Hiểm họa từ thói quen ăn tiết canh sống
Ngộ độc thực phẩm do ăn đồ tươi, sống, chưa qua chế biến, nhất là món tiết canh sống, là câu chuyện không mới nhưng số người bị ngô độc loại thực phẩm này trong cộng đồng ở Thái Nguyên vẫn khá phổ biến; chỉ khi có triệu chứng nặng, họ mới đến các bệnh viện để điều trị.

Mỗi ngày, Khoa Cấp cứu (Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên) tiếp nhận và điều trị từ 3 đến 5 ca ngộ độc thực phẩm.
Thông tin từ Khoa Cấp cứu (Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên) cho thấy, mỗi ngày, Khoa tiếp nhận và điều trị cho từ 3 đến 5 ca ngộ độc thực phẩm. Riêng với các ca ngô độc thực phẩm do ăn tươi sống, gỏi cá, tiết canh..., Khoa tiếp nhận và điều trị từ 5 đến 7 trường hợp mỗi tháng.
Đáng chú ý, trong số các bệnh nhân đến điều trị, có trường hợp được xác định dương tính với liên cầu khuẩn lợn và đã tử vong. Bác sĩ Lê Duy Đạo, Trưởng Khoa cấp cứu, cho biết: Hầu như năm nào Khoa cũng tiếp nhận và điều trị cho bệnh nhân có triệu chứng mắc bệnh liên cầu khuẩn lợn.
Cách đây hơn 1 tuần, Khoa tiếp nhận 1 nam bệnh nhân hơn 40 tuổi, thường trú tại xã Đại Từ, có triệu chứng sốt cao, xuất huyết dưới da… Diễn tiến ca bệnh rất nhanh nên sau đó bệnh nhân đã tử vong. Trước đó, bệnh nhân được xác định đã ăn tiết canh vịt.
Trên thực tế, số người mắc liên cầu khuẩn ở lợn do ăn đồ tươi sống, gỏi, tiết canh ở Thái Nguyên không hiếm. Khoảng 3 năm trở lại đây, năm nào, trên địa bàn tỉnh cũng có người tử vong do mắc liên cầu khuẩn lợn.
Tháng 8 năm ngoái, tại Định Hóa cũng đã xuất hiện trường hợp bệnh nhân nam (sinh năm 1974), mắc liên cầu khuẩn lợn và tử vong do ăn tiết canh lợn.
Là một loại bệnh do liên cầu lợn gây ra, ai cũng có thể mắc bệnh truyền nhiễm này nếu tiếp xúc với lợn bị bệnh mang vi khuẩn liên cầu hoặc sản phẩm từ lợn bệnh như máu, thịt, lòng…
Bác sĩ Lê Duy Đạo cho hay: Thời gian ủ bệnh ngắn, chỉ vài giờ đến 3 ngày. Bệnh nhân thường sốt cao, đau đầu, ù tai, xuất huyết dưới nhiều dạng khác nhau như: Xuất huyết dưới da từng mảng, đôi khi hoại tử; xuất huyết tiêu hóa…
Trong bệnh liên cầu lợn hay gặp là nhiễm khuẩn huyết khiến người bệnh có thể bị nhiễm độc tố rất nặng, với các biểu hiện tụt huyết áp, mạch nhanh, nhỏ, trụy tim mạch, suy hô hấp và có thể tử vong nếu không phát hiện sớm, điều trị kịp thời.
Ngoài ra, một số trường hợp mắc liên cầu lợn xuất hiện nhiễm độc đường tiêu hóa, cũng có thể bị viêm màng não với triệu chứng sốt cao, co giật, nôn vọt… nếu không phát hiện sớm, cứu chữa kịp thời có thể gây phù não, hôn mê, tử vong.
Bác sĩ Hoàng Anh, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh, cho biết: Bệnh liên cầu lợn hoàn toàn có thể phòng tránh được nếu người dân nêu cao ý thức, trách nhiệm. Bà con không nên ăn tiết canh và các sản phẩm từ thịt lợn chưa được nấu chín như nem chua, nem chạo; không sử dụng thịt lợn có màu đỏ khác thường, xuất huyết hoặc phù nề. Đặc biệt, phải thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, sử dụng găng tay và các dụng cụ bảo hộ cần thiết khác khi tiếp xúc với lợn. Người chăn nuôi, người chế biến thịt lợn cũng cần thường xuyên rửa tay với xà phòng.
Để bệnh liên cầu lợn không phát tán, ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng, người dân tuyệt đối không mua bán, vận chuyển, giết mổ lợn ốm, chết hoặc sản phẩm từ lợn không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; khi phát hiện lợn bị bệnh, không được giết mổ mà phải báo cơ quan thú y tiêu hủy theo đúng quy trình, quy định.
Được xác định là bệnh có diễn tiến nhanh, gây nguy hiểm cho tính mạng nên khi nghi ngờ mắc liên cầu lợn, chúng ta cần nhanh chóng đưa người bệnh đến bệnh viện để được khám và chữa trị kịp thời.
Thông thường, ăn tiết canh sẽ có nguy cơ nhiễm các loại bệnh như rối loạn tiêu hóa, nhiễm vi rút, nhiễm ấu trùng sán lợn và đặc biệt là nhiễm liên cầu khuẩn lợn… Vừa qua tại tỉnh Hưng Yên có 6 người phải nhập viên sau khi ăn tiết canh lợn, trong đó có 2 trường hợp tử vong. Đây tiếp tục là hồi chuông cảnh tỉnh những người có thói quen ăn các loại tiết canh sống…