Hiện thực hóa quy hoạch đô thị sông Hồng

Có thể nói Hà Nội ngày nay đang hội tụ đầy đủ trong mình nhiều yếu tố gồm cả thế và lực để hiện thực hóa khát vọng, hiện thực hóa mục tiêu xây dựng không gian hai bên sông Hồng trở thành 'Biểu tượng phát triển mới của Thủ đô'.

Hội tụ nhiều điều kiện thuận lợi

TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cho biết, có lẽ ít có dòng sông nào trên địa bàn Thủ đô nhận được sự quan tâm đặc biệt của các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, kiến trúc sư như sông Hồng. Trong đó, ngược dòng thời gian trở về trước sau khi Thủ đô được hoàn toàn giải phóng tháng 10/1954, thì đến năm 1962 đã xuất hiện nghiên cứu đầu tiên về sông Hồng.

Phát triển sông Hồng sẽ là “Biểu tượng phát triển mới” của Thủ đô. Ảnh: Hải Linh

Phát triển sông Hồng sẽ là “Biểu tượng phát triển mới” của Thủ đô. Ảnh: Hải Linh

Tuy nhiên, điểm nhấn chỉ đến thực sự vào tháng 3/2022 sau hơn 6 thập niên tính từ nghiên cứu quy hoạch đầu tiên năm 1962, một đồ án có tính chất lịch sử, quyết định đến diện mạo kiến trúc đô thị của TP với tên gọi “Đồ án quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng” mới chính thức được phê duyệt. Quan trọng hơn theo đồ án không gian sông Hồng đã được xác định là trục không gian cảnh quan trung tâm của Hà Nội, là trục không gian cảnh quan chủ đạo của TP trung tâm gắn với trục Hồ Tây - Cổ Loa, tạo thành trọng tâm bố cục không gian cho đô thị của Thủ đô.

Theo TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm, với vị thế hiện có của sông Hồng, một khu vực giàu tiềm năng về giá trị văn hóa truyền thống, nơi chứa đựng truyền thuyết về kinh đô Thăng Long, điểm đến hấp dẫn trong và ngoài nước, đồng thời là nơi sinh sống của hàng vạn người dân… Bởi vậy hơn lúc nào hết đây là thời điểm thích hợp để sông Hồng vươn mình trở thành biểu tượng phát triển mới của Thủ đô.

Để hiện thực hóa mục tiêu này, bên cạnh lợi thế, tiềm năng lớn kể trên sông Hồng còn nhận được nhiều sự quan tâm từ cấp T.Ư cho tới TP. Trong đó, phải kể đến là các chỉ đạo, định hướng tại Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 5/5/2022; Kết luận số 80-KL/TW ngày 24/5/2024 của Bộ Chính trị. Theo đó, Bộ Chính trị nhấn mạnh Thủ đô cần chú trọng nghiên cứu phương án phát triển trục sông Hồng để sông Hồng thực sự là trung tâm phát triển của Thủ đô với sự phân bố hài hòa các không gian sinh thái, không gian văn hóa, lịch sử, không gian xanh, không gian đô thị hiện đại hai bên bờ sông, góp phần tạo diện mạo mới của Thủ đô văn hiến - văn minh - hiện đại, với mục tiêu không gian phát triển sông Hồng sẽ là “Biểu tượng phát triển mới” của Thủ đô.

Bên cạnh đó, một điểm đáng chú ý trong Luật Thủ đô năm 2024 vừa được Quốc hội khóa XV thông qua cũng đã nêu, tập trung nguồn lực, ưu tiên tổ chức thực hiện quy hoạch phân khu sông Hồng phù hợp với Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Đồ án điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065.

Cụ thể, Luật Thủ đô 2024 cho phép được xây dựng trung tâm công nghiệp văn hóa tại bãi sông, bãi nổi sông Hồng; được sử dụng, khai thác quỹ đất nông nghiệp ở bãi sông, bãi nổi ở tuyến sông có đê để sản xuất nông nghiệp, sản xuất nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp kết hợp du lịch, giáo dục trải nghiệm bảo đảm nguyên tắc việc xây dựng trên đất nông nghiệp ở bãi sông, bãi nổi ở tuyến sông có đê phải phù hợp với quy hoạch phòng, chống lũ của tuyến sông có đê, quy hoạch đê điều, quy hoạch xây dựng, quy hoạch khác có liên quan.

Cùng với đó, TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm cho biết thêm, Luật Thủ đô 2024 đã bổ sung bằng cách giao thẩm quyền cho HĐND TP xây dựng các quy định cụ thể hóa và UBND TP được quyền phê duyệt các quyết định xây dựng công trình trên các bãi sông. Rõ ràng, những quy định mới này là điều kiện thuận lợi, khung pháp lý quan trọng để vừa bảo đảm công tác phòng, chống thiên tai, vừa khai thác hiệu quả quỹ đất các bãi sông trên địa bàn TP Hà Nội.

Người dân đồng thuận

Sông Hồng trong đó đặc biệt là khu vực bãi giữa là nơi có diện tích đất đai rộng lớn, một lợi thế mà thiên nhiên ban tặng cho Hà Nội. Bãi sông Hồng thuộc địa giới quản lý của nhiều quận, huyện. Tuy nhiên khu vực có giá trị cảnh quan và phát triển văn hóa nhất phải kể đến diện tích bãi giữa thuộc phường: Yên Phụ, Tứ Liên, Nhật Tân (quận Tây Hồ); Phúc Xá (quận Ba Đình); Phúc Tân, Chương Dương (quận Hoàn Kiếm); Ngọc Thụy (quận Long Biên)…

Chị Nguyễn Mai Vy, phường Nhật Tân, quận Tây Hồ cho biết: tôi cùng với gia đình, bạn bè thường xuyên có những buổi du lịch khám phá cảnh quan khu vực bãi giữa và bãi đá sông Hồng. Qua tìm hiểu, đặc biệt là các chuyến đi thực tế có thể thấy bãi giữa sở hữu trong mình không gian xanh tự nhiên, rộng lớn có nhiều tiềm năng, dư địa phát triển. Thế nhưng, muốn đến được với khu vực bãi giữa sông Hồng không hề đơn giản, thậm chí khá khó khăn trong việc đi lại. Để tiếp cận khu vực này giống như người dân nơi đây, khách tham quan phải sử dụng phương tiện cá nhân đi lên cầu Long Biên rồi sau đó đi xuống con dốc ở bên mạn cầu. Từ đây tiếp tục len lỏi vào các con đường nhỏ hẹp để thăm thú cảnh đẹp bãi giữa sông Hồng.

"Do nhu cầu về không gian, nhu cầu vui chơi nên không chỉ có gia đình, bạn bè tôi mà hàng ngày tại các khu vực như bãi giữa, bãi nổi, bãi đá sông Hồng có hàng trăm lượt người đến đây để thỏa sức khám phá những nét đẹp hoang sơ, kỳ vĩ của nơi này. Bởi vậy, khi nghe tin TP cũng như các quận Hoàn Kiếm, Ba Đình, Tây Hồ, Long Biên quan tâm quy hoạch bãi sông Hồng thành công viên sinh văn hóa đa chức năng rất nhiều người đồng thuận ủng hộ, đặc biệt là đối với những người có đam mê trải nghiệm khám phá du lịch" - Chị Nguyễn Mai Vy nói.

Theo nhiều du khách đến khu vực này cho biết, thực tế hiện trạng xung quanh khu vực ven bãi giữa sông Hồng vẫn tồn tại một số vấn đề, đơn cử như tình trạng người dân lấn chiếm diện tích đất bãi giữa để xây dựng với mục đích cá nhân, khiến khu vực bãi sông nhếch nhác, lộn xộn.... Do vậy việc sớm triển khai quy hoạch khu vực này một cách quy củ, bài bản là hết sức cần thiết. Từ đó góp phần quan trọng để các cơ quan nhà nước có thể quản lý một cách đồng bộ trong việc khai thác, cũng như sử dụng quỹ đất khu vực bãi giữa hợp lý, hiệu quả cho lợi ích cộng đồng.

Cũng theo ý kiến người dân và các chuyên gia, vấn đề quy hoạch và đặc biệt là thực thi quy hoạch với các công trình quy mô tầm cỡ cần tôn trọng, cũng như giữ lại những nét đẹp thiên nhiên riêng biệt vốn có nơi đây. Đồng thời cũng tránh bê tông hóa để bảo vệ hệ sinh thái; quy hoạch cảnh quan thích ứng thủy văn của sông Hồng, khai thác tối ưu cảnh quan môi trường tự nhiên...

Trên cơ sở định hướng của T.Ư, Bộ Chính trị, UBND TP Hà Nội đã chỉ đạo 4 quận Hoàn Kiếm, Ba Đình, Tây Hồ, Long Biên tăng cường các hoạt động nghiên cứu nhằm khai thác tối đa lợi thế tiềm năng của sông Hồng biến nơi đây trở thành biểu tượng phát triển mới của Thủ đô. Để triển khai chủ trương nói trên, 4 quận cùng phối kết hợp tổ chức phát động cuộc thi ý tưởng quy hoạch công viên văn hóa đa chức năng tại khu vực bãi nổi và bãi giữa sông Hồng.

Ghi nhận đến thời điểm này đã có rất nhiều các cá nhân, tổ chức hưởng ứng tham gia cuộc thi. Đây sẽ là nguồn tư liệu quý giá để 4 quận đúc kết, tham khảo để từ đó có thể đưa vào các quy hoạch chi tiết nhằm từng bước hiện thực hóa mục tiêu phát triển sông Hồng thực sự là biểu tượng mới của Thủ đô Hà Nội.

Ths.KTS Nguyễn Toàn Thắng - Trưởng phòng Quản lý đô thị quận Hoàn Kiếm

Huy An

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/hien-thuc-hoa-quy-hoach-do-thi-song-hong.html