Hiến kế giải bài toán phụ huynh trắng đêm vây cổng trường giành suất học cho con
'Việc học vốn là một trong những quyền cơ bản của con người, nhưng chưa bao giờ để được đi học lại khó khăn tới vậy', một độc giả của VietNamNet phải thốt lên khi nhìn hình ảnh những phụ huynh xếp hàng tìm suất học cho con.
Khoảng 33.000 học sinh ở Hà Nội ngậm ngùi khi không giành được cơ hội vào lớp 10 công lập, năm nay. Nhiều bậc phụ huynh, vì mong con có một chỗ học, đã chấp nhận thức trắng đêm chờ đợi để giành một suất vào trường tư.
“Việc học vốn là một trong những quyền cơ bản của con người, nhưng chưa bao giờ để được đi học lại khó khăn tới vậy”, một độc giả của VietNamNet bình luận.
Theo độc giả, trẻ trong độ tuổi đi học cần phải được đảm bảo đầy đủ quyền học hành. Không thể vì những nguyên nhân liên quan đến cơ chế chính sách, thiếu đất xây lớp, xây trường mà tước đi quyền lợi học tập chính đáng của trẻ.
Một độc giả khác cũng cho rằng nhiều học sinh nội thành đạt 37 - 38 điểm, tức lực học không kém. Việc mất cơ hội vào các trường công lập cũng là một thiệt thòi lớn đối với những học sinh này.
Điều đó cũng cho thấy sự quá tải của hệ thống giáo dục Việt Nam và bất cập trong việc quy hoạch, khi trường lớp nhiều nơi đã không còn đáp ứng đủ số lượng học sinh đang ngày một tăng lên.
Bạn đọc Nguyễn Nhã phân tích: "Học phổ thông là phổ cập kiến thức, được khuyến khích học tập vậy mà giờ còn khó hơn vào đại học. Giáo dục nước ta đang đi ngược lại với giáo dục thế giới.
Độ tuổi học sinh là được quyền đến trường để học tập, còn học đại học là định hướng nghề nghiệp và sở thích của mỗi cá nhân, học sinh nào muốn đạt được nguyện vọng, phải cố gắng và thi cử minh bạch. Còn ở ta thì sao? vào đại học, cao đẳng, trung cấp giống như phổ cập, còn vào cấp 1, 2 ,3 khó như thi Trạng".
Một phần nguyên nhân, các độc giả cho rằng dân số tăng cao, học sinh đông trong khi cơ sở vật chất còn hạn chế. Điều này dẫn tới tỉ lệ chọi ở những khu vực nội thành rất khắc nghiệt.
“Đối với những khu vực như Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng, phụ huynh cần xác định con phải đạt học lực giỏi mới có cơ hội trúng tuyển. Những học sinh khá, trung bình khó “có cửa” để vào, kể cả vào trường tư.
Hơn nữa, trường tư vốn có học phí rất cao, không phải gia đình nào cũng có thể theo được. Nếu đăng ký các trường ngoại thành, phụ huynh không thể đưa đón con, trẻ cũng không thể tự đi tới trường.
Vì vậy Hà Nội cần xây thêm trường để học sinh nào cũng có cơ hội được đi học. Ở tuổi 15, nếu không đi học, trẻ sẽ làm gì, nhất là khi ở lứa tuổi này rất dễ bị kẻ xấu dụ dỗ và sa ngã?”, bạn đọc VietNamNet đặt câu hỏi.
Nhiều phụ huynh cũng đồng tình rằng thực trạng chung cư ở Hà Nội “mọc lên như nấm sau mưa”, trong khi tốc độ xây mới trường học không tương xứng đã dẫn tới việc không đủ trường lớp cho trẻ.
Độc giả Vũ Tiến Duy bày tỏ: “Dẫu biết tìm được quỹ đất trong thành phố để xây trường mới là rất khó khăn, nhưng việc này vẫn cần phải làm quyết liệt. Thành phố có thể tìm quỹ đất ở ngoại thành hoặc những quận còn đất để xây trường công lập.
Những em không thi được vào các trường gần nhà phải chấp nhận đi học xa nhưng thành phố sẽ bố trí xe bus để đưa đón các cháu tới trường. Các cháu vẫn đang tuổi đi học, không nên vì những khó khăn ấy mà phải thất học”, độc giả này bày tỏ.
Độc giả Canh Nguyễn "hiến kế": "Chúng ta hãy xóa bỏ hệ thống trường THPT công lập, biến các trường công lập hiện nay thành các trường tư thục. Tại mỗi quận, huyện hoặc vài huyện mới có 1 trường THPT công lập dành cho học sinh nghèo. Chúng ta cũng cần tăng cường mở các trường nghề cho các em vào học miễn phí hoặc học phí thấp, nâng cao chất lượng dạy nghề để học sinh học xong phải thực hành nghề tốt ở các doanh nghiệp lớn".
Độc giả Mr Nguyễn cho rằng: "Đến giờ tôi cũng không hiểu vì sao phải thi tốt nghiệp cấp 2 lên cấp 3? Trong khi đó chỉ là hệ giáo dục phổ cập. Tại sao chúng ta không định hướng giáo dục, định hướng nghề nghiệp ngay từ khi bước vào cuối cấp 2 (lớp 8-9). Em nào có nhu cầu học đại học thi lên đại học, còn lại có thể định hướng nghề kỹ thuật. Tất cả đều phải được đi học đến hết cấp 3".
"Không nên để mất quyền lợi chính đáng của trẻ"
PGS.TS Đặng Thị Thanh Huyền - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Khoa học Quản lý Giáo dục (Học viện Quản lý Giáo dục), cũng cho rằng nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên là do hệ thống trường lớp không theo kịp tốc độ tăng của dân số.
“Nhiều chung cư, nhà cao tầng mọc lên đang khiến những khu vực đông dân cư trở nên quá tải, trong khi trường lớp không đủ đã gây ra tình trạng thiếu chỗ học cho học sinh”.
Điều cần làm lúc này, theo bà Huyền, Nhà nước vẫn phải tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất, xây thêm trường công lập tại những khu đông dân cư.
"Nếu ở những khu vực này, số lượng trường học không đáp ứng tiêu chuẩn, phụ huynh phải cho con em theo học trường ngoài công lập sẽ rất thiệt thòi, bởi không phải gia đình nào cũng có đủ điều kiện về kinh tế để theo học", bà Huyền nói.
Mặt khác theo bà, tâm lý phải vào được lớp 10 công lập bằng mọi giá của phụ huynh cũng đã khiến cuộc đua này càng trở nên “nóng rẫy”.
"Hệ thống giáo dục vẫn còn đa dạng loại hình cho người học lựa học sau bậc THCS như trường ngoài công lập, trường trung cấp nghề, hệ giáo dục thường xuyên… Phụ huynh hoàn toàn có thể cho con em mình vừa học nghề, vừa hoàn thiện chương trình phổ thông để giảm bớt áp lực lên hệ thống", bà Huyền nói.
Song TS Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ GD-ĐT) lại có góc nhìn khác. Ông cho rằng nói "Hà Nội đất chật người đông nên thiếu trường công lập" là không đúng.
"Đất chật thật nhưng không phải không có. Doanh nghiệp vẫn xin được đất, tại sao đất cho giáo dục lại không?"
Trong bối cảnh công nghiệp 4.0 với sự thay đổi mạnh mẽ và nhanh chóng của công nghệ hiện đại, người lao động cơ bản phải có trình độ học vấn THPT để phát triển tiềm năng và có thể học tập suốt đời.
Để xảy ra tình trạng học sinh rất muốn học lên THPT không được học, theo ông Vinh, là không nghĩ đến người nghèo.
TS Vinh cũng không ủng hộ việc vin vào cớ “phân luồng” để phân loại học sinh sau khi học xong lớp 9, đồng thời giảm áp lực thi tuyển vào lớp 10. Ông cho rằng kiểu phân luồng hiện nay còn quá cứng nhắc, làm mất quyền lợi chính đáng của người học.
"Chỉ phân luồng khi học sinh không thể học được THPT mới là cách khôn ngoan. Bởi vì, nói cho cùng, công ăn việc làm của các em sau này là do các em và gia đình tự lo là chính. Theo tôi, chỉ những học sinh không thể đủ năng lực học tập tiếp lên THPT mới nên rẽ ngang sau THCS", tiến sĩ này nói.
Để giải quyết thực trạng này, ông Vinh cho rằng địa phương không nên chọn các phương thức khó khăn về phía người học.
"Hà Nội nên giảm áp lực bằng các giải pháp như cấp đất mở trường công, đồng thời huy động các nguồn lực xã hội mở trường tư. Trường tư càng nhiều sẽ càng cạnh tranh cả về mức học phí và sự đảm bảo chất lượng dạy học.
Nếu cứ để như tình trạng này, chỉ hơn mười năm nữa, áp lực thi tuyển sinh đầu cấp sẽ còn căng thẳng hơn rất nhiều" - ông Vinh khẳng định.
Thời gian tới, Hà Nội sẽ tuyển sinh trực tuyến, sẽ bớt phần vất vả cho học sinh, phụ huynh. Ngoài ra, Sở GD-ĐT cũng đã làm việc với Sở Quy hoạch Kiến trúc, Tài nguyên và Môi trường cũng như các quận, huyện bàn phương án thu hồi các dự án treo để dành quỹ đất xây dựng các trường công lập. Ông Trần Thế Cương - Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội
Ngành Giáo dục Hà Nội không nên ‘chốt’ cứng học sinh chỉ được học trường công ở một phường, quận. Theo đó, TP Hà Nội hoặc Sở GD-ĐT có thể điều tiết học sinh giữa các phường, các quận trong năm bởi tình trạng thiếu trường lớp chỉ xảy ra cục bộ ở một số địa bàn.
Ví dụ, phường Hoàng Liệt (quận Hoàng Mai) năm nào cũng xảy ra tình trạng thiếu trường, thiếu lớp. Nếu điều tiết linh hoạt, học sinh của phường Hoàng Liệt có thể sang học ở phường lân cận với mật độ dân cư thưa hơn. Thậm chí, học sinh của quận Hoàng Mai có thể xuống học ở các trường của huyện Thanh Trì.
Tôi cũng ủng hộ quan điểm của Bí thư Thành ủy và Chủ tịch UBND TP Hà Nội trong việc thu hồi các dự án treo trên địa bàn để xây dựng trường học. Khi thành phố đã có chủ trương như vậy, lãnh đạo cấp sở ngành và quận huyện phải đẩy nhanh tiến độ rà soát các dự án treo thúc tiến độ đầu tư xây dựng trường học.
Đại biểu Nguyễn Minh Đức (quận Hoàng Mai)
Nhiều phụ huynh mong muốn con em được học tập trong môi trường tốt. Thế nhưng trường tốt trên địa bàn Hà Nội đang thiếu rất nhiều.
Số lượng trường ở Hà Nội hiện nay có thể đủ, nhưng chất lượng không đáp ứng được so với sự mong mỏi của nhiều người dân. Vì vậy, thành phố phải khảo sát mong muốn phụ huynh, học sinh như thế nào để quy hoạch mạng lưới trường, lớp phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội hiện nay.
Chất lượng Giáo dục ở Thủ đô tốt hơn mặt bằng chung nên nhiều phụ huynh ở các tỉnh lân cận cũng có mong muốn cho con em về học. Chính vì vậy, tình trạng thiếu trường, lớp là khó tránh.
Cũng giống như các bệnh viện tuyến đầu của Hà Nội luôn thiếu giường, các trường học tốp đầu của Hà Nội cũng luôn thiếu chỗ cho học sinh. Để giải quyết vấn đề này, ngoài việc xây dựng thêm trường, kéo giãn dân cư ra ngoại thành, theo tôi, TP Hà Nội phải nghiên cứu mô hình đào tạo phù hợp với nhu cầu phụ huynh, học sinh”.
Đại biểu Phạm Đình Đoàn (huyện Mê Linh)