Hiện thực hóa tiềm năng và khát vọng trên quê hương Đất Tổ

Ngày 5/12/2023, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ký Quyết định số 1579/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tỉnh Phú Thọ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Quy hoạch tỉnh với 38 báo cáo đề xuất tích hợp quy hoạch, bao gồm 13 phương án phát triển các huyện, thành, thị và 25 phương án phát triển các ngành, lĩnh vực cụ thể.

Một góc quy hoạch thành phố Việt Trì, trung tâm kinh tế - chính trị - xã hội của tỉnh Phú Thọ đến năm 2040.

Một góc quy hoạch thành phố Việt Trì, trung tâm kinh tế - chính trị - xã hội của tỉnh Phú Thọ đến năm 2040.

Theo Quy hoạch, đến năm 2030, Phú Thọ phấn đấu là tỉnh phát triển hàng đầu vùng Trung du và miền núi phía Bắc; có hệ thống kết cấu hạ tầng KT-XH đồng bộ. Hình thành chuỗi liên kết khu vực động lực của vùng tại vành đai Bắc Giang - Thái Nguyên - Phú Thọ và từng bước hình thành các trung tâm phát triển về du lịch, y tế, giáo dục và đào tạo, thương mại và logistics của tiểu vùng Tây Bắc. Phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; tạo dựng môi trường sống bền vững, chất lượng sống tốt cho người dân gắn với sử dụng bền vững tài nguyên, hệ sinh thái. Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa vùng Đất Tổ với hai di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Phát triển thành phố Việt Trì trở thành thành phố Lễ hội về với cội nguồn dân tộc Việt Nam.

Tầm nhìn đến năm 2050, Phú Thọ tiếp tục là tỉnh phát triển ở khu vực phía Bắc, nằm trong nhóm các tỉnh phát triển của cả nước. Là một trong những trung tâm công nghiệp, dịch vụ và du lịch hàng đầu của vùng Trung du và miền núi phía Bắc; là nơi đáng sống, đáng đến, an toàn và thịnh vượng.

Trên cơ sở Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Nghị quyết số 11 ngày 10/2/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển KT-XH, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Dự thảo Quy hoạch vùng Trung du và miền núi phía Bắc, các quy hoạch ngành, lĩnh vực; kế thừa những thành tựu nổi bật Quy hoạch tỉnh thời kỳ trước; trên cơ sở yêu cầu, nhiệm vụ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo quy hoạch chung, Phú Thọ đã xác định rõ 5 quan điểm phát triển chủ yếu: Phát huy hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của vùng Đất Tổ, cội nguồn dân tộc; phù hợp với định hướng, chiến lược phát triển KT-XH, quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch các ngành, lĩnh vực của cả nước; tăng cường liên kết giữa các địa phương trong vùng Trung du miền núi phía Bắc và vùng Thủ đô Hà Nội. Thực hiện chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao hiệu quả và giá trị gia tăng gắn với tăng trưởng xanh; lấy kinh tế số, kinh tế chia sẻ, kinh tế tuần hoàn làm yếu tố then chốt để đảm bảo phát triển bền vững. Tập trung thực hiện cơ cấu lại các ngành sản xuất, chuyển đổi mô hình phát triển theo chiều sâu; ưu tiên phát triển nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp chế biến, chế tạo và các ngành dịch vụ, du lịch trọng điểm. Phát huy tối đa nhân tố con người, khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo; thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với tăng quy mô và chất lượng dân số để tăng năng suất lao động. Kết hợp chặt chẽ giữa phát triển KT-XH với bảo đảm quốc phòng, an ninh; xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân, xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc; giữ vững ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội.

Bản đồ vị trí tỉnh Phú Thọ và các vùng phụ cận.

Bản đồ vị trí tỉnh Phú Thọ và các vùng phụ cận.

Để hiện thực hóa các mục tiêu đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, Phú Thọ xác định các nhiệm vụ và đột phá chiến lược: Một trung tâm (Xây dựng và phát triển đô thị Việt Trì trở thành thành phố Lễ hội về với cội nguồn dân tộc Việt Nam, là đô thị trung tâm vùng Trung du và miền núi phía Bắc, đạt tiêu chuẩn đô thị loại I); Hai hành lang kinh tế (Hành lang kinh tế dọc tuyến cao tốc Nội Bài - Lào Cai; Hành lang kinh tế dọc tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Tây; trọng tâm là hình thành các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu đô thị sinh thái nghỉ dưỡng, khu du lịch, dịch vụ có quy mô lớn, tạo đột phá đối với sự phát triển của tỉnh Phú Thọ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050) và Ba đột phá phát triển, Bốn nhiệm vụ trọng tâm.

Trong đó, Ba đột phá phát triển cần tập trung thực hiện là: Huy động mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển, trọng tâm là đầu tư, hoàn thiện kết cấu hạ tầng then chốt; Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, nguồn lao động có trình độ chuyên môn, kỹ thuật; Cải cách hành chính và tập trung cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Bốn nhiệm vụ trọng tâm được xác định gồm: Phát huy lợi thế so sánh để phát triển nhanh công nghiệp chế biến, chế tạo, dịch vụ, du lịch; đổi mới mô hình, tổ chức sản xuất trong nông, lâm nghiệp theo hướng hiện đại; Thu hút có hiệu quả nguồn vốn ngoài tỉnh, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác, thu hút và quản lý đầu tư; Bảo tồn và phát huy các giá trị lịch sử, văn hóa vùng Đất Tổ; Xây dựng Phú Thọ trở thành Trung tâm của tiểu vùng Tây Bắc ở các lĩnh vực: Du lịch, y tế, giáo dục và đào tạo, thương mại, logistics.

Bên cạnh đó, Quy hoạch tỉnh đã định hình những nét lớn của từng ngành, lĩnh vực chủ lực cũng như phân bố không gian lãnh thổ phát triển.

Có thể thấy, Quy hoạch tỉnh Phú Thọ được xây dựng với tư duy đột phá, tầm nhìn dài hạn dựa trên tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội và lợi thế cạnh tranh. Đây là sản phẩm kết tinh của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Phú Thọ, thể hiện khát vọng, ý chí và tầm nhìn phát triển của tỉnh.Quá trình thực hiện Quy hoạch, tỉnh đã tranh thủ sự hỗ trợ của các bộ, ngành Trung ương, ý kiến của các chuyên gia, các nhà khoa học, doanh nghiệp và người dân; đã tổ chức nhiều hội thảo cấp Trung ương, cấp tỉnh và lấy ý kiến rộng rãi của các tỉnh, thành phố. Quy hoạch tỉnh thời kỳ này cũng đã kế thừa những giá trị cốt lõi của Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Phú Thọ đến năm 2020 tại Quyết định số 99/QĐ-TTg ngày 14/7/2008 của Thủ tướng Chính phủ.

Một lần nữa khẳng định, Quy hoạch tỉnh là công cụ quan trọng trong định hướng, quản lý toàn diện các hoạt động phát triển KT-XH, góp phần hiện thực hóa mục tiêu đến năm 2030 Phú Thọ là tỉnh phát triển hàng đầu của vùng Trung du và miền núi phía Bắc; đến năm 2050 là tỉnh phát triển ở khu vực phía Bắc, nằm trong nhóm các tỉnh phát triển của cả nước, là nơi đáng sống, đáng đến, an toàn và thịnh vượng.

Trịnh Thế Truyền

Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn/kinh-te/hien-thuc-hoa-tiem-nang-va-khat-vong-tren-que-huong-dat-to/206625.htm