Hiểm nguy rình rập ở eo biển Manche

Chính phủ Anh và Đức đã ký bản kế hoạch hành động chung nhằm giải quyết nạn buôn người qua eo biển Manche - 'eo biển tử thần' đối với người di cư bất hợp pháp.

Lực lượng tuần duyên biển kiểm soát người di cư vượt eo biển Manche.

Lực lượng tuần duyên biển kiểm soát người di cư vượt eo biển Manche.

Kế hoạch còn nhằm tạo điều kiện dễ dàng hơn trong việc truy tố các tổ chức tội phạm tham gia vào những chuyến vượt biển bằng tàu thuyền nhỏ đến Anh khi cơ quan chức năng hai bên được cung cấp nhiều công cụ hơn để chống lại các chiến thuật liên tục thay đổi của những băng nhóm buôn người.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Liên bang Đức Nancy Faeser và Bộ trưởng Bộ Nội vụ Anh Yvette Cooper đã ký thỏa thuận này. Theo Bộ trưởng Nội vụ Anh Cooper, trong thời gian quá dài, các băng nhóm tội phạm có tổ chức đã lợi dụng những người di cư để làm suy yếu an ninh biên giới ở Anh và trên khắp châu Âu và gây nguy hiểm cho hàng nghìn sinh mạng. Trong khi đó, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Đức Faeser cho biết nhiều vụ buôn người được các nhóm tội phạm lên kế hoạch mà điều đó là không thể chấp nhận.

"Chúng tôi hiện đang tăng cường hành động chung để chống lại các hoạt động tàn bạo của những kẻ buôn người quốc tế" - bà Faeser cho biết và nhấn mạnh hai nước sẽ phối hợp truy vết các luồng tài chính, từ đó xác định những tên tội phạm buôn người đứng đằng sau. Ngoài ra, cũng phối hợp để hạn chế các trường hợp thương vong trên tuyến đường di cư qua eo biển Manche.

Theo số liệu thống kê của Chính phủ Anh, trong năm 2024, đã có hơn 33.700 người vượt eo biển Manche đến Anh từ châu Âu bằng thuyền nhỏ. Trong khi đó, tờ Le Parisien của Pháp đưa tin có ít nhất 70 người tử vong khi vượt qua eo biển này trong năm nay. Còn Cơ quan cảnh sát châu Âu (Europol) cho biết các nghi phạm đã tổ chức mua, lưu trữ và vận chuyển xuồng bơm hơi để buôn lậu người di cư từ Pháp đến Anh. Bất chấp sự ngăn chặn của Chính phủ Anh và cảnh sát biển của Pháp, dòng người nhập cư tử nạn trên eo biển Manche vẫn chưa dừng lại.

Theo số liệu của cảnh sát Pháp, trung bình cứ 5 ngày lại có 1 người nhập cư thiệt mạng trên biển Manche. Giữa tháng 10, tờ Le Monde đưa ra con số 54 người nhập cư chết trên biển Manche kể từ đầu năm 2024. Tuy nhiên con số của Le Monde đã không còn phù hợp bởi vào cuối tháng 10, thêm 6 người nữa đã chết đuối khi cố gắng vượt biển sang Anh. Còn tờ Humanite lại cho rằng tính từ đầu năm cho đến 24/11, có tời 70 người tử vong khi cố tìm cách vượt qua eo biển Manche để vào Anh một cách hợp pháp.

Theo phía Anh, bất chấp mùa đông khắc nghiệt, người di cư vẫn cố tình thực hiện một hải trình đầy nguy hiểm. Bộ Nội vụ Anh nhận định, các đối tượng buôn người đang điều chỉnh phương thức hoạt động khi chúng sử dụng những con thuyền lớn hơn và chở nhiều người di cư hơn.

Hồi giữa tháng 8, cảnh sát biển cho biết chỉ trong 1 ngày có tới 703 người di cư đã vượt eo biển Manche đến Anh trên 11 chiếc thuyền nhỏ, con số được cho là kỉ lục. Tuy nhiên, kỉ lục đó đã bị vượt qua khi vào ngày 5/10, có tới 973 người di cư trên 17 chiếc thuyền đã vượt eo biển Manche. Jacques Billant - cảnh sát trưởng vùng Pas-de-Calais - cho biết Lực lượng bảo vệ bờ biển Pháp đã triển khai cứu hộ một chiếc thuyền chở gần 90 người di cư bị hỏng động cơ. 15 người đã được chuyển đến một tàu kéo, bao gồm cả bé trai 2 tuổi đã bị chết vào thời điểm đó. Bruno Retailleau - đại diện Bộ Nội vụ Pháp cho biết: "Những kẻ buôn người đã vấy máu của những nạn nhân trên tay. Chúng đang làm giàu bằng cách tổ chức những chuyến vượt biển đầy chết chóc". Còn bà Yvette Cooper - Bộ trưởng Bộ Nội vụ Anh thì nói: "Thật kinh hoàng khi có thêm nhiều người di cư thiệt mạng trên eo biển này. Các băng nhóm buôn lậu người di cư không quan tâm họ sống hay chết".

Eo biển Manche đã trở thành nỗi ám ảnh kinh hoàng với người di cư. Nhiều năm qua, đây là tuyến đường được người di cư, những kẻ buôn người lựa chọn để thâm nhập trái phép vào Anh. Ở eo biển này đã xảy ra hàng chục vụ lật tàu thảm khốc, nhấn chìm sinh mạng của hàng trăm người di cư bất hạnh.

Người ta đã gọi Manche là “eo biển tử thần” đối với người di cư bất hợp pháp. Nằm giữa Anh và Pháp, eo biển Manche là một đoạn biển dài khoảng 560km. Với chỗ rộng nhất là 240km, chỗ hẹp nhất là 34km và chỗ sâu nhất chỉ khoảng 172m, đây là vùng biển nông nhỏ nhất quanh thềm lục địa châu Âu. Dù sóng to và nhiều dòng hải lưu mạnh, nhưng nơi đây từ lâu đã được người di cư, tị nạn chọn lựa là cung đường vượt biển để đến Anh chỉ bằng những con thuyền nhỏ với thời gian ngắn.

Là cơ quan chịu trách nhiệm kiểm soát hoạt động di cư bất hợp pháp, Bộ Quốc phòng Anh từng lên tiếng rằng tình trạng liên tục gia tăng các vụ vượt biển nguy hiểm đến nước này là không thể chấp nhận được. Mỗi ngày chính phủ Anh đã phải chi tới 6,8 triệu bảng Anh để cung cấp nơi tạm trú cho những người di cư.

Nhiều ý kiến cho rằng, trách nhiệm đầu tiên phải thuộc về chính phủ các quốc gia châu Âu lục địa, mà đứng đầu là Pháp. Bản thân nước Pháp cũng “không mong muốn” điều đó diễn ra và chính sách mới dành cho người nhập cư từ nhiều năm qua đã luôn là chủ đề gây tranh cãi tại Pháp.

Trong khi tranh cãi chưa chấm dứt thì truyền thông Pháp cho rằng ngay trước mắt, thời điểm cuối năm cũng là lúc số người lợi dụng sương mù và giá lạnh để vượt eo biển Manche sẽ tăng lên, đồng thời có thể tử vong cũng nhiều hơn. “Phải chăng khi các cuộc tranh luận chưa chấm dứt thì thảm họa trên eo biển Manche cũng không có hồi kết?” - truyền thông Pháp đặt dấu hỏi.

Liên hợp quốc cảnh báo nạn buôn người gia tăng đáng kể do xung đột, biến đổi khí hậu và các cuộc khủng hoảng toàn cầu, với số nạn nhân vượt mức trước đại dịch. Báo cáo toàn cầu về nạn buôn người của Văn phòng Liên hợp quốc về ma túy và tội phạm (UNODC) chỉ ra rằng tội phạm ngày càng cưỡng bức nhiều nạn nhân tham gia các hình thức lừa đảo trực tuyến phức tạp và gian lận trên không gian mạng. Phụ nữ trưởng thành là nhóm nạn nhân lớn nhất, chiếm 39%, tiếp theo là nam giới (23%), trẻ em gái (22%) và trẻ em trai (16%). Hơn 60% phụ nữ và trẻ em gái bị buôn bán để bóc lột tình dục, trong khi đàn ông và trẻ em trai thường bị cưỡng bức lao động hoặc phục vụ các mục đích khác như tội phạm cưỡng bức và ăn xin. Khu vực có nhiều nạn nhân nhất là châu Phi cận Sahara, chiếm 26%. Buôn người từ lâu đã được coi là một trong những hoạt động tội phạm phát triển nhanh nhất thế giới với lợi nhuận ước tính lên tới 150 tỷ USD/năm.

THẾ TUẤN

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/hiem-nguy-rinh-rap-o-eo-bien-manche-10296982.html