Cái khó của doanh nghiệp trong tuyển dụng nhân lực
Theo phản ánh của các doanh nghiệp, nhu cầu tuyển dụng nhân lực nhiều nhưng hiện tỷ lệ tuyển dụng được qua các trường đào tạo chỉ 1 - 2%. Thực tế, nhiều ngành nghề như logistics, kho bãi, kinh tế chia sẻ… rất khó tuyển dụng trong khi các cơ sở đào tạo thì chương trình đào tạo chưa sát thực tế với sự phát triển của công nghệ.
Thiếu nhân lực trầm trọng
Đánh giá về bức tranh thị trường lao động 8 tháng đầu năm, bà Hoàng Thị Minh Ngọc - Giám đốc Vận hành Chợ Tốt kiêm Giám đốc Việc Làm Tốt, cho biết theo số liệu của nền tảng tìm việc và tuyển dụng trực tuyến Việc Làm Tốt, nhu cầu tuyển dụng trong 8 tháng đầu năm 2024 trên nền tảng tăng trưởng 30% so với cùng kỳ năm 2023, tập trung ở các vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Các nhóm nghề: Tài xế và Kho vận; Công nhân; Xây dựng và Bất động sản có tốc độ tăng trưởng tuyển dụng cao nhất.
Theo khảo sát của Việc Làm Tốt, 85% doanh nghiệp (DN) trả lời khảo sát cho biết họ đang gặp phải tình trạng thiếu lao động. Hơn thế nữa, 30% DN trong số đó đang đối mặt với tình trạng thiếu hụt nhân sự trầm trọng.
Theo bà Ngọc, có 3 thách thức trong việc tuyển dụng nhân lực của DN, đó là: 40% nhà tuyển dụng chia sẻ phải mất quá nhiều thời gian để liên hệ và sàng lọc do hồ sơ ứng viên không đầy đủ; Sự phù hợp yêu cầu của ứng viên: 14% ứng viên đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về chuyên môn, kỹ năng mềm và thái độ mà nhà tuyển dụng đặt ra; Sự cạnh tranh của các công ty trong ngành.
Bà Lâm Thị Ngọc Ngân - Giám đốc Nhân sự Công ty CP PIZZA 4PS cho biết, bình quân mỗi năm, công ty cần tuyển khoảng 3.000 nhân sự, chủ yếu là lao động trẻ. Tuy nhiên, nguồn cung không đủ cầu và hiện nguồn tuyển của DN chủ yếu qua các trang tuyển dụng trực tuyến, qua mạng xã hội… Nhân sự mới tuyển dụng, sẽ được công ty đào tạo ngay từ đầu, nhiều vị trí phải bỏ rất nhiều công sức đào tạo song tỉ lệ nhảy việc rất cao, đây là một khó khăn. Do vậy, để giữ chân người lao động, ngoài tiền lương, điều DN hướng tới là tạo ra nhiều giá trị dài lâu hơn cho người lao động.
Tương tự, ông Trần Thanh Sơn - Trưởng phòng Hành chính - Nhân sự Công ty TNHH May mặc Song Ngọc cho biết, thời gian qua, DN gặp rất nhiều khó khăn trong tuyển dụng; năm 2024, lần đầu tiên bộ phận tuyển dụng không tuyển đủ lao động cho nhà máy.
Ông Bùi Việt Nam - Giám đốc Truyền thông Thương hiệu Tổng Công ty CP May Nhà Bè cũng cho biết, thời gian gần đây, nhu cầu tuyển dụng của May Nhà Bè tăng cao và gặp khó khăn trong quá trình tuyển dụng.
“Trước đây, những DN thâm dụng lao động được xem là thế mạnh nhưng hiện nay không còn nữa. Chúng tôi gần như làm tất cả những gì có thể để thu hút tuyển dụng, kể cả đến các trung tâm dịch vụ việc làm, tham gia ngày hội tuyển dụng, đăng tuyển trên các trang tuyển dụng uy tín,... nhưng cũng không hiệu quả” - ông Nam chia sẻ.
Đảm bảo chính sách phúc lợi cho người lao động
Báo cáo của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) cho biết, 8 tháng năm 2024 thị trường lao động đã có sự phục hồi rõ rệt, tuy nhiên thị trường vẫn đang tồn tại bất cập. Theo đó, cả nước có hơn 1,06 triệu người trong độ tuổi lao động không có hoặc thiếu việc làm, không tham gia lao động, trong khi các DN vẫn khó tuyển người.
Ông Phạm Anh Thắng - Phó Chánh Văn phòng Bộ LĐTBXH cho rằng, thị trường lao động là một trong 3 đầu vào của nền kinh tế, tác động rất lớn đến nền kinh tế - xã hội. Sau hơn 40 năm thực hiện đường lối đổi mới, tình hình lao động việc làm, thị trường lao động tại Việt Nam đã có rất nhiều đổi mới và đạt được nhiều kết quả nổi bật.
Theo ông Thắng, cả nước hiện có 52,4 triệu lao động, đây chính là một lợi thế. Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động hiện nay là 68,9%. Tuy nhiên, trong bối cảnh của nền công nghệ số, chuyển đổi số, chúng ta đang đối mặt với khó khăn trong tiếp cận người lao động. Tỷ lệ người lao động qua đào tạo hiện nay rất cao nhưng tỉ lệ lao động qua đào tạo mà có bằng cấp, chứng chỉ lại không cao.
“Hiện cả nước có 1.886 cơ sở đào tạo nghề, hoàn toàn đủ điều kiện đào tạo cho DN. Vấn đề còn lại là DN cần liên kết với các cơ sở đào tạo. Và, để đạt hiệu quả tuyển dụng, bên cạnh chính sách về tiền lương, DN phải có các phúc lợi như nhà ở, nhà trẻ, song song với đó là họ phải được tôn trọng và có cơ hội phát triển…” - ông Thắng nói.
Để có thể giữ chân cũng như tuyển dụng được nguồn nhân lực như kỳ vọng, ông Đàm Trung Hiếu- Phó Trưởng Phòng Quản lý Lao động Ban Quản lý các khu chế xuất – công nghiệp TPHCM cho rằng, các DN phải đảm bảo về tiền lương, chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; song song đó đảm bảo các nhu cầu sống như nhà lưu trú, nhà trẻ, chăm sóc sức khỏe…
Nhằm rút ngắn khoảng cách cung - cầu về nguồn nhân lực, nhiều ý kiến cho rằng, cần phải có hệ thống thông tin dữ liệu người lao động chuẩn, chính xác để DN thuận lợi hơn nắm bắt và tuyển dụng đồng thời nâng cao ý thức của người lao động ứng tuyển và làm việc tại một DN.