Hiện thực hóa quy hoạch, tạo khí thế, động lực mới cho phát triển tỉnh Ninh Thuận
Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ: Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp đã nói thì phải làm, đã cam kết thì phải thực hiện, đã thực hiện thì phải có kết quả thực chất, cân - đong - đo - đếm và lượng hóa được; góp phần hiện thực hóa Quy hoạch tỉnh, tạo khí thế, động lực mới cho phát triển tỉnh Ninh Thuận.
Sáng 28/4, tại thành phố Phan Rang - Tháp Chàm, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và xúc tiến đầu tư tỉnh Ninh Thuận với chủ đề "Ninh Thuận – Miền đất hội tụ những giá trị khác biệt".
Quy hoạch đã xác định 6 lợi thế của Ninh Thuận
Phát biểu tại sự kiện, Thủ tướng Phạm Minh Chính bày tỏ vui mừng dự hội nghị trong không khí vui tươi, phấn khởi của cả nước hướng tới kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu", 49 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Hội nghị được tổ chức với tinh thần truyền cảm hứng, tao động lực cho Ninh Thuận phát triển nhanh và bền vững.
Theo Thủ tướng, Ninh Thuận là một trong những tỉnh xây dựng quy hoạch sớm nhất, bản quy hoạch đầu tiên của tỉnh đã được ban hành, thực hiện trong hơn 10 năm, đưa Ninh Thuận vươn lên, tiến kịp, đi cùng các địa phương trên cả nước, từ một tỉnh nhóm dưới về phát triển trở thành một tỉnh phát triển trung bình, "đi lên từ "khó, khô và khổ", "biến không thành có, biến khó thành dễ, biến không thể thành có thể".
Đánh giá bản Quy hoạch vừa được công bố mang tính kế thừa và phát triển, Thủ tướng hy vọng Ninh Thuận có thể vượt lên trong thời gian tới.
Theo Thủ tướng, Quy hoạch đã xác định 6 lợi thế của Ninh Thuận. Theo đó, Ninh Thuận là tỉnh ven biển Duyên hải Nam Trung Bộ, nằm trên giao điểm của 3 trục giao thông chiến lược nối liền 3 vùng Đông Nam Bộ, Nam Trung Bộ và Tây Nguyên.
Tỉnh có tiềm năng phát triển du lịch; nằm ở ngã ba vùng trọng điểm du lịch quốc gia (Đà Lạt - Phan Rang - Nha Trang); có Vườn quốc gia Núi Chúa, nhiều công trình kiến trúc cổ Chămpa còn nguyên vẹn; có nhiều bãi tắm đẹp, nổi tiếng (Ninh Chữ, Cà Ná, Vĩnh Hy, Bình Tiên, Mũi Dinh và Nam Cương).
Tỉnh có lợi thế về phát triển nông, lâm nghiệp, thủy sản; bờ biển dài 105 km; là một trong 4 ngư trường lớn của cả nước. Hạ tầng phục vụ khai thác và dịch vụ hậu cần nghề cá được đầu tư tương đối hoàn chỉnh. Là địa bàn lý tưởng để sản xuất muối công nghiệp. Nhiều sản phẩm nổi tiếng như nho, táo, hành, tỏi, dê, cừu…
Ninh Thuận có tiềm năng lớn về phát triển năng lượng tái tạo; có tốc độ gió lớn nhất nước (trung bình 7,5 m/s); số giờ nắng trung bình trong ngày cao nhất nước (7,7 giờ mỗi ngày) với cường độ lớn.
Tỉnh cũng có điều kiện thuận lợi cho phát triển công nghiệp, nhất là ngành chế biến nông sản, sản xuất vật liệu xây dựng, khai thác và chế biến khoáng sản, may mặc và tiểu thủ công nghiệp. Có 2 khu công nghiệp Du Long, Phước Nam và nhiều cụm công nghiệp.
Ninh Thuận có bề dày lịch sử và nền văn hóa lâu đời; là nơi sinh sống của 32 dân tộc anh em với nền văn hóa các dân tộc phong phú, đa dạng, đậm đà bản sắc. Người dân Ninh Thuận có truyền thống anh hùng cách mạng, ý chí tự lực, tự cường, năng động, sáng tạo, thân thiện; ham học, ham làm, luôn có quyết tâm, khát vọng vươn lên.
Phát triển kinh tế biển, kinh tế đô thị, kinh tế du lịch, kinh tế di sản theo hướng xanh, số, tuần hoàn
Thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu nêu cao tinh thần trách nhiệm, khẩn trương triển khai hiệu quả Quy hoạch, đảm bảo tính tuân thủ và đồng bộ, phù hợp với quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch ngành. Điều phối, quản lý hiệu quả, bảo đảm liên kết, thống nhất và phát triển bền vững với tầm nhìn dài hạn, định hướng phát triển tổng thể, liên kết vùng, phát huy tiềm năng, lợi thế, phát triển mạnh mẽ kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường.
Cùng với đó, phát huy hiệu quả 3 vùng động lực; ưu tiên nguồn lực thực hiện đồng bộ, hiệu quả không gian phát triển. Phát triển kinh tế biển, kinh tế đô thị, kinh tế du lịch, kinh tế di sản theo hướng xanh, số, tuần hoàn. Tăng cường hợp tác, liên kết phát triển kinh tế với các địa phương trong vùng Nam Trung Bộ, khu vực Tây Nguyên.
Thủ tướng yêu cầu tỉnh phải phổ biến sâu rộng Quy hoạch bằng nhiều hình thức khác nhau để nhân dân, doanh nghiệp, nhà đầu tư hiểu, nắm rõ, từ đó ủng hộ quy hoạch, làm theo quy hoạch, giám sát việc thực hiện quy hoạch và thụ hưởng. Thủ tướng gợi ý tỉnh Ninh Thuận xây dựng Cung triển lãm quy hoạch.
Cảm ơn và hoan nghênh các doanh nghiệp đã chọn Ninh Thuận để đầu tư, Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần 3 cùng giữa Nhà nước, doanh nghiệp và nhà đầu tư: "Cùng lắng nghe, thấu hiểu"; "chia sẻ tầm nhìn và hành động"; "cùng làm, cùng thắng, cùng hưởng và cùng phát triển".
Thủ tướng đề nghị các doanh nghiệp hoạt động tuân thủ pháp luật; xây dựng chiến lược kinh doanh lâu dài, bền vững, thực hiện đúng cam kết đầu tư, thỏa thuận hợp tác; phù hợp định hướng, ưu tiên theo quy hoạch tỉnh…; tiên phong trong đổi mới sáng tạo, chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, chuyển giao công nghệ, tiên phong trong quản trị thông minh, hiện đại; đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; tích cực đóng góp ý kiến cho cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tiết giảm chi phí tuân thủ; thực hiện tốt văn hóa, đạo đức kinh doanh, trách nhiệm xã hội, bảo đảm đời sống cho người lao động, an sinh xã hội.
"Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp đã nói thì phải làm, đã cam kết thì phải thực hiện, đã thực hiện thì phải có kết quả thực chất, cân - đong - đo - đếm và lượng hóa được; góp phần hiện thực hóa Quy hoạch tỉnh, tạo khí thế, động lực mới cho phát triển tỉnh Ninh Thuận. Tôi tin tưởng Ninh Thuận sẽ hiện thực hóa được Quy hoạch và nếu Ninh Thuận là một tỉnh khó khăn làm được thì sẽ tạo động lực, truyền cảm hứng, góp phần để vùng duyên hải miền Trung, cả nước cùng phát triển", Thủ tướng nhấn mạnh.