Hiện thực hóa mục tiêu phát triển điện khí LNG theo Quy hoạch điện VIII
Quy hoạch điện VIII đặt mục tiêu chuyển đổi 18GW điện than vào năm 2030 được thay thế bằng 14 GW điện khí LNG và 12 - 15GW nguồn năng lượng tái tạo. Như vậy, đến năm 2030 sẽ phát triển 23.900MW điện khí, tương đương tỷ trọng hơn 14,9% cơ cấu nguồn điện. Nhu cầu nhập khẩu LNG sẽ tăng lên, đạt khoảng 14 -18 tỉ m3 vào năm 2030 và khoảng 13 - 16 tỉ m3 vào năm 2045.
Tại Diễn đàn “Hiện thực hóa mục tiêu phát triển Điện khí LNG theo Quy hoạch Điện VIII” do Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức chiều 7/12/2023, các chuyên gia, nhà hoạch định, doanh nghiệp… đã chia sẻ các cơ hội, lẫn thách thức xung quanh vấn đề.
Nhiều vướng mắc trong phát triển điện khí LNG
Quy hoạch Điện VIII đặt ra mục tiêu đưa 13 nhà máy điện khí LNG vào vận hành; chuyển đổi 18GW điện than vào năm 2030 được thay thế bằng 14 GW điện khí LNG và 12 - 15GW nguồn năng lượng tái tạo. Cơ cấu nguồn nhiệt điện khí trong nước và khí hóa lỏng đến năm 2030 sẽ đạt 37.330MW, tương đương 24,8% tổng công suất nguồn điện, chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu nguồn điện.
Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, chuyển dịch năng lượng bền vững, giảm mạnh điện than thay thế bằng nguồn điện từ năng lượng tái tạo, điện khí LNG là chủ trương, định hướng quan trọng của Đảng và Nhà nước trong những năm gần đây. Đầu tư cho dự án điện khí LNG cần nguồn lực lớn, công nghệ hiện đại nên việc thu xếp vốn cho dự án gặp nhiều thách thức, cần phải đáp ứng yêu cầu của các tổ chức tài chính về các điều kiện bảo lãnh, cam kết để dự án đầu tư có hiệu quả. Trong khi đó, hiện việc phát triển các dự án phải tuân thủ các quy trình đầu tư thông thường cũng như chưa có cơ chế ưu đãi, khuyến khích về thuế, phí để thu hút các nhà đầu tư tham gia phát triển loại hình nguồn điện mới.
Phát triển điện khí LNG góp phần đảm bảo cung cấp điện ổn định cho hệ thống, giảm thiểu phát thải khí nhà kính tác động đến môi trường. Đồng thời là giải pháp hạn chế phụ thuộc vào các nhà máy nhiệt điện than vốn chiếm tỉ lệ khá cao trong hệ thống hiện nay; đặc biệt, giúp ngành điện phát triển xanh hơn, góp phần thực hiện cam kết tại hội nghị COP26.
“Việt Nam có nhiều cơ hội, thuận lợi về điện khí LNG. Đây là lĩnh vực thu hút sự quan tâm của nhiều doanh nghiệp và các nhà đầu tư, góp phần thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh, hứa hẹn sự phát triển mạnh mẽ thị trường điện khí LNG. Song, những khó khăn, vướng mắc đang gặp phải cũng không ít”, ông Phòng nói.
Tuy nhiên, bên cạnh cơ hội, phát triển điện khí LNG tại Việt Nam đang gặp phải nhiều khó khăn trong hoạch định chính sách, đầu tư, xây dựng, quản lý vận hành...
Theo ông Hoàng Quang Phòng, hiện nay Việt Nam phải nhập khẩu hoàn toàn nhiên liệu này. Trong khi giá nhiên liệu khí hóa lỏng chiếm từ 70 - 80% giá thành điện năng sản xuất nhưng lại biến động thất thường. Thách thức đặt ra là cần xây dựng cơ chế giá phù hợp vừa thích nghi với những thay đổi giá nhiên liệu vừa đảm bảo không tác động quá lớn tới giá bán lẻ điện…Cùng với đó, hoạt động nhập khẩu cần tuân thủ các thông lệ mua bán LNG quốc tế trong khi Việt Nam chưa có bộ tiêu chuẩn kỹ thuật liên quan đến thiết kế, xây dựng và vận hành các cơ sở hạ tầng phục vụ nhập khẩu cũng như chưa xây dựng hoàn chỉnh khuôn khổ pháp lý cho các dự án LNG.
Trong khi đó, để đầu tư cho dự án điện khí LNG cần nguồn lực lớn, công nghệ hiện đại nên việc thu xếp vốn cho dự án gặp nhiều thách thức, cần phải đáp ứng yêu cầu của các tổ chức tài chính về các điều kiện bảo lãnh, cam kết để dự án đầu tư có hiệu quả. Trong khi đó, hiện việc phát triển các dự án phải tuân thủ các quy trình đầu tư thông thường cũng như chưa có cơ chế ưu đãi, khuyến khích về thuế, phí để thu hút các nhà đầu tư tham gia phát triển loại hình nguồn điện mới.
“Chúng ta đang bước vào tháng cuối năm 2023. Từ nay đến mốc 2030 để thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ đặt ra Quy hoạch Điện VIII không còn nhiều. Để các dự án khí hóa lỏng triển khai kịp tiến độ rất cần sự chung tay các cấp, các ngành trong việc tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc trên”, ông Phòng nói.
Đồng quan điểm, TS Nguyễn Quốc Thập, Chủ tịch Hội Dầu Khí Việt Nam cũng chỉ ra những thách thức trong việc phát triển điện khí LNG đến từ việc thị trường tiêu thụ điện tăng trưởng chậm so với mục tiêu tại quy hoạch điện; thiếu khung pháp lý để hoàn thiện đàm phán và ký kết các thỏa thuận pháp lý, kỹ thuật, thương mại giữa các chủ thể. Bên cạnh đó, thách thức đến từ việc bỏ bảo lãnh Chính phủ nhưng doanh nghiệp chưa có đủ hành lang pháp lý để bảo lãnh thay thế; hay khó khăn việc bảo lãnh/bảo đảm chuyển đổi ngoại tệ, nội tệ và nghĩa vụ thanh toán quốc tế về nhập khẩu LNG. Đặc biệt, vấn đề ban hành khung giá phát điện cho nhà máy phát điện khí LNG vẫn còn đang nghiên cứu xem xét; thách thức từ cam kết đường dây chuyển tải; nguy cơ mất kiểm soát tiến độ dự án…
Tháo gỡ nút thắt để phát triển điện khí LNG
Ông Tô Minh Đương, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bạc Liêu cho biết, là tỉnh ven biển ĐBSCL, Bạc Liêu có lợi thế phát triển năng lượng nói chung, trong đó có điện khí. Để phát huy lợi thế, tỉnh xác định năng lượng tái tạo là một trong 5 trụ cột phát triển kinh tế của Tỉnh thời gian tới.
Theo Quy hoạch điện VIII, Bạc Liêu có 2 nhà máy điện than, song vì thực hiện các nhà máy nhiệt điện than có nhiều nguy cơ, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng nuôi trồng thủy sản. Do đó, tỉnh đề xuất rút dự án nhiệt điện than Bạc Liêu ra khỏi quy hoạch điện VIII chuyển hướng sang dự án điện khí đưa vào quy hoạch điện VIII sửa đổi. Đến nay, dự án điện khí này tiếp tục được đưa vào quy hoạch điện VIII, là mục tiêu của tỉnh thời gian tới, đẩy nhanh công tác lập quy hoạch tỉnh Bạc Liêu đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
"Chúng tôi đã trình Chính phủ sớm triển khai dự án vào giữa năm 2024 tới. Đại diện tỉnh Bạc Liêu cũng nhấn mạnh sẽ quan tâm hỗ trợ doanh nghiệp chính sách thuế, đất đai, đặc biệt là công tác giải phóng mặt bằng cho triển khai dự án", ông Đương cho biết.
Tại Diễn đàn, các chuyên gia trong ngành cùng với các doanh nghiệp, nhà đầu tư đã đưa ra các ý kiến và giải pháp nhằm tháo gỡ những nút thắt để hiện thực hóa mục tiêu phát triển điện khí LNG theo Quy hoạch Điện VIII. Từ những thách thức hiện hữu, TS. Nguyễn Quốc Thập Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam đề xuất 6 nhóm giải pháp nhằm tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn trong quá trình hiện thực hóa mục tiêu điện khí LNG trong Quy hoạch điện VIII.
Cụ thể, nhóm giải pháp thứ nhất là mở rộng và phát triển thị trường tiêu thụ điện khí LNG theo sát với mục tiêu cung cấp khí điện LNG trong Quy hoạch Điện VIII. Đó là, xây dựng tập trung, đồng bộ các khu Công nghiệp/nhà máy có quy mô tiêu thụ điện đủ lớn cùng với việc triển khai các dự án kho cảng và nhà máy điện khí LNG.
Nhóm giải pháp thứ hai là sớm sửa đổi các Bộ Luật Điện lực, Luật BVMT, Luật Thuế và các Bộ Luật, Nghị định hướng dẫn liên quan. Trước tiên và quan trọng nhất đó là cần phải chấp nhận chuỗi kinh doanh khí điện LNG hoạt động theo cơ chế thị trường và các cơ quan quản lý Nhà nước sẽ thực hiện việc giám sát và hậu kiểm mọi quá trình hoạt động của chuỗi. Tiếp đó, cho phép các chủ thể các nhà máy điện khí được quyền đàm phán bán điện một cách cạnh tranh giữa EVN và các hộ tiêu thụ điện. Đồng thời, cho phép các nhà máy điện được quyền mua trực tiếp LNG và thuê kho cảng tàng trữ và tái hóa khí của kho cảng LNG. Song song, với quá trình đó cần bổ sung khung thuế và phí phát thải CO2 trong Luật Thuế và Luật BVMT.
Nhóm giải pháp thứ ba ông Thập đưa ra là cập nhật và sửa đổi Điều lệ và Quy chế tài chính của PVN và EVN. “Việc Chính phủ không còn trực tiếp đứng ra bảo lãnh các Hợp đồng mua bán khí và mua bán điện là một quyết sách đúng, tuy nhiên với khung pháp lý hiện tại PVN và EVN không đủ cơ sở để thực hiện bảo lãnh thay thế”, Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam đánh giá. Đồng thời cho rằng, cần phải cập nhật và sửa đổi Điều lệ và Quy chế tài chính liên quan đến quyền cam kết và thế chấp tài sản hay dòng tiền của hai Tập đoàn đã và đang tham gia vào chuỗi các dự án điện khí LNG nói riêng và các chuỗi dự án lớn khác nói chung. Khi đó, nút thắt về bảo lãnh Chính phủ sẽ được tháo gỡ.
Nhóm giải pháp thứ năm là tăng cường và mở rộng hợp tác quốc tế. Điều này sẽ giúp Việt Nam có cơ hội để xây dựng và hoàn thiện cơ chế chính sách năng lượng nói chung và điện khí LNG nói riêng. Đồng thời xây dựng và hoàn thiện mô hình quản trị đầu tư xây dựng, vận hành, khai thác sử dụng hiệu quả tối ưu điện khí LNG.
Nhóm giải pháp thứ sáu là thay đổi nhận thức và tư duy vì với một loại hình kinh doanh mới, cần có cách tiếp cận mới, phù hợp và khả thi hơn. Đơn cử như điện khí LNG không chỉ có nhà máy điện và kho cảng LNG, điện khí LNG còn cần được hấp thụ, tiêu thụ bởi các hộ tiêu thụ điện công nghiệp, là các khu công nghiệp hay các nhà máy chế biến và rộng hơn là nền kinh tế.
Đồng quan điểm, PGS.TS Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, hiện chưa có khung giá phát điện cho nhà máy phát điện khí LNG, cam kết tổng sản lượng điện mua hàng năm, chưa có cam kết bao tiêu sản lượng khí hàng năm, cam kết về hệ thống truyền tải và đấu nối của dự án…Vì vậy, để hiện thực hóa mục tiêu phát triển nhiệt điện khí theo quy hoạch điện VIII, thúc đẩy sự phát triển thị trường khí LNG cạnh tranh, hiệu quả, cần quy hoạch tổng thể, có chiến lược dài hơn để các doanh nghiệp chủ động, không phải chạy theo. Đặc biệt, muốn thị trường phát triển lành mạnh, đảm bảo tính công bằng cũng cần phát triển điện khí theo cơ chế thị trường, dưới sự điều tiết của Nhà nước.
Ông Nguyễn Văn Phụng, Chuyên gia cao cấp về Thuế và Quản trị Doanh nghiệp cho biết: “Cần khẳng định rõ điện khí LNG phải thực hiện theo cơ chế giá thị trường, không có chuyện áp mức giá thấp để bảo đảm khung giá điện thấp đi”. Cần phải loại bỏ tư duy lâu nay “các nguồn tài nguyên thiên nhiên đang sử dụng để sản xuất ra điện như là than, là nắng, là gió, là khí, là dầu, là thủy điện,… thuộc quyền sở hữu toàn dân, cho nên điện sinh hoạt của người dân phải để mức thấp nhất, thậm chí Nhà nước phải bù cho dân”, thay đổi được tư duy này, chúng ta mới có cơ hội xóa bỏ tương quan bất hợp lý trong giá điện sinh hoạt lâu nay”, ông Phụng gợi ý.
Đối với điện khí LNG, ông Phụng cho rằng, thực tế hiện nay đã cho thấy giá thành sản xuất điện từ khí LNG chắc chắn cao hơn nhiều so với điện được sản xuất ra từ các nguồn tài nguyên thiên nhiên than, nắng, gió, thủy điện. Do vậy, rất cần phải có một khung giá điện cho nguồn điện này và được xây dựng trên phương pháp khoa học, có tham khảo thực tiễn kinh nghiệm ở một số quốc gia đã và đang áp dụng thực hiện tốt.
Khung giá, mức giá cụ thể cần được xây dựng trên các yếu tố cấu thành giá điện khí LNG (như chi phí đầu tư nhà máy điện, chi phí vận hành tiêu chuẩn, giá LNG tại một thời điểm xác định là cơ sở), hệ số điều chỉnh theo thị trường khi có biến động giá LNG. Mức giá LNG luôn có những biến động, thay đổi lớn trên thị trường quốc tế vốn chịu tác động của rất nhiều yếu tố, nhưng do LNG chiếm cấu phần lớn trong giá thành điện nên hệ số điều chỉnh sẽ cho phép xử lý các biến động này, bảo đảm được quyền lợi của các bên trong thị trường điện khí LNG.
Từ những kinh nghiệm đó, Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam cho rằng các cam kết dài hạn, hợp tác quốc tế và thị trường là những điều kiện tiên quyết hay điều kiện cần và đủ để hiện thực hóa các dự án khí điện theo Quy hoạch Điện VIII và Quy hoạch Năng lượng Quốc gia. Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam cũng nhấn mạnh, giá điện khí LNG bắt buộc phải theo cơ chế thị trường, vì trọng số trong cấu thành giá điện khí LNG chủ yếu là giá LNG nhập khẩu.
Chuyên gia Lã Hồng Kỳ, Văn phòng Ban chỉ đạo dự án điện quốc gia cho rằng, ngoài vướng mắc chung thường thấy trong các dự án, các dự án điện khí có vướng mắc đặc thù riêng. Đó là đảm bảo triển khai tiến độ đồng bộ cả về kỹ thuật và hiệu quả đầu tư cho dự án và chuỗi dự án (bao gồm các dự án thành phần trong chuỗi như phát triển mỏ khí tự nhiên, nhập khẩu khí, vận chuyển, bồn chứa…). Kết quả dự án thành phần phụ thuộc nhiều yếu tố, có lường trước có thể gây e ngại cho các nhà đầu tư. Thời gian thực hiện dự án dài gồm nhiều chủ đầu tư trong và nước ngoài, chịu điều chỉnh của nhiều luật liên quan… khó lường trước vướng mắc. Tiếp đó là đảm bảo lợi ích các bên tham gia đầu tư và về cơ chế chính sách.
Hiện kế hoạch thực hiện Quy hoạch Điện VIII chưa được phê duyệt ảnh hưởng đến việc đôn đốc, theo dõi tiến độ thi công xây dựng đối với truyền tải… Các khung giá phát điện gặp khó khăn trong đàm phán hợp đồng mua bán điện. Đàm phán tiêu thụ mua bán khí LNG, hiện giá cao cần có chính sách chuyển ngang toàn diện từ hợp đồng mua bán khí sang hợp đồng mua bán điện, chưa giải quyết vấn đề mấu chốt trong khung pháp lý nên ảnh hưởng đến các dự án….
Việt Nam có nhiều cơ hội, thuận lợi phát triển điện khí LNG khi được nhiều doanh nghiệp quan tâm. Song để hiện thực hóa mục tiêu vẫn còn nhiều thách thức cần được tháo gỡ.