Hiện đại hóa Kho bạc Nhà nước
Sau khi hoàn thành dự án TABMIS vào năm 2012, Kho bạc Nhà nước (KBNN) đã quản trị, vận hành hệ thống thông suốt, đồng thời tiếp tục phát triển các hệ thống công nghệ thông tin liên quan. Phó Tổng giám đốc KBNN Đặng Thị Thủy cho biết, đến nay đã cơ bản hình thành kho bạc điện tử và đang xây dựng kế hoạch hình thành kho bạc số.
Đã hình thành kho bạc điện tử
Thời gian qua, KBNN đã xây dựng và vận hành hệ thống công nghệ thông tin cốt lõi phục vụ 4 chức năng của KBNN và cung cấp dịch vụ điện tử cho các đơn vị giao dịch.
Cụ thể, KBNN đang duy trì 4 hệ thống công nghệ thông tin về quản lý ngân sách. Đó là hệ thống quản lý ngân sách và kho bạc (TABMIS), giúp kiểm soát chi theo dự toán, tồn quỹ và cam kết chi. Hệ thống kiểm soát chi đầu tư qua KBNN - đang triển khai thí điểm, dự kiến áp dụng toàn quốc vào giữa quý IV.2021 - giúp kiểm soát chi dự án theo kế hoạch trung hạn, kế hoạch vốn hàng năm, tổng mức đầu tư dự án, theo hạng mục, hợp đồng, cam kết chi.
Hệ thống dịch vụ công trực tuyến tiếp nhận hồ sơ và chứng từ chi điện tử từ đơn vị sử dụng ngân sách đạt 100% đơn vị và 99,5% chứng từ chi ngân sách đi qua kênh điện tử. Hệ thống thanh toán điện tử tập trung gồm thanh toán điện tử song phương với ngân hàng thương mại, thanh toán điện tử liên ngân hàng với Ngân hàng Nhà nước góp phần nâng cao khả năng quản lý ngân quỹ.
Đặc biệt, KBNN đã liên thông các hệ thống trên để cán bộ kho bạc chỉ phải tác nghiệp ở hệ thống nguồn là dịch vụ công trực tuyến. Một năm qua, KBNN vận hành trước liên thông hệ thống kế toán hành chính sự nghiệp đối với hệ thống dịch vụ công trực tuyến về dữ liệu yêu cầu chi ngân sách tại Hà Nội và tới đây sẽ mở rộng.
“Khi hoàn thành các công việc này, KBNN sẽ có hệ thống thông suốt kết nối từ các ứng dụng kế toán tài chính của đơn vị sử dụng ngân sách đi qua hệ thống kiểm soát chi và kế toán ngân sách của KBNN tới khi thanh toán cho đối tượng thụ hưởng”, Phó Tổng giám đốc KBNN Đặng Thị Thủy cho biết.
Bên cạnh đó, hệ thống kết nối thu giữa KBNN và các ngân hàng thương mại, cơ quan quản lý các đối tượng nộp ngân sách giúp tập trung thu tới trên 99% đi qua kênh điện tử về kho bạc. KBNN cũng đã triển khai nhiều ứng dụng khác như tra cứu số dư tài khoản qua điện thoại; chuẩn bị xây dựng và triển khai cổng dữ liệu với nhà cung cấp điện, nước, viễn thông tiến tới thanh toán chi phí dịch vụ cho các đơn vị sử dụng ngân sách.
Trong công tác lập báo cáo tài chính nhà nước, KBNN đã xây dựng hệ thống Tổng kế toán cho phép tiếp nhận báo cáo từ các đơn vị liên quan. Trong quản lý ngân quỹ, hệ thống thanh toán điện tử với các ngân hàng thương mại và mạng thanh toán liên ngân hàng đã giúp hình thành hệ thống tài khoản kho bạc duy nhất theo thông lệ quốc tế.
Cùng với đó, hệ thống quản lý ngân quỹ đã điện tử hóa công tác dự báo luồng tiền, sử dụng nguồn vốn tạm thời nhàn rỗi, quản lý rủi ro… góp phần quản lý ngân quỹ nhà nước tập trung, thống nhất, hiệu quả. Hệ thống quản lý trái phiếu cho phép theo dõi đầy đủ, chi tiết và có hệ thống các thông tin về trái phiếu Chính phủ từ lúc phát hành đến khi đáo hạn.
5 bài toán trọng tâm để có kho bạc số
Tháng 6 vừa qua, KBNN đã ban hành bản kiến trúc tổng thể công nghệ thông tin để hình thành kho bạc số. Mục tiêu là hình thành kho bạc dựa trên nền tảng dữ liệu số vào năm 2025 và đến năm 2030 hoàn thành xây dựng kho bạc số.
Có 5 bài toán trọng tâm để đạt mục tiêu này, Phó Tổng giám đốc KBNN Đặng Thị Thủy cho biết. Đầu tiên là chuyển đổi có lộ trình và bước đi phù hợp từ hệ thống TABMIS và các hệ thống công nghệ thông tin hiện tại để hình thành hệ thống thông tin ngân sách và kế toán nhà nước số (VDBAS). VDBAS sẽ liên thông dữ liệu tất cả các cơ quan nhà nước có liên quan; nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ từ nền tảng điện tử lên nền tảng số; đồng thời phát triển các dịch vụ mới…
Cùng với đó, xây dựng hệ thống cho phép chuyển đổi mô hình tài khoản kho bạc duy nhất từ nhiều tài khoản con ở các chi nhánh ngân hàng thương mại trên cả nước thành tài khoản thanh toán tập trung tại hội sở chính của ngân hàng nhằm tăng cường hơn nữa tính hiệu quả, an toàn của ngân quỹ.
Từng bước xây dựng phân hệ giám sát hoạt động quỹ ngân sách, ngân quỹ nhà nước và các hoạt động của KBNN trên nền tảng số. Khai thác và phân tích dữ liệu số trên cơ sở nền tảng dữ liệu lớn, công cụ phân tích hiện đại, phục vụ các quyết định điều hành.
Ứng dụng công nghệ số tiên tiến với kiến trúc kỹ thuật hiện đại, mô hình triển khai cuốn chiếu theo các dịch vụ cung cấp để đạt kết quả sớm nhất.