Hiện đại hóa công tác thanh tra, kiểm tra trong hệ thống kho bạc
Để nguồn vốn ngân sách đến đúng đối tượng thụ hưởng, được sử dụng đúng mục đích, mang lại hiệu quả trong phát triển kinh tế - xã hội, Kho bạc Nhà nước đã rất chú trọng đến công tác thanh tra, kiểm tra. Trong tiến trình chuyển đổi số, công tác thanh tra, kiểm tra tiếp tục được Kho bạc Nhà nước định hướng đổi mới, phù hợp với quy trình kiểm soát chi điện tử.
Chấn chỉnh kịp thời các sai sót qua giám sát từ xa
Kịp thời phát hiện những sai phạm trong quản lý, sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước (NSNN), trong những năm qua, toàn hệ thống Kho bạc Nhà nước (KBNN) đã nỗ lực ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong công thanh tra, kiểm tra (TTKT).
Theo đó, KBNN đã triển khai giám sát từ xa công tác quản lý quỹ NSNN trên chương trình kế toán kho bạc, qua đó các khoản thu NSNN được thực hiện hạch toán đúng quy trình và phân chia cho các cấp ngân sách theo đúng tỷ lệ quy định. Việc hạch toán sai mục lục NSNN, hoặc mục lục NSNN không tương thích ngày càng ít xảy ra, không có tình trạng cố ý ghi sai nội dung khoản thu theo quy định. Đồng thời, không xảy ra tình trạng các khoản thu đã đủ điều kiện nộp NSNN nhưng vẫn hạch toán trên tài khoản tạm thu, tạm giữ, hoặc kéo dài thời gian nộp NSNN đối với các tài khoản tạm thu…
KBNN cũng đã triển khai chương trình giám sát từ xa công tác quản lý tài chính nội bộ KBNN, qua đó, công chức TTKT trong hệ thống KBNN đã thực hiện giám sát nội dung ghi sổ chi tiết hoạt động các tài khoản; giám sát tính chất các số dư trong bảng cân đối tài khoản; giám sát phương pháp ghi chép tài khoản kế toán; giám sát nguồn kinh phí hoạt động; giám sát các mục chi theo Mục lục ngân sách hiện hành…, đảm bảo duy trì tốt hoạt động quản lý tài chính nội bộ trong toàn hệ thống, là mô hình mẫu để các tổng cục thuộc Bộ Tài chính thực hiện theo.
Dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) được KBNN chính thức triển khai trong toàn hệ thống từ năm 2018. Việc cung cấp DVCTT đã giúp cho các hoạt động của KBNN công khai, minh bạch, giảm nhũng nhiễu, tiêu cực trong công tác kiểm soát chi NSNN. Đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân giao dịch với KBNN, DVCTT đã mang lại lợi ích trong việc giảm thiểu về thủ tục hành chính, giảm thời gian giao dịch và tiết kiệm chi phí đi lại.
Từ cuối năm 2020, KBNN đã triển khai tiện ích tra cứu dữ liệu DVCTT phục vụ công tác TTKT. Thông qua tiện ích này, công chức TTKT trong toàn hệ thống được cấp tài khoản người dùng (user) có quyền tra cứu dữ liệu chương trình DVCTT nhằm phát hiện những vấn đề bất thường để cảnh báo cho lãnh đạo đơn vị sử dụng NSNN có biện pháp xử lý kịp thời; đồng thời phục vụ tích cực, hiệu quả cho việc xây dựng kế hoạch và tiến hành các cuộc kiểm tra.
Nhằm tiếp tục nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng và trên cơ sở nguồn dữ liệu tập trung, từ tháng 10/2021, KBNN đã thực hiện giám sát từ xa toàn bộ quá trình tiếp nhận và xử lý hồ sơ, chứng từ kiểm soát chi trên DVCTT trong toàn hệ thống. Cụ thể là giám sát việc thực hiện tiếp nhận hồ sơ trên DVCTT đảm bảo không muộn hơn 8 giờ làm việc theo quy định tại Nghị định 45/2020/NĐ-CP của Chính phủ; giám sát hồ sơ thanh toán qua DVCTT bị trả lại nhiều lần; giám sát hồ sơ quá hạn xử lý theo quy định tại Nghị định 11/2020/NĐ-CP của Chính phủ. Theo đánh giá từ KBNN, qua hơn 1 năm triển khai, số lượng hồ sơ quá hạn tiếp nhận đã giảm đi rất nhiều.
Phấn đấu 50% hoạt động kiểm tra được số hóa vào năm 2025
Ông Đinh Mạnh Tuấn - Vụ trưởng Vụ Thanh tra Kiểm tra, KBNN cho biết, công tác TTKT luôn được coi là một trong những công cụ quản lý đắc lực của KBNN các cấp. Qua hoạt động TTKT, các bất cập trong cơ chế, chính sách, chế độ hiện hành đã được phát hiện kịp thời và được các cấp KBNN kiến nghị bổ sung, sửa đổi phù hợp với thực tiễn hiện nay.
Trong Chiến lược phát triển KBNN đến năm 2030, hiện đại hóa công tác TTKT là một trong những nhiệm vụ quan trọng của toàn hệ thống. Theo đó, KBNN đã đưa ra kế hoạch sẽ dần số hóa công tác này, mục tiêu là đến năm 2025, tối thiểu 50% hoạt động kiểm tra của KBNN sẽ được thực hiện thông qua môi trường số.
Theo ông Đinh Mạnh Tuấn, để thực hiện thành công mục tiêu này, trước mắt, KBNN sẽ kiện toàn hệ thống kiểm tra, kiểm soát nội bộ, xây dựng hoàn thiện bộ máy và củng cố lực lượng công chức thanh tra KBNN các cấp có đầy đủ năng lực, kinh nghiệm, có khả năng khai thác dữ liệu trên các ứng dụng CNTT. Đồng thời, đổi mới công tác kiểm tra, giám sát nội bộ hệ thống KBNN nhằm rút ngắn thời gian kiểm tra trực tiếp, từng bước chuyển từ phương thức kiểm tra thủ công trực tiếp tại trụ sở KBNN là đối tượng được kiểm tra sang thực hiện kiểm tra, giám sát từ xa theo phương thức điện tử; xây dựng công cụ giám sát hoạt động nghiệp vụ KBNN các cấp phục vụ công tác đánh giá, kiểm soát ngăn ngừa rủi ro trong hoạt động KBNN, cùng hướng tới triển khai thực hiện kiểm toán nội bộ KBNN.
Kho bạc Nhà nước đã thực hiện 10.876 cuộc kiểm tra nội bộ
Từ năm 2014 đến nay, hệ thống Kho bạc Nhà nước (KBNN) đã thực hiện được gần 10.876 cuộc kiểm tra. Trung bình mỗi năm hệ thống KBNN thực hiện được 1.359 cuộc. Hàng năm, các đơn vị trong toàn hệ thống đều hoàn thành kế hoạch kiểm tra đã được phê duyệt. Bên cạnh đó, các đơn vị KBNN còn tiến hành các cuộc kiểm tra đột xuất theo chỉ đạo của lãnh đạo đơn vị hoặc khi có dấu hiệu vi phạm; công tác tự kiểm tra được các đơn vị chú trọng, quan tâm và thực hiện thường xuyên, liên tục.
Ngoài ra, KBNN sẽ đẩy mạnh hoạt động kiểm tra, thanh tra chuyên ngành thông qua môi trường số và hệ thống thông tin. Phấn đấu đến năm 2025 đạt tối thiểu 50% hoạt động kiểm tra của KBNN được thực hiện thông qua môi trường số. Đồng thời, KBNN tiếp tục đẩy mạnh công tác TTKT, không để tình trạng sách nhiễu, gây khó khăn, phiền hà trong công tác kiểm soát chi NSNN, nâng cao hơn nữa chất lượng phục vụ khách hàng; duy trì tốt đoàn kết nội bộ, kỷ luật, kỷ cương, trách nhiệm trong thực thi công vụ tại từng đơn vị KBNN, đảm bảo tuyệt đối an toàn tiền, tài sản nhà nước giao KBNN quản lý.
Ông Đinh Mạnh Tuấn cũng cho biết thêm, KBNN đã đặt ra kế hoạch đổi mới nội dung, phương pháp, quy trình kiểm tra, thanh tra phù hợp với sự phát triển của CNTT và hiện đại hóa hoạt động KBNN, đảm bảo cảnh báo sớm các rủi ro và phát hiện, ngăn chặn kịp thời các hiện tượng vi phạm chính sách, chế độ quản lý của nhà nước trong lĩnh vực hoạt động KBNN. Đặc biệt, KBNN sẽ đẩy mạnh ứng dụng CNTT vào hoạt động kiểm tra, giám sát nội bộ nhằm khai thác triệt để các dữ liệu sẵn có trên môi trường điện tử để từng bước chuyển đổi từ phương thức kiểm tra, giám sát trực tiếp sang phương thức kiểm tra, giám sát trên môi trường điện tử, môi trường số.
Đối với công tác thanh tra chuyên ngành, KBNN sẽ tập trung thanh tra vào các dự án đầu tư xây dựng cơ bản sử dụng vốn NSNN, vốn trái phiếu chính phủ thực hiện kiểm soát chi NSNN qua KBNN; các khoản chi thường xuyên liên quan đến chi lương và có tính chất lương; thanh tra đối với các đơn vị sử dụng NSNN có biểu hiện nghi ngờ lợi dụng, chiếm đoạt tiền NSNN phát hiện qua công tác kiểm tra, tự kiểm tra của các đơn vị KBNN. Bên cạnh đó, KBNN sẽ nâng cao chất lượng công tác thanh tra chuyên ngành, đảm bảo đủ chứng lý của kết luận thanh tra trong việc thực hiện các kiến nghị qua thanh tra chuyên ngành. Chú trọng công tác khảo sát, nắm tình hình trước khi triển khai thanh tra chuyên ngành, sự phối hợp giữa thanh tra và các bộ phận nghiệp vụ nhằm phát huy được hiệu quả cao trong hoạt động thanh tra chuyên ngành.
Đổi mới phương thức, nâng cao chất lượng thanh tra, kiểm tra
Kho bạc Nhà nước (KBNN) đưa ra giải pháp để đổi mới phương thức thanh tra, kiểm tra (TTKT), nâng cao chất lượng các cuộc TTKT. Đó là, từng bước chuyển đổi phương thức kiểm tra truyền thống sang phương thức TTKT, giám sát thông qua môi trường điện tử, môi trường số và hệ thống thông tin; tăng cường công tác TTKT đột xuất, TTKT dựa trên rủi ro.
Đẩy mạnh hoạt động giám sát; mở rộng nội dung giám sát trên các chương trình ứng dụng công nghệ thông tin của KBNN. Gắn kết quả kiểm tra, giám sát với trách nhiệm của cá nhân, tập thể KBNN các cấp; với trách nhiệm người đứng đầu KBNN các cấp; với công tác khen thưởng, kỷ luật công chức.