Hiến máu tình nguyện - kết nối yêu thương và sự sống
Ngày 7/4/2000, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 43/2000/QĐ-TTg về việc vận động và khuyến khích Nhân dân hiến máu tình nguyện (HMTN) và lấy ngày 7/4 hằng năm là Ngày “Toàn dân hiến máu tình nguyện”. Mỗi giọt máu - một hành động nghĩa tình, được ví như một hạt mầm nhân ái gieo sự sống. Bao nhiêu người hiến máu thì bấy nhiêu người gieo sự sống. Gieo càng nhiều, sự sống càng sinh sôi, phát triển.
Ngày hội HMTN trên địa bàn huyện Khoái Châu
Sau 23 năm phát động, phong trào hiến máu tình nguyện trên địa bàn tỉnh ngày càng lan tỏa sâu rộng, thu hút đông đảo cán bộ lãnh đạo, công chức, viên chức, đoàn viên, thanh niên, lực lượng vũ trang, công nhân và người dân tham gia. Tỷ lệ người tham gia HMTN ngày càng đông, đa dạng đối tượng hiến máu và có nhiều chiến dịch vận động HMTN. Chỉ tính riêng năm 2022, tỷ lệ người đăng ký tham gia HMTN đạt gần 1,03% dân số toàn tỉnh; số đơn vị máu tiếp nhận của toàn tỉnh luôn đạt và vượt chỉ tiêu kế hoạch được Trung ương Hội Chữ thập đỏ giao. Nhiều địa phương, đơn vị đã có đổi mới, sáng tạo trong cách tổ chức, thu hút đông đảo người dân tham gia HMTN. Tiêu biểu là các huyện: Khoái Châu, Yên Mỹ, Văn Giang, Phù Cừ, thành phố Hưng Yên, ngành Y tế, ngành Giáo dục và Đào tạo, Công ty Điện lực Hưng Yên, Liên đoàn Lao động tỉnh. Đặc biệt, những năm gần đây, Ban chỉ đạo vận động HMTN các cấp đã làm tốt công tác xây dựng các câu lạc bộ “Ngân hàng máu sống” với đội ngũ tình nguyện viên nhiệt tình, tâm huyết, luôn sẵn sàng hiến máu bất cứ khi nào.
Đồng chí Đoàn Tiến Hiệp, Phó Chủ tịch Hội CTĐ tỉnh cho biết: Để phong trào HMTN lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng, hằng năm, Ban Chỉ đạo vận động HMTN tỉnh chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch tuyên truyền, vận động và tổ chức các chương trình HMTN, giao chỉ tiêu cụ thể cho từng địa phương, cơ quan, đơn vị; khuyến khích, vận động người dân tích cực tham gia phong trào với nhiều hình thức và nội dung phong phú; kịp thời biểu dương, khen thưởng tập thể, cá nhân, hộ gia đình có nhiều thành tích xuất sắc trong công tác HMTN.
Nhận thấy việc HMTN là chương trình mang đậm chất nhân văn và đầy ý nghĩa cao đẹp nên các thành viên trong gia đình bà Nguyễn Thị Nga ở xã Hàm Tử (Khoái Châu) tích cực tham gia các hoạt động HMTN. Bà Nga tâm sự: Tôi thấy hiến máu không ảnh hưởng gì đến sức khỏe bản thân mà còn góp phần “gieo mầm” thiện trong cuộc sống. Vì thế, tôi vận động chồng, con cùng tham gia HMTN. Đến nay, gia đình tôi đã có gần 30 lần tham gia hiến máu và chưa có ý định dừng lại.
Dù gắn bó với phong trào HMTN chưa lâu nhưng ông Nguyễn Minh Thuận ở thị trấn Văn Giang (Văn Giang) đã có 20 lần tham gia HMTN. Ông Thuận tham gia HMTN khi được người quen vận động. Lần đầu hiến máu, cũng có chút lo ngại về sức khỏe, nhưng sau đó ông thấy cơ thể khỏe mạnh bình thường. Từ đó, trung bình mỗi năm ông tham gia hiến máu 1-2 lần. Ông Thuận chia sẻ: Lần đầu tham gia hiến máu, tôi hơi hồi hộp. Qua mấy lần hiến máu, tôi quen hơn và cảm thấy vui vì mình làm được một việc tốt cho xã hội.
Tham gia hiến máu tình nguyện, mỗi người không chỉ nhận về niềm vui khi có thể góp phần cứu sống người khác mà còn nhận được rất nhiều lợi ích cho chính bản thân mình. Theo Viện Huyết học –Truyền máu Trung ương, nhiều nghiên cứu cho thấy, việc hiến máu thường xuyên, nhất là khi tuổi còn trẻ, góp phần làm giảm nguy cơ ứ đọng sắt, nhờ đó giúp giảm tỷ lệ xuất hiện các cơn đột quỵ và các bệnh tim mạch. Cùng với đó, khi tham gia hiến máu tình nguyện, người hiến máu được khám, tư vấn sức khỏe và làm một số xét nghiệm máu miễn phí; được bảo đảm an toàn truyền nhiễm và bí mật thông tin cá nhân; có chế độ bồi dưỡng, chăm sóc sau hiến máu theo quy định hiện hành. Đặc biệt, người hiến máu sẽ được cấp giấy chứng nhận hiến máu tình nguyện. Không chỉ có giá trị tôn vinh, giấy chứng nhận hiến máu còn có giá trị bồi hoàn máu miễn phí trong trường hợp người hiến máu cần truyền máu tại các cơ sở y tế công lập trên toàn quốc. Số lượng máu bồi hoàn tối đa bằng lượng máu đã hiến.
“Sẻ giọt máu đào - Trao niềm hy vọng”, “Kết nối yêu thương - Kết nối sự sống”, “Một giọt máu cho đi, một cuộc đời ở lại”, “Hiến máu cứu người - Một nghĩa cử cao đẹp”... hãy biến những khẩu hiệu thành việc làm thường xuyên, ngày càng lan tỏa, thể hiện rõ tính nhân văn cao cả, được xã hội tôn vinh. Đưa giọt máu tình nguyện, nhân lên niềm tin, hy vọng cho những người bệnh giành lại sự sống.