Làm điện hạt nhân tại Việt Nam: Đã thực sự cấp thiết?
Nhấn mạnh tầm quan trọng của điện hạt nhân, ông Hà Đăng Sơn cho rằng, nhìn câu chuyện của châu Âu vừa qua, chúng ta có thể dễ dàng hình dung ra sự cấp thiết và ổn định của điện hạt nhân. Việt Nam nên làm dự án quy mô lớn.
Ông Hà Đăng Sơn - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu năng lượng và tăng trưởng xanh đã có cuộc trò chuyện với VietNamNet xung quanh câu chuyện tái khởi động chương trình điện hạt nhân ở Việt Nam.
Điện hạt nhân đáng ra phải làm từ lâu
- Là chuyên gia trong ngành năng lượng, ông đánh giá như thế nào về chủ trương của Chính phủ tái khởi động chương trình dự án điện hạt nhân?
Ông Hà Đăng Sơn: Đây là việc cần thiết, đáng ra chúng ta phải làm từ lâu. Với xu hướng chuyển dịch ngành năng lượng tiến tới Net Zero và trong bối cảnh các nguồn năng lượng cơ bản (điện than, điện khí) đều có những nhược điểm rất lớn về phát thải khí nhà kính, tính không ổn định về giá cả... thì điện hạt nhân phải trở lại với tư cách là nguồn điện nền, đảm bảo ổn định khi chúng ta tăng tỷ trọng điện gió và điện mặt trời lên cao.
Do đó, sử dụng nguồn điện hạt nhân là cực kỳ quan trọng.
Tại Việt Nam, chúng ta cũng thấy rõ trữ lượng thủy điện được khai thác gần như đến đỉnh. Các dự án thủy điện đang triển khai đều là dự án mở rộng, không phải dự án mới. Tức là tiềm năng thủy điện để hỗ trợ nâng cao tỷ trọng năng lượng tái tạo đã gần “kịch trần”.
Còn với điện khí, đặc biệt là khí LNG, thời gian qua có sự biến động rất lớn về giá nguyên liệu do tác động của các cuộc xung đột địa chính trị trên thế giới, kéo theo chi phí nguyên liệu khí nhập khẩu tăng rất cao, vượt qua khả năng có thể chịu đựng của Việt Nam. Quy hoạch điện VIII đã xem xét việc chuyển đổi một phần điện than sang điện khí LNG nhằm đa dạng nguồn năng lượng. Tuy nhiên, nguồn nguyên liệu này đa phần phải nhập khẩu, phụ thuộc quá nhiều vào những biến động trên thế giới.
Quay lại câu chuyện mục tiêu của việc đưa tỷ trọng lớn năng lượng tái tạo vào cơ cấu nguồn điện, có thể thấy đây không phải đơn giản là giảm phát thải khí nhà kính, mà còn liên quan đến giảm phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu. Đây cũng là bài toán cực kỳ khó trong bối cảnh nhu cầu năng lượng không ngừng tăng lên.
Có thể hiểu, muốn độc lập về mặt năng lượng, chúng ta phải giảm phụ thuộc vào nguồn cung bên ngoài. Thế nhưng, chuyển từ than sang khí; hoặc đẩy cao tỷ trọng về năng lượng tái tạo như điện mặt trời, điện gió, xa hơn nữa là điện gió ngoài khơi... thì hầu như tất cả công nghệ hay nhiên liệu đều phải nhập khẩu.
Còn điện hạt nhân, chúng ta đã có thời gian chuẩn bị rất lâu, khoảng hơn 30 năm. Chúng ta có cả địa điểm dự kiến xây dựng cho đến công nghệ, công suất ước tính bao nhiêu... Việc phát triển nguồn điện này sẽ giúp chúng ta hạn chế phụ thuộc vào sự biến động của giá nguyên, nhiên liệu trên thế giới hay những biến động của địa chính trị quốc tế.
Nhìn câu chuyện của châu Âu vừa qua, chúng ta có thể dễ dàng hình dung ra sự cấp thiết và ổn định của điện hạt nhân. Giai đoạn vừa qua châu Âu gặp phải thách thức trong cung ứng năng lượng do cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine dẫn tới thiếu hụt nguồn cung khí. Vì thế, một mặt các quốc gia châu Âu phải nhập khẩu khí thông qua các "kênh đệm" như Trung Quốc, Ấn Độ, hay quốc gia thứ ba khác; mặt khác họ tái khởi động các dự án điện than và điện hạt nhân.
Cho nên, lúc này Việt Nam cần phải đưa ra những giải pháp, lựa chọn phù hợp hơn với tình hình địa chính trị, cũng như định hướng của đất nước.
- Việc tái khởi động điện hạt nhân trong bối cảnh hiện nay, theo ông chúng ta có thể bắt đầu làm từ đâu?
Trong lĩnh vực điện hạt nhân chúng ta đã chuẩn bị khá bài bản về nguồn lực khoa học công nghệ; đội ngũ chuyên gia, kỹ sư đã được đào tạo về điện hạt nhân từ 20 năm qua. Bây giờ là thời điểm rất quan trọng, nên gấp rút mời các chuyên gia đã được đào tạo trong lĩnh vực này để họ làm cố vấn, sử dụng kiến thức của họ để góp ý cho Chính phủ quá trình tái khởi động dự án điện hạt nhân.
Rất may mắn là chúng ta vẫn còn những thế hệ chuyên gia về điện hạt nhân được đào tạo bài bản.
Ngoài ra, địa điểm trước đây đã được chọn xây dựng nhà máy điện hạt nhân ở Ninh Thuận, sau khi Quốc hội bấm nút tạm dừng dự án, chúng ta loay hoay về việc giữ hay bỏ quy hoạch nhà máy điện hạt nhân. Giờ có dự kiến xây dựng nhà máy điện hạt nhân ở đúng vị trí tại Ninh Thuận trước đây xác định không? Nếu vẫn là địa điểm đó thì phải quay lại xử lý những khu vực đất đã được quy hoạch.
Còn vì lý do nào đó không xử lý được vấn đề đất đai ở khu vực này thì phải lựa chọn địa điểm khác. Trong trường hợp này, nguồn lực sẽ tốn kém hơn rất nhiều, bởi phải chuẩn bị lại từ đầu.
Theo tôi, đây là những bước cực kỳ quan trọng mà Chính phủ phải triển khai càng sớm càng tốt sau khi nhận được sự đồng thuận về mặt chủ trương ở cấp cao nhất.
Không thể “đánh bạc” với dự án quy mô nhỏ
- Vậy thách thức khi làm điện hạt nhân ở Việt Nam là gì? Liệu nguồn vốn có phải là thách thức lớn nhất không khi Chính phủ đang tập trung nguồn lực cho các dự án khác nữa, như dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, thưa ông?
Đặt lại vấn đề tái khởi động điện hạt nhân sau 10 năm thì không phải đơn giản. Song, các dự án điện hạt nhân về cơ bản bao giờ cũng đi kèm với những gói tài chính cho vay và chuyển giao công nghệ. Đặc biệt, về mặt ngoại giao chúng ta luôn có sự mềm dẻo và linh hoạt nên tôi tin rằng nguồn vốn cho phát triển điện hạt nhân có thể thu xếp được.
Còn về quan điểm cho tư nhân tham gia dự án điện hạt nhân, tôi nghĩ tư nhân nên làm những dự án khác có tính an ninh quốc gia thấp như đường cao tốc, cầu cảng,... Còn điện hạt nhân vừa phức tạp về công nghệ lại vừa liên quan đến quá nhiều quy định, đến an ninh quốc phòng.
Trường hợp lựa chọn có sự tham gia của tư nhân thì phải đặt vấn đề họ lấy tiền ở đâu để thực hiện. Tôi cho rằng sẽ không có tư nhân nào ở nước ta đủ nguồn lực và mạnh để triển khai dự án điện hạt nhân.
Một vấn đề nữa mọi người nhắc đến khi thảo luận là điện hạt nhân quy mô nhỏ. Không ít người nghĩ làm ở quy mô nhỏ sẽ dễ thu xếp vốn và dễ thực hiện hơn.
Tuy nhiên, tôi đã trao đổi với các chuyên gia về năng lượng nguyên tử, và được biết điện hạt nhân quy mô nhỏ hay quy mô lớn về mặt quy trình làm việc với các đối tác quốc tế vẫn giống nhau. Có nghĩa, xây dựng 1 nhà máy quy mô nhỏ thì các bước thực hiện, làm việc với Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) không khác gì xây nhà máy điện hạt nhân với công suất gấp 10 lần.
Đó là chưa kể, dự án điện hạt nhân quy mô nhỏ đến nay theo những thông tin chia sẻ vẫn đang thử nghiệm, chưa phải là công nghệ hoàn chỉnh đã được kiểm chứng. Do đó, chúng ta không dại gì đi mua một công nghệ mới thử nghiệm để mang về “đánh bạc” với an ninh quốc gia, đặc biệt là điện hạt nhân.
Theo tôi, nên lựa chọn xây dựng dự án điện hạt nhân quy mô lớn. Có thể đến lúc nào đó trong tương lai, 10 hay 20 năm tới sẽ có những công nghệ điện hạt nhân quy mô nhỏ hoàn chỉnh, phổ biến thì chúng ta xem xét triển khai.
- Muốn làm điện hạt nhân, hành lang pháp lý cũng phải rõ ràng. Ông đánh giá như thế nào khi dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) chuẩn bị trình Quốc hội cũng đã kịp đưa vào nội dung liên quan đến điện hạt nhân?
Nền tảng về điện hạt nhân đã có Luật Năng lượng nguyên tử và các quy định liên quan. Tuy nhiên, để các nhà máy điện hạt nhân đưa vào vận hành và cơ chế vận hành như thế nào thì đòi hỏi phải được thể hiện ở Luật Điện lực, vì đây là một ứng dụng cụ thể của năng lượng nguyên tử trong lĩnh vực phát điện.
Vừa qua, trong quá trình dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi), Bộ Công Thương cũng đã xem xét, đề xuất đưa các quy định khung liên quan đến điện hạt nhân vào. Thế nhưng, các nội dung hiện nay của dự thảo trình Quốc hội chưa rõ ràng trong việc triển khai dự án điện hạt nhân như thế nào.
Điều này cũng phải hiểu cho cơ quan soạn thảo vì họ chưa có căn cứ pháp lý, chưa có bất kỳ định hướng cụ thể nào để xây dựng dự thảo kỹ hơn. Nếu có chủ trương cụ thể của Chính phủ, của những cấp cao nhất về tái khởi động điện hạt nhân thì tôi tin dự thảo của Luật Điện lực sẽ phải điều chỉnh lại, bổ sung các điều khoản liên quan đến điện hạt nhân. Như vậy, khi được phê duyệt, Luật Điện lực (sửa đổi) sẽ tạo hành lang pháp lý để tạo điều kiện cho dự án điện hạt nhân đầu tiên vận hành tại Việt Nam.