Hiến máu nhận tiền, chuyên gia nói gì?

99% lượng máu tiếp nhận mỗi năm ở Việt Nam từ người tình nguyện. Người hiến máu tình nguyện nếu phải truyền máu tại các cơ sở y tế công lập sẽ được bồi hoàn miễn phí lượng máu đã hiến

Tiến sĩ-bác sĩ Trần Ngọc Quế, Giám đốc Trung tâm máu Quốc gia (Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương), cho biết năm 2023, cả nước vận động và tiếp nhận gần 1,56 triệu đơn vị máu, cơ bản đáp ứng nhu cầu máu phục vụ cấp cứu, điều trị người bệnh.

Nhiều người hiến máu nhắc lại

Đáng chú ý, 99% đơn vị máu tiếp nhận là từ người hiến máu tình nguyện, tương đương với 1,5% dân số hiến máu. Tỉ lệ hiến máu nhắc lại đạt hơn 60%, nghĩa là trung bình 3 người hiến máu lại có 2 người tiếp tục hiến máu nhiều lần nữa…

Người tình nguyện hiến máu tại Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương

Người tình nguyện hiến máu tại Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương

Theo Giám đốc Trung tâm máu Quốc gia, nguồn máu tiếp nhận từ các cuộc vận động hiến máu tình nguyện thời gian qua đã đáp ứng phần lớn nhu cầu cấp cứu và điều trị cho bệnh nhân, tuy nhiên vẫn thiếu ở một số thời điểm quan trọng.

Dịp Tết Nguyên đán tới đây trung tâm cần khoảng 120.000 đơn vị máu và 12.000 đơn vị tiểu cầu để đáp ứng nhu cầu cấp cứu và điều trị của 182 cơ sở y tế tại 31 tỉnh, thành phố.

Hiện khu vực Đồng bằng sông Cửu Long vẫn chưa giải quyết được tình trạng thiếu máu nên mỗi tuần Trung tâm Máu quốc gia vẫn cung cấp khoảng 1.000 đơn vị máu cho các cơ sở y tế tại Cần Thơ và các tỉnh lân cận.

"Việc hỗ trợ máu cho khu vực này đã kéo dài gần 1 năm nay. Chúng tôi đang tìm mọi cách để tiếp nhận được lượng máu nhiều nhất. Do nhu cầu máu sử dụng trước và sau Tết Nguyên đán đều tăng nên chúng tôi kêu gọi những người đủ điều kiện sức khỏe hãy tham gia hiến máu và hiến tiểu cầu"- bác sĩ Quế nói.

Hiến máu tình nguyện có được nhận tiền?

Liên quan đến thông tin người hiến máu muốn nhận tiền thay các phần quà, bác sĩ Quế cho biết việc hiến máu tình nguyện không nhận tiền là một nghĩa cử cao đẹp, thể hiện lòng nhân ái và trách nhiệm đối với xã hội, với cộng đồng.

Giọt máu cho đi có thể cứu sống những người trong các trường hợp khẩn cấp như: Tai nạn, phẫu thuật hoặc điều trị cho các bệnh nhân mắc bệnh máu.

99% nguồn máu tiếp nhận tại từ người hiến máu tình nguyện

99% nguồn máu tiếp nhận tại từ người hiến máu tình nguyện

"Quà tặng cho người hiến máu là vấn đề chúng ta đã mất rất nhiều năm để thay đổi suy nghĩ của người dân, đó là cho máu và không nhận tiền bồi dưỡng. Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Hội truyền máu quốc tế máu cũng phản đối việc cho tiền bồi dưỡng khi hiến máu bởi việc cho máu không phải là mua bán mà xuất phát từ vấn đề nhân đạo, cứu chữa người bệnh. Hiện nước ta đã đạt 99% nguồn máu từ người hiến máu tình nguyện (tức là hiến máu không nhận tiền). Điều đó rất đáng tự hào"- bác sĩ Quế nhấn mạnh.

Theo bác sĩ Quế, thế giới đều công nhận rằng nguồn máu an toàn nhất là từ những người hiến máu tình nguyện thường xuyên, nhắc lại và không nhận tiền. Đây cũng là xu hướng chung của thế giới.

Huyết tương được điều chế từ máu toàn phần

Huyết tương được điều chế từ máu toàn phần

Để đảm bảo an toàn truyền máu, mỗi ngày cả nước cần 5.500 - 6.000 người hiến máu. Tuy nhiên, trên thực tế con số này mới đáp ứng khoảng 80%. Vì vậy, các chuyên gia cho rằng cần xây dựng lực lượng hiến máu tình nguyện thường xuyên để đảm bảo nguồn máu cấp cứu, điều trị người bệnh.

Theo quy định, người hiến máu tình nguyện có giấy chứng nhận nếu phải truyền máu tại các cơ sở y tế công lập sẽ được bồi hoàn miễn phí lượng máu bằng số lượng máu đã hiến.

N.Dung

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/hien-mau-nhan-tien-chuyen-gia-noi-gi-196240121172639217.htm