Vừa qua Bộ trưởng Công nghiệp và Thương mại Nga, ông Denis Manturov đã khiến báo giới ngạc nhiên khi tuyên bố xe tăng chiến đấu chủ lực tối tân T-14 Armata đã được đưa sang Syria "thử lửa"
Mục đích của hành động này theo ông Manturov là để hiệu chỉnh nốt những tính năng kỹ chiến thuật cuối cùng của dòng xe tăng này trước khi bước vào giai đoạn sản xuất hàng loạt.
Mặc dù các bài thử nghiệm tại Nga đã được tiến hành, nhưng phương tiện tác chiến trên vẫn cần được kiểm tra tại nơi có khí hậu nóng ẩm như Syria nhằm đánh giá kỹ hơn các khí tài điện tử.
Điều này đặc biệt cần thiết khi ngoài phục vụ trong quân đội Nga, xe tăng T-14 Armata còn được đánh giá có tiềm năng xuất khẩu cao tới những quốc gia có điều kiện tự nhiên tương tự Syria.
Vấn đề được bàn luận tiếp theo đó là địa điểm Nga sẽ thử nghiệm T-14 Armata, có lẽ nơi kiểm tra tính năng tốt nhất cho chiếc xe tăng này chẳng đâu khác mà chính là tỉnh Idlib.
Trong thời gian qua có nhiều dấu hiệu cho thấy quân đội Syria chuẩn bị tái khởi động chiến dịch tấn công giải phóng hoàn toàn tỉnh Idlib, nhất là khi lực lượng phiến quân thánh chiến liên tục có động thái vi phạm lệnh ngừng bắn.
Nhưng nếu như xe tăng T-14 Armata xuất hiện tại chiến trường Idlib thì nguy cơ dành cho phương tiện này là rất cao, bởi chắc chắn nó sẽ trở thành "thỏi nam châm" hút hỏa lực của kẻ thù.
Các tay súng thánh chiến cố thủ tại tỉnh Idlib dĩ nhiên sẽ rất muốn tiêu diệt được một chiếc T-14 Armata, bởi nếu thành công thì điều đó vừa có tác dụng nâng cao sĩ khí lại làm tổn hại nghiêm trọng uy tín của vũ khí Nga.
Trong tay lực lượng phiến quân đối lập có số lượng rất lớn tên lửa chống tăng cực kỳ lợi hại, bao gồm chủ yếu là BGM-71 TOW và thậm chí cả FGM-148 Javenlin do Mỹ sản xuất.
Nhưng theo ý kiến của các chuyên gia quân sự Nga, không dễ để phiến quân có thể hạ được một chiếc T-14 Armata, bởi dòng xe tăng này mang trong mình những tinh hoa của ngành công nghiệp quốc phòng Nga.
"T-14 Armata thực sự đã được cải tiến đáng kể về vỏ giáp so với xe tăng Nga thuộc các thế hệ trước, bên cạnh đó nó còn được trang bị hệ thống phòng vệ chủ động chống lại tên lửa chống tăng của đối phương".
"Xe tăng cũng có thiết kế mới khiến cho kíp điều khiển ít bị tổn thương. Cụ thể, các công trình sư đã thực hiện một sơ đồ với 'viên nang' dành cho tổ lái nằm ở dưới cùng của thân xe và một tháp pháo không người ngồi trong".
"Ngoài ra khẩu pháo 2A82 cỡ 125 mm của T-14 Armata có tầm bắn lên tới 4,7 km khi dùng đạn nổ mảnh thông thường, hay 8 km nếu phóng tên lửa qua nòng, nó sẽ ra đòn ngoài tầm với của các tay súng đối phương", chuyên gia Nga nói rõ.
Ngoài ra trong cuộc phỏng vấn, chuyên gia quân sự Nga cũng cho rằng việc bắt xe tăng T-14 Armata dẫn đầu đội hình xung kích là việc làm hoàn toàn không cần thiết.
Do đang trong giai đoạn thử nghiệm nên T-14 Armata chỉ cần đánh giá khả năng hoạt động của các thiết bị trong điều kiện khí hậu khắc nghiệt mà thôi, nếu có sử dụng hỏa lực thì sẽ là khẩu pháo 2A82 khai hỏa từ cự ly an toàn, khiến nguy cơ bị tiêu diệt là rất thấp.
Việt Dũng (Theo Topwar)