Hiểm họa mỹ phẩm độc tàn phá sức khỏe

Nhu cầu làm đẹp tăng kéo theo sự xuất hiện tràn lan thật giả lẫn lộn sản phẩm mỹ phẩm chứa hóa chất gây hại, thậm chí ung thư cho người dùng

Mới đây, Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) ra quyết định thu hồi toàn bộ lô kem chống nắng Hanayuki Sunscreen Body vì ghi sai chỉ số SPF từ 50 nhưng thực chất chỉ đạt 2,4. Sự việc này một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về hiểm họa từ mỹ phẩm kém chất lượng đang âm thầm gây tổn thương da, thậm chí đẩy người dùng vào nguy cơ ung thư.

Biến làn da làm nơi thử nghiệm hóa chất

Nạn nhân mới nhất vừa được Bệnh viện Da liễu (TP HCM) tiếp nhận là một phụ nữ trẻ (33 tuổi) bị biến chứng nặng sau khi làm đẹp với một loại kem trắng da mua trên mạng được quảng cáo "bật tông sau 7 ngày, trắng sáng tức thì". Chị cho biết bôi liên tục vào buổi tối, ban đầu da trắng thật, song chỉ sau 3 tuần, da bắt đầu mỏng, rát, nổi mao mạch đỏ li ti kèm theo cảm giác nóng rát và bong tróc từng mảng. Kết quả khám cho thấy da bệnh nhân đã bị teo lớp biểu bì, mất hàng rào bảo vệ tự nhiên do kem chứa corticoid mạnh, phải điều trị phục hồi kéo dài hơn 4 tháng mới ổn định được làn da.

Bệnh viện Da liễu (TP HCM) tiếp nhận nhiều bệnh nhân biến chứng da nặng do làm đẹp. Ảnh: HẢI YẾN

Bệnh viện Da liễu (TP HCM) tiếp nhận nhiều bệnh nhân biến chứng da nặng do làm đẹp. Ảnh: HẢI YẾN

Một trường hợp khác (42 tuổi) cũng đến khám bệnh viện trong tình trạng đỏ da lan từ mặt xuống cổ, bong tróc và ngứa rát sau khi dùng loại kem dưỡng trắng được người quen tặng. Các bác sĩ xác định người bệnh tình trạng viêm da tiếp xúc do dùng mỹ phẩm không rõ nguồn gốc, chứa thành phần có thể là corticoid. Quá trình điều trị những ca này cần thời gian rất lâu, ít nhất từ 3 đến 6 tháng mới phục hồi được làn da. Không thể mong hiệu quả tức thì như các quảng cáo trên mạng.

Người dân nên sáng suốt lựa chọn sản phẩm có thương hiệu rõ ràng, uy tín. Ảnh: NGỌC DUNG

Người dân nên sáng suốt lựa chọn sản phẩm có thương hiệu rõ ràng, uy tín. Ảnh: NGỌC DUNG

ThS-BS Phạm Thị Uyển Nhi, Trưởng Phòng Kế hoạch Tổng hợp - Bệnh viện Da liễu (TP HCM), cho biết mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận nhiều trường hợp biến chứng da nặng vì tin vào quảng cáo, bỏ qua yếu tố an toàn, tổn thương da do dùng mỹ phẩm không rõ nguồn gốc. Không chỉ các loại kem dưỡng trắng, nhiều loại kem chống nắng trên thị trường cũng bị gắn sai chỉ số SPF khiến người dùng chủ quan.

Ngoài ra, các thành phần bảo quản và hoạt chất không được kiểm định trong những sản phẩm này còn có thể gây dị ứng, kích ứng da và tổn thương hệ miễn dịch tại chỗ. "Nhiều loại kem làm trắng da đang bán tràn lan thường chứa corticoid - một chất chống viêm mạnh nhưng khi dùng lâu dài sẽ khiến da mỏng yếu, giãn mạch, dễ bị tổn thương và lão hóa sớm. Đây là các sản phẩm thường được dán nhãn "cao cấp", "hàng công ty" với bao bì bắt mắt, giá không hề rẻ nhưng lại chứa thành phần độc hại" - BS Uyển Nhi cảnh báo.

"Sát thủ" thầm lặng

Tại Hội nghị Da liễu thẩm mỹ toàn quốc lần thứ 8 tổ chức tại Hà Nội ngày 23-5, các chuyên gia đưa ra nhiều cảnh báo về nguy hại tiềm ẩn trong các loại sản phẩm làm đẹp hiện nay. Từ lâu, kem chống nắng được biết đến là "lá chắn" bảo vệ làn da khỏi tác hại của tia UV. Tuy nhiên, nhiều người không biết đối với một số bệnh lý, việc sử dụng sản phẩm không đạt chuẩn không chỉ vô tác dụng mà còn có thể khiến tình trạng bệnh thêm nghiêm trọng.

PGS-TS Lê Hữu Doanh, Giám đốc Bệnh viện Da liễu trung ương, cho biết gần đây, bệnh viện tiếp nhận nhiều bệnh nhân gặp biến chứng do dùng mỹ phẩm, sản phẩm chăm sóc da không rõ nguồn gốc. Các trường hợp phổ biến là viêm da tiếp xúc, kích ứng, hay phản ứng với các thành phần dược, hóa chất mà người dùng không hề biết vì không được ghi rõ trên nhãn sản phẩm.

Theo PGS Doanh, mỹ phẩm chăm sóc da không chỉ có tác dụng làm đẹp mà còn góp phần bảo vệ làn da và sức khỏe tổng thể. Do đó, việc lựa chọn sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng, được kiểm định chất lượng là điều hết sức quan trọng, đặc biệt với các sản phẩm có vai trò như kem chống nắng. "Nếu dùng kem chống nắng "dỏm", ngoài việc không bảo vệ được làn da dưới nắng nó còn khiến một số bệnh lý toàn thân diễn tiến nặng hơn" - PGS Doanh khuyến cáo.

Các sản phẩm làm đẹp khác cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro nếu thiếu kiểm soát về chất lượng. TS-BS Vũ Thái Hà, Trưởng Khoa Nghiên cứu và ứng dụng công nghệ tế bào gốc - Bệnh viện Da liễu trung ương, cho biết việc không công khai thành phần mỹ phẩm là rất nguy hiểm. Người dùng không biết hàm lượng, liều lượng nên dễ bị quá liều với các hoạt chất mạnh, từ đó ảnh hưởng đến sức khỏe toàn thân chứ không chỉ vùng da thoa thuốc.

Theo bác sĩ Hà, người dân luôn mong muốn làm đẹp một cách nhanh chóng, giá rẻ, hiệu quả lại an toàn. Nhưng thực tế, muốn hiệu quả và an toàn thì không thể vừa nhanh vừa rẻ. "Có bệnh nhân đến khám vì làn da nám sạm ngày càng nặng nề hơn mà không biết tại sao. Khi bác sĩ hỏi ra mới biết bệnh nhân dùng kem dưỡng giá rẻ mua trôi nổi suốt một thời gian dài, gây rối loạn sắc tố ngoại sinh. Đây là vấn đề rất hay gặp ở bệnh nhân khi đến khám da liễu" - bác sĩ Hà nói.

Cảnh báo làm đẹp theo "trend"

Các chuyên gia cũng cảnh báo về một thực trạng điển hình trong xu hướng làm đẹp theo "trend" hiện nay là tẩy trắng, tắm trắng cấp tốc, dễ dẫn đến nhiễm độc tế bào sắc tố và phá vỡ cấu trúc nền của làn da. Thực tế đã có trường hợp bị rối loạn nhịp tim vì ủ tắm trắng da do trong kem ủ tắm trắng có thể chứa chất độc tố phenol, chất này thấm sâu vào cơ thể khi ủ tắm trắng, gây hại cho tim mạch.

Việc tẩy trắng da chính là tẩy tế bào sắc tố da - đây vốn là yếu tố bảo vệ da khỏi tác nhân gây hại, một khi hàng rào này mất đi thì nguy cơ lão hóa da, ung thư da ngày càng nhiều hơn. Chính vì thế, các bác sĩ không khuyến cáo việc tự ý tẩy trắng da làm đẹp mà chỉ lưu ý người dân nên quan tâm đến việc chăm sóc một làn da khỏe, sáng hơn là việc tẩy trắng làm đẹp.

Theo PGS Doanh, những năm gần đây, các trào lưu làm đẹp như dùng retinol, tretinoin để lột da, peel da, tiêm meso, BAP, filler… bùng nổ trên mạng xã hội. Tuy nhiên, không ít người vì tin vào quảng cáo quá đà mà sẵn sàng peel da đến bỏng rát, tiêm filler tại các cơ sở không phép dẫn đến hậu quả nghiêm trọng, thậm chí mù mắt do tắc mạch.

Chuyên gia này cũng cảnh báo nhiều người tin rằng chỉ cần một mũi tiêm chất A hay B là có thể thay thế cả năm chăm sóc da. Nhất là khi các sản phẩm được gắn mác "tế bào gốc", "tự thân"... thì lại càng dễ bị cuốn theo mà không lường được nguy cơ. Hậu quả có thể là mất tiền oan và gặp biến chứng nặng nếu thực hiện tại cơ sở không uy tín. "Làm đẹp ít xâm lấn, dựa trên cơ chế sinh học, tăng sinh và tái tạo tự nhiên là xu hướng đúng đắn, an toàn. Nhưng nếu tin vào lời quảng cáo sai lệch, thực hiện ở nơi không được cấp phép, sử dụng sản phẩm trôi nổi thì hiệu quả chưa thấy đâu, chỉ thấy rủi ro ập đến trước" - PGS Doanh nhấn mạnh.

Nhiều yếu tố chưa kiểm soát

Theo giới chuyên môn, xu hướng làm đẹp nội khoa, ít xâm lấn ngày càng được ưa chuộng. Trong khoảng 5 năm qua, da liễu thẩm mỹ tại Việt Nam phát triển nhanh, trở thành thị trường tiềm năng với nhiều công nghệ mới liên tục được nghiên cứu và đưa ra thị trường. Tuy nhiên, việc ứng dụng các phương pháp mới vẫn cần sự thận trọng, do còn nhiều yếu tố chưa được kiểm soát. Các công nghệ này cần được nghiên cứu kỹ lưỡng và có sự cho phép của Bộ Y tế trước khi áp dụng điều trị.

HẢI YẾN - NGỌC DUNG

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/hiem-hoa-my-pham-doc-tan-pha-suc-khoe-19625052320250649.htm