Hiện thực hóa giấc mơ cho người nghèo

Đến giữa tháng 2, đã có 1.967 hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn được hỗ trợ làm nhà theo Đề án xóa nhà ở tạm, nhà dột nát. Trong số này, đã có 1.665 hộ đã xây dựng xong và đưa vào sử dụng. Sự vào cuộc quyết liệt của tỉnh, sự đùm bọc, đoàn kết của người dân đang góp phần xây nên những mái ấm cho hộ nghèo, cận nghèo.

Niềm vui trong căn nhà mới

Đến giờ, anh Dương Quang Dinh, dân tộc Mông, thôn Tân An, xã Đông Thọ (Sơn Dương) vẫn còn nguyên cảm giác vui mừng khi dọn về ngôi nhà mới trước Tết Nguyên đán 2025. Anh Dinh bảo: “Hôm khánh thành, bà con trong làng đến chúc mừng rất đông. Được đón Tết trong ngôi nhà mới, cả nhà vui lắm! Gia đình ít đất sản xuất, thu nhập trông chờ vào đi làm thuê, làm mướn của 2 vợ chồng nên cuộc sống rất khó khăn. Tỉnh, huyện, xã hỗ trợ tiền, anh em trong họ, thôn hỗ trợ ngày công, vật liệu xây dựng được căn nhà kiên cố như thế này không có gì bằng nữa rồi, giấc mơ của vợ chồng anh đã thành hiện thực rồi!”. Có nhà rồi, vợ chồng anh yên tâm hơn, đầu tư làm ăn kinh tế, quyết tâm thoát khỏi diện hộ nghèo.

Ngôi nhà đại đoàn kết của bà Trần Thị Tâm, thôn 17, xã Lang Quán (Yên Sơn) được xây dựng từ sự hỗ trợ của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp.

Ngôi nhà đại đoàn kết của bà Trần Thị Tâm, thôn 17, xã Lang Quán (Yên Sơn) được xây dựng từ sự hỗ trợ của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp.

Trước đó, gia đình anh Lý Văn Hồng, cùng thôn Tân An cũng rộn ràng niềm vui đón năm mới trong ngôi nhà vừa xây xong. Anh Hồng chia sẻ: Vợ anh bị thận mãn tính, chi phí thuốc thang rất tốn kém nên không thể dành dụm làm nhà, đành phải ở trong căn nhà ván tạm bợ. Mới đây, được tỉnh hỗ trợ 50 triệu đồng, các tổ chức hội, người dân trong thôn giúp ngày công, gia đình mới có được căn nhà xây khang trang.

Đồng chí Lý Văn Súa, Bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn Tân An cho biết: Với sự giúp đỡ của các tổ chức, cá nhân, năm 2024 vừa qua, 22 hộ nghèo trong thôn đã nhận được tiền hỗ trợ, với mức 50 triệu đồng/hộ để làm nhà mới. Ngoài ra, các tổ chức chính trị, xã hội, anh em dòng tộc, làng bản đóng góp ngày công, vật liệu, những ngôi nhà đủ tiêu chuẩn “3 cứng” cứng nền, cứng tường, cứng mái đã được xây dựng, đem lại niềm tin cho người nghèo.

Bà Trần Thị Tâm, thôn 17, xã Lang Quán (Yên Sơn) vẫn chưa thể tin ước nguyện một căn nhà vững chãi để bà an tâm khi già đã trở thành hiện thực. Bà Tâm hạnh phúc bảo: 75 tuổi bà mới được ở trong căn nhà xây vững chãi, cảm ơn Quỹ vì người nghèo của tỉnh, huyện, ngân hàng Agribank, anh em, họ mạc, bà con lối xóm đã hỗ trợ để bà cháu bà có căn nhà mới khang trang, sạch đẹp.

Quyết tâm xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo

Theo thống kê, toàn tỉnh còn hơn 4.900 hộ nghèo, hộ gia đình chính sách vẫn khó khăn về nhà ở. Với quyết tâm không để ai bị bỏ lại phía sau, các địa phương đang rà soát lập danh sách, phân bổ nguồn kinh phí để hỗ trợ trên cơ sở nhu cầu của các gia đình.

Ngôi nhà của bà Lý Thị Pằng, thôn Tân An, xã Đông Thọ (Sơn Dương) được xây dựng từ nguồn Quỹ vì người nghèo.

Ngôi nhà của bà Lý Thị Pằng, thôn Tân An, xã Đông Thọ (Sơn Dương) được xây dựng từ nguồn Quỹ vì người nghèo.

Huyện Yên Sơn có trên 1.800 gia đình cần hỗ trợ xóa nhà tạm, dột nát. Trong đó, có trên 140 hộ có công với cách mạng; trên 1.500 hộ nghèo, cận nghèo, dân tộc thiểu số, còn lại là hộ khác. Dự kiến kinh phí hỗ trợ thực hiện trên 90 tỷ đồng. Đồng chí Lê Quang Toàn, Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Sơn cho biết: Quyết tâm xóa hết nhà tạm, nhà dột nát, huyện đã phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng phòng, ban, cơ quan, đơn vị. Huy động, lồng ghép đồng bộ nguồn lực của các chương trình đang thực hiện trên địa bàn huyện như: Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo, dân tộc thiểu số, Quỹ vì người nghèo... Huyện cũng đặc biệt quan tâm đến việc kêu gọi sự ủng hộ của các nhà hảo tâm, các doanh nghiệp, cộng đồng dân cư, anh em dòng tộc giúp đỡ nguyên vật liệu, ngày công lao động đồng thời khơi gợi tinh thần tự chủ, tự lực, tự cường của mỗi gia đình trong việc cải tạo, xây dựng nhà ở khang trang sạch đẹp. Thống kê đến ngày 10-2, đã có 400 hộ đã khởi công làm lại nhà ở.

Đặt mục tiêu hết năm 2025, không còn gia đình nào phải ở nhà tạm, nhà dột nát, các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Sơn Dương cũng đã lập danh sách những hộ nghèo có nhu cầu làm nhà. Đồng thời phân bổ nguồn kinh phí hỗ trợ, tạo động lực để những hộ nghèo xúc tiến đẩy nhanh tiến độ xây dựng nhà ở. Bà Lương Thị Bông, thôn Cây Nhội, xã Tân Thanh (Sơn Dương) cho biết: “Gia đình có 40 triệu đồng, Nhà nước cho 50 triệu đồng, xã giúp đỡ 10 triệu đồng cộng với các nhà hảo tâm giúp đỡ, bà đã thực hiện được giấc mơ rồi! Dự kiến cuối tháng 3 tới, gia đình sẽ được ở trong căn nhà mới, mừng lắm! Không lo mưa dột, gió lùa nữa rồi”.

Bên cạnh kết quả đạt được, công tác hỗ trợ kinh phí cho các hộ đã hoàn thành làm mới, sửa chữa nhà còn chậm. Đến nay nhiều địa phương chưa tổ chức cấp kinh phí cho các hộ được hỗ trợ; 100% các xã, phường, thị trấn chưa phê duyệt danh sách hộ được hỗ trợ làm mới, sửa chữa theo quy định. Việc rà soát, thống kê cụ thể những vướng mắc và xây dựng giải pháp tháo gỡ khó khăn tại các địa phương còn chậm.

Đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội-thành viên Ban chỉ đạo triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát tỉnh cho biết: Hiện tại mới có huyện Yên Sơn rà soát thống kê được hiện trạng đất, nhưng chưa đưa ra được các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho từng hộ, nhóm hộ; huyện Chiêm Hóa đã tổ chức rà soát khó khăn của các hộ theo từng nhóm, tuy nhiên lại chưa có biện pháp giải quyết khó khăn đối với từng hộ. Chưa kể các hộ có nhà ở tạm, dột nát chủ yếu nằm ở các xã đặc biệt khó khăn, thôn đặc biệt khó khăn, đường giao thông, phương tiện vận chuyển vật liệu xây dựng không thuận tiện, thi công gặp nhiều khó khăn, chi phí tăng cao. Thêm vào đó là tình trạng một số người dân có tâm lý trông chờ, ỷ lại vào sự trợ cấp của Nhà nước.

Để đẩy nhanh tiến độ xóa nhà tạm, nhà dột nát cho các hộ nghèo, ngày 11-2-2025, Ban chỉ đạo triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát tỉnh đã có văn bản yêu cầu các địa phương tăng cường, đẩy mạnh việc triển khai thực hiện. Trong đó, sớm cấp kinh phí, huy động hiệu quả nguồn lực để hỗ trợ cho các hộ dân, đồng thời tập trung giải quyết dứt điểm các thủ tục liên quan đến đất đai để người dân chủ động xây dựng nhà ở. Các xã, phường, thị trấn phối hợp với tổ chức tín dụng rà soát, đánh giá các hộ không thuộc đối tượng quy định tại Nghị định số 28/2022/NĐ-CP của Chính phủ, nhưng có nhu cầu vay vốn để xóa nhà tạm, nhà dột nát có giải pháp hỗ trợ ngay đối với các hộ có nhu cầu vay vốn làm nhà...

Theo đồng chí Tăng Thị Dương, Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh, thực hiện Đề án xóa nhà tạm, dột nát cho hộ nghèo, Ủy ban MTTQ tỉnh tiếp tục phối hợp với chính quyền, các sở, ngành, tổ chức thành viên làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, huy động các nguồn lực thực hiện hiệu quả Đề án. Rà soát, cập nhật đầy đủ, chính xác hộ nghèo đang ở nhà tạm, dột nát để xác định nhu cầu làm mới và sửa chữa nhà ở theo lộ trình. Đồng thời, tổ chức kiểm tra, giám sát việc thực hiện triển khai hỗ trợ xóa nhà ở tạm, dột nát cho hộ nghèo ở các địa phương, đảm bảo tiến độ, kế hoạch đề ra.

Bài, ảnh: Đoàn Thư

Nguồn Tuyên Quang: http://baotuyenquang.com.vn/hien-thuc-hoa-giac-mo-cho-nguoi-ngheo-207078.html