Hiểm họa từ xe moóc rào chở quá tải
Với thể tích chiều cao thùng hàng rộng gấp nhiều lần các loại sơ-mi rơ-moóc khác, xe moóc rào được sử dụng để vận chuyển gỗ tròn, vật liệu, khoáng sản… tiềm ẩn nguy cơ tai nạn rất lớn.
Liên tiếp phát hiện xe moóc rào chở quá tải
Ngày 21/12, UBND huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang đã ban hành quyết định xử phạt tài xế Nguyễn Văn T (trú tại Quảng Ninh) tổng số tiền 28,3 triệu đồng về các hành vi không chấp hành yêu cầu kiểm tra của người thi hành công vụ, điều khiển xe ô tô không có giấy phép lái xe, điều khiển xe không có phù hiệu, xe vượt quá tải trọng hơn 80%, không mang theo đăng ký xe.
Ngoài ra, chủ xe là hộ kinh doanh Phạm Trí Th (ở Quảng Ninh) cũng bị xử phạt 27 triệu đồng về các hành vi giao phương tiện cho người không đủ điều kiện, để cho người làm công chở hàng quá tải.
Trước đó, Đội CSGT Công an huyện Lạng Giang nhận được thông tin trình báo có xe đầu kéo vận chuyển gỗ từ tỉnh Quảng Ninh, lưu thông sang tỉnh Hải Dương rồi theo quốc lộ 37 đến Bắc Giang, đưa đến Thái Nguyên tiêu thụ.
Đến 4h sáng 12/12, tổ công tác phát hiện xe đầu kéo BKS 14H-015.08, kéo theo rơ-moóc BKS 14R-022.66 chở đầy ắp gỗ, lặc lè lưu thông đến địa phận huyện Lạng Giang. Tuy nhiên, tài xế đã liên tục điều khiển xe đầu kéo dừng đỗ trên đường để né tránh.
Hơn 4 tiếng sau, tài xế đã bị tổ công tác dừng xe kiểm tra. Lúc này, tài xế T không chấp hành yêu cầu kiểm tra tải trọng, khóa trái cửa, nổ máy, cố thủ trên xe.
Chỉ đến khi Công an huyện Lạng Giang phối hợp tuyên truyền, giải thích, tài xế mới xuống xe làm việc.
Trước đó, cuối tháng 11, Đội CSGT Công an huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang cũng phát hiện, xử lý tài xế Phạm Hồng D (SN 1972, trú tỉnh Lạng Sơn) điều khiển xe ô tô BKS 12H-011.79, kéo theo moóc rào BKS 12R-004.52 vận chuyển than đá quá tải gần 50%.
Cũng trong tháng 11, Trạm CSGT Tùng Diễn, Phòng CSGT Công an tỉnh Lạng Sơn phát hiện, xử lý hàng loạt xe ô tô đầu kéo chở hàng hóa không có giấy đăng ký xe, không có giấy kiểm định xe; không có phù hiệu xe, chở hàng quá tải.
Có một điểm chung là các xe trên đều có dấu hiệu tự ý thay đổi kích thước thành thùng xe, giới tài xế vẫn quen gọi là xe moóc rào.
Nếu các xe này chở nông sản thì có thể đúng tải trọng, nhưng nếu chở vật liệu, khoáng sản, gỗ tròn thì chắc chắn quá tải.
Tiềm ẩn nguy cơ TNGT
Sau khi xem kỹ những hình ảnh xe moóc rào do PV Báo Giao thông cung cấp, ông Lê Thế Hùng, Phó giám đốc Trung tâm đăng kiểm 9801S khẳng định: Các xe trên đều có dấu hiệu tự ý thay đổi kích thước thành thùng xe. Trong đó, xe đầu kéo BKS 12H-011.79, kéo theo moóc rào BKS 12R-004.52 đã tự ý thi công thêm phần tôn chắn trên thùng xe.
Theo tiêu chuẩn, xe moóc rào chỉ được phép rào kín 80mm tính từ đáy thùng hàng; phía trên là hệ thống rào thưa, bằng sắt. Tuy nhiên, để chở thêm hàng, tránh việc rơi vãi khoáng sản, vật liệu ra lòng đường, chủ xe đã tự ý thi công thêm hệ thống tôn, sắt xô trên thùng xe. Điều này là trái quy định.
Ông Nguyễn Quang Long, Giám đốc Trung tâm đăng kiểm 9805D cho biết, hiện nay chưa có quy định cụ thể xe nào, moóc nào thì được vận chuyển với từng mặt hàng cụ thể. Tuy nhiên, khi thiết kế, nhà sản xuất và cơ quan quản lý Nhà nước đã tính toán kỹ và cho phép tải trọng đối với từng phương tiện.
Do đó, khi vận chuyển các mặt hàng không phù hợp, quá khổ, quá tải sẽ gây áp lực lớn lên hệ thống lốp và phanh xe. Điều này dễ gây nổ lốp, mất phanh và hư hỏng xe trong quá trình di chuyển, làm mất ATGT, tiềm ẩn nguy cơ dẫn đến các vụ TNGT. Hơn nữa, xe quá tải còn làm hư hỏng cầu đường, khiến hạ tầng giao thông xuống cấp.
Đặc biệt, do thùng hàng quá cao, chở hàng quá tải nên những phương tiện này thường xuyên bị mất phanh khi đổ đèo, lên dốc hoặc di chuyển qua các đoạn đường cong cua, gấp khúc...
Thậm chí, do vận chuyển các loại hàng hóa không phù hợp dẫn đến việc cát sỏi, đất đá, bụi than rơi vãi ra lòng đường gây bụi bẩn, trơn trượt, mất ATGT. Cùng đó, một số xe còn biến dạng thành thùng, gây nguy hiểm cho người và phương tiện tham gia giao thông khác.
Đơn cử, xe đầu kéo BKS 14H-015.08, kéo theo rơ-moóc BKS 14R-022.66 chở đầy ắp gỗ vừa bị UBND huyện Lạng Giang xử phạt nêu trên có thành thùng biến dạng, trong khi gỗ tròn được chất đầy trên xe nhưng không chằng buộc. Nếu phương tiện này không may xảy ra va chạm, gỗ trên xe văng xuống đường thì không biết hậu quả để lại sẽ khủng khiếp đến đâu.
Từ những nguy cơ trên, lãnh đạo Phòng CSGT Công an tỉnh Bắc Giang và Phòng CSGT Công an tỉnh Lạng Sơn khẳng định, sẽ chỉ đạo các đội CSGT tăng cường kiểm tra, xử lý xe moóc rào để bảo đảm ATGT.
Cạnh tranh không lành mạnh
Việc các doanh nghiệp, cá nhân sử dụng moóc rào vào vận chuyển vật liệu đã khiến nhiều đơn vị kinh doanh vận tải làm ăn chân chính điêu đứng vì khó cạnh tranh về giá và tải trọng xe.
Anh N.Đ.V, chủ doanh nghiệp kinh doanh vận tải tại xã Tân Dĩnh, huyện Lạng Giang chia sẻ, các xe 3, 4 chân hiện nay đã không thể hoạt động vì trọng tải thấp, trong khi chi phí tăng cao. Công ty đã chấp nhận lỗ cả chục tỷ đồng khi bán hết các xe 3,4 chân để mua các loại xe đầu kéo, moóc ben vận chuyển hàng đúng tải trọng, đúng kích thước thành thùng cho phép.
Tuy nhiên, hiện nay doanh nghiệp bị cạnh tranh gay gắt do lượng xe moóc rào khá nhiều, thường xuyên chở hàng quá tải. Đơn cử, giá cát xây dựng vận chuyển từ Bắc Giang đến Lạng Sơn hiện có giá dao động từ 250-255 nghìn đồng/m3. Tuy nhiên, các xe moóc rào chỉ nhận 230 nghìn đồng/m3, thậm chí có đơn vị chỉ nhận với giá 220 nghìn đồng/m3. Lý do các xe này có thể vận chuyển gấp 2-3 lần xe bình thường.
Ông Nguyễn Văn N, giám đốc một công ty kinh doanh vận tải tại thị trấn Vôi, huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang cho biết, đơn vị vẫn còn gần 10 xe 4 chân nhưng không thể hoạt động vì không cạnh tranh được về giá cước.
Tương tự, Công ty TNHH C.Đ.Th, ở thị trấn Vôi, huyện Lạng Giang cũng vừa chấp nhận lỗ hơn 10 tỷ đồng khi bán hơn 10 xe 4 chân.
Nguồn ATGT: https://atgt.baogiaothong.vn/hiem-hoa-tu-xe-mooc-rao-cho-qua-tai-192231225230050707.htm