Hiến kế đường đến thịnh vượng 2045
Ngày càng nhiều tập đoàn tỷ đô ra đời, chiếm lĩnh nhiều lĩnh vực quan trọng. Trong buổi gặp mặt Thủ tướng với chủ đề 'Đối thoại 2045' tháng 3/2020, nhiều tỷ phú Việt (do Forbes bình chọn), doanh nhân của những tập đoàn tư nhân lớn đã hiến kế, chung khát vọng xây dựng một Việt Nam hùng cường, thịnh vượng vào năm 2045.
Vietjet dự kiến phát triển đội bay lên 200 chiếc vào năm 2025
Ðối thoại 2045 và khát vọng của doanh nghiệp
Cuộc gặp mặt với Thủ tướng với chủ đề “Đối thoại Việt Nam 2045” tề tựu đủ những gương mặt quen thuộc của làng doanh nhân Việt, trong đó nổi bật lên là những tỷ phú USD do Forbes bình chọn như bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Chủ tịch Tập đoàn Sovico, Tổng giám đốc Vietjet Air, Phó Chủ tịch thường trực HĐQT HDBank; Ông Nguyễn Đăng Quang, Chủ tịch Masan Group; Chủ tịch Thaco Trần Bá Dương….
Tại đối thoại, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, nay là Chủ tịch nước; sau Đại hội Đảng XIII, Chính phủ có ý tưởng tổ chức cuộc đối thoại về khát vọng 2045, nhằm lắng nghe ý kiến của giới tinh hoa, đặc biệt là các trí thức và doanh nhân. “Chúng tôi muốn trao đổi ý kiến về những đóng góp chiến lược, về khát vọng của chúng ta để thực hiện mục tiêu 2045. Lắng nghe những giải pháp phát triển, những hiến kế phát triển đất nước trong bối cảnh mới của toàn cầu và Việt Nam hiện nay”, ông Nguyễn Xuân Phúc cho biết.
Ông nói thêm rằng, muốn dân giàu, nước mạnh chúng ta phải chú trọng quốc kế, dân sinh; muốn vẻ vang, sánh vai với các cường quốc, chúng ta phải có những doanh nghiệp lớn mạnh, những thương hiệu có sức cạnh tranh trong khu vực và toàn cầu. Chính phủ muốn trao đổi với doanh nghiệp những ý kiến về sách lược, những hiến kế, giải pháp phát triển đất nước trong bối cảnh thế giới và trong nước hiện nay.
Dù vẫn là hiến kế nhưng lần này, điểm nhấn khác là “đề bài” cho các doanh nhân có đích đến rất cụ thể: Đó là mong muốn của Đảng, Chính phủ làm sao tới năm 2045, chúng ta xây dựng một Việt Nam hùng cường. Bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Chủ tịch Tập đoàn Sovico, Tổng giám đốc Vietjet Air, Phó Chủ tịch thường trực HĐQT HDBank kiến nghị: “Chúng tôi mong Chính phủ tin tưởng ở kinh tế tư nhân, hãy tập trung phát triển vào khu vực kinh tế tư nhân. Cần hỗ trợ hình thành các tập đoàn kinh tế tư nhân có sức mạnh và thương hiệu quốc gia, quốc tế; đồng thời thúc đẩy các doanh nghiệp vừa và nhỏ, khu vực nông nghiệp nông thôn, các công ty khởi nghiệp”.
Để tạo ra sự tăng trưởng thần kỳ từ nay đến 2045, nhiều người đang nói đến việc phát huy hơn nữa vai trò của kinh tế tư nhân, trở thành động lực mạnh mẽ cho sự phát triển. Ông Trương Gia Bình, Trưởng ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ, khẳng định, hơn lúc nào hết đất nước Việt Nam, từng người dân cần chung khát vọng lớn đưa đất nước phát triển hùng cường.
“Khát vọng không phải trên giấy mà phải chuyển sang doanh nghiệp, sang từng người dân, cùng mơ ước có những phát minh sáng chế cả thế giới cần và sử dụng”, ông Bình nhấn mạnh.
Nền kinh tế hội nhập cần gì?
“Tập trung phát triển nguồn nhân lực” là đề xuất của ông Nguyễn Đăng Quang, Chủ tịch Công ty Masan. Theo vị chủ tịch của tập đoàn sản xuất lớn với gần 50 nhà máy đặt khắp 3 vùng Bắc- Trung- Nam (Masan hiện chi tập trung vào sản xuất không “tay ngang” đầu tư bất động sản cho đến thời điểm này), nền kinh tế toàn cầu đang hội nhập, vấn đề quan trọng là chuỗi cung ứng, tạo năng lực cạnh tranh cho chuỗi cung ứng. Xuất khẩu nông sản rất lớn, tuy nhiên hiện nay, hạ tầng của chuỗi cung ứng và phân phối luôn là trở ngại, tình trạng được mùa nhưng giá thấp, khi giá cao lại không có sản phẩm.
Bên cạnh đó, theo ông Quang, vấn đề then chốt để đẩy mạnh phát triển nền kinh tế là hạ tầng cung ứng và phân phối. Chi phí công đoạn sản xuất đến tiêu dùng chiếm khoảng 30% giá thành. Nếu giảm thiểu chi phí trong lưu thông hàng hóa, sẽ mang lại lợi ích cho người tiêu dùng, DN tiết kiệm được chi phí, hàng hóa lưu thông tốt hơn, DN có năng lực tìm kiếm lợi nhuận tốt hơn.
Bà Thái Hương, Chủ tịch TH True Milk kiến nghị đẩy mạnh phát triển công nghiệp phụ trợ; doanh nghiệp phát triển đi theo hướng chia sẻ với người nông dân. Bà Hương mong muốn Chính phủ tạo ra một thể chế minh bạch, sáng suốt, tạo bệ đỡ cho các doanh nghiệp phát triển.
Tương tự, ông Trần Bá Dương, Chủ tịch Tập đoàn THACO cho rằng, thời gian tới nhất thiết phải tập trung đầu tư và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao có tính kế thừa để phát triển bền vững. Vì vậy THACO đã liên kết với nhiều đơn vị để phát triển nhân lực như ĐH Bách khoa TPHCM để đầu tư vào nguồn nhân sự chất lượng cao, được đào tạo đúng với nhu cầu của DN; xây dựng nền tảng quản trị và sử dụng công nghệ số.
Chủ tịch Thaco Trần Bá Dương cho biết: “Năm 2020, dù chịu ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 nhưng doanh số ô tô của Thaco vẫn đạt hơn 107.000 xe, chiếm hơn 35% thị phần ô tô trong nước. Doanh nghiệp xuất khẩu trên 1.200 xe và 20 triệu USD linh kiện phụ tùng”.
Biến khát vọng thành hiện thực
Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII đặt mục tiêu cụ thể về kinh tế với 3 mốc: Năm 2025, 2035 và 2045. Mục tiêu 2025 Việt Nam trở thành nước đang phát triển, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp; 2035- Là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; 2045 - Trở thành nước phát triển, thu nhập cao.
Về kinh tế giai đoạn 2021- 2025, Đảng ta xác định: Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) bình quân 5 năm đạt khoảng 6,5 - 7%/năm. Đến năm 2025, GDP bình quân đầu người khoảng 4.700 - 5.000 USD; đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng đạt khoảng 45%; tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân trên 6,5%/năm; tỉ lệ đô thị hóa khoảng 45%; tỉ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP đạt trên 25%; kinh tế số đạt khoảng 20% GDP.
Nếu kinh tế Nhà nước đang trông đợi vào sự bứt phá của “7 con sếu đầu đàn” thì kinh tế tư nhân cũng có “đàn sếu” của riêng mình. Những năm qua, nói đến doanh nghiệp tư nhân là nói đến khát vọng làm giàu chính đáng cho bản thân doanh nghiệp, đóng góp cho đất nước và cộng đồng xã hội.
Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII xác định: Định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021 - 2030 tiếp tục đổi mới mạnh mẽ tư duy, xây dựng, hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển bền vững về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, môi trường..., tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc; khơi dậy mọi tiềm năng và nguồn lực, tạo động lực mới cho sự phát triển nhanh và bền vững đất nước.
Theo các chuyên gia, sự trỗi dậy của khu vực kinh tế tư nhân cũng là một trong những đích đến mà Đảng, Chính phủ, cộng đồng doanh nghiệp gửi gắm niềm tin.
Chia sẻ tại buổi Đối thoại Việt Nam 2045 với Thủ tướng, ông Đỗ Minh Phú, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TPBank, Chủ tịch Hội đồng sáng lập Tập đoàn DOJI nhấn mạnh, để đạt mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII đã vạch ra đến năm 2045 Việt Nam trở thành nước phát triển, thu nhập cao thì cần có sự đổi mới quyết liệt và mạnh mẽ về thể chế. Cần có sự phát triển mạnh mẽ về khoa học công nghệ, bứt phá về năng suất chất lượng hiệu quả và sức cạnh tranh đồng thời cần có sự trỗi dậy mạnh mẽ kỳ diệu của kinh tế tư nhân.
TS. Đỗ Thiên Anh Tuấn, nhà nghiên cứu, giảng viên Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright tin tưởng trong 25 năm nữa Việt Nam sẽ hoàn thành mục tiêu “ tầm nhìn” năm 2045.
Theo phân tích của ông, nếu vẫn duy trì mức tăng trưởng trung bình khoảng 7%/năm trong 25 năm tới, Việt Nam sẽ chạm chuẩn thu nhập cao của thế giới. Kinh tế Việt Nam phải do người Việt Nam làm chủ, không chỉ kinh tế Nhà nước mà phải mở rộng ra kinh tế trong nước nói chung, trong đó doanh nghiệp Việt Nam phải là chủ đạo. Doanh nghiệp nước ngoài là một bộ phận quan trọng của nền kinh tế.
“Sự giàu có của người dân Việt Nam, sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam là một đòi hỏi cấp thiết, như là một mệnh lệnh trên con đường hướng tiến đến một Việt Nam cường thịnh vào năm 2045”, TS. Đỗ Thiên Anh Tuấn nói.
Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/hien-ke-duong-den-thinh-vuong-2045-post1325929.tpo