Hiền Lương vượt khó chuyển mình

Xã miền núi nằm ven dải sông Hồng thuộc huyện Hạ Hòa, Hiền Lương giàu truyền thống văn hóa và lịch sử cách mạng, có lợi thế về điều kiện đất đai cũng như vị trí thuận lợi giao thương, trao đổi hàng hóa giữa các vùng, miền. Nhờ sự vào cuộc tích cực của Đảng ủy, chính quyền cùng sự năng động lao động, sản xuất của người dân đã tạo bước chuyển biến trong thực hiện chương trình giảm nghèo, phát triển kinh tế- xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân...

Nuôi, kinh doanh cá tầm giúp gia đình ông Lê Văn Tài ở khu 14, xã Hiền Lương phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập.

Nuôi, kinh doanh cá tầm giúp gia đình ông Lê Văn Tài ở khu 14, xã Hiền Lương phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập.

Địa bàn rộng, mật độ dân cư không đồng đều, sau sáp nhập (gồm các xã: Hiền Lương, Động Lâm, Quân Khê), diện tích và dân số nâng lên trong khi đại đa số người dân sống chủ yếu dựa vào các hoạt động sản xuất nông nghiệp nên số hộ nghèo, cận nghèo của xã cũng tăng so với trước đây. Xác định thực hiện hiệu quả chương trình giảm nghèo bền vững, nâng cao thu nhập người dân là nhiệm vụ trọng tâm, cùng với việc tranh thủ tối đa nguồn hỗ trợ từ các chương trình, chính sách của Đảng và Nhà nước, xã tăng cường phối hợp với các tổ chức tín dụng, Ngân hàng Chính sách xã hội tạo điều kiện thuận lợi giúp bà con tiếp cận chương trình tín dụng ưu đãi dành cho đối tượng nghèo, cận nghèo nỗ lực vươn lên thoát nghèo, cải thiện cuộc sống. Ban đầu tâm lý của một bộ phận người dân còn bỡ ngỡ, để thay đổi nhận thức, cấp ủy, chính quyền xã đã kiên trì vận động xóa nghèo. Cán bộ, đảng viên, đặc biệt của người đứng đầu cấp ủy nêu cao tinh thần tiên phong, gương mẫu trực tiếp đến từng hộ dân tuyên truyền, vận động giúp bà con hiểu đúng chủ trương, thay đổi nhận thức, nếp nghĩ, cách làm, mạnh dạn chuyển hướng, chủ động áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mang lại hiệu quả cao. Đảng ủy, chính quyền xã đã vận động người dân tích cực đưa các loại cây, con giống mới, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng như bí xanh, đỗ tương, khoai tây vào sản xuất, thay cho những giống cũ, hiệu quả kinh tế thấp; tăng cường cơ giới hóa giúp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm để đảm bảo an ninh lương thực cho người dân và tạo nguồn cung ứng nông sản hàng hóa trên thị trường. Trên địa bàn xã đã xuất hiện nhiều mô hình kinh tế trang trại tổng hợp, chăn nuôi: Gà, bò, hươu, thỏ; thủy sản: Cá lăng, cá tầm... cho thu nhập ổn định ở mức cao.

Phát huy lợi thế địa phương về du lịch tâm linh, xã đã tập trung phát triển, mở rộng các hoạt động thương mại, dịch vụ. Đồng thời khuyến khích phát triển các ngành nghề CN-TTCN theo hướng đa dạng, phù hợp với nhu cầu của thị trường như chế biến nông sản, làm mộc, gò hàn, gia công cơ khí, may mặc, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân.

Sau nhiều nỗ lực, đến nay, mọi mặt kinh tế-xã hội ở Hiền Lương ngày càng phát triển, diện mạo nông thôn ngày càng khởi sắc, đời sống vật chất, tinh thần người dân ngày được cải thiện, nâng cao, thu nhập bình quân của xã đạt trên 40 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo trong xã giảm còn 4,86%; cận nghèo còn 4,3%. Năm 2022 xã Hiền Lương đã được UBND tỉnh công nhận là xã đạt chuẩn nông thôn mới. Đây là thành quả minh chứng cho sự nỗ lực vượt khó, đoàn kết của toàn Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong xã, trong đó đặc biệt là công tác giảm nghèo.

Đồng chí Lê Đăng Hùng - Chủ tịch UBND xã cho biết: Phấn đấu giảm nghèo bền vững, thời gian tới, xã tiếp tục phát huy thế mạnh địa phương, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động bà con tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, đẩy mạnh phát triển thương mại - dịch vụ và công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp; đồng thời triển khai các chương trình chính sách hỗ trợ nhằm khắc phục nguy cơ tái nghèo phấn đấu mục tiêu giảm nghèo bền vững...

Thùy Phương

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn/kinh-te/hien-luong-vuot-kho-chuyen-minh/203522.htm