Hiện thực hóa mục tiêu phát triển kinh tế ở Xuân Quang

Năm 2021, xã Xuân Quang 'về đích' nông thôn mới nâng cao. Để có được kết quả này, bên cạnh sự đầu tư của Nhà nước, các cấp, ngành, địa phương còn phát huy nguồn nội lực. Một trong số đó là việc triển khai hiệu quả các mô hình kinh tế trên địa bàn.

Người dân xã Xuân Quang nâng cao thu nhập từ chăn nuôi gia cầm.

Người dân xã Xuân Quang nâng cao thu nhập từ chăn nuôi gia cầm.

Để tìm hiểu về nội dung này, chúng tôi về Nậm Dù, thôn “giàu” của xã Xuân Quang. Hiểu theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng, sự giàu có ấy đến từ kinh nghiệm, sự chăm chỉ trong sản xuất của người dân. Bà Đỗ Thị Hòa, Trưởng thôn Nậm Dù cho biết: Người dân trong thôn chủ yếu phát triển kinh tế dựa vào sản xuất nông - lâm nghiệp. Cả thôn hiện có 60 ha cây ăn quả và khoảng 100 ha quế, mỡ. Người dân còn đẩy mạnh chăn nuôi gia súc, gia cầm. Hướng phát triển kinh tế từ nông - lâm nghiệp đã mang lại thu nhập bình quân của người dân đạt 62,5 triệu đồng/năm. Bà con tin tưởng vào chủ trương, kế hoạch được địa phương triển khai và tiếp tục gắn bó với những cây trồng, vật nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Trong lĩnh vực kinh tế, Đại hội Đảng bộ xã Xuân Quang nhiệm kỳ 2020 - 2025 đề ra mục tiêu đến năm 2025, thu nhập bình quân người dân đạt 90 triệu đồng; cơ cấu các ngành kinh tế nông - lâm - thủy sản là 41,5%, xây dựng 20%, thương mại - dịch vụ 38,5%; giá trị sản xuất trên 1 ha đất canh tác đạt 135 triệu đồng… Trên cơ sở này, xã cụ thể hóa thành các kế hoạch, phân bổ chỉ tiêu cho từng thôn và có lộ trình thực hiện theo từng năm. Công tác tuyên truyền, vận động người dân được quan tâm, qua đó khơi dậy sự nỗ lực vươn lên của các hộ dựa trên những thế mạnh của địa phương.

Xuân Quang được đánh giá là có nhiều lợi thế trong phát triển kinh tế nông - lâm nghiệp. Cụ thể, xã có thế mạnh trong trồng rừng với hơn 700 ha quế ở rải rác các thôn; vùng cây ăn quả (na, bưởi) hơn 350 ha tập trung ở các thôn Nậm Dù, Thái Vô. Xuân Quang còn được biết đến là vùng đất của đào cảnh với gần 20 ha ở các thôn: Thái Vô, Na ó, Trang Lùng, Tân Quang. Chăn nuôi gia súc, gia cầm được tập trung nhiều ở các thôn: Nậm Dù, Thái Vô, Tân Quang, Cóc Mằn, Làng Gạo… Trong thương mại, dịch vụ, trên địa bàn xã có hơn 10 cơ sở chế biến lâm sản, gần 500 cơ sở kinh doanh dịch vụ. Đối với lĩnh vực chăn nuôi, người dân duy trì đàn lợn hơn 17.000 con, đàn gia cầm hơn 500.000 con; đầu tư, chăm sóc gần 90 ha thủy sản…

Xuân Quang có nhiều lợi thế trong phát triển cây ăn quả.

Xuân Quang có nhiều lợi thế trong phát triển cây ăn quả.

Ông Bàn Văn Dũng, Bí thư Đảng ủy xã Xuân Quang cho hay: Để thực hiện mục tiêu trong lĩnh vực phát triển kinh tế, xã định hướng khai thác các tiềm năng, lợi thế sẵn có để nâng cao thu nhập cho người dân, tuy nhiên cần đặc biệt quan tâm hướng phát triển bền vững.

Điều này được thể hiện ở việc địa phương đang tập trung hình thành vùng cây ăn quả, xây dựng thương hiệu quả sạch để tăng giá trị và sức cạnh tranh trên thị trường. Hiện nay, địa phương xây dựng thành công 3 sản phẩm OCOP, trong đó có 2 sản phẩm nông nghiệp là mật ong núi đá và quả na. Chăn nuôi cũng được quy hoạch thành khu. Để giảm thiểu chi phí cũng như những rủi ro có thể gặp phải, xã khuyến khích, định hướng người dân mở rộng quy mô chuồng trại, tự sản xuất con giống, gắn chăn nuôi với bảo vệ môi trường.

Dù còn nhiều khó khăn, nhưng với những tín hiệu tích cực trong sản xuất nông - lâm nghiệp, Xuân Quang phấn đấu nâng thu nhập bình quân của người dân lên trên 65 triệu đồng vào cuối năm 2022.

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/bai-viet/354447-hien-thuc-hoa-muc-tieu-phat-trien-kinh-te-o-xuan-quang