Hiến kế giúp Việt Nam vượt 'bẫy' thu nhập trung bình

Việt Nam đặt mục tiêu trở thành quốc gia thu nhập cao vào năm 2045. Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy không nhiều quốc gia trên thế giới vượt qua được 'bẫy' thu nhập trung bình để trở thành quốc gia phát triển, do vậy Việt Nam vẫn còn rất nhiều việc phải làm, trong đó cởi 'nút thắt' thể chế, thực thi chính sách hiệu quả là giải pháp quan trọng.

Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam, tham vọng trở thành quốc gia thu nhập cao vào 2045 của Việt Nam là thách thức lớn. Bà Trần Thị Lan Hương, Chuyên gia Quản trị công cao cấp (WB) đặt câu hỏi: Muốn trở thành quốc gia thu nhập cao vào năm 2045, Việt Nam cần giải quyết vấn đề gì, tăng cường thực thi chính sách ra sao?

Thách thức từ 'bẫy' thu nhập trung bình

Khảo sát của WB trong 50 năm qua cho thấy, nhiều quốc gia đã thành công trong việc chuyển từ thu nhập thấp sang trung bình, nhưng chỉ có khoảng 18 quốc gia thành công chuyển từ thu nhập trung bình sang thu nhập cao.

Việt Nam đặt mục tiêu trở thành quốc gia thu nhập cao vào năm 2045.

Việt Nam đặt mục tiêu trở thành quốc gia thu nhập cao vào năm 2045.

Điều này cho thấy việc chuyển từ thu nhập trung bình thấp sang trung bình là thách thức nhưng vẫn không thách thức bằng chuyển từ quốc gia thu nhập trung bình sang thu nhập cao. Vì vậy, Việt Nam cần giải quyết căn bản cải cách thể chế để đạt mục tiêu quan trọng này.

Theo đánh giá của nhóm chuyên gia WB, GDP theo đầu người của Việt Nam đã tăng gấp 5 lần sau 3 thập kỷ qua, trong khi thể chế của quốc gia chưa thích ứng với tốc độ thay đổi đó kể từ thời kỳ Đổi mới vào cuối thập kỷ 1980. Vì vậy, cải cách thể chế đồng bộ có thể giúp quốc gia tránh "bẫy" thu nhập trung bình qua nâng cao hiệu quả ứng phó với những thách thức mới và phức tạp phát sinh trong nước và trên toàn cầu.

Đề chứng minh cho nhận định này, WB vừa công bố báo cáo với chủ đề "Để Việt Nam tươi sắc đào xuân? Cải cách thể chế hướng tới thực thi hiệu quả". Báo cáo cho thấy thể chế có thể sẽ trở thành trở ngại lớn để Việt Nam hiện thực hóa khát vọng trở thành quốc gia thu nhập cao vào năm 2045. Một trong những ví dụ rõ nét nhất được Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chỉ ra hồi tháng 4/2022 là mới chỉ có 7 trong số 11 quy hoạch (quốc gia, ngành, vùng và tỉnh) được phê duyệt kể từ khi ban hành Luật Quy hoạch vào cuối năm 2017.

"Lời kêu gọi đẩy nhanh đổi mới hệ thống quy hoạch quốc gia của Thủ tướng Phạm Minh Chính là khá tương đồng với kinh nghiệm lịch sử của Hàn Quốc - quốc gia đã tiến hành những cải cách thể chế lớn khi bước vào cùng giai đoạn phát triển kinh tế như Việt Nam ngày nay", báo cáo của WB đánh giá.

Bên cạnh đó, việc thực thi chính sách yếu kém cũng đang là vấn đề đặt ra. Bà Trần Thị Lan Hương dẫn ví dụ: Hiện nay, ưu tiên về tăng trưởng xanh chưa đạt được mục tiêu đặt ra vì chưa có nền tảng thể chế rõ ràng khi các chiến lược được hoạch định song song tại các bộ ngành khác nhau như chiến lược về biến đổi khí hậu (Bộ TN&MT) và Chiến lược tăng trưởng xanh (Bộ KH&ĐT). Đồng thời, mối quan hệ phức tạp giữa Trung ương và địa phương và giữa các địa phương làm chậm lại tiến trình ra quyết định và triển khai như Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu, hay sự hình thành đại đô thị tại Hà Nội và TP.HCM. Trong khi đó, tín hiệu thị trường cũng không rõ ràng khi giá tài nguyên được trợ giá đang khuyến khích các hành vi thiếu trách nhiệm ví dụ như trong lĩnh vực sử dụng đất…

"Chìa khóa" chuyển đổi số

Để thực hiện hiệu quả, bà Hương cho rằng phải xây dựng khung định chế vững chắc, thủ tục hành chính tinh giản, công cụ thị trường thông minh, tăng cường hiệu lực thực thi và quy trình có sự tham gia của các bên liên quan.

"Có thể thấy thông điệp mà Việt Nam đưa ra là rất đúng, rất rõ ưu tiên chiến lược, chìa khóa tiếp theo thành công là triển khai thực hiện. Việt Nam cần một cuộc đổi mới tiếp theo về cải cách thể chế, vì điều này sẽ giúp Việt Nam có bước nhảy vọt, trở thành quốc gia thu nhập cao vào năm 2045", đại diện nhóm nghiên cứu của WB khuyến nghị.

Nhấn mạnh tới hiệu quả thực thi thể chế, PGS.TS. Trần Ngọc Anh, Trường Đại học Indiana (Mỹ), nhận định những năm tới đối với cải cách của Việt Nam cần tập trung vào thể chế, vì thể chế là điểm nghẽn lớn nhất.

Theo đó, để nâng cao hiệu quả thực thi, ngay đầu năm Chính phủ cần giao nhiệm vụ cụ thể cho từng bộ, ngành. Nếu đạt được kết quả mới được xem là hoàn thành nhiệm vụ.

Ông dẫn chứng trong những thập niên 1980-1990, Trung Quốc thực hiện quản trị thực thi dựa trên kết quả tăng trưởng của các địa phương. Thời kỳ đó đã tạo ra bước phát triển nhảy vọt về kinh tế của nước này. Tất nhiên, sau đó việc chạy theo tăng trưởng cũng khiến nền kinh tế Trung Quốc phải đánh đổi yếu tố môi trường, do vậy đầu năm 2000, Trung Quốc đã chuyển sang khái niệm GDP xanh, với 60 chỉ số mà hàng năm các lãnh đạo địa phương phải thực hiện.

Trong khi đó, ông Trương Gia Bình, Chủ tịch HĐQT FPT, nhấn mạnh tới chuyển đổi số trong việc thực thi chính sách, cũng như xây dựng thể chế hiện đại. Ông nêu quan điểm, chuyển đổi số không chỉ nói đến công nghệ. Chuyển đổi số không chỉ chuyển đổi về hành chính, mà quan trọng là chuyển đổi về con người.

Trước câu hỏi làm sao để vượt qua "bẫy" thu nhập trung bình, Chủ tịch Tập đoàn FPT cho rằng giáo dục là chìa khóa giải quyết các vấn đề trên. Gần đây, ông Bình phát hiện ra một số điểm mới mà Việt Nam đạt được như xếp hạng thứ nhất thế giới về trò chơi kiếm tiền, thứ nhất về ứng dụng tiền số, thứ 6 về chuỗi khối (blockchain)...

"Tôi ngạc nhiên khi trao đổi với nhiều bạn trẻ và biết rằng năng suất lao động của họ cao gấp 23 lần so với các chuyên gia lập trình, trung bình các bạn trẻ kiếm 89 nghìn USD/người/tháng từ game trò chơi", ông Bình chia sẻ.

Theo đó, Chủ tịch FPT đề xuất Việt Nam cần có chính sách để thúc đẩy sự phát triển của các ngành công nghiệp mới. Điều này cũng quay trở lại câu chuyện chuyển đổi số là chìa khóa để Việt Nam vượt qua bẫy thu nhập trung bình, thay đổi tư duy và cách thức làm việc.

Bà Carolyn Turk

Giám đốc Quốc gia WB tại Việt Nam

Việt Nam đã chuyển đổi từ một trong những nền kinh tế đóng cửa nhất thế giới thành một trong những nền kinh tế mở cửa nhất trong thập kỷ 1990 và 2000. Nhưng lộ trình từ quốc gia thu nhập trung bình thấp sang thu nhập cao sẽ có nhiều thách thức hơn trước. Vì vậy, Chính phủ Việt Nam cần nhìn lại các thách thức, định vị làm thế nào triển khai thực hiện thể chế tốt hơn và đạt được tăng trưởng như kỳ vọng trong tương lai. Và cải cách thể chế đồng bộ có thể giúp quốc gia tránh "bẫy" thu nhập trung bình qua nâng cao hiệu quả ứng phó với những thách thức mới và phức tạp phát sinh trong nước và trên toàn cầu.

Ông Mai Tiến Dũng

Nguyên Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ

Điểm nghẽn lớn nhất trong xây dựng thể chế là công tác quản lý còn chồng chéo, không rõ trách nhiệm, đặc biệt yếu ở khâu thực thi, bao gồm trách nhiệm giải trình và thực thi hiệu quả. Do vậy, Việt Nam cần phấn đấu để trở thành quốc gia thực thi hiệu quả thể chế, trong đó có vai trò lớn từ việc lập tổ công tác nâng cao giám sát của Chính phủ trong thực thi thể chế.

Ông Nguyễn Hoài Nam

Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP)

Đang có một vòng tròn luẩn quẩn trong việc thực thi các quy định, chính sách. Dẫn tới khi doanh nghiệp phản ánh những khó khăn, bất cập trong thực hiện các quy định kinh doanh, nhiều khi không được bộ ngành giải quyết ngay. Vì vậy, doanh nghiệp lại phải "cầu cứu" tới Thủ tướng. Tuy nhiên, sau khi có chỉ đạo của Thủ tướng, doanh nghiệp vẫn phải quay về cơ quan kiến nghị ban đầu để cùng xử lý. Đó là vòng tròn, bởi nếu ngay từ đầu, cơ quan đó giải quyết nhanh thì chúng tôi không phải kiến nghị lên Thủ tướng.

Nhật Linh

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//viet-nam/hien-ke-giup-viet-nam-vuot-bay-thu-nhap-trung-binh-1085505.html