Hiến kế giải quyết khủng hoảng trái phiếu doanh nghiệp

Đổi trái phiếu lấy bất động sản, gia hạn cho trái phiếu đến hạn thanh toán, phát hành trái phiếu Chính phủ mua lại trái phiếu doanh nghiệp… là những giải pháp được đề xuất tại hội nghị tháo gỡ khó khăn và phát triển thị trường bất động sản lành mạnh, an toàn diễn ra sáng qua.

Hàng trăm nghìn tỷ đồng đến hạn thanh toán

Ngoài nguồn vốn từ các tổ chức tín dụng và vốn huy động từ người mua, các doanh nghiệp phát triển dự án bất động sản hiện chủ yếu dựa vào phát hành trái phiếu. Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, tính đến 25.12.2022, dư nợ trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ khoảng 2 triệu tỷ đồng, trong đó của doanh nghiệp bất động sản trên 400.000 tỷ đồng (chiếm hơn 30%).

Sẽ có gói tín dụng 120 nghìn tỷ đồng cho nhà ở xã hội Ảnh: Hải Định

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết, nhiều doanh nghiệp bất động sản thời gian qua phát hành một lượng trái phiếu rất lớn, lên đến hàng chục, hàng trăm nghìn tỷ đồng và có hạn trả nợ vào cuối năm 2022 và năm 2023. Trong bối cảnh thị trường trầm lắng, đây là khó khăn, áp lực rất lớn cho nhiều doanh nghiệp kinh doanh bất động sản và có thể gây rủi ro dây chuyền.

Để giải quyết vấn đề này, ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc, Công ty GP.INVEST cho rằng cần thiết gia hạn các trái phiếu này để tháo bớt áp lực dòng tiền thanh toán cho các công ty phát hành. Sau đó, bên cạnh biện pháp cho hoán đổi nợ trái phiếu bằng tài sản, bất động sản của công ty phát hành, cần có cơ quan đứng ra đánh giá cụ thể đối với từng doanh nghiệp đang phải chuẩn bị thanh toán trái phiếu mà không cân đối được dòng tiền. Đối với một số trường hợp cụ thể, các dự án của các doanh nghiệp này nếu khả thi về pháp lý nên cho Công ty mua bán nợ (DATC) hoặc Công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC) tiếp cận đánh giá tài sản, dự án đang sử dụng trái phiếu, để có thể xử lý triệt giúp làm hạ nhiệt thị trường.

Hướng dẫn “đổi trái phiếu lấy bất động sản"

Theo GS. TS. Hoàng Văn Cường, Đại biểu Quốc hội, Phó Hiệu trưởng trường ĐH Kinh tế Quốc dân, liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp, quan trọng nhất là phải bảo đảm lòng tin của người dân. Đây cũng là cơ sở để phát triển thị trường này trong tương lai. “Phải có những giải pháp đảm bảo cho người dân đã mua trái phiếu doanh nghiệp yên tâm không bị mất các khoản tiền đã đầu tư, thậm chí có thể sẽ thu được nguồn lợi nhiều hơn, nếu kiên trì theo đuổi đầu tư dài hạn”, ông nhấn mạnh.

Vì vậy, Chính phủ cần sớm sửa Nghị định 65/2022/NĐ-CP theo hướng gia hạn thêm thời gian thực hiện các điều kiện của doanh nghiệp phát hành và nhà đầu tư chuyên nghiệp; gia hạn thời gian thanh toán trái phiếu. Cùng với đó, trong bối cảnh cấp bách hiện nay, Chính phủ nên cho phép doanh nghiệp phát hành thỏa thuận với người mua trái phiếu để chuyển các khoản nợ thành trái phiếu công trình có khả năng chuyển đổi thành các sản phẩm khi công trình hoàn thành, dưới hình thức như các nhà đầu tư được nhận sản phẩm theo mức giá trị đóng góp. Nhà đầu tư có thể chuyển nhượng trái phiếu cho nhau, người nắm giữ trái phiếu coi như người góp vốn đầu tư chờ khi dự án hoàn thành sẽ nhận sản phẩm hoặc giá trị tương ứng với lượng sản phẩm được quyền chuyển đổi.

“Phương thức này thực chất là một hình thức huy động vốn đầu tư dài hạn cho doanh nghiệp bất động sản và người có vốn mua trái phiếu trở thành người góp đầu tư bất động sản và được hưởng lợi từ giá trị tăng thêm của bất động sản sau khi dự án hoàn thành”.

Cũng vậy, TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV kiêm Giám đốc Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV đề xuất Bộ Tài chính phối hợp Bộ Xây dựng có hướng dẫn "đổi trái phiếu lấy bất động sản". Ông cho biết đây là giải pháp Trung Quốc đã làm tốt. Điều quan trọng là cần có hướng dẫn để nhất quán thực hiện, tránh xung đột, tranh chấp sau này.

trường hợp Chính phủ phải can thiệp trực tiếp

Đáng chú ý, theo GS. TS. Hoàng Văn Cường, một số dự án bất động sản quan trọng (về quy mô, tính chất loại hình bất động sản và vị trí dự án), nếu không được tài trợ vốn, các doanh nghiệp có nguy cơ sẽ bán lại cho các nhà đầu tư nước ngoài.

“Thực tế hiện nay, nhiều quỹ đầu tư bên ngoài đang chuẩn bị sẵn tiền chờ cơ hội thâu tóm các dự án này khi các doanh nghiệp bất động sản trong nước gặp khó khăn phải bán. Điều này sẽ có nguy cơ gây hệ lụy lâu dài đối với việc kiểm soát thị trường bất động sản và nhiều vấn đề khác của đất nước”, ông cho biết.

Trong trường hợp này, GS. TS. Hoàng Văn Cường cho rằng, Chính phủ cần phải can thiệp trực tiếp bằng phát hành trái phiếu Chính phủ mua lại các trái phiếu doanh nghiệp với lãi suất thấp hơn, thời gian dài hơn để người dân sẽ yên tâm không bị rủi ro đối với tiền vốn đã mua trái phiếu doanh nghiệp. Đồng thời, chuyển các khoản nợ này cho các tổ chức quản lý nợ như DATC hoặc VAMC quản lý và kiểm soát hoạt động của các dự án này tiếp tục đầu tư đến khi thu hồi vốn.

“Trong trường hợp này, không nên hình sự hóa đối với doanh nghiệp mà để họ có cơ hội tiếp tục các hoạt động phục hồi dưới sự kiểm soát của cơ quan quản lý nợ của Nhà nước”, ông đặc biệt lưu ý.

Cũng theo vị chuyên gia này, tỷ lệ nợ công đang ở mức khá thấp, là dư địa để thực hiện chính sách tài khóa mở rộng hỗ trợ cho thị trường và phát triển trong bối cảnh hiện nay. Việc này cũng không làm tăng cung tiền đầu tư nên góp phần kiểm soát lạm phát.

Sẽ có gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho nhà ở xã hội

Tại hội nghị, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết đã họp với 4 ngân hàng thương mại nhà nước. Các ngân hàng thống nhất dành một gói tín dụng trị giá 120.000 tỷ đồng cho nhà ở xã hội, nhà ở công nhân. Lãi suất cho vay đối với cả người xây dựng và người mua nhà thấp hơn từ 1,5 - 2% lãi suất cho vay bình quân của các ngân hàng trên thị trường trong từng thời kỳ.

Cũng theo Thống đốc Nguyễn Thị Hồng, Ngân hàng Nhà nước sẽ thông báo cho các ngân hàng khác, nếu họ tham gia, gói này có thể sẽ được nhiều hơn. Trong quá trình triển khai, nếu các ngân hàng tham gia bị thiếu hụt về thanh khoản, Ngân hàng Nhà nước sẵn sàng tái cấp vốn để triển khai tiếp.

Trước đó, Bộ Xây dựng đề xuất Chính phủ bố trí gói tín dụng khoảng 110.000 tỷ đồng theo phương thức tái cấp vốn cấp cho các ngân hàng thương mại để cho các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân vay.

Hà Lan

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/kinh-te-xa-hoi/hien-ke-giai-quyet-khung-hoang-trai-phieu-doanh-nghiep-i316496/