương tiện tương tự sử dụng điện thoại, thiết bị âm thanh sẽ bị phạt tiền từ 2 - 3 triệu đồng, tước giấy phép lái xe từ 1 - 3 tháng và tước giấy phép lái xe từ 2 - 4 tháng nếu như để xảy ra tai nạn giao thông.

Đối với người điều khiển mô tô, xe máy và xe tương tự sẽ bị xử phạt từ 800.000 đồng - 1 triệu đồng, tước giấy phép lái xe từ 1 - 3 tháng và từ 2 - 4 tháng nếu như để xảy ra tai nạn giao thông. Đối với người điều khiển xe thô sơ, xe đạp điện vi phạm sẽ bị xử phạt từ 80.000 đồng - 100 nghìn đồng.

Ông Phạm Việt Công, Phó Chánh Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia cho biết: “Do ý thức của một số người điều khiển giao thông chưa tốt, việc xử phạt chưa có tính răn đe và công tác tuyên truyền, giáo dục chưa được thực hiện mạnh mẽ nên tình trạng vừa lái xe vừa sử dụng điện thoại vẫn diễn ra phổ biến. Khi chúng ta điều khiển phương tiện giao thông mà sử dụng điện thoại thì sẽ làm giảm khả năng quan sát, dễ xảy ra tai nạn giao thông. Đặc biệt là tại các thành phố lớn, nơi có mật độ giao thông cao và tổ chức giao thông ở nhiều nơi chưa được như mong muốn thì nguy cơ tai nạn giao thông càng cao nếu như các lái xe không tập trung khi điều khiển phương tiện".

Ngoài coi thường tính mạng của mình còn coi thường tính mạng của cộng đồng.

Ngoài coi thường tính mạng của mình còn coi thường tính mạng của cộng đồng.

Vào giờ cao điểm tại các thành phố lớn như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, mật độ giao thông rất cao, các phương tiện san sát, chỉ cần một phương tiện phanh lại sẽ ảnh hưởng tới rất nhiều phương tiện phía sau. Nếu như người điều khiển phương tiện phía sau đang sử dụng điện thoại thì chắc chắn sẽ không phản ứng kịp và để xảy ra tai nạn, gây ùn tắc giao thông. Không chỉ nghe gọi, nhiều người còn thản nhiên lướt mạng xã hội, đeo tai nghe, đó là việc không nên làm khi đang lái xe trên đường”.

Giáo dục đi đôi với xử phạt làm gương

Ông Khương Kim Tạo, chuyên gia về giao thông nhận định: “Giải pháp cơ bản nhất vẫn phải là tuyên truyền, giáo dục, và công tác giáo dục phải đi đôi với công tác cưỡng chế, xử phạt nghiêm. Ngoài ra, chúng ta cũng nên cân nhắc thêm về mức phạt hiện nay, nếu như chưa tương xứng thì có thể điều chỉnh mức phạt để bảo đảm đủ sức răn đe. Cũng nên nghiên cứu tăng cường khả năng sử dụng công nghệ để xử lý triệt để hành vi vi phạm. Có muôn vàn lý do để biện minh nhưng chắc chắn không có cuộc gọi, tin nhắn nào quan trọng hơn tính mạng của mình cũng như cộng đồng”.

PGS.TS Phạm Việt Cường, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu chính sách và Phòng chống chấn thương, Trường Đại học Y tế công cộng, cho rằng: “Các cơ quan chức năng cần tăng cường xử phạt nghiêm minh, không khoan nhượng nhằm tạo tính răn đe, làm gương trong cộng đồng. Ngoài ra, các cơ quan chức năng cũng nên phối hợp với các nhà trường, các tổ chức đoàn thể cơ sở trong việc tuyên truyền, giáo dục, đặc biệt là với giới trẻ về hành vi vừa lái xe vừa sử dụng điện thoại di động. Trong cuộc sống, tính mạng và sức khỏe luôn là thứ quan trọng nhất, không có cuộc gọi nào quan trọng hơn tính mạng của bạn và người xung quanh, vì thế, khi có điện thoại hãy từ từ dừng xe vào lề đường và bạn có thể thoải mái nghe điện thoại. Đừng chỉ vì muốn nhanh một phút mà chậm cả đời”.

Nguyễn Văn Công

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/hiem-hoa-khi-vua-lai-xe-vua-su-dung-dien-thoai-684547.html