Hiểm họa tiềm ẩn từ vật nuôi thả rông
Dù đã có quy định và các chế tài xử phạt song tình trạng thả rông vật nuôi gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông, mất mỹ quan đô thị hay ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe của người chẳng may bị vật nuôi thả rông tấn công vẫn còn tồn tại ở các địa phương trên địa bàn Yên Bái, gây nhiều bức xúc cho người dân.
Vừa qua, trên đường đi làm về, trời nhập nhoạng tối, anh Trần Hải Vinh ở thị trấn Cổ Phúc, huyện Trấn Yên đã đâm phải một con chó chạy qua đường. Do phản xạ nhanh, phanh kịp thời cùng với đi tốc độ chậm nên anh Vinh chỉ bị trầy xước và tím ngoài da. Con chó sau đó cũng chạy mất mà không biết ai là chủ. Nếu hôm ấy anh Vinh đi tốc độ nhanh hơn thì không biết hậu quả sẽ thế nào…
Theo quy định, vật nuôi khi ra nơi công cộng phải có người chăn dắt. Thế nhưng, nhiều chủ nuôi không chấp hành quy định này, dẫn đến việc gây tai nạn cho người tham gia giao thông.
Chứng kiến trường hợp người phụ nữ đi xe máy va chạm với một con chó thả rông trên đường Quang Trung, thành phố Yên Bái khiến chị này ngã trầy xước chân tay, chị Hà Thị Hoan, người dân sống trên đường Quang Trung chia sẻ: "Nguy hiểm quá, nuôi chó, mèo mà sao lại thả rông ra đường? Tại tổ dân phố nơi tôi ở, người dân đã được tuyên truyền việc quản lý vật nuôi và nghiêm cấm tình trạng thả rông vật nuôi. Thế nhưng, bên cạnh những người chấp hành tốt thì vẫn có một số ít chủ vật nuôi chưa có ý thức quản lý vật nuôi, gây tai nạn giao thông cho người đi đường. Tôi đề nghị cơ quan chức năng thường xuyên tuyên truyền, nhắc nhở hay có biện pháp mạnh hơn như bắt vật nuôi thả rông để làm sao cho từng gia đình nâng cao ý thức trông, giữ vật nuôi, đảm bảo an toàn cho mọi người xung quanh”.
Thực tế cho thấy, việc thả rông vật nuôi, gia súc không những làm cản trở, mất an toàn giao thông mà còn gây mất vệ sinh, ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng mỹ quan đô thị. Về chế tài xử lý hành vi này, pháp luật đã có những quy định xử phạt đối với vi phạm về việc chủ nuôi thả gia súc, vật nuôi không quản lý, lấn chiếm lòng đường. Cụ thể, Điều 35, Luật Giao thông đường bộ năm 2008, quy định: "Người dẫn dắt súc vật đi trên đường bộ phải cho súc vật đi sát mép đường và bảo đảm vệ sinh trên đường. Trường hợp cần cho súc vật đi ngang qua đường thì phải quan sát và chỉ được đi qua đường khi có đủ điều kiện an toàn; không được dẫn dắt súc vật đi vào phần đường dành cho xe cơ giới”.
Về các chế tài xử phạt, Điều 7, Nghị định 144/2021 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh trật tự, an toàn xã hội, đối với hành vi thả rông động vật nuôi trong đô thị hoặc nơi công cộng, để vật nuôi xâm lấn lòng đường, vỉa hè, nơi sinh hoạt chung trong khu dân cư, khu đô thị hay vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác, sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng. Trường hợp người chủ để vật nuôi gây thương tích hoặc gây thiệt hại tài sản cho tổ chức, cá nhân khác có thể bị phạt từ 1 - 2 triệu đồng.
Nếu vật nuôi gây tổn hại cho sức khỏe người khác mà tỷ lệ tổn thương từ 31- 60% thì người chủ vật nuôi có thể bị xem xét, truy cứu trách nhiệm hình sự theo điều 138, Bộ luật Hình sự 2015 với mức phạt cao nhất lên tới 3 năm tù. Trường hợp vật nuôi làm chết người có thể áp dụng điều 128, Bộ luật Hình sự 2015 với mức phạt cao nhất là 10 năm tù.
Ngoài việc xử lý vi phạm hành chính, trong trường hợp vật nuôi thả rông tấn công, lây bệnh hoặc gây tai nạn cho người đi đường thì người chủ phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho nạn nhân theo quy định tại Điều 603, Bộ luật Dân sự 2015. Quy định là vậy, nhưng tình trạng người vi phạm chăn, thả rông gia súc, vật nuôi vẫn rất phổ biến. Còn người bị gia súc, vật nuôi cản trở, gây tai nạn giao thông thì vẫn phải tự chịu, do khó xác định được ai là chủ của vật nuôi để yêu cầu bồi thường hay có trường hợp người chủ không nhận vật nuôi khi gây thương tích cho người dân.
Có thể thấy, việc thả rông vật nuôi trên đường hay tại khu vực công cộng không chỉ gây nguy hiểm cho các phương tiện tham gia giao thông mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng của người đi bộ trên đường nếu chẳng may bị chúng tấn công. Để tránh tình trạng này, người dân cần quản lý tốt và tiêm phòng đầy đủ cho vật nuôi. Ngoài ra, nhằm tránh những rủi ro không đáng có do vật nuôi thả rông gây ra, người điều khiển phương tiện cần đi tốc độ vừa phải và quan sát kỹ để ứng phó với tình huống bất ngờ.
Bên cạnh đó, các địa phương cần tuyên truyền, nâng cao ý thức của người dân trong việc quản lý, nghiêm cấm tình trạng thả rông vật nuôi. Lực lượng chức năng cũng cần tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các trường hợp cố tình vi phạm…
Nguồn Yên Bái: https://baoyenbai.com.vn/13/327703/hiem-hoa-tiem-an-tu-vat-nuoi-tha-rong.aspx