Hiến tạng, cho đi là còn mãi

Một nữ hộ sinh bệnh viện E hiến toàn bộ tạng sau khi qua đời đã giúp hồi sinh sự sống cho 4 người khác. Đây là nhân viên y tế đầu tiên của ngành y hiến tạng.

Thạc sĩ, nữ hộ sinh Lộ Thị Thùy Linh không may mắc bệnh hiểm nghèo bị ngừng tim đột ngột. Sau khi đưa vào Bệnh viện E cấp cứu, hồi sức, mặc dù tim đã đập trở lại, nhưng bệnh nhân rơi vào tình trạng chết não. Gia đình chị Linh đã đồng ý hiến toàn bộ tạng, giúp hồi sinh cuộc sống cho 4 bệnh nhân trong đó 1 bệnh nhân được ghép tim, 2 bệnh nhân được ghép thận và 1 bệnh nhân được ghép gan.

Nữ hộ sinh hiến toàn bộ tạng sau khi qua đời đã giúp hồi sinh sự sống cho 4 người khác.

Nữ hộ sinh hiến toàn bộ tạng sau khi qua đời đã giúp hồi sinh sự sống cho 4 người khác.

Nghĩa cử cao đẹp của nữ hộ sinh đã trở thành nguồn động lực cho các nhân viên y tế, cán bộ, đoàn viên công đoàn y tế và các hội viên tự nguyện đăng ký hiến mô, bộ phận cơ thể người sau khi chết, chết não.

Từ câu chuyện của chị Thùy Linh, ngành y tế mong muốn lan tỏa mạnh mẽ hơn nữa tinh thần tự nguyện đăng ký hiến mô, bộ phận cơ thể người sau khi chết, chết não ở cán bộ nhân viên y tế và người dân. Bởi với hơn 1.000 ca ghép tạng mỗi năm, chỉ có 5% nguồn hiến từ người chết não, 95% nguồn hiến còn lại từ người sống.

Mặc dù đã có 23 bệnh viện thành lập được tổ tư vấn, vận động hiến tạng, nhưng số lượng các tổ vấn hoạt động hiệu quả không nhiều, nguyên nhân là chưa có chế độ, chính sách đãi ngộ thực sự phù hợp.

Việc ký kết hợp tác của Hội Vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người Việt Nam, Công đoàn Y tế Việt Nam và Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam trong công tác tuyên truyền đăng ký hiến tặng mô, tạng sẽ là hoạt động có sức lan tỏa nhằm thay đổi nhận thức của xã hội về hiến mô, tạng, góp phần mang lại cơ hội sống cho nhiều người bệnh.

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/video/hien-tang-cho-di-la-con-mai-243875.htm