Hiện thực hóa khát vọng giảm nghèo của đồng bào Mông
Nhờ sự đồng hành của nguồn vốn chính sách, người nghèo và các đối tượng chính sách tại huyện Mường Khương (tỉnh Lào Cai) được khai sáng tư duy làm ăn kinh tế, gắn vốn tín dụng với lợi thế và chính sách phát triển kinh tế địa phương. Dù nghèo khó vẫn còn ở các bản làng xa xôi, nhưng khác xưa 'một trời, một vực'.
Về Tả Ngài Chồ - xã vùng III biên giới đặc biệt khó khăn của huyện đặc biệt khó khăn Mường Khương (tỉnh Lào Cai), một trong 74 huyện nghèo của cả nước hôm nay, có thể dễ dàng nhận thấy đời sống của bà con đồng bào Mông vẫn muôn vàn khó khăn.
Tính đến cuối năm 2022, Tả Ngài Chồ có tới 68% hộ nghèo, 20% hộ cận nghèo, thu nhập bình quân đầu người chỉ 19 triệu đồng/năm. Song, nhìn về tương lai, Chủ tịch UBND xã Sùng Seo Sà rất lạc quan với mục tiêu giảm 10% hộ nghèo trên năm.
Nguồn vốn chính sách giúp thu hẹp khoảng cách giàu nghèo
"100% người dân trong xã là đồng bào Mông. Trước đây bà con chăm chỉ nhưng nghèo khó, chưa có kinh nghiệm kỹ thuật, chưa có vốn, giao thông đi lại khó khăn nên kinh tế chậm phát triển. Nhưng với sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước đầu tư cơ sở hạ tầng nông thôn, hỗ trợ bà con kỹ thuật canh tác, cây giống, phân bón, lại được NHCSXH cho vay vốn chính sách với lãi suất ưu đãi đã giúp cho bà con phát triển kinh tế, thoát nghèo nhanh hơn", ông Sùng Seo Sà chia sẻ.
Chúng tôi có dịp trò chuyện cùng bà Chấu Thị Sáo (sinh năm 1965) ở thôn Tàng Chư Pến, xã Tả Ngài Chồ. Những năm trước, vợ chồng bà và 5 đứa con còn nhỏ, cả gia đình chỉ trông chờ vào ruộng ngô, cây lúa nên cũng như bao nhiêu người dân trong xã, mỗi năm 3 - 4 tháng giáp hạt đều phải trông chờ sự hỗ trợ lương thực của Nhà nước. Nghèo khó cứ thế mà bủa vây nhiều năm, đến cả ngôi nhà bà đang ở nếu không có Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) hỗ trợ cho vay vốn làm nhà ở hộ nghèo thì cũng khó mà có được.
Mong muốn khát vọng vươn lên thoát nghèo, làm giàu ngay trên chính quê hương mình, bà đã mạnh dạn vay 50 triệu đồng của NHCSXH đầu tư mua máy cày bừa phát triển ruộng nương đẩy lùi nghèo khó cố hữu từ bao đời nay. Từ tiền tích lũy và vay thêm cho con cái học hành, bà đầu tư nuôi thêm đàn bò, vài ba con lợn. Năm 2022, để cải thiện nhanh hơn kinh tế gia đình, bà vay 100 triệu đồng nguồn vốn hộ nghèo đầu tư tăng đàn; đến nay gia đình bà đã có đàn lợn tới 10 con và 11 con bò. Với nguồn tài sản này cùng ruộng nương được trồng cấy hiệu quả, ngày thoát nghèo của gia đình bà không còn xa!
Không chỉ thoát nghèo nhờ nguồn vốn chính sách của NHCSXH, vợ chồng anh Lù Seo Khờ, sinh năm 1985 ở thôn Sín Chải A, xã Tả Ngài Chồ còn là gương sáng điển hình cho nhiều bà con đồng bào dân tộc trong xã học tập noi theo về phát triển kinh tế.
Làm Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn từ năm 2005, luôn khát khao đổi đời, song vì không biết trồng cây gì, con gì nên mãi đến năm 2011 khi nhìn thấy quýt sen mang từ Trung Quốc sang bán có giá, và một số gia đình ở các huyện trong tỉnh có người trồng thử thành công, vợ chồng anh Lù Seo Khờ quyết tâm vay vốn thoát nghèo. Cầm 100 triệu đồng vốn vay trong tay, anh nhờ bà con đưa sang cửa khẩu mua 1.000 cây giống, học tập kỹ thuật chăm bón mang về trồng trên mảnh đất Tả Ngài Chồ.
Những năm đầu, vợ chồng anh vừa làm, vừa lo cây quýt trồng 5 năm mới thu hoạch không có tiền trả nợ ngân hàng nên cố gắng chắt bóp tiền nuôi thêm con lợn, con gà và trồng thêm sa nhân. "Lúc ấy khổ lắm nhưng vẫn phải cố gắng làm lụng, dành dụm mỗi năm 20 - 30 triệu đồng", anh kể. Vụ đầu tiên thu hoạch được 3 tấn bán được 20 triệu đồng cả gia đình đều phấn khởi. Năm 2018 cùng với việc xã vận động dân mở đường vào núi tạo thuận lợi cho bà con chuyển đổi cây trồng, anh đầu tư thêm 2ha quýt, mỗi năm cho thu hoạch khoảng 30 tấn, đưa tổng thu nhập lên 300 - 400 triệu đồng/năm.
"Thực mục sở thị" mô hình quýt hiệu quả của anh Lù Seo Khờ, lại được anh hướng dẫn, nhiều hộ gia đình trong thôn rồi trong xã cũng học trồng quýt. Chính quyền xã cũng đã vào cuộc hỗ trợ người dân giống quýt và phân bón, đến nay đã có 110 hộ dân trong xã trồng quýt chum với diện tích trồng hơn 88ha.
Hiện toàn xã Tả Ngài Chồ có ⅓ số hộ dân (khoảng 200 hộ dân) vay vốn tại NHCSXH với tốc độ giảm nghèo khoảng 7%-8%/năm. Đây cũng là điểm tựa để Chủ tịch UBND xã Sùng Seo Sà tin tưởng cùng với việc định hướng cho nhân dân phát triển mô hình 1 cây, 1 con chủ lực là chè và lợn đen Tả Ngài Chồ. Năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo của xã chỉ còn 58% và tiếp tục giảm tối thiểu 10%/năm trong các năm tiếp theo.
"Tài Ngải Chồ giờ không còn hộ đói, chỉ còn hộ nghèo thôi", Chủ tịch xã Sùng Seo Sà vui vẻ nói.
Khát vọng của người nghèo giờ không chỉ là ăn đủ no, mặc đủ ấm mà là một cuộc sống hạnh phúc xây dựng trên nền tảng sinh kế bền vững, hòa mình cùng công cuộc xây dựng nông thôn mới và hội nhập kinh tế quốc tế. Đây vừa là thành quả, vừa là thách thức của NHCSXH cùng những người chiến sĩ áo hồng trên chặng đường mới.
Đó chỉ là một trong những kết quả mà NHCSXH đã đạt được trên hành trình cung ứng tín dụng chính sách phát triển kinh tế gắn với giảm nghèo bền vững, đảm bảo công bằng và an sinh xã hội, "chăm lo các đối tượng yếu thế, không để ai bị bỏ lại phía sau, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo giữa các vùng, miền trên cả nước" theo chủ trương, quan điểm nhất quán của Đảng, Nhà nước trong quá trình xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.