Hiện thực hóa một 'ASEAN Tầm vóc – tâm điểm tăng trưởng'
Với vai trò Chủ tịch ASEAN, Indonesia quyết tâm tăng cường khả năng của khối trong ứng phó với các thách thức khu vực và toàn cầu, cũng như củng cố vị thế của ASEAN với tư cách là tâm điểm của tăng trưởng.
Tâm điểm của tăng trưởng
Với chủ đề Năm Chủ tịch ASEAN: “ASEAN tầm vóc: Tâm điểm của tăng trưởng”, Indonesia quyết tâm tăng cường khả năng của ASEAN trong ứng phó với các thách thức khu vực và toàn cầu, cũng như củng cố vị thế của ASEAN với tư cách là tâm điểm của tăng trưởng. Ngay trước thềm hội nghị, nước chủ tịch Indonesia khẳng định sẽ có những bước tiến trên cả 3 trụ cột trong năm chủ tịch ASEAN.
Đối với trụ cột thứ nhất "Các vấn đề của ASEAN", Indonesia đã chuẩn bị tầm nhìn ASEAN đến năm 2045 cũng như thúc đẩy thảo luận về dự thảo Tuyên bố của các nhà lãnh đạo ASEAN nhằm tăng cường năng lực và hiệu quả thể chế của ASEAN. Kết quả dự kiến được thông qua tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 42. Về trụ cột thứ nhất, nước chủ tịch Indonesia cũng nhấn mạnh, một số vấn đề phải tiếp tục thúc đẩy thảo luận, bao gồm đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC), xóa bỏ nạn buôn bán người, tăng cường thể chế hóa Đối thoại Nhân quyền trong ASEAN, soạn thảo Lộ trình trở thành thành viên của Timor Leste và ký kết Nghị định thư Khu vực Đông Nam Á không có vũ khí hạt nhân (SEANWFZ).
Trên trụ cột thứ hai “Tâm điểm Tăng trưởng”, các ưu tiên như củng cố cấu trúc y tế thông qua Sáng kiến One Health, tăng cường an ninh lương thực và năng lượng, bao gồm cả việc phát triển hệ sinh thái xe điện, đã được thảo luận. Cam kết sử dụng đồng tiền ASEAN trong các giao dịch thương mại và kết nối các cơ chế thanh toán trong khu vực cũng được thống nhất nhằm tăng cường ổn định tài chính khu vực.
Trong khi đó, trên trụ cột thứ ba là triển khai Tầm nhìn ASEAN về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (AOIP), Indonesia nhấn mạnh việc tăng cường hợp tác cụ thể về Tầm nhìn ASEAN dựa trên các nguyên tắc bao trùm, hợp tác kinh tế và phát triển kinh tế.
Những kết quả cụ thể sẽ được nhìn nhận và thông qua tại hội nghị lần này bao gồm Tuyên bố chung về hướng đến Tầm nhìn sau 2025; Tăng cường Năng lực và Hiệu quả Thể chế ASEAN; Nạn Buôn bán người dưới tác động của Lạm dụng công nghệ.
Thúc đẩy ASEAN trở thành một khu vực năng động, mạnh mẽ và tự cường
Về vấn đề kinh tế, tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 42, các lãnh đạo dự kiến ghi nhận Báo cáo của Hội đồng Cộng đồng Kinh tế ASEAN và thông qua 3 tài liệu thuộc phụ trách của Trụ cột Kinh tế và đã được các Bộ trưởng chuyên ngành phụ trách liên quan thống nhất trước về nội dung, bao gồm:
Tuyên bố của các nhà Lãnh đạo về Phát triển Hệ sinh thái Xe điện, với nội dung chính là thể hiện cam kết của các nhà Lãnh đạo ASEAN trong việc cùng nhau phát triển một hệ sinh thái xe điện trong khu vực ASEAN, qua đó thúc đẩy việc sử dụng xe điện và cải thiện ngành công nghiệp xe điện ở các nước thành viên, hướng tới việc đưa ASEAN trở thành một trung tâm sản xuất xe điện của thế giới
Phụ lục của Trụ cột Kinh tế trong Lộ trình Timor-Leste trở thành thành viên chính thức của ASEAN, bao gồm Danh sách các Hiệp định Kinh tế của ASEAN mà Ti-mo Lét-xte có nghĩa vụ phải tham gia và tuân thủ khi gia nhập ASEAN, và Các mốc thời gian để Ti-mo Lét-xte gia nhập các văn kiện và Hiệp định Kinh tế của ASEAN;
Tuyên bố của các nhà Lãnh đạo về Thúc đẩy Kết nối Thanh toán Khu vực và Thúc đẩy Giao dịch Nội tệ, với nội dung chính là thể hiện sự ủng hộ của Lãnh đạo các nước ASEAN đối với hai ưu tiên hợp tác là (1) Thúc đẩy kết nối thanh toán khu vực; và (2) Tăng cường giao dịch bằng đồng bản tệ, đóng góp cho việc hoàn thành các mục tiêu liên quan trong Kế hoạch tổng thể xây dựng Cộng đồng Kinh tế ASEAN 2025.
Giữa những biến động của thế giới, ASEAN vẫn có những kết quả đáng ghi nhận về kinh tế cho thấy các quốc gia ASEAN đang không ngừng thúc đẩy các nỗ lực hợp tác, đảm bảo rằng khu vực vẫn hấp dẫn các nhà đầu tư từ bên ngoài, từ các quốc gia đối tác, đảm bảo hòa bình và an ninh ổn định để thu hút đầu tư. Các nước ASEAN cũng tận dụng lợi thế của nền kinh tế kỹ thuật số đang phát triển để mang lại lợi ích cho mỗi công dân ASEAN nói riêng và nền kinh tế của ASEAN nói chung.
Những vấn đề được quan tâm tại hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 42
Một số vấn đề được quan tâm tại Hội nghị ASEAN lần thứ 42 này có thể kể đến tình hình Myanmar, việc kết nạp chính thức Timor Leste cũng như thúc đẩy hòa bình và ổn định trên Biển Đông bao gồm các cuộc đàm phán Bộ ứng xử quy tắc trên Biển Đông (COC).
Giải quyết khủng hoảng Myanmar là điều mà nhiều quốc gia mong đợi vào vai trò chủ tịch của Indonesia khi cuộc khủng hoảng kéo dài của quốc gia thành viên đang tác động đến cả khu vực. Thừa nhận thực tế những thách thức để giải quyết vấn đề Myanmar nhưng Indonesia khẳng định đang xây dựng lòng tin với các bên liên quan ở Myanmar để bắt đầu tiến trình hòa bình, với việc tăng cường tiếp xúc với nhiều bên nhất có thể tại Myanmar như quân đội Myanmar, Chính phủ đoàn kết Quốc gia Myanmar (NUG), các Nhóm vũ trang sắc tộc và một số đảng phái chính trị tại quốc gia này. Tuy nhiên để có một giải pháp toàn diện, các nước ASEAN đều khẳng định phải chấm dứt bạo lực, thúc đẩy thực hiện đầy đủ Đồng thuận 5 Điểm giải quyết khủng hoảng Myanmar.
Tại hội nghị thượng đỉnh cấp cao ASEAN lần thứ 42, các nhà lãnh đạo Timor-Leste cũng sẽ lần đầu tiên tham dự với tư cách quan sát viên. Hiện ASEAN đang nỗ lực hỗ trợ quốc gia này và Timor Leste kỳ vọng Lộ trình dựa trên các tiêu chí để Timor-Leste trở thành thành viên đầy đủ của ASEAN sẽ được các nhà lãnh đạo ASEAN thông qua tại hội nghị lần này.
Trong bối cảnh an ninh khu vực nhiều biến động hiện nay, đảm bảo một khu vực Biển Đông hòa bình và ổn định nằm trong lợi ích của các quốc gia thành viên. Indonesia với vai trò chủ tịch ASEAN cho biết đang thúc đẩy các cuộc đàm phán Bộ Qui tắc ứng xử trên Biển Đông COC. Ngoài ra, việc khai thác các cách tiếp cận thực tế, chẳng hạn như tạo điều kiện thuận lợi cho các cuộc đối thoại hàng hải thông qua Diễn đàn Hàng hải ASEAN và Diễn đàn Hàng hải ASEAN mở rộng, cũng là biện pháp quan trọng để xây dựng lòng tin giữa các bên./.