Hiểm họa từ việc dùng điện thoại khi lái xe

Mặc dù là hành vi bị pháp luật nghiêm cấm, đã có chế tài xử phạt, nhưng nhiều người vẫn sử dụng điện thoại khi tham gia giao thông. Đây là thói quen xấu, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông cần được loại bỏ, xử lý nghiêm để đảm bảo an toàn cho bản thân, những người xung quanh, đồng thời, xây dựng văn hóa giao thông văn minh, lịch sự.

Vừa lái xe vừa sử dụng điện thoại di động là thói quen xấu của nhiều người khi tham gia giao thông, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông.

Vừa lái xe vừa sử dụng điện thoại di động là thói quen xấu của nhiều người khi tham gia giao thông, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông.

Vừa qua, trên đường đi làm về, anh Nguyễn Văn H, thị trấn Lập Thạch, huyện Lập Thạch đi xe máy với tốc độ khá nhanh thì có tiếng chuông điện thoại. Theo thói quen, vừa lái xe anh H vừa rút điện thoại để nghe. Do trời tối và bị phân tâm nên đến ngã rẽ, anh H không xử lý kịp thời khi có xe máy rẽ sang lối cùng chiều, tai nạn đã xảy ra. Hậu quả, anh H và 2 người trên xe va chạm bị thương nặng.

Trường hợp chị Nguyễn Thúy K, xã Nguyệt Đức (Yên Lạc) lại là nạn nhân khi người điều khiển phương tiện giao thông sử dụng điện thoại. Khi đang dừng đợi đèn đỏ, chị K bất ngờ bị một ô tô đâm mạnh vào đuôi xe, va chạm khiến chị K bị hất văng ra xa, gãy xương đùi và xương cổ, xe máy bị hư hỏng.

Theo các chuyên gia, việc sử dụng điện thoại di động khi tham gia giao thông sẽ gây phân tâm, hạn chế khả năng quan sát, khiến người điều khiển phương tiện mất tập trung; khả năng điều khiển, kiểm soát tốc độ khi gặp tình huống bất ngờ bị giảm mạnh, khó xử lý kịp thời, dễ gây tai nạn.

Chính vì vậy, hành vi này đã bị nghiêm cấm. Tại Nghị định số 168 của Chính phủ quy định rõ mức xử phạt đối với người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy và các loại xe tương tự có hành vi dùng tay cầm, sử dụng điện thoại hoặc các thiết bị điện tử khác khi đang điều khiển xe chạy trên đường, thêm hình phạt bổ sung là trừ điểm, phục hồi điểm giấy phép lái xe.

Ngoài ra, nếu gây tai nạn giao thông, gây thương tích hoặc tổn hại sức khỏe cho người khác, trong đó, có nguyên nhân từ hành vi sử dụng điện thoại khi tham gia giao thông còn có thể bị xử lý hình sự.

Luật đã có, chế tài xử phạt đã được quy định rõ ràng, tuy nhiên, qua quan sát, tình trạng người điều khiển phương tiện giao thông sử dụng điện thoại vẫn rất phổ biến. Lý giải cho hành vi này, nhiều người cho rằng vì đặc thù công việc hoặc nhu cầu tìm đường thì họ mới sử dụng điện thoại khi lái xe, hoặc do công việc quá bận rộn và thói quen vừa đi đường vừa nghe, gọi giúp họ tiết kiệm thời gian...

Anh N.V.H, làm nghề giao hàng (shiper) có địa chỉ thường trú tại phường Khai Quang (Vĩnh Yên) cho biết: Nghề shiper thường xuyên phải di chuyển và tìm nhiều địa chỉ để giao hàng nên cần sử dụng điện thoại tìm đường, liên lạc với chủ đơn hàng. Nếu dừng lại gọi điện hoặc tra bản đồ sẽ mất rất nhiều thời gian, không đảm bảo đơn hàng, tiến độ.

Quan sát thực tế, hành vi vừa lái xe vừa sử dụng điện thoại di động phần lớn là thói quen ở giới trẻ, trong đó có nhiều tài xế taxi, xe ghép, người giao hàng… Qua công tác tuần tra, kiểm soát, lực lượng cảnh sát giao thông, Công an tỉnh cho biết, việc xử phạt những người vi phạm hành vi sử dụng điện thoại khi điều khiển phương tiện giao thông rất khó khăn.

Nguyên nhân bởi lực lượng cảnh sát giao thông mỏng nên khó kiểm tra, phát hiện và xử lý kịp thời. Bên cạnh đó, hành vi này chưa được triển khai trong xử phạt nguội thông qua camera, bởi vậy, người điều khiển phương tiện vẫn vi phạm khi tham gia giao thông.

Việc sử dụng điện thoại, thiết bị điện tử khi lái xe không chỉ là hành vi vi phạm pháp luật mà còn là hành động thiếu trách nhiệm, gây nguy hiểm cho bản thân, cộng đồng. Bởi vậy, để đảm bảo an toàn giao thông, cấp ủy, chính quyền các cấp, các đơn vị, địa phương cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức và ý thức của người dân.

Tuy nhiên, yếu tố quan trọng nhất là chính bản thân mỗi người tham gia giao thông cần nâng cao ý thức tự giác, thay đổi hành vi, nhận thức, hình thành thói quen tốt khi tham gia giao thông, góp phần xây dựng văn hóa giao thông an toàn.

Bài, ảnh: Kim Ngân

Nguồn Vĩnh Phúc: https://baovinhphuc.com.vn/tin-tuc/articletype/articleview/articleid/128666//hiem-hoa-tu-viec-dung-dien-thoai-khi-lai-xe