Hiểm họa khôn lường từ mì tôm đến trẻ em châu Á
Một chế độ ăn, với thực phẩm rẻ tiền, tiện lợi như mì ăn liền giúp nhanh no nhưng thiếu chất dinh dưỡng quan trọng, đã khiến hàng triệu trẻ em Đông Nam Á gầy hoặc thừa cân một cách không lành mạnh, các chuyên gia cho biết.
Nền kinh tế Philippines, Indonesia và Malaysia đang bùng nổ và mức sống ngày càng tăng, tuy nhiên nhiều cha mẹ đi làm không có thời gian, tiền bạc hay cũng không chú ý tới vấn đề thực phẩm cho con cái họ.
Trong ba quốc gia này, trung bình 40% trẻ em từ 5 tuổi trở xuống bị suy dinh dưỡng, cao hơn mức trung bình toàn cầu là 1/3, theo báo cáo từ UNICEF.
"Cha mẹ tin rằng để con cái họ no bụng là điều quan trọng nhất. Họ không thực sự nghĩ về việc bổ sung đủ protein, canxi hoặc chất xơ", Hasbullah Thabrany, một chuyên gia sức khỏe cộng đồng ở Indonesia, nói với AFP.
Để nhấn mạnh vào quy mô của vấn đề này, Indonesia có 24,4 triệu trẻ em dưới 5 tuổi vào năm ngoái, trong khi Philippines có 11 triệu và Malaysia 2,6 triệu trẻ em, theo dữ liệu của UNICEF.
Mueni Mutunga, chuyên gia dinh dưỡng của UNICEF châu Á, cho rằng vấn đề này bắt nguồn từ việc các gia đình từ bỏ chế độ ăn kiêng truyền thống để có những bữa ăn "hiện đại" giá cả phải chăng, dễ tiếp cận và dễ dàng.
"Mì rất dễ. Mì rẻ tiền. Mì nhanh và dễ dàng thay thế cho chế độ ăn uống cân bằng", bà nói với AFP.
Mutunga cho biết, mì ăn liền có giá chỉ 0,23 USD một gói ở Manila, ít chất dinh dưỡng và thiếu vi chất thiết yếu như sắt và cũng thiếu protein, ngược lại có hàm lượng chất béo và muối cao.
Indonesia là nước tiêu thụ mì ăn liền lớn thứ hai thế giới, sau Trung Quốc, với 12,5 tỷ khẩu phần trong năm 2018, theo Hiệp hội Mì ăn liền Thế giới.
Con số này nhiều hơn tổng số tiêu thụ của Ấn Độ và Nhật Bản cộng lại.
Các loại trái cây, rau, trứng, sữa, cá và thịt giàu chất dinh dưỡng đang dần biến mất khỏi chế độ ăn khi dân cư nông thôn di chuyển đến các thành phố để tìm kiếm việc làm, báo cáo của UNICEF cho biết.
Mặc dù Philippines, Indonesia và Malaysia đều được coi là quốc gia có thu nhập trung bình, theo tính toán của Ngân hàng Thế giới, hàng chục triệu người dân những nước này vẫn còn khó khăn để kiếm đủ tiền trang trải cuộc sống.
"Nghèo đói là vấn đề chính", T Jayabalan, một chuyên gia y tế công cộng ở Malaysia nói.
Các hộ gia đình có thu nhập thấp ở Malaysia phụ thuộc phần lớn vào mì ăn liền sẵn, khoai lang và các sản phẩm làm từ đậu nành, ông nói.