Hiện thực hóa mục tiêu miễn viện phí toàn dân
Tại họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 4 diễn ra chiều 6/5, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết, chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm về tiến tới miễn viện phí cho người dân không chỉ là định hướng mang tính chiến lược lâu dài mà là mục tiêu toàn ngành y tế quyết tâm thực hiện.
Trả lời câu hỏi của báo chí về thực hiện chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm về phát triển y tế và chăm sóc sức khỏe toàn dân, tiến tới miễn viện phí cho người dân, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn nhấn mạnh, chủ trương này sẽ có tác động tích cực trong tiếp cận dịch vụ y tế, chủ động phòng, chẩn đoán, phát hiện và điều trị sớm bệnh tật, tăng hiệu quả điều trị, sử dụng tối ưu nguồn tài chính y tế, giảm gánh nặng tài chính cho người dân, tạo cơ hội thoát nghèo, cải thiện chất lượng nguồn nhân lực…
Về định hướng, Thứ trưởng cho biết, từ năm 2026-2030, 90% người dân được tiếp cận đầy đủ dịch vụ dự phòng, tiêm chủng, nâng cao sức khỏe; 100% được khám sức khỏe định kỳ hằng năm và quản lý qua sổ sức khỏe điện tử. Môi trường sống an toàn, dinh dưỡng hợp lý, nhóm yếu thế được chăm sóc đầy đủ. Phấn đấu 100% dân số có BHYT, mở rộng quyền lợi và giảm chi phí đồng chi trả xuống dưới 10%. Đến năm 2045, xây dựng hệ thống y tế hiện đại, hiệu quả, tiến tới miễn chi phí khám, chữa bệnh BHYT, đưa Việt Nam trở thành quốc gia hàng đầu về an sinh y tế.

Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cung cấp thông tin về việc thực hiện chủ trương miễn viện phí cho toàn dân (Ảnh: VGP)
Theo chỉ đạo Tổng Bí thư Tô Lâm, Bộ Y tế đang xây dựng dự thảo để báo cáo Chính phủ, trình Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết về đột phá trong công tác chăm sóc sức khỏe Nhân dân, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới, trong đó đề xuất nhiều giải pháp chú trọng phát triển y tế, chăm sóc sức khỏe Nhân dân, tiến tới miễn viện phí cho tất cả người dân.
Bộ Y tế cũng đang xây dựng dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật BHYT có hiệu lực thi hành từ 01/7/2025. Nghị định quy định một số nhóm đối tượng được Nhà nước hỗ trợ mức đóng BHYT, góp phần bao phủ BHYT toàn dân…
Về lộ trình thực hiện, từ năm 2026 - 2030, nghiên cứu, trình Chính phủ ban hành Nghị định hướng dẫn thực hiện thí điểm một số chính sách để thực hiện như mở rộng quyền lợi gói dịch vụ y tế cơ bản để tăng lên 20-30% mức lương cơ sở (hiện nay là 15%), khám sức khỏe định kỳ, khám sàng lọc chẩn đoán, phát hiện sớm một số bệnh, một số đối tượng có nguy cơ (theo độ tuổi, nghề nghiệp...), tăng mức hưởng lên 100% đối với các đối tượng đang có mức hưởng 95%, có lộ trình tăng dần mức hưởng đối với đối tượng đang có mức hưởng 80%.
Ngoài ra Bộ Y tế sẽ nghiên cứu mở rộng tỉ lệ, mức thanh toán đối với dịch vụ kỹ thuật, thuốc, thiết bị y tế đối với một số đối tượng như người nghèo, người cận nghèo, người có mức sống trung bình, một số nhóm bệnh. Thiết kế các quỹ thành phần của quỹ BHYT, gồm có quỹ khám bệnh, chữa bệnh, quỹ dự phòng và quỹ hỗ trợ cho một số trường hợp để chi trả thêm cho các bệnh hiểm nghèo…
Từ năm 2030 - 2035: Nghiên cứu để sửa đổi toàn diện Luật BHYT, hoàn thiện các chính sách, quy định, hướng dẫn để thực hiện miễn phí chăm sóc sức khỏe toàn dân bền vững, ổn định, lâu dài. Hiện tại, trong Luật BHYT, chúng ta chưa đưa vào điều khoản chi trả cho việc khám, sàng lọc.
Thứ trưởng nhấn mạnh, hai định hướng mà Tổng Bí thư đưa ra bao gồm khám cho người dân một năm một lần và miễn viện phí cho toàn dân không chỉ là mục tiêu y tế mà còn gửi đi thông điệp sâu sắc rằng “Chính sách phải bắt nguồn từ con người, vì con người, vì một Việt Nam phát triển bền vững”.
Khám sức khỏe định kỳ cho người dân không phải là điều quá xa vời nếu chúng ta có quyết tâm chính trị đủ mạnh, sự đồng thuận xã hội rộng rãi và một lộ trình thực hiện rõ ràng, bài bản.