Bị ung thư miệng sau 40 năm hút thuốc lá

Mỗi ngày, ông T. hút 10 điếu thuốc lá, kéo dài 40 năm. Gần đây miệng có vết loét không lành, bác sĩ phát hiện ung thư miệng.

Ông T. cho biết cách đây một năm, bên trong má trái ông có u, cộm, cứng như hạt sạn. 6 tháng sau, u tăng kích thước, vùng má trái đau âm ỉ, ông khó nhai thức ăn, nghĩ do đau răng nhưng khám răng không thấy bất thường. 3 tháng sau đó, u xuất hiện vết loét, vùng miệng đau.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Ông ra tiệm mua thuốc uống, cơn đau giảm nhưng vết loét không lành nên đến bệnh viện khám. Theo lời người bệnh, ông hút thuốc lá từ năm 20 tuổi. Hơn 40 năm ông hút mỗi ngày 10 điếu thuốc lá, thỉnh thoảng mới uống rượu bia.

Thời điểm căng thẳng, ông có thể hút đến 15 - 20 điếu mỗi ngày. 3 năm nay, do bị tiểu đường và cao huyết áp, ông ít hút thuốc lá hơn.

Thạc sĩ bác sĩ CKII Đoàn Minh Trông, Đơn vị Đầu Mặt Cổ, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM cho biết, ung thư miệng là tình trạng khoang miệng hình thành tổn thương ác tính ở các vị trí như lưỡi, niêm mạc, lợi, sàn miệng, khẩu cái (vách ngăn giữa khoang mũi và khoang miệng), môi.

Tại Đông Nam Á, hàng năm có hơn 180.000 trường hợp ung thư miệng, khoảng 90% do thói quen hút thuốc. Bệnh xảy ra chủ yếu ở nam giới sau 50 tuổi.

Hiện chưa rõ nguyên nhân gây ung thư miệng, nhưng có một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh như hút thuốc lá, uống rượu, nhiễm virus u nhú (HPV), virus epstein-barr (EBV), gia đình có người bị ung thư miệng…

Vệ sinh răng miệng kém hay mắc bệnh nướu răng cũng có khả năng cao phát triển khối u ác tính ở miệng. Tiếp xúc với khói thuốc thụ động, nhất là trong thời gian lâu dài, có thể dẫn đến ung thư miệng.

Người hút thuốc lá có nguy cơ mắc ung thư miệng cao gấp 5 - 6 lần so với người không hút thuốc. Thời gian hút thuốc lá càng lâu thì nguy cơ ung thư miệng càng cao. Người hút thuốc và uống rượu có nguy cơ mắc ung thư miệng cao hơn gấp 30 lần so với những người không hút thuốc hoặc uống rượu.

Như trường hợp của ông H., hút nhiều thuốc lá là một trong những yếu tố nguy cơ của bệnh này. Bác sĩ Trông cho biết trong thuốc lá có hơn 60 chất độc hại: formaldehyde, thạch tín, chất phóng xạ, hydro xyanua, benzen… Các chất này làm suy yếu hệ miễn dịch, có thể làm đột biến ADN (gen) dẫn đến ung thư. Tế bào ở miệng có ADN bị hỏng có thể dẫn đến ung thư ở vùng này.

Tổ chức Ung thư toàn cầu ghi nhận năm 2022 có 389.846 ca mắc mới ung thư miệng và 188.438 ca tử vong vì bệnh này, tỉ lệ tử vong gần 50%.

Người bệnh có thể xuất hiện vết loét dễ nhầm lẫn với bệnh nhiệt miệng. Trong khi, vết loét nhiệt miệng thường lõm ở giữa, có màu trắng hoặc xám, viền vết loét màu đỏ hoặc hồng đỏ, gây đau nhưng lành tính, thường lành trong vòng hai tuần.

Hay vùng cổ xuất hiện u, chảy máu miệng, răng lung lay, sưng hoặc đau môi không lành, nuốt khó, thay đổi giọng nói, giảm cân không rõ nguyên nhân… cũng có thể do ung thư miệng.

Chính triệu chứng ung thư miệng thường không rõ ràng nên người bệnh thường phát hiện khi ung thư đã ở giai đoạn muộn.

Bác sĩ Trông khuyên, khi vùng miệng có các dấu hiệu xuất hiện u, mảng đỏ, trắng, vết loét không lành sau 1 - 2 tuần, sưng hàm, đau miệng kéo dài, khó nuốt, nhai… nên đi khám bác sĩ chuyên khoa Đầu Mặt Cổ để được kiểm tra, chẩn đoán và điều trị phù hợp.

Nếu nghi ngờ ung thư, bác sĩ lấy một mẫu mô nhỏ gửi đến khoa Giải phẫu bệnh để xác định tình trạng lành hay ác tính. Người bệnh có thể được chỉ định chụp cắt lớp vi tính (CT), cộng hưởng từ (MRI) vùng đầu - cổ để xem xét ung thư có lan rộng không.

Điều trị ung thư miệng phụ thuộc vào loại ung thư, vị trí và mức độ lan rộng. Phương pháp điều trị phổ biến là phẫu thuật cắt bỏ khối u. Mức độ phẫu thuật có thể phụ thuộc vào kích thước u và độ lan rộng của ung thư.

Bác sĩ có thể loại bỏ các mô xung quanh và các hạch bạch huyết lân cận. Sau phẫu thuật, tùy vào tình trạng bệnh, bác sĩ có thể chỉ định hóa trị, xạ trị để ngừa tái phát, di căn hoặc ngăn bệnh phát triển.

D.Ngân

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/bi-ung-thu-mieng-sau-40-nam-hut-thuoc-la-d218310.html