Hiểm họa từ trào lưu độ, chế xe đạp điện

Thời gian gần đây, tình trạng học sinh sử dụng xe đạp điện được độ, chế để tăng tốc độ ngày càng phổ biến. Nhiều em học sinh, vì muốn trải nghiệm cảm giác lạ, phóng nhanh như xe máy, đã tự ý hoặc nhờ thợ sửa xe thay đổi kết cấu của xe đạp điện. Tuy nhiên, điều này tiềm ẩn nhiều nguy hiểm và rủi ro pháp lý mà phụ huynh cần đặc biệt lưu tâm.

Tràn lan hội nhóm độ, chế

Xe đạp điện thông thường có tốc độ tối đa khoảng 25-30 km/h. Tuy nhiên, nhiều người đã tìm cách can thiệp vào bộ điều tốc, thay pin công suất cao hoặc thay đổi hệ thống động cơ để nâng tốc độ lên 50-70 km/h, thậm chí hơn 100 km/h. Việc này có thể khiến chiếc xe nhỏ bé trở thành một phương tiện di chuyển như xe máy, nhưng lại không được thiết kế để chịu tải và đảm bảo an toàn khi di chuyển với vận tốc cao.

Nguyên nhân chính của trào lưu này xuất phát từ tâm lý thích thể hiện, đua đòi giữa các học sinh, cùng với sự dễ dàng trong việc tìm mua linh kiện nâng cấp qua mạng xã hội. Chỉ với vài trăm đến vài triệu đồng, các em có thể tìm thấy các bộ kit tăng công suất, pin lithium dung lượng cao, thậm chí cả động cơ điện mạnh hơn. Các hướng dẫn độ xe cũng được chia sẻ rộng rãi trên các nền tảng mạng xã hội khiến việc tự nâng cấp xe trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết.

Công an tỉnh Tiền Giang kiểm tra và xử phạt các thanh, thiếu niên đi xe điện độ.

Công an tỉnh Tiền Giang kiểm tra và xử phạt các thanh, thiếu niên đi xe điện độ.

Quả thật, chỉ cần một cú tìm kiếm trên mạng xã hội, dễ dàng thấy hàng trăm hội nhóm có nội dung liên quan đến độ, chế xe đạp điện. Những nhóm này có từ vài nghìn đến hàng chục nghìn thành viên, phần lớn là học sinh cấp 2, cấp 3 và cả những người chuyên sửa xe trái phép. Các bài viết được đăng trong nhóm chủ yếu là chia sẻ cách độ xe để tăng tốc độ.

Ngoài ra, còn chia sẻ kinh nghiệm “lách” (tránh, hàm ý đối phó) lực lượng CSGT như cách chỉnh lại tốc độ khi gặp công an hoặc sử dụng xe không biển số. Đây cũng là nơi giao lưu, trao đổi, buôn bán pin độ, động cơ công suất lớn, bộ điều tốc chạy lướt giúp xe tăng tốc nhanh hơn bình thường; đồng thời, cũng là nơi giao lưu, mua bán các loại xe đã được độ, chế hoàn chỉnh với nhiều mức giá khác nhau, tùy thuộc vào nhu cầu của người chơi xe. Dưới sự hướng dẫn của các tay chơi trên mạng, nhiều học sinh tự mua linh kiện và độ, chế xe tại nhà hoặc tìm đến các cửa hàng sửa chữa xe điện để yêu cầu nâng cấp trái phép. Đây là một thực trạng đáng lo ngại, tiềm ẩn nhiều nguy cơ về an toàn giao thông (ATGT) và pháp lý.

Theo T.N.A - một dân chơi xe độ ở Hà Nội chia sẻ, hiện giới trẻ thích độ chế xe đạp điện để thể hiện đẳng cấp; thậm chí còn thi nhau độ xe để xem xe ai đạt được tốc độ cao nhất, đồ chất nhất. N.A cho biết, việc độ, chế xe khá đơn giản, chỉ cần tháo dây hãm tốc trong bánh sau thì chiếc xe đạp điện sẽ được kích tốc chạy nhanh như xe máy điện. Muốn xe mạnh thường chỉ cần tầm 3 triệu đồng nhưng muốn cho chiếc xe tốc độ hơn, khác lạ hơn, mạnh mẽ hơn, có thể chạy ngang và hơn xe máy có khi tốn đến 30 triệu.

Cũng theo N.A, để tăng tốc cho xe đạp điện, có thể gỡ bỏ một số bộ phận không cần thiết trên xe. Ở các cửa hàng bán xe, nếu khách hàng muốn, cửa hàng sẽ tháo tất cả bàn đạp, xích, líp, giỏ xe, cốp nhựa đựng đồ và yên sau... Ngoài ra, sẽ phải nâng cấp bình ắc quy, từ 4-6 bình, mạnh hơn nữa thì 8 bình hoặc sử dụng pin nguồn cao hơn. Từ đó, nguồn cung cấp điện xe được mạnh hơn, nâng cấp IC lõi bánh xe sau từ 350W của xe thông dụng lên 500, 1.000, 1.500W... tùy ý. Muốn tự nâng cấp có thể đặt mua linh kiện trên mạng hoặc các cửa hàng sửa xe, nhưng muốn độ xịn, “chất” thì đến các lò độ xe điện quảng cáo trên mạng.

Không chỉ rao bán, quảng cáo xe đạp điện độ, linh kiện độ xe, có hội nhóm còn ngang nhiên tổ chức cuộc thi “Xe điện độ keng Việt Nam”. Theo một thành viên ẩn danh, cuộc thi này “nhằm mục đích tạo ra sân chơi cho anh em cộng đồng đam mê xe điện độ và sự ủng hộ nhiệt tình của anh em từ Nam ra Bắc, cũng như mong muốn tạo ra một sân chơi vui vẻ, lành mạnh sau Tết” (!?). Đồng thời, vận động các thành viên tham gia “đây không chỉ là nơi để anh em giao lưu, mà còn là dịp để tự tin thể hiện thành quả của mình sau những ngày “độ luyện”. Cuộc thi được tổ chức miễn phí, chỉ cần có hình ảnh hoặc video xe điện độ chính chủ và đạt đủ các tiêu chuẩn ban tổ chức đề ra (xe chính chủ, không buff ảo, khi nhận giải phải chụp hình giải thưởng cùng với xe của mình). Cơ cấu giải thưởng: giải nhất: 1 con gắp 3 ống CNC; giải ấn tượng: 1 tay phanh AGL chính hãng; 10 giải khuyến khích: tay ga điện Yadea X5/giải”.

Đáng ngạc nhiên là các thành viên tham gia cuộc thi đều là học sinh cấp 2, cấp 3, đến từ nhiều tỉnh, thành trong cả nước. Các thành viên này đều để ẩn danh trên hội nhóm và yêu cầu các thành viên khác muốn liên hệ thì... inbox (nhắn tin riêng - PV).

Cần mạnh tay với “quái xế”

Xe đạp điện đang trở thành nỗi ám ảnh với nhiều người khi ngày càng có nhiều vụ tai nạn thương tâm xảy ra. Theo thống kê của Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) quốc gia, 90% số vụ tai nạn giao thông trong những năm gần đây liên quan đến học sinh, ở độ tuổi 16-18, đối tượng chủ yếu đang sử dụng xe gắn máy có dung tích xi-lanh dưới 50 cm3 và xe đạp điện, xe máy điện. Có 70% số vụ tai nạn giao thông thương vong là do học sinh THCS đi xe đạp điện, xe máy điện gây ra.
Hiện có trên 50% số học sinh THPT đến trường bằng xe đạp điện, xe máy điện, thậm chí cả xe máy. Đáng lo ngại là do thiếu hành lang pháp lý nên tình trạng học sinh phổ thông sử dụng xe máy điện đang gia tăng đáng báo động, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất ATGT.

Điều đáng nói là nhiều phụ huynh còn khá thờ ơ với các quy định, “vô tình” để con em mình vi phạm Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Không ít phụ huynh cho rằng, điều khiển xe đạp điện, xe máy điện an toàn hơn so với xe gắn máy. Tuy nhiên, trên thực tế, với vận tốc tối đa của xe máy điện có thể lên đến 40-50 km/h thì mức độ nguy hiểm của xe đạp điện và xe máy là tương đương.

CSGT kiểm tra, phát hiện xe độ, chế ở Ba Vì, Hà Nội.

CSGT kiểm tra, phát hiện xe độ, chế ở Ba Vì, Hà Nội.

Chưa kể, xe đạp điện, xe máy điện chạy rất êm, gần như không phát ra tiếng động, khi vượt lên thì phương tiện lưu thông cùng chiều khó phát hiện để tránh, từ đó, tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra tai nạn khi lưu thông với tốc độ cao. Nhiều xe đạp điện, xe máy điện không gắn kính chiếu hậu, còi, đèn xi-nhan nên khi chuyển hướng cũng dễ xảy ra tai nạn.

Do cấu tạo của xe đạp điện, xe máy điện độ ma sát của bánh xe với mặt đường kém nên dễ xảy ra tai nạn khi lưu thông với tốc độ cao. Bên cạnh đó, ý thức tham gia giao thông của người điều khiển phương tiện còn hạn chế nên tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây mất ATGT cho chính người điều khiển. Trên địa bàn TP Hà Nội nhất là ở khu vực quanh các trường học, vào giờ tan trường, không khó để bắt gặp những hình ảnh nhiều học sinh đi xe đạp điện, xe máy điện vi phạm quy định về trật tự, ATGT. Các em đang trong độ tuổi mới lớn, muốn thể hiện bản thân nên không ít trường hợp điều khiển xe đạp điện, xe máy điện có hành vi lạng lách, đánh võng, dàn hàng ngang trò chuyện, chạy xe ngược chiều, vượt đèn đỏ, không đội mũ bảo hiểm,... tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn cho bản thân các em và những người xung quanh.

Anh Lê Hồng Phong (Phạm Ngũ Lão, Hải Phòng) cho biết: “Có lần mình đi quốc lộ 5 lúc thoáng đường, đang đi ô tô 80 km/h thì thấy có cháu đi xe điện phóng vèo cái vượt qua xe mình luôn; thậm chí, có lần còn thấy cháu đi xe đạp điện mà vượt cả bác ô tô đi làn ngoài cùng ngót 100 km/h, mình cũng choáng”.

Còn anh Nguyễn Quang Anh (Thanh Oai, Hà Nội) cũng không ít lần gặp các “quái xế” mặc áo học sinh vượt cả xe ô tô của mình khi anh lái xe 60 km/h. “Giờ nhiều cháu thích đi xe điện độ. Đầu tiên là buộc phải độ bình ắc quy. Nó sẽ làm tăng trọng lượng xe. Có khi nặng hơn cả xe máy. Có xe tháo hết bàn đạp, xích, líp... độ 6 khối pin, lên phuộc trước sau, kéo dài gắp và còn phanh dĩa heo dầu trước sau, đề pa vọt hơn tay ga 125 cc luôn. Nhiều cháu được bố mẹ gia đình chiều chuộng quá hoặc không kiểm soát, rất dễ gây tai nạn vì xe điện tăng tốc rất nhanh”, anh Quang Anh lắc đầu ngao ngán.

Ngày 1/4/2025, tổ công tác Đội CSGT đường bộ số 9 (Phòng CSGT Công an TP Hà Nội) phối hợp với Công an xã Vật Lại (huyện Ba Vì) tổ chức ghi hình các vi phạm của học sinh tại khu vực cổng Trường THPT Lương Thế Vinh. Buổi ghi hình cho thấy, các vi phạm chủ yếu gồm học sinh điều khiển xe máy không đội mũ bảo hiểm, xe không gắn biển kiểm soát, thậm chí có nhiều phương tiện bị độ, chế... Một học sinh vi phạm bị CSGT xử phạt về lỗi thay đổi kết cấu xe chia sẻ rằng, em thấy trên mạng đăng những clip độ xe nên đã đặt mua phụ kiện về rồi nhờ người lắp hộ. Học sinh này cũng nhận thức được hành vi của mình và cam kết không tái phạm.

Trước đó, Công an xã Thanh Bình (huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang) vừa xử lý nhiều thiếu niên chạy xe đạp điện đã qua độ, chế như thay đổi động cơ, nâng cấp pin, chỉnh sửa hệ thống truyền động, thay đổi kết cấu khung sườn, thay đổi hệ thống phanh...

Công an xã Thanh Bình đã làm việc với 4 thanh, thiếu niên, trong đó có 2 em 13 và 14 tuổi. Các em học sinh đều khai nhận đã chi vài triệu đồng đến gần 30 triệu đồng để độ xe đạp điện của mình. Những thiếu niên này cho biết, độ xe đạp điện để thể hiện cá tính, tạo “cảm giác phấn khích” khi chạy trên đường. Sau khi độ, vận tốc tối đa có thể đạt được 60-70 km/h, thậm chí khoảng 80-100 km/h. Chi phí độ xe đều do cha mẹ cho.

Theo Phòng CSGT Công an tỉnh Tiền Giang, thông số kỹ thuật đối với xe đạp điện từ các nhà sản xuất cung cấp thường chỉ đạt vận tốc tối đa 25-35 km/h. Vì vậy, một khi xe này được độ đến vận tốc 80-100 km/h sẽ rất nguy hiểm, vì đã phá vỡ kết cấu an toàn của xe.

Cụ thể, việc thay đổi động cơ và nâng cấp pin không đúng tiêu chuẩn có thể dẫn đến tình trạng quá tải hệ thống điện, gây chập, cháy, nổ pin. Đồng thời, việc thay đổi các linh kiện không phù hợp với đặc tính ban đầu sẽ làm giảm tuổi thọ của xe, dẫn đến tình trạng hỏng hóc bất ngờ khi vận hành.

Đáng ngại hơn, người điều khiển chỉ là thiếu niên 13-17 tuổi thì kỹ năng và kinh nghiệm xử lý tình huống khẩn cấp còn hạn chế, trong khi xe rất dễ mất kiểm soát. Thực tế, đã có nhiều vụ tai nạn xảy ra do xe đạp điện độ chạy quá nhanh, đâm vào người đi đường hoặc phương tiện khác.
Công an tỉnh Tiền Giang khuyến cáo, việc thay đổi kết cấu xe đạp điện không chỉ là vi phạm pháp luật mà còn đặt chính bản thân người điều khiển và những người xung quanh vào tình huống nguy hiểm. Để ngăn chặn tình trạng này, bên cạnh sự vào cuộc của lực lượng chức năng, rất cần sự phối hợp của gia đình, nhà trường và các cơ quan liên quan. Việc tuyên truyền, giáo dục về ATGT, nâng cao nhận thức của thanh, thiếu niên là vô cùng cần thiết nhằm đảm bảo trật tự ATGT và bảo vệ tính mạng cho các em cũng như cộng đồng.

Ngọc Mai

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/phong-su/hiem-hoa-tu-trao-luu-do-che-xe-dap-dien-i764181/