Hiến pháp của đồng lòng
Hiện nay việc lấy ý kiến của Nhân dân, của các ngành, các cấp góp ý vào dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 đang được tiến hành rộng rãi, khẩn trương, dân chủ. Qua đó phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, huy động trí tuệ, tâm huyết và tạo sự đồng thuận, thống nhất cao của toàn dân trong việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp.

Đại diện Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh góp ý vào dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 tại hội nghị do Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh tổ chức
Việc sửa đổi Hiến pháp lần này nhằm tạo cơ sở cho cuộc cải cách toàn diện tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, trong đó tập trung vào việc sắp xếp tổ chức của MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, đồng thời hoàn thiện mô hình tổ chức chính quyền địa phương hai cấp.
Đa dạng hình thức lấy ý kiến
Ngày 5/5/2025, Quốc hội khóa XV đã thảo luận và thông qua Nghị quyết số 194/2025/QH15 với 452 đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành (chiếm tỷ lệ 100% số đại biểu có mặt và 94,56% tổng số đại biểu Quốc hội). Theo đó, Quốc hội đã quyết định xem xét sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 để thực hiện chủ trương sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị với phạm vi sửa đổi tập trung vào các quy định của Hiến pháp năm 2013 về MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và việc phân định đơn vị hành chính, tổ chức chính quyền địa phương.
Cùng đó, Ủy ban dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 (của Quốc hội khóa XV) cũng đã xây dựng dự thảo nghị quyết về nội dung này. Dự thảo Nghị quyết gồm 2 điều. Trong đó, Điều 1 gồm 8 khoản sửa đổi, bổ sung một số quy định của Hiến pháp năm 2013 về MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, về đơn vị hành chính và tổ chức chính quyền địa phương; Điều 2 gồm 3 khoản quy định về hiệu lực thi hành và điều khoản chuyển tiếp. Trong đó tập trung góp ý bố cục, nội dung và kỹ thuật trình bày; các nội dung sửa đổi, bổ sung Điều 9, Điều 10, khoản 1 Điều 84, Điều 110, khoản 2 Điều 111, khoản 2 Điều 112, khoản 1 Điều 114, khoản 2 Điều 115 của Hiến pháp năm 2013.
Để thực hiện tốt công tác trên, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch 133/KH – UBND, ngày 11/5/2025 tổ chức lấy ý kiến Nhân dân, các ngành, các cấp về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013. Hình thức tổ chức lấy ý kiến rất đa dạng như: góp ý kiến trực tiếp trên ứng dụng VNeID, Cổng thông tin điện tử Quốc hội, Cổng thông tin điện tử Chính phủ, Cổng thông tin điện tử tỉnh Lạng Sơn, Trang thông tin điện tử phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh hoặc ý kiến bằng văn bản gửi đến UBND tỉnh HĐND tỉnh, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh.
Bên cạnh đó, các cơ quan, đơn vị tổ chức các hội nghị, hội thảo, tọa đàm để lấy ý kiến đối tượng thuộc phạm vi quản lý, các chuyên gia, nhà khoa học; chính quyền địa phương cấp huyện, cấp xã tổ chức lấy ý kiến Nhân dân bằng các hình thức phù hợp với điều kiện thực tiễn theo quy định của pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở… Thời gian lấy ý kiến Nhân dân, các ngành, các cấp trên địa bàn tỉnh về dự thảo Nghị quyết bắt đầu từ ngày 11/5 đến ngày 5/6/2025.
Việc lấy ý kiến Nhân dân được các ngành, các cấp cần được thực hiện với các hình thức đa dạng, thích hợp, linh hoạt, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, phù hợp với thực tế ở cơ sở, tạo điều kiện thuận lợi để các tầng lớp Nhân dân tham gia góp ý. Chẳng hạn, Tỉnh đoàn tổ chức lấy ý kiến đoàn viên, thanh niên về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 thông qua đường link trực tuyến. Hay như Công an tỉnh tổ chức hội nghị trực tuyến, triển khai sử dụng ứng dụng VneID trong công tác lấy ý kiến, tổng hợp ý kiến Nhân dân về sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp; một số đoàn thể chính trị - xã hội khác phát phiếu lấy ý kiến hội viên; tổ chức hội nghị lấy ý kiến, hội thảo…
Tiêu biểu, Ủy Ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã tích cực tổ chức hội nghị lấy ý kiến về dư thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013. Đồng chí Nguyễn Hoàng Tùng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh thông tin: Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh ban hành kế hoạch và văn bản hướng dẫn hệ thống MTTQ các cấp trong tỉnh về việc lấy ý kiến, tổng hợp ý kiến về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013. Đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, truyền thông rộng rãi bằng các hình thức phù hợp trong quá trình tổ chức lấy ý kiến về dự thảo nghị quyết; định hướng tư tưởng để tạo sự đồng thuận, thống nhất cao với việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp; động viên các tầng lớp Nhân dân tích cực tham gia đóng góp ý kiến. Riêng với MTTQ cấp tỉnh, chúng tôi đã tổ chức 2 hội nghị lấy ý kiến về dự thảo nghị quyết, đến nay, MTTQ 11/11 huyện, thành phố cũng đã tổ chức hội nghị lấy ý kiến về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013. Ngoài ra, chúng tôi còn tiếp nhận ý kiến góp ý, phản ánh, đưa tin về quá trình lấy ý kiến Nhân dân trên Cổng thông tin điện tử của Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh; tiếp nhận góp ý kiến trực tiếp, bằng văn bản của các nhân sĩ, trí thức, luật gia, người tiêu biểu các dân tộc thiểu số, chức sắc các tôn giáo là Ủy viên Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, các chuyên gia, nhà khoa học về lĩnh vực pháp luật. Trên cơ sở đó, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh sẽ tổng hợp, xây dựng báo cáo gửi Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam để chuyển Quốc hội xem xét tiếp thu.

Đại biểu góp ý vào dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 tại hội nghị do Ủy ban MTTQ phường Hoàng Văn Thụ, thành phố Lạng Sơn tổ chức
Bên cạnh đó, các sở, ban, ngành tỉnh cũng tích cực tổ chức hội nghị lấy ý kiến cán bộ, công chức, viên chức của đơn vị. Ông Vũ Quang Hưng, Phó Giám đốc Sở Tư pháp, Chủ tịch Hội Luật gia tỉnh cho biết: Sở đã tổ chức hội lấy ý kiến về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 tại đơn vị vào ngày 14/5/2025 vừa qua. Hiện nay chúng tôi đang chủ trì, phối hợp với Văn phòng UBND tỉnh, các cơ quan liên quan tổng hợp, thu nhận báo cáo của các cơ quan, đơn vị, xây dựng dự thảo báo cáo của UBND tỉnh về tổng hợp ý kiến đóng góp của Nhân dân, các ngành, các cấp trên địa bàn tỉnh về dự thảo nghị quyết, gửi đến Ủy ban dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013. Bản thân tôi đồng tình cao với bố cục và các nội dung cơ bản của dự thảo nghị quyết. Tuy nhiên, tôi đề nghị xem xét sửa đổi một số nội dung như: Tại khoản 1 Điều 1 sửa đổi, bổ sung Điều 9 nên sửa lại là “MTTQ Việt Nam là tố chức liên minh chính trị, liên hiệp tự nguyện của tổ chức chính trị, các tổ chức chính trị - xã hội, chính tri - xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội và các cá nhân tiêu biểu trong các giai cấp, tầng lớp xã hội, dân tộc, tôn giáo, người Việt Nam định cư ở nước ngoài”…
Phát huy dân chủ
Với sự vào cuộc của các cấp, ngành, các cơ quan, đơn vị, với nhiều hình thức triển khai đa dạng, việc lấy ý kiến người dân về Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 đã phát huy dân chủ, trí tuệ của các tầng lớp Nhân dân đóng góp vào dự thảo Nghị quyết.
Đối với các nội dung trong dự thảo Nghị quyết của Ủy ban dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013, các tầng lớp Nhân dân đều đánh giá cao sự cần thiết của việc sửa đổi nhằm cụ thể hóa Nghị quyết của Bộ Chính trị về sắp xếp đơn vị hành chính và tổ chức lại bộ máy chính quyền địa phương. Đồng thời bày tỏ sự thống nhất cao với chủ trương sửa đổi Hiến pháp để phục vụ quá trình tái cơ cấu hệ thống chính quyền theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả. Bên cạnh đó, có một số ý kiến góp ý, bổ sung nhằm hoàn thiện hơn dự thảo nghị quyết.
Bà Trần Thị Hoa Sinh, nguyên Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh khóa XII, XIII, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn dân chủ - Pháp luật của Ủy ban MTTQ việt Nam tỉnh chia sẻ: Tôi hoàn toàn nhất trí với việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 bởi vì việc sửa đổi này nhằm phục vụ cuộc cách mạng sắp xếp, tinh gọn bộ máy Nhà nước, một nhiệm vụ đang được thực hiện tích cực và đạt hiệu quả cao, vì sự phát triển của đất nước. Một trong những nội dung của lần sửa đổi, bổ sung Hiến pháp này là các quy định liên quan đến MTTQ Việt nam và các tổ chức chính trị - xã hội nêu tại Điều 9, Điều 10 Hiến pháp 2013. Việc quy định các tổ chức chính trị - xã hội: Công đoàn Việt nam, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt nam, Hội cựu Chiến binh Việt nam trực thuộc MTTQ Việt nam, hoạt động thống nhất dưới sự chủ trì của MTTQ là một bước đi quan trọng, nhằm tạo cơ sở pháp lý cho việc sắp xếp lại các tổ chức thành viên, giảm bớt sự trùng lặp, chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ, bảo đảm sự đồng bộ với cơ cấu tổ chức Đảng, giúp MTTQ và các tổ chức thành viên gần dân hơn, sát dân hơn. Tuy nhiên, trong dự thảo Nghị quyết chưa đề cập các hội quần chúng được Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ vẫn đang là tổ chức thành viên của MTTQ Việt Nam như: Liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật, Liên hiệp các hội văn học và nghệ thuật.....; vì vậy, theo tôi dự thảo Nghị quyết cần xem xét nghiên cứu nên thêm một số tổ chức thành viên khác.
Cũng nhất trí cao với việc sửa đổi hiến pháp, ông Hoàng Liên Sơn, phố Tân An, thị trấn Văn Quan, huyện Văn Quan cho biết: Tối rất đồng tình với việc sửa đổi Hiến pháp năm 2013, với những quy định mới phục vụ cho cuộc cách mạng tinh gọn tổ chức bộ máy Nhà nước. Chúng tôi mong rằng sau khi Hiến pháp sửa đổi được Quốc hội thông qua sẽ góp phần quan trọng để bộ máy chính quyền, MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội hoạt động hiệu lực hiệu quả hơn, đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng chính đáng của người dân.
Thời gian tới, các cơ quan, đơn vị tiếp tục lấy ý kiến Nhân dân về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013.
Việc thực hiện lấy ý kiến được triển khai đồng bộ từ tỉnh đến cơ sở sẽ phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, huy động trí tuệ, tâm huyết và tạo sự đồng thuận, thống nhất cao của toàn dân trong việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 2013, bảo đảm Hiến pháp phản ánh đúng ý chí, nguyện vọng của Nhân dân.
Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/dong-thuan-sua-doi-hien-phap-nam-2013-5047653.html